Bàn về tài nguyên không gian

11/08/2015 05:18
1.GIỚI THIỆU

Tuy vậy, không gian với tư cách là một dạng tài nguyên thiên nhiên thì gần đây mới được đề cập đến trong một văn liệu của Ủy Ban Châu Âu (EC) gửi Hội đồng và Nghị viện Châu Âu vào năm 2003 với tên gọi “Hướng tới một Chiến lược Chuyên đề về sử dụng bền vững Tài nguyên thiên nhiên” [6]. Tuy trong bản báo cáo này nó được nhắc tới dưới cái tên là tài nguyên không gian (space resources), nhưng theo nội hàm được gắn cho nó thì đó chính là không gian địa lý thuộc những cấp độ khác nhau. Tiếc rằng, hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức nào về khái niệm và nội dung của dạng tài nguyên này trong các từ điển hoặc bách khoa thư, kể cả trong Wikipedia. Trong khi đó, việc nghiên cứu cặn kẽ về chúng lại rất cần thiết, cả ở cấp vĩ mô với ý nghĩa là phương tiện sinh tồn cho toàn nhân loại, cả ở quy mô của công tác quy hoạch, định hướng không gian phát triển mà lâu nay đã trở thành rất quen thuộc với toàn xã hội. Mô tả về dạng tài nguyên này được chúng tôi trình bày trong công trình [2] với quan niệm coi chúng là một trong ba dạng tài nguyên thiên nhiên đặc thù của Đới bờ biển Việt Nam, cùng với Di sản thiên nhiên và Tài nguyên vị thế (position resources).

Với cách hiểu như trên, có thể nhận ra rằng con người từ lâu đã xem không gian như là một dạng tài nguyên và đã nghiên cứu nó ở những cấp độ khác nhau, tùy theo yêu cầu của thực tiễn: - ở tầm vĩ mô, đó là những nghiên cứu mang tính học thuyết, đưa ra những chiến lược phát triển khác nhau cho một quốc gia hay cho toàn thế giới; - ở tầm ứng dụng cơ sở, đó là những nghiên cứu phục vụ cho quy hoạch lãnh thổ thuộc những cấp độ khác nhau: địa phương, vùng, quốc gia, liên quốc gia và toàn cầu. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ dành sự phân tích chủ yếu cho trường hợp thứ hai, tức là nghiên cứu không gian như một dạng tài nguyên thiên nhiên, mang trên mình (sản sinh và duy trì) những dạng tài nguyên thiên nhiên khác và có thể vận dụng trực tiếp cho việc định hướng không gian phát triển trong các nghiên cứu địa lý ứng dụng.

2.TÀI NGUYÊN KHÔNG GIAN: KHÁI NIỆM, ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Khái niệm

+ Ở tầm vĩ mô


Trên tầm vĩ mô, trước hết đó là không gian vũ trụ bên ngoài khí quyển của Trái Đất. Trước kia, khi con người còn chưa có những phương tiện chinh phục vũ trụ thì đơn thuần gọi là không gian vũ trụ hay không gian giữa các vì sao. Ngày nay, với sự ra đời và hoạt động liên tục của các vệ tinh nhân tạo và tàu vũ trụ, chúng đã trở thành “tài nguyên không gian” phân bố bên ngoài Trái Đất, trên Mặt Trăng, và các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời (theo spaceresources.mines.edu). Việc chúng trở thành tài nguyên có thể thấy qua cuộc chạy đua của các cường quốc vũ trụ đổ bộ lên Mặt Trăng hoặc những chương trình thăm dò các hành tinh gần Trái Đất.

Không gian Trái Đất là ngôi nhà của nhân loại có diện tích tương ứng với 510 triệu km2. Con người khai thác không gian này làm nơi ở và sinh sống. Tài nguyên không gian ấy được gọi là không gian cư trú của toàn nhân loại (écoumène, ecumene, oikoumene, œcumene) mà ngày xưa thường coi là nhỏ hơn không gian Trái Đất, nhưng từ nay nó đã bằng và còn vượt trội hơn, vì đã có cả phần không gian của các vệ tinh và tàu vũ trụ có người ở.

Không gian địa lý là phần bề mặt Trái Đất được các xã hội loài người sử dụng và thực hiện hành động quy hoạch không chỉ nhằm phục vụ cho cái ăn, chỗ ở mà còn nhằm duy trì những hoạt động xã hội phức tạp của mình. Nó bao gồm tập hợp những nơi chốn, địa điểm và những mối quan hệ giữa chúng [5]. Không gian địa lý thường được coi là đất đai, liên quan với quyền sở hữu và được xem như một lãnh thổ (en.wikipedia.org.). Với ý nghĩa đó, tính chất tài nguyên của không gian càng trở nên rõ ràng hơn. Chính không gian này là đối tượng nghiên cứu của các nhà địa lý.

