Báo cáo tổng kết nhiệm vụ KHCN theo Nghị định thư

09/12/2021 11:59

Ngày 3/12/2021, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước (HĐKHCNCNN) đã tiến hành nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu động lực biến đổi bờ biển và đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam”, mã số NĐT.30.RU/17. Đề tài thuộc chương trình Nghị định thư do PGS. TSKH Nguyễn Văn Cư làm chủ nhiệm giai đoạn 1 (từ 9/2017-9/2019) và TS. Nguyễn Thanh Hoàn làm chủ nhiệm giai đoạn 2 (từ 10/2019 - 6/2021).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục tiêu của đề tài

- Tiếp nhận được chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Liên bang Nga trong nghiên cứu động lực biến đổi bờ biển.
- Xác định được thực trạng, nguyên nhân và dự báo biến động bờ biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
- Đề xuất được các giải pháp định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển miền Bắc và miền Trung Việt Nam.

Các kết quả đạt được của đề tài:

1. Đã triển khai nghiên cứu một cách tổng hợp, có hệ thống trên cơ sở sử dụng các phương pháp nghiên cứu tiên tiến, hiện đại nhất cùng các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và có độ chính xác cao của các nước có nền khoa học và công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Nhiệm vụ đã đi sâu phân tích, đánh giá định lượng về diễn biến, nguyên nhân, cơ chế xói lở - bồi tụ bờ biển, bồi lấp cửa sông nhất là ở 02 vùng trọng điểm như bờ biển Hải Hậu, cửa sông Nhật Lệ theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng. Ngoài ra, nhiệm vụ xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp ổn định bờ biển, quản lý tổng hợp vùng bờ và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển khu vực nghiên cứu.
2. Đã thu thập, hệ thống hoá và xử lý được một khối lượng rất lớn các tài liệu khoa học, bản đồ địa hình, bản đồ chuyên đề, các kết quả nghiên cứu của nhiều chương trình, các đề tài, dự án liên quan đến các nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ. Đặc biệt nhiệm vụ đã điều tra, khảo sát đo đạc để thu thập các số liệu ngoài hiện trường bằng các thiết bị, máy móc hiện đại, đồng bộ nên đã có được bộ tư liệu, dữ liệu khá đồng bộ, chính xác. Đây là hệ thống dữ liệu, số liệu quan trọng góp phần tạo những căn cứ, cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp phòng tránh, khắc phục xói lở bờ biển, ổn định cửa sông, quản lý tổng hợp vùng bờ vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận.

3. Đã cập nhật hiện trạng và đánh giá hoạt động xói lở, bồi tụ dải ven biển cửa sông từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; đặc biệt là nhiệm vụ đã đánh giá chi tiết quá trình biến động đường bờ biển, cửa sông của 2 vùng trọng điểm (Hải Hậu và cửa Nhật Lệ) theo các giai đoạn khác nhau từ năm 1965 cho đến nay cũng như phân tích diễn biến bồi - xói trong thời gian gần đây dựa trên các số liệu thực đo đạc ngoài hiện trường do do Viện Địa lý thực hiện và dữ liệu của các cơ quan, đơn vị khác thực hiện từ những năm trước đây.

4. đã phân tích các nguyên nhân nội sinh, nguyên nhân ngoại sinh, nguyên nhân nhân sinh ở dải ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; đặc biệt nhiệm vụ đã xác định được các nguyên nhân chính gây ra xói lở - bồi tụ bờ biển, cửa sông trên cơ sở đã áp dụng thành công mô hình toán để mô phỏng, tính toán các quá trình thủy - thạch động lực nhằm xác định nguyên nhân, cơ chế xói lở - bồi tụ, bồi lấp cửa sông ở 2 khu vực trọng điểm là bờ biển Hải Hậu, Nam Định và cửa sông Nhật Lệ, Quảng Bình.

5. Đã sử dụng thành công kết hợp các phương pháp nghiên cứu hiện đại như mô hình toán, bản đồ, công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý với các phần mềm thương mại hàng đầu như bộ mô hình MIKE, phần mềm ArcGIS, phần mềm ERDAS IMAGE,… Viện Địa lý có bản quyền khai thác sử dụng chúng và cũng như phần mềm mã nguồn mở (DEFLT3D) để nghiên cứu xác định được nguyên nhân, cơ chế, quy luật diễn biến xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông ở dải ven biển KVNC, đặc biệt là các khu vực trọng điểm.

6. Đã đề xuất được các giải pháp tổng thể bảo vệ bờ biển, ổn định cửa sông cho dải ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận với các giải pháp phi công trình, giải pháp mềm, giải pháp cứng phục vụ cho việc khắc phục tai biến xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trước mắt cũng như lâu dài. Ngoài ra, nhiệm vụ cũng đề xuất định hướng khai thác sử dụng hợp lý các dạng tài nguyên và quản lý tổng hợp vùng bờ dải ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và cho 2 khu vực trọng điểm.

7. Đã xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu trên nền WEB-GIS về biến động bờ biển và sử dụng hợp lý tài nguyên vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, với đầy đủ các lớp thông tin: các bản đồ nền và bản đồ chuyên đề, các dữ liệu điều tra khảo sát chi tiết tại 2 khu vực trọng điểm, các báo cáo khoa học,... Tất cả các dữ liệu của nhiệm vụ được lưu trong phần mềm này, giúp cho người sử dụng thuận tiện cho việc phân tích, trích xuất, lưu trữ để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh và hiệu quả. Ngoài ra, phần mềm này giúp cho người sử dụng dễ dàng truy cập, khai thác, tìm kiếm và cập nhật thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc theo dõi quá trình XL - BT, bồi lấp cửa sông từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, đặc biệt là 2 khu vực trọng điểm là khu vực ven biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định và cửa Nhật Lệ, tỉnh Quảng Bình một cách liên tục.

Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ

 


 

 

 

Liên kết website khác