Bước đầu phân vùng địa mạo sinh thái tỉnh Nghệ An

30/09/2014 03:19

MỞ ĐẦU

Các thuật ngữ Địa mạo sinh thái (Ecogeomorphology, Экологическая геоморфология), Địa mạo sinh học (Biogeomorphology), Địa mạo vườn cảnh (Zoogeomorphology), Địa mạo–thủy- sinh thái (eco-hydro-geomorphology) đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Điểm tương đồng là các nhà nghiên cứu khi sử dụng thuật ngữ trên là đều thừa nhận tính quyết định của địa mạo trong chi phối đặc điểm luân chuyển vật chất, năng lượng của khu vực (đại tuần hoàn), được thể hiện khá rõ nét qua sinh giới (tiểu tuần hoàn), nhưng đồng thời sinh giới cũng có vai trò làm biến đổi địa hình. Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị sử dụng tương đồng tiếng Việt cho các dạng nghiên cứu trên là “Địa mạo sinh thái”.

Trên cơ sở các nghiên cứu của hướng địa mạo sinh thái (ĐMST) trên thế giới cũng như một số kinh nghiệm tại Việt Nam, chúng tôi tiến hành hệ thống hóa lịch sử phát triển về lý thuyết và thực tiễn và thử nghiệm áp dụng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

1. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỊA MẠO SINH THÁI

Trước khi đi vào nội dung thuật ngữ địa mạo sinh thái cần có điểm qua về số lượng các công trình đã có trên thế giời về lĩnh vực này (bảng 1).
 
Bảng 1. Số lượng bài viết tìm kiếm được trên website khoa học với từ khóa liên quan đến địa mạo sinh thái [4].

Từ khóa tìm kiếm Tổng số Trước năm 2000 2000-2005 2005-2009 2010
Sinh-địa mạo (Biogeomorphology hoặc Biogeomorphic) 84 17 15 35 17
Sinh-địa mạo động lực (Biogeomorphodynamics) 2 0 0 2 0
Địa mạo sinh thái (Ecogeomorphology) 13 0 2 6 5
 

 
Tiếp theo, giai đoạn 2011-2013, với các từ khóa biogeomorphology (hoặc biogeomorphic) và từ khóa ecogeomorphology cho thấy số lượng bài viết tìm được trong cơ sở dữ liệu của Viện HLKHVN tương ứng là 13 bài và 18 bài. Con số này chiếm tỉ lệ đáng kể so với tổng số bài viết về sinh thái (ecology) hoặc địa mạo (geomorphology) trong cùng thời kỳ tại cơ sở dữ liệu trên (tương ứng là 27 và 25 bài).

Bên cạnh những bài viết dưới dạng các bài báo công bố trên các tạp chí, gần đây cũng đã có những xuất bản dạng sách đáng chú ý như: Sergio Fagherazzi và nnk, 2004 [6] với cuốn “Địa mạo sinh thái vùng triều” (The ecogeomorphology of tidal marshes), được xem như tuyển tập các nghiên cứu ở vùng nhạy cảm giữa các quá trình, thực thể sinh thái và địa mạo; Mueller và nnk, 2013 với cuốn “Đặc trưng thoái hóa đất ở vùng đất khô” (Paterns of land degradation in dryland), nhấn mạnh hướng nghiên cứu địa mạo sinh thái trong tìm hiểu bản chất tự nhiên của vùng đất khô.

Qua các bài viết và công trình ở nước ngoài cho thấy số lượng còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, các công trình này thường liên quan tới các vùng có điều kiện sinh thái nhạy cảm, hoặc cực đoan, ví dụ như: địa mạo sinh thái vùng bán ngập, vùng khô hạn, vùng đụn cát.

Lịch sử ra đời và phát triển thuật ngữ địa mạo sinh thái đã trên 100 năm. Theo Joseph M. Wheaton, các nghiên cứu địa mạo sinh thái đã có không muộn hơn cuối thế kỷ XVIII, ví dụ như Cowles H.C từ năm 1899 với công trình “Những mối liên hệ sinh thái của thực vật vùng đụn cát hồ Michigan” (The ecological relations of the vegetation on the sand dunes of lake Michigan) [4]. Đến năm 1978, Tricart và đồng nghiệp tiếp tục hướng nghiên cứu này và đã chỉ ra rằng đây là những nghiên cứu cần phải giảm thiểu hiệu ứng chuyên biệt của từng chuyên ngành mà cần phải có sự tích hợp hài hòa giữa các chuyên ngành [8].