Trong nghiên cứu không gian địa lý, đã xuất hiện một số trường phái cùng những triết thuyết có ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử và sự phát triển của thế giới. Trong số đó có những thuyết tiêu cực, thậm chí phản động. Có thể nêu làm ví dụ thuyết Quyết định luận Địa lý của Ratzen (1897) [1], nó bào chữa cho những cuộc chiến tranh xâm lược, biến tướng thành thuyết Địa-chính trị phản khoa học vào thời kỳ phát triển của chủ nghĩa đế quốc. Ratzen vận dụng học thuyết chức năng vào sự phát triển của một quốc gia: nếu một cơ thể cần thức ăn, thì quốc gia cần lãnh thổ, cần không gian; một quốc gia muốn giữ vững sức mạnh của mình, hơn nữa lại muốn tiếp tục phát triển, thì cần có một lãnh thổ ngày càng rộng hơn. Trong khi biên giới, theo học thuyết này, lại là nhân tố hạn chế, nếu muốn phát triển phải đẩy ra xa hơn. Quan điểm về Không gian Sinh tồn (lebensraum - espace vital) cũng gắn với tên tuổi của Ratzen. Chính là dựa theo đó mà Rudolf Kjellen và Haushofer đã đ­ưa ra thuật ngữ "Địa-chính trị" để chỉ một mảng của Địa lí Chính trị nghiên cứu quan hệ sống còn giữa quốc gia và lãnh thổ (qua tạp chí Geopolitik, 1924). Adolf Hitler là một trong những ng­ười đã chú ý đến điều đó. Cho nên Địa-chính trị của họ bị mang mầu sắc phát xít và cũng bị tiêu vong theo sự bại trận của phát xít Đức vào 1945 [3]. Tuy nhiên, ngày nay hình như lại đang xuất hiện một luận thuyết tương tự về “mở mang không gian biển”, mà nhân loại cần phải hết sức cảnh giác. Còn về thuật ngữ địa-chính trị cần có những cách hiểu và ứng dụng linh hoạt hơn trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay.

+ Ở tầm ứng dụng cơ sở

Không gian địa lý vốn là một thực thể tự nhiên nhưng đã mang đậm dấu ấn của con người. Nó có chủ nhân hay người sử dụng: những cá nhân (gia đình), những nhóm người, những tập đoàn, những khu, bang, những quốc gia. Nó có những quy luật và quy tắc tổ chức và phân dị mang tính phổ quát, song cũng có những đặc thù tùy thuộc vào những hệ thống xã hội. Nó mang trên mình những nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và do đó bản thân nó cũng là một dạng của tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng chính là cách hiểu của Ủy ban Châu Âu (EC) mà chúng tôi đã sử dụng trong các phân tích của mình. Uỷ ban Châu Âu đã xác định tài nguyên thiên nhiên có 4 loại: 1) Nguyên liệu (khoáng sản, sinh khối); 2) Chất liệu môi trường (không khí, đất, nước); 3) Tài nguyên dạng dòng năng lượng (gió, địa nhiệt, thủy triều, Mặt Trời); và 4) Không gian. Không gian ở đây được xác định là đất đai và biển (land, sea), được coi là thuộc dạng tài nguyên chủ đạo, bởi không gian địa lý là nơi sản sinh ra hoặc duy trì cả ba dạng tài nguyên nêu trên, nơi đất đai được sử dụng cho các hoạt động phát triển của con người như xây dựng nơi ở, cơ sở hạ tầng, công nghiệp, khai khoáng, lâm nghiệp,v.v.[6].

Từ những khái niệm nêu trên, có thể đề nghị một định nghĩa sơ bộ như sau: “Tài nguyên không gian là những nguồn lợi và giá trị mà một vùng đất hay vùng biển và khoảng không bên trên có chủ quyền (quốc gia, địa phương, tập thể,...), có thể mang lại cho xã hội nhờ là nơi sản sinh ra hoặc lưu giữ-duy trì các tài nguyên thiên nhiên,  là nơi triển khai việc khai thác và sử dụng các tài nguyên ấy, là nơi diễn ra các hoạt động phát triển nói chung của con người”.

