Bài phát biểu của GS.TSKH. Lê Đức An, nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Địa lý

04/12/2013 01:59
Kính thưa GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, Người lãnh đạo kính mến của thế hệ chúng tôi,
Kính thưa GS.TSKH. Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học  và Công Nghệ Việt Nam,
Kính thưa PGS. TS. Lại Vĩnh Cẩm, Quyền Viện trưởng Viện Địa lý,
Kính thưa các vị đại biểu, các vị khách quý và các bạn đồng nghệp!
 
Trước hết cho phép tôi được tỏ lời cảm ơn Ban tổ chức đã có ưu ái dành cho tôi ít phút để phát biểu ý kiến trong Lễ trọng thể này - Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Địa lý, với tư cách là người Viện trưởng đầu tiên của Viện!

Đúng 20 năm trước, cũng chính tại Hội trường này đã làm lễ ra mắt Viện Địa lý trong sự chờ đón có thể nói là khá lâu dài chẳng những của đội ngũ khoa học của Viện mà còn của đông đảo các nhà địa lý trong cả nước. Như vậy là 20 năm đã trôi qua! Hai mươi năm là khoảng thời gian đủ dài đối với một người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhưng thực sự hãy còn là thời gian cho xây dựng và trưởng thành của một Viện nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng cấp quốc gia, tìm tòi hướng phát triển.

Những thành tích đã đạt được trong 20 năm ấy của Viện Địa lý vừa được PGS Lại Vĩnh Cẩm, quyền Viện trưởng trình bày trước quý vị. Đó là những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào. Mặc dù con đường phấn đấu không hoàn toàn chơn chu, nhưng những thành quả đã đạt được của Viện Địa lý trong xây dựng cơ sở vật chất, trong nghiên cứu, ứng dụng, hợp tác và đào tạo đã không phụ lòng mong mỏi của các cấp lãnh đạo, cũng như đã đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo các nhà địa lý trong nước. Viện Địa lý đã hết lòng phấn đấu để thật sự trở thành một cơ sở nghiên cứu đầu ngành chẳng những về các chuyên ngành khoa học địa lý hiện đại mà còn luôn cố gắng đưa những thành tựu nghiên cứu ấy vào thực tiễn cuộc sống của xã hội, nhằm bảo đảm việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.

Phải cách xa một thời gian và quay trở lại người ta mới thấy được nhiều đổi thay, nhiều điều mới mẻ, cũng như sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện ngày nay, mà bản thân tôi rất kỳ vọng và đặt niềm tin lớn vào họ. Cho phép tôi được nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu quý giá mà Viện Địa lý đã đạt được trong 20 năm qua, đồng thời tôi cũng xin gửi lời biết ơn chân thành tới họ - toàn thể các thế hệ lãnh đạo và cán bộ nhân viên của Viện đã phấn đấu không mệt mỏi và đã xây dựng được cho đến lúc này một “truyền thống” và một “thương hiệu” của Viện Địa lý! Hãy kiên trì phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa để giữ vững và phát huy mãi truyền thống và thương hiệu đó!

Riêng cá nhân tôi: cũng đã 15 năm kể từ ngày nghỉ nhiệm vụ lãnh đạo và 11 năm ăn lương hưu. Tuy nhiên Viện Địa lý và Phòng Địa mạo của Viện đã luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho tôi được tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu khoa học trong mức độ có thể, mà tôi luôn biết ơn sự quan tâm đó. Đặc biệt nhân dịp này tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới GS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người đã trực tiếp giúp đỡ cho xuất bản các chuyên khảo mà chúng tôi đã hoàn thành trong thời gian vừa qua.


Về dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện, với rất nhiều cảm xúc và nhiều điều muốn nói, nhưng tôi chỉ xin phép được nói lên một cảm nghĩ – đó là cảm nghĩ về việc “còn mắc nợ”! Thật vậy, sau 20 năm rồi, một công trình “Địa lý Việt Nam” hiện đại vẫn chưa thể ra đời, mặc dù nó đã được nhen nhóm ngay từ những năm đầu thành lập Viện. Có thể là chúng ta đã quá mải mê chăng chạy theo các đơn đặt hàng của Nhà nước và địa phương mà dần bỏ mất nhiệm vụ cơ bản đó (?), mà về mặt này thì chúng ta đã thua xa các ngành Sử học và Văn học (mà PGS. Lại Vĩnh Cẩm đã nhắc đến ngày ra đời Ban Văn-Sử-Địa trong báo cáo của mình), cũng như ngành Sinh học. Tôi luôn hy vọng đó sẽ là một công trình khoa học lớn phản ánh đầy đủ những thành tựu nghiên cứu và ứng dụng mới nhất của Địa lý học Việt Nam, đặc biệt là nội dung về Địa lý Biển Đông, mà không một công trình địa lý nào đã xuất bản có điều kiện đề cập đến, với những kiến thức cập nhật nhất.

Và tôi vẫn hy vọng rằng đến kỳ Kỷ niệm 25 năm thành lập Viện, “món nợ” đó sẽ được trả!

Cuối cùng cho phép tôi được chân thành chúc Viện Địa lý ngày càng dành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhiều hơn nữa những đòi hỏi của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước!

Kính chúc các Quý vị đại biểu, các vị khách quý, các bạn đồng nghiệp dồi dào sức khỏe và thành công!

CÁM ƠN!
8/10/2013
Lê Đức An
Liên kết website khác