Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3)

13/09/2013 04:31

Ngày 25/11/2011, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai "Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên" tại thành phố Buôn Ma Thuột .Tham gia chủ trì hội nghị là ông Châu Văn Minh, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên TW Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ông Nghiêm Xuân Minh, Vụ trưởng vụ Khoa học Xã hội – Tự nhiên, Bộ Khoa học Công nghệ. Tham dự Hội nghị có hơn 100 nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ quan, Viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc các tỉnh Tây Nguyên và nhiều nhà khoa học từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có mặt một số cơ quan thông tấn, báo chí.

Đại diện cho các tỉnh Tây Nguyên là ông Trần Quốc Huy, Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đăk Nông; ông Trần Hiếu, P.Chủ tịch tỉnh Đăk Lăk; ông Kring Ba, Uỷ viên TƯ Đảng, P. Chủ tịch HĐND tỉnh Kontum; ông Nguyễn Thanh Cao, Nguyên Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch liên hiệp các hội KHKT tỉnh Kontum; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành các tỉnh Gia Lai,  Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Kontum; đại diện Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, các Viện nghiên cứu, các chủ nhiệm đề tài, Ban Kế hoạch - Tài chính, Ban UDTK thuộc Viện KHCNVN.

Mở đầu Hội nghị, ông Trịnh Dũng, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên giới thiệu đại biểu và Chương trình Hội nghị. Tiếp đó ông Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên TW Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu chào mừng hội nghị triển khai Chương trình Tây Nguyên 3, trong đó nêu bật điều kiện tự nhiên và con người cũng như nền văn hóa đặc sắc vùng Tây Nguyên. 35 năm từ sau ngày giải phóng, Tây Nguyên đã được sự quan tâm, đầu tư lớn của Đảng, Nhà nước và sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của đồng bào cả nước. Nhất là trong giai đoạn 2001-2010, Trung ương Đảng và Chính phủ tiếp tục xác định Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước; đã tăng cường đầu tư các nguồn lực, với quan điểm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững; xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, phát triển nhanh về văn hóa xã hội và vững mạnh về quốc phòng, an ninh; tiến tới trở thành vùng kinh tế động lực của đất nước. Đến nay, Tây Nguyên đã có những chuyển biến căn bản trên nhiều lĩnh vực: An ninh chính trị ổn định; thế trận quốc phòng – an ninh được xây dựng đồng bộ cả về lực lượng và thế trận lòng dân. Kinh tế - xã hội phát triển rõ nét, cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo có chuyển biến mới về quan điểm, nhận thức và đạt được nhiều kết quả quả tích cực. Song trên thực tế, một số chủ trương, chính sách, cơ chế đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều năm nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả; chưa tạo được bước đột phá nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế; bảo đảm sự ổn định vững chắc về chính trị và xã hội. Nhiều mâu thuẫn kinh tế - xã hội nổi lên gay gắt, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn; đặc biệt là những khó khăn, bức xúc về sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu sốchậm giải quyết có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội. Qua đó cần thiết phải có chương trình tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên nhằm gìn giữ và phát huy tiềm năng vùng Tây Nguyên. Đồng chí Nguyễn Văn Nên mong muốn rằng các nhà khoa học, các cán bộ quản lý đến dự cuộc Hội nghị hôm nay sẽ đóng góp nhiều ý kiến khách quan, khoa học cho việc thực hiện Chương trình Tây Nguyên 3 đạt hiệu quả cao nhất góp phần phát triển bền vững Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Nên, UVTW Đảng, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu chào mừng Hội nghị

GS. Châu Văn Minh, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chủ nhiệm Chương trình phát biểu khai mạc Hội nghị cho rằng Chương trình Tây Nguyên 3 chính thức được triển khai đã thể hiện sự quân tâm của Chính phủ khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển bền vững của khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, GS. Châu Văn Minh cũng đề nghị các nhà khoa học đã và đang quan tâm tới Tây Nguyên hãy đóng góp nhiều ý tưởng khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên bền vững.

GS. Châu Văn Minh, UVTW Đảng Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu khai mạc và kết luận Hội nghị triển khai Chương trình Tây Nguyên 3

Ông Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu hoan nghênh công tác chuẩn bị triển khai và hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của Chương trình Tây Nguyên 3. Đây là Chương trình có nhiều thuận lợi so với các Chương trình Tây Nguyên 1 và 2. Đội ngũ cán bộ khoa học ở Tây Nguyên tăng lên vượt bậc và các cán bộ của Trung ương và địa phương cũng đã trưởng thành rất nhiều. Trang thiết bị nghiên cứu ngày nay đã tiến bộ vượt bậc như công nghiệ Viễn thám và GIS. Tôi

Ông Nghiêm Xuân Minh, Vụ trưởng vụ Khoa học Xã hội – Tự nhiên, đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành, giữa các cơ quan thực hiện Chương trình Tây Nguyên 3 để đạt được kết quả cao nhất cho phát triển Kinh tế - Xã hội các tỉnh Tây Nguyên một cách bền vững.