Như vậy, mỗi một vùng đất và vùng trời đều chứa đựng đồng thời nhiều dạng tài nguyên khác nhau mà chúng được sử dụng bởi nhiều phương thức khác nhau, tuy đều với mục đích cuối cùng là phục vụ cuộc sống vật chất và tinh thần của con người. Thí dụ, một địa phương có đặc điểm thổ nhưỡng thuận lợi cho trồng cây ăn trái tạo nên thương hiệu nổi tiếng, thì nguồn lợi đó thuộc về tài nguyên đất. Địa phương đó còn có một vùng rừng núi cảnh quan đẹp được công nhận là một di sản thiên nhiên – một thắng cảnh quốc gia, và thu hút nhiều khách du lịch. Bản thân di sản – thắng cảnh đó thường được coi là thuộc về tài nguyên  địa chất-địa mạo, trong khi đó nguồn lợi thu được nhờ có thắng cảnh, theo phân loại tài nguyên của EC, có thể xếp vào tài nguyên không gian của vùng đất đó, với nghĩa nó là nơi sinh ra và lưu giữ một thắng cảnh quốc gia và cũng là nơi có không gian để tổ chức thưởng ngoạn thắng cảnh đó. Cũng tại địa phương này trong lòng đất còn chứa đựng một khối lượng khoáng sản có ích có thể khai thác để mang lại lợi ích về kinh tế. Lợi ích đó được coi là thuộc về tài nguyên khoáng sản, phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của chính quặng mỏ, là nhóm tài nguyên đầu tiên theo phân loại của EC. Tuy nhiên để tổ chức khai thác khoáng sản, địa phương đó còn cần có những không gian thích hợp để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhà máy, khu công nghiệp, để từ đó mang lại nhiều lợi ích thực tế cho xã hội, về cả vật chất lẫn tinh thần. Không gian thích hợp cho việc tổ chức khai thác và xây dựng cơ sở hạ tầng để mang về nhiều lợi ích chính là tài nguyên không gian của địa phương đó.  

Mặt khác địa phương nói trên còn nằm tại một vị trí địa lý là trung tâm của vùng kinh tế, và từ đó có điều kiện phát triển mạnh ngành dịch vụ giao thông và thương mại, thì nguồn lợi có được từ ngành dịch vụ là thuộc về tài nguyên vị thế, là nguồn lợi địa-kinh tế, và nó nằm ngoài phạm trù của tài nguyên thiên nhiên (theo phân loại của EC).

Từ định nghĩa sơ bộ và thí dụ nêu trên có thể tạm thời xác định tài nguyên không gian (TNKG) có hai thuộc tính cơ bản (Hình 1):

- Không gian sản sinh hoặc lưu giữ-duy trì các dạng tài nguyên thiên nhiên;
- Không gian triển khai việc khai thác và sử dụng các dạng tài nguyên đó, cũng như các hoạt động phát triển của con người nói chung.
 


Phỏng theo [6]
Hình 1. Vị trí của Tài nguyên không gian trong Tài nguyên thiên nhiên.

2.2. Đối tượng và nội dung nghiên cứu

+ Đối tượng nghiên cứu của TNKG chính là không gian địa lý, bao gồm bề mặt của các vùng đất và vùng biển, cũng như vùng trời bên trên chúng. Không gian đó được đánh giá không phải từ những giá trị của những tài nguyên thiên nhiên mà nó sinh ra hay lưu giữ, mà ở khả năng mà không gian đó có thể phục vụ cho việc khai thác và sử dụng các dạng tài nguyên ấy vì lợi ích của xã hội, cũng như cho các hoạt động phát triển của con người nói chung.

Nghiên cứu TNKG là một dạng điều tra cơ bản, kiểm kê tài nguyên, nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch lãnh thổ, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đồng thời cũng phục vụ việc quản lý lãnh thổ của các cấp chính quyền, của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nói chung và TNKG nói riêng. 

+ Để nghiên cứu TNKG có thể sơ bộ xác định các nội dung chính sau đây:
 
- Khái quát hóa các dạng tài nguyên thiên nhiên có khả năng khai thác mang lại lợi ích kinh tế hoặc văn hóa-xã hội trong phạm vi lãnh thổ đang xem xét;
 
- Phân loại và thống kê các loại bề mặt theo hình thái và nguồn gốc tồn tại trong phạm vi lãnh thổ đó (đơn vị đo bằng hecta hoặc kilomét vuông), ranh giới chiều cao của vùng trời lấy theo chiều cao không phận của quốc gia[3]/.