Các tác giả nêu trên trong các ấn phẩm của mình đã thể hiện tính không tách rời của các đối tượng tự nhiên, xã hội và mối tác động tương tác giữa chúng. Do đó đặt ra sự cần thiết các nghiên cứu phải có tính đa ngành (có tính chuyên sâu cần thiết ở mỗi ngành) vừa có tính chất liên ngành (đối tượng, kết quả nghiên cứu của từng ngành phải có ý nghĩa bổ trợ cho các ngành nghiên cứu khác). Quan điểm này được Nguyễn Thế Thôn năm 2000 tái khẳng định ở Việt Nam với xuất bản “Địa lý sinh thái và môi trường”[7], đồng thời điều đó cũng được nhiều nhà nghiên cứu địa lý khác thừa nhận, đặc biệt là trong nghiên cứu cảnh quan sinh thái. Mặc dầu vậy, những nghiên cứu mang tính tích hợp hài hòa các chuyên ngành vẫn chỉ là hình mẫu đang cần được hoàn thiện trong khi tiến trình phát triển khoa học hiện tại thường tập trung vào các chuyên ngành mà các chuyên ngành đó lại dựa trên giả thiết bất biến của môi trường xung quanh làm nền tảng phát triển của mình.

Nói như vậy để thấy rằng nghiên cứu địa mạo sinh thái không thể tách rời mục đích hướng tới nghiên cứu địa lý tổng hợp bằng cách tiếp cận đa ngành và liên ngành. Tuy vậy, trước hết cần làm rõ địa mạo sinh thái là gì thông qua một số quan niệm sau:

 + Ranzanov L.L,1982 cho rằng địa mạo sinh thái là những nghiên cứu địa mạo gắn liền với hệ thống chu trình tương hỗ giữa: tự nhiên – môi trường – và nhân sinh nhằm mục đích điều tiết cân bằng giữa các hợp phần một cách hài hoà, hướng tới sự phát triển bền vững [5];

+ Heather Viles, 1988 quan niệm địa mạo sinh thái theo nghĩa hẹp hơn với định nghĩa: “Nghiên cứu về tương tác giữa thực thể sống và quá trình phát triển địa hình và vì thế nó là những nghiên cứu về địa mạo và cổ thực vật” [3];

+ Тимофеев Д. А, 1991 định nghĩa “Địa mạo sinh thái là một hướng nghiên cứu mối tương tác lẫn nhau và các kết quả tương tác giữa các hệ địa mạo có quy mô khác nhau với các hệ sinh thái của con người” [9];

+ Joseph M. Wheaton và đồng nghiệp năm 2011 trong nỗ lực xác định vị trí địa mạo sinh thái trong mối tương quan với các ngành khoa học cơ bản đã cho rằng đó là khoa học mang tính liên ngành giữa địa học và sinh thái học [4].

Có thể thấy rằng, các tác giả trên không có sự trùng lặp hoàn toàn về nội dung của khái niệm và định nghĩa địa mạo sinh thái cho dù đã có những cố gắng tổ chức hội thảo quốc tế để thống nhất vấn đề này tại Mỹ (International Eco-geomorphology conference MAYRES III, 2008, Tulane University, LA, USA) và trong các số của tạp chí địa lý của Nga hiện nay có riêng một chuyên mục riêng về địa mạo sinh thái (Экологическая геоморфология). Tuy vậy, các tác giả đều thừa nhận tính liên ngành và đa ngành của những nghiên cứu này. Trong đó, Тимофеев Д. А chỉ rõ: đối tượng nghiên cứu của địa mạo sinh thái là là mối tương tác giữa các hệ địa mạo với thế giới sinh vật, trong đó có các điều kiện sống và hoạt động của xã hội loài người.

Ở nước ta, nghiên cứu địa mạo sinh thái chưa được định hình cụ thể cho dù sự thừa nhận mối gắn kết giữa các quá trình, thực thể địa mạo và sinh thái, nhân văn luôn thường trực trong mỗi nhà nghiên cứu địa lý. Cho đến nay, số lượng các công trình đề cập đến danh từ “địa mạo sinh thái” còn rất ít, và cơ sở lý luận về đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu mới chỉ là những bước đi ban đầu, cần được dần hoàn thiện. Trong đó có thể kể đến với cách tiếp cận địa mạo sinh thái phục vụ quy hoạch khu bảo tồn [1], hoặc phục vụ quy hoạch môi trường [2]. Bởi vậy, trong khuôn khổ bài báo này, dựa trên tổng hợp các nghiên cứu trên thế giới và một số kinh nghiệm tại Việt Nam, chúng tôi đề xuất những vấn đề lý thuyết cơ bản như sau:

+ Đối tượng nghiên cứu địa mạo sinh thái là các thực thể địa mạo và sinh thái cũng như quá trình tương tác giữa chúng;

+ Phương pháp nghiên cứu phải có tính chất liên ngành và đa ngành như địa mạo cấu trúc, địa mạo khí hậu, địa mạo nhân sinh, địa mạo cảnh quan và sự trợ giúp của các công cụ GIS.

+ Kết quả nghiên cứu hướng tới mục tiêu sử dụng bền vững lãnh thổ mà theo đó hết sức tránh việc làm biến đổi thô bạo tự nhiên và khuyến khích việc lợi dụng tự nhiên cho các lợi ích của con người.

Với cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu nêu trên, chúng tôi tiến hành tìm hiểu một vài nét về địa mạo sinh thái tỉnh Nghệ An, được trình bày trong phần tiếp theo của bài báo này.

2. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Phân tích địa mạo sinh thái tỉnh Nghệ An có kế thừa kết quả nghiên cứu chuyên ngành được thực hiện qua của các đề tài, đề án mà các tác giả đã tham gia cũng như một số văn liệu khác. Trong đó, bên cạnh các thực thể địa mạo và sinh thái hiện tại, tiến hành đánh giá mối liên hệ giữa chúng và đề xuất một số giải pháp khai thác và sử dụng bền vững lãnh thổ.

Với quan niệm các đơn vị địa mạo mang đặc thù riêng quy định đặc điểm dòng luân chuyển vật chất, năng lượng của khu vực và tuy chúng bị biến đổi với tốc độ chậm hơn nhiều so với những biến đổi của các hệ sinh thái tự nhiên nhưng năng suất sinh học của khu vực lại có phản ứng tương đối nhanh do các biến đổi cấu trúc hệ sinh thái, đặc biệt do con người. Bởi vậy, việc xác định các đơn vị địa mạo sinh thái trong báo cáo này dựa chủ yếu vào ranh giới các kiểu địa hình, từ đó xem xét các hệ sinh thái (HST) thống trị tại lãnh thổ đó có cũng như mối quan hệ tương tác giữa các quá trình phát triển địa hình và biến đổi các HST. Trên cơ sở đó kiến nghị định hướng phát triển hài hòa lãnh thổ. Kết quả đã xác định được các vùng và tiểu vùng địa mạo sinh thái được thể hiện phân bố không gian trong hình 1 và chú giải thuộc tính và định hướng phát triển cho từng đơn vị bản đồ trong bảng 2.