- Đánh giá TNKG. Một lãnh thổ được coi là có TNKG đa dạng và phong phú khi lãnh thổ đó có bề mặt đa dạng về hình thái và nguồn gốc; các dạng và yếu tố địa hình đó có thể được sử dụng cho xây dựng rất nhiều dạng công trình có tính năng và công dụng khác nhau. Trong một số trường hợp cụ thể các bề mặt này có thể được định giá bằng tiền (như đánh giá đất đai cho mở rộng đô thị, mở đường giao thông).

-  Đánh giá hiện trạng sử dụng TNKG của lãnh thổ. Tương tự như các dạng tài nguyên khác TNKG cũng có thể được sử dụng tiết kiệm hoặc lãng phí, cũng có thể còn được bảo tồn tốt hoặc đã bị cạn kiệt, giảm chất lượng. Không gian (vùng đất và vùng biển) cần được coi là một dạng tài nguyên quý hiếm trong quá trình đánh giá và sử dụng.
 
Theo đánh giá của EC [6] TNKG của Châu Âu trong hai thập kỷ gần đây đã không được sử dụng có hiệu quả, với thực tế là các diện tích dành cho xây dựng tăng lên nhanh chóng, mở rộng đến 20%, trong khi dân số tăng có 6%. Hệ quả là nhiều vùng đất màu mỡ bị mất đi, đồng thời đã chia cắt vụn không gian tự nhiên của Châu Âu ra nhiều mảnh.
 
 
- Đề xuất hoặc kiến nghị các phương hướng hoặc giải pháp bảo tồn, sử dụng hợp lý, có hiệu quả TNKG, bởi lẽ tài nguyên này một khi đã sử dụng thì khó bề phục hồi lại được, hoặc để phục hồi cần tiêu tốn nhiều nguồn lực, tài nguyên khác.

2.3. Tài nguyên không gian với địa lý học

Đối tượng nghiên cứu của TNKG như đã trình bày ở trên, chính là không gian địa lý, gồm đất đai và biển, và đó cũng là một hợp phần quan trọng của lớp vỏ địa lý – đối tượng nghiên cứu của địa lý học. Chính vì mối quan hệ “huyết thống” đó mà việc nghiên cứu TNKG sẽ có một mối liên hệ hữu cơ với địa lý học, được thể hiện như sau: để nghiên cứu TNKG chúng ta có thể và cần phải sử dụng các cách tiếp cận và phương pháp của địa lý học, và ngược lại nghiên cứu TNKG cũng có thể coi là một cách tiếp cận và một phương pháp để nâng cao hiệu quả và tính thực tiễn của nghiên cứu địa lý nói chung.

+ Nghiên cứu TNKG với cách tiếp cận hệ thống và tổng hợp

Với những nội dung nghiên cứu về TNKG đã nêu ở trên, rõ ràng chúng ta phải sử dụng tổng hợp nhiều chuyên ngành của địa lý học, trong đó nổi bật là địa mạo, địa sinh thái, địa lý kinh tế, và các chuyên môn khác, với các phương pháp và kỹ thuật như viễn thám, GIS, v.v. Thật vậy, khi tiếp cận một lãnh thổ để đánh gía TNKG nhiệm vụ đầu tiên thuộc về địa mạo học, đồng thời cần kết hợp cùng nhiều chuyên ngành khác, với các nội dung chính như sau (nhiều nội dung cần phải đầu tư nghiên cứu chi tiết tiếp theo):
 
- Phân chia lãnh thổ ra các bề mặt có hình thái và nguồn gốc khác nhau (thành lập một bản đồ các bề mặt cùng nguồn gốc, với yếu tố trắc lượng hình thái); các tài nguyên địa chất-địa mạo (các di sản và các kỳ quan, v.v.). Đánh giá địa hình cho các mục đích khai thác, sử dụng khác nhau – cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v.;

- Nghiên cứu tài nguyên sinh vật, môi trường sinh thái và vấn đề phát triển bền vững lãnh thổ;

- Tổng hợp các dạng tài nguyên hiện hữu trong phạm vi lãnh thổ và đánh giá kinh tế chúng (tùy mức độ, theo mục tiêu);

- Đánh giá TNKG và hiện trạng sử dụng các tài nguyên ấy, cùng với các vấn đề quy hoạch lãnh thổ; vấn đề bảo vệ, phục hồi và bảo tồn TNKG;

- Thành lập bản đồ TNKG, cùng với sơ đồ phân vùng; đối tượng thể hiện trên bản đồ và cấu tạo của chú giải cần có nghiên cứu cụ thể, theo các loại tỷ lệ bản đồ.
 