Hình 1. Sơ đồ phân vùng địa mạo sinh thái tỉnh Nghệ An

Bảng 2. Chú giải sơ đồ phân vùng địa mạo sinh thái tỉnh Nghệ an
Đơn vị ĐMST Đặc điểm ĐMST Tương tác Định hướng phát triển
a. Vùng Đồng bằng ven biển Vinh – Diễn Châu - Địa hình bằng phẳng, cấu tạo chính bởi cát, bột sét. Hệ sinh thái (HST) điển hình: cây trồng nông nghiệp. - Tốc độ biến đổi tự nhiên chậm;
- Chịu ảnh hưởng mạnh của con người, có xu hướng biến đổi nhanh thành phần hóa, sinh.
- Quản lý tốt chất thải;
- Tôn trọng tính liên thông sinh thái và khả năng tự làm sạch môi trường của nó;
- Lựa chọn các giải pháp sản xuất nông nghiệp hướng tới sản xuất xanh.
b. Vùng Đồi trung du Nghĩa Đàn - Địa hình lượn sóng, xen dải đồi, núi thấp, cấu tạo chủ yếu đá bazan, cát, bột kết.
HST điển hình: cây trồng công nghiệp, cây ăn quả.
- Xói mòn, rửa trôi bề mặt mạnh, thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô;
- Hoạt động nhân sinh hiện tại đang thúc đẩy quá trình trên.
- Bảo vệ, thiết lập vùng sinh thủy (trồng cây nhiều tầng ở các vùng núi, đồi, xây dựng đập nước);
- Xen canh, đa canh, tạo lớp phủ thực vật nhiều tầng. Tránh để đất trống, xáo trộn bề mặt trong mùa mưa.
c. Vùng Núi đá vôi Tân Kỳ - Địa hình khá hiểm trở, phần lớn trơ lộ đá vôi, hốc đất, có xen các thung lũng, cánh đồng karst.
HST điển hình: cây bụi, cây trồng nông nghiệp hàng năm, cây ăn quả.
- Quá trình rửa lũa mang tính chủ đạo nhưng chậm; gây tai biến gồm lũ ống, đổ lở;
- Con người đang khai thác mang tính cạn kiệt tài nguyên sinh vật, đang triển khai các hoạt động khai thác khoáng sản đá vôi.
- Khai thác, phát huy tính đa dạng sinh học; phát triển cây đặc hữu; xen canh nông nghiệp ở những khu vực đảm bảo nguồn nước.
d. Vùng Núi Quỳ Châu – Quế Phong d1. Tiểu vùng Đồi, núi thấp Quỳ Châu – nam Tương Dương Địa hình tương đối dốc, có sự đan xen các loại đá khác nhau, chủ yếu đá trầm tích.
HST điển hình: rừng trồng, rừng tự nhiên tái sinh, cây bụi.
- Rửa trôi bề mặt khá mạnh, lũ gây thiệt hại đáng kể;
- Hoạt động trồng cây thuần loại, nương rãy làm gia tăng tác hại của tự nhiên.
- Khai thác khoáng sản mạnh gây ô nhiễm môi trường cục bộ.
- Xây dựng nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ có tác động đáng kể đến tự nhiên;
- Phục hồi HST tự nhiên dựa theo nghiên cứu về diễn thế sinh thái khu vực; Phát huy các giá trị văn hóa bản địa trong sản xuất và sinh hoạt; Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản.
d2. Tiểu vùng Núi trung bình Quế Phong – bắc Tương Dương Địa hình dốc, chủ yếu cấu tạo bởi đá xâm nhập, lớp phủ đất rất mỏng, nhiều nơi trơ đá gốc.
HST điển hình: rừng tự nhiên, rừng tự nhiên tái sinh, cây bụi.
- Chế độ địa động lực mạnh (rửa trôi bề mặt, trượt lở, đổ lở, lũ quét);
- Quản lý tài nguyên chưa hiệu quả làm suy yếu sức khỏe các HST tự nhiên.
 
- Tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, chú trọng chức năng điều hòa tự nhiên cho bản thân nội vùng và hạ lưu.
- Đẩy mạnh khai thác phù hợp các giá trị dịch vụ của HST, nhấn mạnh các giá trị đa dạng sinh học.
e. Vùng Núi Anh Sơn – Kỳ Sơn e1. Đồi – núi thấp Anh Sơn – Thanh Chương Đồi xen núi thấp cấu tạo chủ yếu bởi đá cát, bột kết xen đá vôi.
HST điển hình: rừng trồng, vườn rừng, cây trồng nông nghiệp
Rửa trôi, sạt lở cục bộ, lũ nước có ảnh hưởng thường xuyên và lâu dài đến phát triển KTXH của khu vực;
Độc canh làm gia tăng rửa trôi, suy giảm chức năng điều hòa của lãnh thổ.
Sử dụng các mô hình phát triển sinh thái nhiều tầng tán. Hạn chế tác động xáo trộn bề mặt trong mùa mưa. Đảm bảo chức năng vùng đệm cho các khu bảo tồn sinh thái Pù Mát.
e2. Núi trung bình Con Cuông – Kỳ Sơn Núi phân cắt mạnh, cấu tạo chủ yếu bởi đá phiến, sét, bột kết.
HST điển hình: rừng tự nhiên, rừng tự nhiên tái sinh có xen các nương rãy.
Đổ lở, trượt lở, xói mòn khe rãnh, lũ.
Xâm canh và hiệu quả quản lý thấp đang làm suy thoải chức năng bảo tồn và điều hòa sinh thái, gia tăng các quá trình trọng lực.
-Đẩy mạnh khai thác giá trị dịch vụ của đa dạng sinh học, góp phần phát triển KTXH;
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhằm đảm bảo duy trì giá trị dịch vụ lâu dài của HST.
f. Vùng Thung lũng sông Cả f1. Thượng nguồn Thung lũng hẹp, kéo dài, vách dốc, nhiều nơi trơ lộ đá gốc, biên độ mực nước dao động mạnh.
HST nhân tác đóng vai trò chủ đạo, phát triển kéo dài theo trục quốc lộ 7.
Xói lở bờ, ngập lụt, ngập lũ, trượt lở;
Hệ thống giao thông thúc đẩy mạnh quá trình sạt lở. Sự phát triển nơi ở, sản xuất xuống gần mép nước hơn cũng làm gia tăng thiệt hại do những biến động của tự nhiên.
Xây dựng các phương án ứng phó phù hợp với các loại tình huống biến đổi của tự nhiên.
f2. Hạ lưu Bãi bồi trong đê ngập nước theo mùa;
HST chính là cây trồng nông nghiệp hàng năm.
Xói lở, bồi tụ cục bộ gây ảnh hưởng đáng kể đến an toàn hệ thống đê điều;
Bồi đắp bờ bãi có tác dụng tích cực phát triển nông nghiệp lâu dài bờ bãi.
Giảm động lực dòng chảy thông qua việc đảm bảo chức năng điều hòa sinh thái của thượng lưu;
Sản xuất nông nghiệp phù hợp với biến động của tự nhiên;
Can thiệp thận trọng vào dòng chảy tự nhiên.
 
 

Trên cơ sở sơ đồ địa mạo sinh thái có thể đi đến một số nhận định về từng đơn vị địa mạo sinh thái của tỉnh Nghệ An như sau:

a). Vùng địa mạo sinh thái đồng bằng ven biển Vinh – Diễn Châu

Địa hình bằng phẳng (cấu tạo bề mặt chủ yếu cát, bột, sét) có xen các đồi núi sót. Quá trình biến đổi địa hình chủ đạo gồm: rửa trôi bề mặt, ngập lụt, biến động đường bờ. Phần lớn diện tích thống trị bởi hệ sinh thái nông nghiệp, riêng vùng ven biển có thêm các hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và rải rác có hệ sinh thái cây ngập mặn, bãi triều.

Tốc độ biến đổi trắc lượng địa hình tự nhiên ở vùng này là thấp nhất so với toàn tỉnh nhưng thành phần hóa – lý – sinh lại bị xáo trộn và biến đổi mạnh bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển các trung tâm đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây cũng là khu vực tập trung dân cư với mật độ cao nhất của tỉnh.

Định hướng phát triển bền vững của vùng là xử lý tốt vấn đề chất thải, đặc biệt chất thải đô thị, tôn trọng tính liên hoàn của các hệ sinh thái.

b). Vùng địa mạo sinh thái đồi trung du Nghĩa Đàn

Địa hình lượn sóng (cấu tạo bề mặt chủ yếu là sản phẩm phong hóa từ đá bazan), có xen các chỏm và dãy núi cát, bột kết nhỏ. Tuy vậy, sông ở đây đã chuyển sang dạng sâm thực sâu với trắc diện ngang hẹp, ít phát triển bãi bồi, biên độ dao động mực nước lớn giữa các mùa (lên đến 7-8m ở Thái Hòa) và thiếu hụt nước khá nghiêm trọng vào mùa khô. Quá trình biến đổi địa hình chủ đạo là rửa trôi bề mặt, dưới bề mặt. Hệ sinh thái cây trồng công nghiệp chiếm ưu thế đi kèm với tính thuần loại và đa niên. Tại các khu vực đồi, núi trong vùng đã phát triển nhiều diện tích trồng rừng nhưng tính thuần loại thường quan sát được trong các đợt khảo sát thực địa.

Như vậy, tác động của con người tại khu vực này đang làm gia tăng đáng kể xói mòn, thúc đẩy quá trình suy thoái đất. Sự đơn điệu về chủng loại thực vật do con người tạo ra trên diện rộng sẽ làm đơn điệu các hợp phần sinh học khác, dẫn tới suy giảm đa dạng sinh học trong vùng. Hệ lụy chung là lợi ích của con người sẽ dần bị suy giảm trên đơn vị lãnh thổ này.