+ TNKG và nhiệm vụ nghiên cứu địa lý nói chung

Nghiên cứu TNKG về phần mình lại trở thành một phương pháp-một cách tiếp cận có hiệu quả để tiến hành nghiên cứu địa lý nói chung, đặc biệt là các dạng nghiên cứu đánh giá các đơn vị địa lý-tài nguyên tổng hợp (hoặc các cảnh quan cá thể) cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Thật vậy, không gian địa lý của một lãnh thổ thực chất là một khối không gian ba chiều, có các bề mặt biên được giới hạn bởi quyền sở hữu, còn trong lòng của nó được đan xen lấp đầy bởi tập hợp các yếu tố điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên với một cấu trúc nhất định, mà nghiên cứu TNKG hướng tới phát triển bền vững lãnh thổ đó có thể đem lại những giá trị (kết quả) mới bổ sung cho các nghiên cứu truyền thống. Có thể nêu lên hai nội dung cơ bản làm thí dụ: đánh giá cảnh quan và quy hoạch không gian.

- Đánh giá cảnh quan cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong khung khổ  TNKG sẽ có điều kiện phân tích được nhóm các hoạt động phát triển không tiêu hao (hoặc tiêu hao không đáng kể) TNKG, như nông lâm, ngư nghiệp và du lịch, với nhóm các hoạt động phát triển cần phải tiêu hao TNKG, như xây dựng đô thị, giao thông vận tải, công nghiệp, khai khoáng, v.v. Từ đó có thể đưa ra những lựa chọn hợp lý hơn, và kết quả đánh giá sẽ chuẩn xác hơn.

- Quy hoạch không gian, đặc biệt là không gian biển, đang rất được các nhà quản lý quan tâm và đã tiến hành thí điểm ở nhiều địa phương khác nhau, trong đó có dải ven biển và vùng biển ven bờ Quảng Ninh-Hải Phòng. Quy hoạch không gian với sự sử dụng kết quả đánh giá TNKG sẽ nêu bật lên được nội dung phân vùng chức năng, trong đó những không gian cần được bảo tồn, cần được cải tạo, hoặc cần và có thể được phát triển với mức độ khác nhau được phân biệt rõ ràng hơn nhờ các yếu tố không gian đã được đánh giá, và do đó mục tiêu phát triển bền vững có thể sẽ được bảo đảm tốt hơn.  

3. TÀI NGUYÊN KHÔNG GIAN ĐỚI BỜ BIỂN VIỆT NAM

Nhằm có tài liệu để có thể thảo luận một cách cụ thể chúng tôi thử nêu tóm tắt một số nội dung của TNKG của đới bờ biển Việt Nam, như là một thí dụ chủ yếu về phương pháp luận. Đới bờ biển ở đây được quan niệm có ranh giới trên đất liền là ranh giới hành chính bên trong của các huyện, quận, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) ven biển, còn ranh giới trên biển thông thường lấy đến các độ sâu 30-50, 100 hoặc 200 m. 

3.1. Khái quát về không gian và tài nguyên thiên nhiên đới bờ biển Việt Nam

Đới bờ biển (ĐBB) Việt Nam, tổng hợp theo Niên giám thống kê [4] và Tập bản đồ hành chính Việt Nam[4]/ thuộc về 28 tỉnh và thành phố (trực thuộc trung ương) ven biển, gồm 21 thành phố (thuộc tỉnh), 7 thị xã, 9 quận, và 99 huyện, tổng cộng có 136 đơn vị hành chính, với diện tích  47.700 km2 và dân số 18.077.007 người (tháng 4/2009)[5]/, chiếm 14,4% diện tích đất liền và đảo và 21,0% dân số toàn quốc (diện tích mặt biển hiện chưa được thống kê). Trong diện tích và dân số nêu trên, ở dải ven biển có 45.980 km2 và 17.809.128 người, mật độ 387,3 người/km2; còn hệ thống đảo ven bờ có diện tích 1.720 km2 với dân số 267.879 người, mật độ 155,6 người/km2.

ĐBB Việt Nam chứa đựng nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất của đất nước: than, sắt, ilmênit, dầu khí, vật liệu xây dựng; cũng trong phạm vi không gian  này tập trung các di sản và kỳ quan thiên nhiên thế giới của Việt Nam: Vịnh Hạ Long (đã 3 lần được vinh danh), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (trong phạm vi các tỉnh ven biển còn có Khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình).

Về tài nguyên sinh vật, ĐBB có tới 6 Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong 8 Khu của cả nước: Rừng ngập mặn Cần Giờ, Quần đảo Cát Bà, Liên tỉnh ven biển Châu thổ Sông Hồng, Ven biển và Biển đảo Kiên Giang, Cù Lao Chàm và Mũi Cà Mau. Cũng ở ĐBB có 11 vườn quốc gia trong 30 vườn quốc gia của cả nước: Bái Tử Long, Cát Bà, Xuân Thủy, Phong Nha-Kẻ Bàng, Bạch Mã, Núi Chúa, Côn Đảo, Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ và Phú Quốc. Ngoài ra tại ĐBB còn có 15 trong 16 Khu bảo tồn biển  của cả nước (Quy hoạch năm 2010).

Tiềm năng điện gió của Việt Nam theo Ngân hàng Thế giới (WB) là khoảng 513.360 MW, chủ yếu tập trung ở dải ven biển và trên các hải đảo, trong đó có các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, ven biển Nam Bộ, các đảo Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Trường Sa, v.v.(theo cpc.vn). Các nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Bạc Liêu, Phú Quý cũng đã đi vào hoạt động. Về năng lượng thủy triều, vùng biển Quảng Ninh và Hải Phòng có tiềm năng phát triển điện thủy triều lớn nhất nước ta, công suất có thể đến 550 MW (theo nangluongvietnam.vn).

Tài nguyên đất, nước, không khí thuộc môi trường ĐBB cũng đã có những biểu hiện về nguy cơ ô nhiễm do tác động của hoạt động khai thác khoáng sản, nông ngư nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch (Báo cáo Môi trường quốc gia 2010 của Bộ TN&MT).

3.2. Sơ bộ về TNKG của đới bờ

Như trên đã nêu, diện tích đất đai của ĐBB là không nhiều, khoảng 47.700 km2, còn diện tích của vùng biển nông ven bờ có đến vài trăm ngàn kilômet vuông, tuy nhiên hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể.

Đất đai của ĐBB đa dạng về hình thái và nguồn gốc, tạo nên một TNKG to lớn, là một ưu thế vượt trội so với các vùng nội địa; đó cũng là điều dễ hiểu bởi ở ĐBB là nơi tác động tương hỗ của đầy đủ các quyển là thạch quyển, thủy quyển, khí quyển, sinh quyển, và cũng là nơi có tác động mạnh mẽ nhất của con người (Bảng 1)[6]/.

+ Bề mặt đồng bằng châu thổ, do hoạt động tích tụ của sông và biển tạo thành, có bề mặt bằng phẳng, là tài nguyên đất quý giá cho nông nghiệp, đồng thời là TNKG quan trọng của ĐBB phục vụ cho xây dựng nơi cư trú, cơ sở hạ tầng cho phát triển các ngành kinh tế, cho các hoạt động phát triển văn hóa-xã hội, v.v. Tổng diện tích của các đồng bằng ven biển này (thuộc ĐBB): Bắc Bộ 1.904 + Trung Bộ 3.400 + Nam Bộ 11.516 = 16.820 km2.

+ Bề mặt đồng bằng, cồn đụn cát, phát triển ở Miền Trung, chủ yếu từ Quảng Bình đến Bình Thuận, hình thành do tích tụ biển và do gió, có bề mặt địa hình phức tạp, bằng phẳng như các đồng bằng cát nội đồng, dạng luống, gò đa dạng như các cồn đụn cát ven biển, là những di sản địa mạo quan trọng. Đây cũng là tài nguyên đất cho phát triển nông-lâm nghiệp và thủy lợi, du lịch biển, cũng là nguồn TNKG cho phát triển cơ sở hạ tầng dân sinh, kinh tế-xã hội, quốc phòng. Tổng diện tích khoảng 3.650 km2, trong đó ở Bình-Trị-Thiên có 1.010 km2, Đà Nẵng-Khánh Hòa 1.040 km2 và Ninh Thuận-Bình Thuận 1.600 km2.
Bảng 1. Các bề mặt nguồn gốc-hình thái trên đới bờ biển Việt Nam.
           