Để hạn chế những tác động tiêu cực, con người cần khảo nghiệm hợp lý cơ cấu luân canh cây trồng công nghiệp, tránh vượt ngưỡng không thể phục hồi khả năng sản xuất của đất. Tại các vùng đồi núi, phục hồi rừng không nên chỉ sử dụng tập đoàn bạch đàn, keo... phổ biển như hiện nay mà nên khuyến khích đưa vào các loài cây bản địa. Giải pháp các kho dự trữ nước cũng góp phần đáng kể vào hỗ trợ phát triển các hệ sinh thái.

c). Vùng địa mạo sinh thái núi đá vôi Tân Kỳ

Địa hình hiểm trở, vách dốc với các chóp đỉnh liên kết ô mạng xen kẽ với các thung (cả dạng thung kín và thung hở), cánh đồng karst. Quá trình biến đổi địa hình tự nhiên diễn ra chậm chạp so với sự khai thác của con người (ngoại trừ một số điểm khai thác khoáng sản). Thêm vào đó, ở nơi đây có sự phân hóa vi khi hậu cao, tạo khác biệt cơ bản giữa khu đỉnh và các thung, các hang. Chế độ thủy văn cũng có nhiều thay đổi giữa các mùa, mùa khô cơ bản cạn đến khốc liệt nhưng mùa lũ lại tập trung nước cực nhanh và đã ghi nhận được nhiều đợt lũ nước tại vùng này.

Điều kiện nền rắn, khí hậu, thủy văn tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái có tính đa dạng cao nhưng sinh khối thấp, lại dễ bị tổn thương. Qua khảo sát cho thấy thảm thực vật chủ yếu là cây bụi, trơ lộ đá và cũng rất ít gặp chim, thú.

Hướng khai thác lâu bền lãnh thổ nên khuyến khích các cây có giá trị kinh tế cao, phát triển trong điều kiện thổ nhưỡng và vi khí hậu đặc thù (chủ yếu là cây thuốc). Ở những vùng thung, thung lũng nên xem xét phát triển nông nghiệp hài hòa với nguồn đảm bảo nước.

d). Vùng địa mạo sinh thái núi Quỳ Châu – Quế Phong

Gồm 2 tiểu vùng: tiểu vùng đồi - núi thấp (khu vực Quỳ Châu và nam Tương Dương) được cấu tạo bởi sự đan xen phức tạp các loại đá; và tiểu vùng núi trung bình (khu vực Quế Phong và bắc Tương Dương) cấu tạo chủ yếu bởi các phức hệ xâm nhập. Địa hình của vùng dốc, phân cắt mạnh, lớp phủ thổ nhưỡng mỏng, biến đổi mạnh theo trắc diện sườn. Quá trình biến đổi địa hình tự nhiên trên diện rộng là xói mòn, rửa trôi và cục bộ với các quá trình lũ quét, lũ ống, sạt lở, đổ lở, mương xói. Tại đây đã ghi nhận được những đợt lũ quét, sạt lở gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản.

Hệ sinh thái tự nhiên của khu vực có tính liên thông với khu hệ sinh thái Vùng Tây Bắc Việt Nam với đặc trưng rừng kín thường xanh cây lá rộng nhưng tính bảo tồn không nguyên vẹn chỉ còn thấy được tại khu bảo tồn Pù Luống, Pu Hoạt, cho dù phần lớn diện tích núi trung bình đã được quy hoạch vào diện tích Khu dự trữ sinh quyển tây Nghệ An. Hầu hết diện tích vùng qua khảo sát sơ bộ ảnh vệ tinh chỉ gồm cây bụi, trảng cỏ, đất nương rẫy. Một số tuyến khảo sát trong khu vực cũng cho thấy sự phổ biến của rừng trồng thuần loại.

Sự phân bố dân cư của vùng ngoài tập trung dọc trục quốc lộ thì hầu hết là ở các bản làng rải rác, khó tiếp cận. Thực tế, vùng tuy có diện tích lớn, mật độ dân số thấp nhưng diện tích phù hợp để bố trí dân cư và phát triển sản xuất cũng như giao thông hết sức hạn chế. Các giá trị sản xuất bền vững bằng kinh nghiệm lâu năm của đồng bào các dân tộc bị mai một và thay thế bằng kỹ thuật sản xuất hàng hóa thường mang thương tổn nặng nề cho các hệ sinh thái khu vực.

Ngoài ra với sự đa dạng về địa chất, sinh khoáng, vùng địa mạo sinh thái này cũng là nơi tập trung mạnh các hoạt động khai thác khoáng sản với các loại hình chủ đạo là thiếc, vàng, đá quý, đá hóa chất, đá xây dựng đã gây nên những vấn đề không nhỏ về chất thải và các tác động dây chuyền lên hệ sinh thái khu vực. Thêm vào đó, trong những năm gần đây nhiều công trình thủy điện, thủy lợi có quy mô trung bình (điển hình thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố) được xây dựng cũng gây nên những tác động môi trường đáng kể.

Hướng phát triển bền vững khu vực nên hướng vào lâm nghiệp, đẩy mạnh việc phát triển thương mại phát thải khí nhà kính, bố trí sản xuất nông nghiệp hợp lý dọc theo các trũng thung lũng sông.

e). Vùng địa mạo sinh thái núi Anh Sơn - Kỳ Sơn

Cũng được chia làm 2 tiểu vùng: tiểu vùng đồi – núi thấp Anh Sơn - Thanh Chương cấu tạo bởi đá trầm tích, xen ít đá vôi; tiểu vùng núi trung bình Con Cuông – Kỳ Sơn, cấu tạo chủ yếu bởi đá cát, bột kết, sét kết bị biến chất nhẹ. Quá trình biến đổi địa hình thống trị ở vùng đồi - núi thấp là rửa trôi bề mặt, ngập úng cục bộ, ở vùng núi trung bình là rửa trôi bề mặt, mương xói, đổ lở. Đã ghi nhận được một số trận lũ nước tại Thanh Chương, nhiều vị trí sạt lở đường giao thông dọc quốc lộ 7.

Hệ sinh thái tiểu vùng đồi – núi thấp thống trị bởi vườn rừng, cây bụi xen các trũng cây lương thực. Trong khi đó tiểu vùng núi trung bình đặc trưng bởi hệ sinh thái tự nhiên đã bị tác động nhiều, tuy vậy khu vực vườn quốc gia Pù Mát vẫn còn được bảo tồn khá tốt.

Dân cư của vùng thưa thớt, sinh sống trong các bản, làng mà điều kiện tiếp cận giao thông khá khó khăn. Tại khu vực núi trung bình, người dân cũng phải đối mặt với sự eo hẹp về diện tích đất ở và đất sản xuất nông nghiệp trong khi chưa phát huy được thế mạnh của rừng đã khiến cho đời sống nhân dân trở nên khó khăn với những hiểm họa tự nhiên rình rập.

Hướng phát triển của vùng nên dựa vào các giá trị bảo tồn, các giá trị văn hóa. Những tác động thay đổi căn bản thuộc tính trao đổi năng lượng của vùng (ví dụ như xây dựng các nhà máy thủy điện) sẽ không chỉ gây ảnh hưởng nội vùng mà trong tương lai gần còn có tác dụng lan truyền đến các vùng hạ lưu.

f). Vùng địa mạo sinh thái bãi bồi và lòng sông

Sự “thắt ngẫng” tự nhiên tạo bởi 2 dải núi thấp tại khu vực bắc Con Cuông đã hình thành nên 2 tiểu vùng địa mạo sinh thái:
- Tiểu vùng thượng lưu (kí hiệu f1) có chế độ khí hậu rất đặc biệt so với toàn tỉnh với tính khô hạn và sự phát triển của các quần xã cây họ dầu (đã quan sát được một vạt rừng gỗ tếch cao đến 15-20m, rộng khoảng 300m kéo dài theo QL7). Tại đây, lòng sông cắt thẳng vào đá gốc, ăn sát vào vách núi, ít phát triển bãi bồi và vật liệu bãi bồi chủ yếu là cuội, sỏi. Mực nước sông và tốc độ dòng chảy dao động rất lớn theo mùa khiến cho những diện tích dân cư và canh tác nhỏ hẹp ven sông luôn phải đối mặt với nguy cơ ngập lũ, sạt lở đường.