Các bề mặt Diện tích (km2)
Vùng đất Vùng biển
1. Đồng bằng châu thổ 16.820  
2. Đồng bằng cồn đụn cát 3.650  
3. Cửa sông và bãi triều ven biển 3.490  
4. Đầm phá ven biển 520  
5. Vũng vịnh ven bờ   5.620
6. Bãi triều ven bờ (dưới mực biển TB)     10.000
7. Đảo ven bờ 1.720  
8. Dải đồi ven biển 4.500  
9. Dải núi ven biển 17.000  
     Cộng 47.700 15.620
 

+ Bề mặt các thủy vực và bãi triều đới bờ, bao gồm các cửa sông, đầm phá, vũng vịnh, và các bãi triều. Đây chẳng những là tài nguyên đất và nước quan trọng cho phát triển lâm nghiệp (rừng ngập mặn), ngư nghiệp (nuôi trồng thủy hải sản), mà còn là TNKG thiết yếu cho phát triển cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng các cơ sở hạ tầng dịch vụ giao thông, du lịch, các khu sản xuất điện gió, điện thủy triều, đặc biệt là các căn cứ quốc phòng; cũng là nơi bảo tồn, lưu giữ các nguồn gien động, thực vật quý hiếm với các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia, v.v..
Theo tài liệu thống kê sơ bộ, diện tích của các thủy vực có khoảng 9.630 km2, trong đó các vùng cửa sông và bãi triều ven biển (Bạch Đằng, Đồng Nai, v.v.) có khoảng 3.490 km2, đầm phá (chủ yếu ở Miền Trung) 520 km2, vũng vịnh có 5.620 km2; ngoài ra ở đới bờ còn có khoảng 10.000 km2 bãi triều dưới mực biển trung bình.

+ Bề mặt hệ thống đảo ven bờ, mặc dù có tổng diện tích không nhiều – 1.720 km2, nhưng hệ thống đảo ven bờ sở hữu một TNKG to lớn[7]/, nơi dành cho xây dựng các cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch biển đảo, các căn cứ quốc phòng, các cơ sở cảng biển và khu neo đậu tàu thuyền, sân bay, phục vụ giao thông vận tải biển và hàng không. Hệ thống đảo cũng là nơi chứa đựng các tài nguyên – di sản địa chất-địa mạo quý giá (Cát Bà, Bái Tử Long, Hạ Long,...), nguồn tài nguyên sinh vật quý hiếm (Phú Quốc, Côn Đảo, v.v.).

+ Bề mặt hệ thống đồi núi ven biển, với tổng cộng khoảng 21.500 km2, trong đó có khoảng 4.500 km2 thuộc bề mặt đồi có thể sử dụng chẳng những cho phát triển nông lâm nghiệp mà còn là không gian cho xây dựng các khu công nghiệp, giao thông đường bộ, đường sắt, sân bay. Những dải núi ven biển (diện tích 17.000 km2) phần lớn là những thắng cảnh nổi tiếng và là những di sản địa chất-địa mạo quý giá, với những Đèo Ngang, Hải Vân-Lăng Cô, Đá Bia-Đại Lãnh, Hòn Chông-Chùa Hang, v.v. Nơi đây cũng có các Di sản thiên nhiên và Vườn quốc gia nổi tiếng (Phong Nha-Kẻ Bàng, Bạch Mã).

3.3.  Hiện trạng sử dụng TNKG đới bờ

 Hiện chưa có điều tra về hiện trạng sử dụng TNKG của ĐBB, tuy nhiên có thể lược kê những mảng không gian lớn đã được sử dụng trong phạm vi đất đai của đới bờ.

+ Hệ thống đường giao thông: gồm 3 tuyến đường chính là tuyến đường bộ và tuyến đường sắt xuyên Việt, tuyến đường bộ ven biển; cùng nhiều tuyến đường ngang cắt qua đới bờ. Sân bay: các tỉnh ven biển có 13 sân bay lớn, nhỏ.

+ Có 14 cảng biển loại I (phục vụ cả nước hoặc liên vùng) và 17 cảng loại II (phục vụ vùng và địa phương); tổng cộng có 37 cảng biển, 166 bến, 350 cầu cảng. Ngoài ra còn có 91 cảng cá và bến cá, cùng hàng chục khu neo đậu tránh trú bão.

+ Về đô thị: ĐBB có hai thành phố lớn Hải Phòng và Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, cùng 28 đô thị (21 thành phố thuộc tỉnh và 7 thị xã).

+ 108 Khu công nghiệp (của các tỉnh ven biển).

+ 18 Khu kinh tế ven biển, diện tích khoảng 6.000 km2, thường đi cùng với các công trình cảng biển và đường giao thông.

+ Đó là chưa kể nhiều dự án về khai thác khoáng sản (than, ilmenit, vật liệu xây dựng,v.v.) chiếm dụng tổng diện tích không nhỏ; ngoài ra còn nhiều dự án du lịch biển, chiếm nhiều đồi cát và bãi cát biển, nhiều đảo ven bờ.