Thực tế cho thấy ở tiểu vùng thượng lưu, chế độ động lực chính làm biến đổi địa hình chính là chế độ thủy văn mà bản thân con người tại lãnh thổ đó rất ít có vai trò mà sự chi phối chính đến từ lãnh thổ CHDC Lào và các phụ lưu. Do đó, cơ chế thích nghi là giải pháp tỏ ra hữu hiệu nhất đối với tiểu vùng này.
- Tiểu vùng hạ lưu (ký hiệu f2), lòng sông được mở rộng nhưng phần lớn lại được giới hạn bởi hệ thống đê nhân tạo (tỉ lệ thể hiện ở hình 1 không thể hiện được thuộc tính đó). Phần không gian này phát triển những bãi bồi có diện tích đáng kể, nhưng hàm chứa nhiều biến động. Trên diện tích này đã được người dân sử dụng trồng hoa màu theo vụ (vì thường bị ngập nước hàng năm). Hệ thống đê bao được xây dựng nhưng trong lịch sử nhưng cũng đã ghi nhận không ít bị vỡ, gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng đồng bằng kế cận. Tại tiểu vùng, quá trình bồi lắng chiếm ưu thế, nhưng cùng với sự cứng hóa bờ sông đã khiến cho cơ chế bồi – xói dọc bờ có những biến đổi phức tạp. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, với những tác động chưa thực sự tường minh đã làm dấy lên những quan ngại đáng kể về hiện tượng bồi nông khu vực Cửa Lò gây ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai phát triển bền vững của khu vực.

Tại tiểu vùng hạ lưu, ở hiện tại và tương lai thì cơ chế “chạy theo” vẫn chiếm ưu thế, bởi con người đã đầu tư quá lớn trong việc chỉnh trị lòng dẫn và sử dụng lãnh thổ kế cận. Do vậy con người sẽ phải còn tiếp tục chạy theo và xử lý tình huống cụ thể mà không thể có sự ổn định lâu dài. Mặc dầu vậy, những nỗ lực đảm bảo chức năng điều tiết của vùng thượng lưu và một số giải pháp về quy hoạch khai thác cát hợp lý, sẽ góp phần làm giảm nhẹ gánh nặng cho các thế hệ tiếp theo ở vùng lãnh thổ này.
Bài báo là một trong số những nỗ lực triển khai nghiên cứu địa mạo sinh thái cho một vùng lãnh thổ tại Việt Nam. Tác giả mong muốn được giới thiệu hướng nghiên cứu mới, tuy nhiên không tránh khỏi có những sai sót và rất mong nhận được nhiều góp ý để hoàn thiện hướng nghiên cứu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Lại Huy Anh, Tống Phúc Tuấn, 2005. Nghiên cứu địa mạo sinh thái trong quy hoạch tổ chức lãnh thổ (lấy khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ làm thí dụ). Hội thảo quốc gia về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần I.
2.    Tống Phúc Tuấn, 2011. Nghiên cứu địa mạo sinh thái phục vụ phân vùng chức năng môi trường thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Hội nghị khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 4.
3.    Heather Viles, 1988. Biogeomorphology. Oxford: Basil Blackwell. ISBN 0-631-15405-1.
4.    Joseph M. Weaton, Chris Gibbins, John Wainwright, Laurel Larsen, Brandon Mc Elroy, 2011. Multiscale feedback in Ecogeomorphology. Geography Jurnal No 126 (2011) page 265- 268.
5.    Ranzanov L.L., 1982. Nhiệm vụ của địa mạo học trong việc bảo vệ môi trường. Lãnh thổ và hoạt động kinh tế, Moskva, 1982, bản tiếng Nga.
6.    Sergio Fagherazzi, Marco Marani, Linda K. Blum, 2004. The Ecogeomorphology of Tidal marshes. Coastal and Estuary studies. Americal Geographysical Uni-on 2004.
7.    Nguyễn Thế Thôn, 2000. Địa lý sinh thái môi trường. NXB KHKT.
8.    Tricart và Kilican, 1978. Địa lý sinh thái và quy hoạch môi trường.
9.    Тимофеев Д. А, 1991. Экологическая геоморфология: объект, цели и задача. Геоморфология. Изд. Наука, Москва, Нo. 1, стр. 43-48.
 
Liên kết website khác