 Sơ bộ thống kê như trên cho thấy, mặc dù chưa có số liệu về diện tích, nhưng có thể khẳng định là TNKG của đới bờ đã được sử dụng nhiều, và thường là chưa tiết kiệm; đồng thời có một nguy cơ cần quan tâm đối với các nhà quản lý: nguy cơ chia cắt vụn ĐBB, cản trở quyền lợi sử dụng TNKG biển của cộng đồng, cản trở tính năng cơ động, liên thông và khả năng bố phòng, bảo đảm an ninh vùng đất, vùng biển và vùng trời của lãnh thổ.

KẾT LUẬN

TNKG là một khái niệm tương đối mới, định nghĩa sơ bộ và những nội dung cơ bản về dạng tài nguyên này được đề xuất xuất trong bài, với mục tiêu là đặt vấn đề và trao đổi, thảo luận, mà để cụ thể hơn cũng đã nêu một số điểm về TNKG của ĐBB Việt Nam. Cũng cần nhấn mạnh là rất nhiều nội dung nghiên cứu về TNKG cần được tiếp tục soạn thảo, trao đổi, trong  đó có vấn đề về phân loại và lập bản đồ TNKG.

TNKG của nước ta đến nay chưa được nghiên cứu và đánh giá, thường không được quan tâm trong công tác quy hoạch và quản lý lãnh thổ. Điều quan trọng là phải coi TNKG là một dạng tài nguyên đặc biệt và quý hiếm, cần rất thận trọng trong việc quy hoạch sử dụng, đặc biệt là trong chủ trương cho thuê dài hạn, giao đất đai, giao biển đảo (như các Khu Di sản thiên nhiên, v.v.) cho các tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác. Bởi cho thuê dài hạn các vùng đất và vùng biển có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn, như cộng đồng mất hết quyền lợi sử dụng-thưởng ngoạn, còn nhà nước mất khả năng quản lý TNKG của các vùng đất và vùng biển đó, mà xu thế lớn nhất là tài nguyên đó sẽ bị tranh thủ khai thác cho đến cạn kiệt một cách lãng phí.      
Hiện nay nhiệm vụ cấp thiết theo chúng tôi là cần triển khai ngay việc nghiên cứu điều tra cơ bản về TNKG, đặc biệt là tại ĐBB và các vùng kinh tế trọng điểm, xác định rõ hiện trạng sử dụng để có thể có quy hoạch sử dụng tiết kiệm tài nguyên quý hiếm này, nhất là trong điều kiện Việt Nam - một quốc gia có TNKG không nhiều mà mật độ dân cư vào loại cao của thế giới (gấp 5,75 lần trung bình của thế giới).

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Alampiev P.M. (1960), Quyết định luận Địa lý. - Trong cuốn: Bách khoa toàn thư Địa lý giản yếu, tập I, bản tiếng Nga.- Moskva.
  2. Lê Dức An (2014), Đới bờ biển Việt Nam – những vấn đề cơ bản trong nghiên cứu liên ngành.-  25 năm Việt Nam học theo định hướng liên ngành.- ĐHQGHN, Viện VNH&KHPT, tr. 505-522. Nxb Thế giới.- Hà Nội.
  3. Vũ Tự Lập (2004), Sự phát triển của Khoa học Địa lý trong thế kỷ XX. - Nxb. Giáo dục.- Hà Nội.
  4. Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê năm 2009, 2010, 2011, 2012.- Hà Nội.
  5. Bruner R. (1992), Les mots de la Géographie, Reclus – La Documentation française.- Paris.
  6. European Commission (2003) Toward a Thematic Strategy on the Sustainable Use of Natural Resources.- Communication to the C.& E.P., 01/10/2003 (52003DC0572). Trong http:// eur-lex. europa.eu.
   
Liên kết ngoài:

[1] GS.TSKH, Viện Địa lý, Viện HLKH&CN Việt Nam, leducan10@yahoo.com.vn
[2] GS.TS, Khoa Địa lý, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN
 
[3]/Hiện quốc tế chưa có quy định thống nhất, có khuynh hướng coi chiều cao là 100-110 km trên mực nước biển.
[4]/ Nxb TN-MT&BĐ Việt Nam. 2011.
[5]/Không tính 8 xã miền núi của 3 huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy của Quảng Bình, không thuộc ĐBB.
[6]/ Một số số liệu trích từ chuyên khảo “Đới bờ biển Việt Nam - cấu trúc và tài nguyên thiên nhiên” (Lê Đức An).
[7]/ Đồng thời với nguồn tài nguyên vị thế vô cùng quan trọng, đặc biệt là về mặt bảo vệ chủ quyền quốc gia. 
 
Liên kết website khác