Ông Nguyễn Đình Kỳ, Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3 thông báo về khung Chương trình Tây Nguyên 3, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và tiếp tục giới thiệu mục tiêu, nội dung, sản phảm của 19 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Công nghệ đã được các Hội đồng khoa học lựa chọn thực hiện từ năm 2011.

Phần thảo luận đã được các đại biểu tham dự hội nghị trao đổi sôi nổi, với nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho Hội nghị triển khai Chương trình Tây Nguyên 3
Ông Trần Quốc Huy, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Đăk Nông, hoan nghênh Bộ KHCN và Viện KHCNVN triển khai Chương trình Tây Nguyên lần thứ 3. Chương trình này sẽ đáp ứng được những vấn đề đặt ra và yêu cầu của giai đoạn mới, đòi hỏi có chiều sâu, tư duy lại cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững. Đây là thời cơ quan trọng để đầu tư tập trung cho phát triển Kinh tế - Xã hội Tây Nguyên. Cách đặt vấn đề và tiếp cận cần kế thừa và có cái mới. 19 đề tài có đầu đề và nội dung nghiêng về ứng dụng, sau này cần bàn thêm để đáp ứng yêu cầu của các Tỉnh, để các đơn đặt hàng của các tỉnh sẽ sát với thực tế của người dân vùng Tây Nguyên.

GS. Đặng Tuấn Đạt, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng các hàm lượng khoa học trong các đề tài sẽ đóng góp nhiều cho Tây Nguyên và đề nghị cần có thêm đề tài về nghiên cứu sức khoẻ cho người dân Tây Nguyên.

Ông Y Ghi Niê, Giám đốc sở khoa học công nghệ, kiêm Chủ tịch liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk cám ơn Đảng và nhà nước đã tạo điều kiện để tiếp tục triển khai Chương trình Tây Nguyên lần thứ 3. Tây Nguyên với 80% là nông dân, trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy Chương trình Tây Nguyên 3 sẽ là cơ hội để có sự hợp tác giữa các nhà khoa học, các trường, viện, sở KHCN, liên hiệp hội KHKT ở địa phương. Để từ đó nâng cao trình độ nhận thức của người dân, phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Nguyên

Ông Nguyễn Thanh Cao, Nguyên Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch liên hiệp các hội KHKT tỉnh Kontum cho rằng cần nhìn nhận vấn đề để rút ra các bài học thất bại và thành công ở Tây Nguyên. Cần làm rõ nguyên nhân phá rừng tại Tây Nguyên: khai thác quá mức, xây dựng các công trình … áp lực dân số, nghèo đói về nhận thức, chính sách vĩ mô còn bất cập. Chương trình Tây Nguyên 3 cần có: 1- Chính sách quản lý và sử dung tài nguyên theo hướng phát triển bền vững. 2- Ứng dụng các đề tài vào thực tế  3- Chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số: tam nông như thế nào, giáo dục và sức khoẻ. 4- Chính sách hình thành và xây dựng lực lượng doanh nghiệp.

Ông Phạm S, Giám đốc sở KHCN tỉnh Lâm Đồng cho biết Tỉnh này đang phát triển nông nghiệp, sinh học,và mong muốn đề tài nghiên cứu vừa mang tính khoa học vừa thực tiễn. Ông Phạm S cũng đề nghị quan tâm định hướng phát triển Tây Nguyên đến 2020. Khác biệt với Chương trình Tây Nguyên 1, Tây Nguyên 2 ở chỗ Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO, nghiên cứu Tây Nguyên trong điều kiện biến đổi khí hậu, áp lực dân số cao. Chương trình Tây Nguyên 3 nên tập trung vào một số vấn đề sau: Đầu tư vào công nghệ cao, nghiên cứu đa dạng sinh học, cây dược liệu; nghiên cứu áp dụng công nghệ trồng rừng ngắn ngày, có sinh khối cao; nghiên cứu văn hoá, du lịch, xác định trọng điểm phát triển Tây Nguyên nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Tây Nguyên. Một đóng góp ý kiến khác cho việc phối hợp chương trình đào tạo nguồn nhân lực KHCN cho Tây Nguyên.

Phát biểu tổng kết bế mạc Hội nghị Ông Châu Văn Minh, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cho biết thêm một số thông tin trao đổi với các đại biểu: Hiện nay có nhiều Chương trình khoa học như KC, Nước sạch nông thôn,... Sẽ có nhiều đề tài mang tính đặt hàng của các tỉnh rồi sẽ được đấu thầu thực hiện. Ban chủ nhiệm Chương trình mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với địa phương. Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 xin tiếp thu tất cả các ý kiến của quí vị và khẳng định sẽ cố gắng thúc đẩy Chương trình Tây Nguyên 3 hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tây Nguyên.

Chiều cùng ngày Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 đã có buổi làm việc ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Đại học Tây Nguyên. Với lòng mong muốn tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực khoa học – công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3) và Đại học Tây Nguyên thống nhất thỏa thuận hợp tác về Đào tạo nghiên cứu Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2015.

Từ ngày 26 đến 30 tháng 11 Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tiến hành làm việc với một số Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, Đăk Nông; thăm và làm việc với Viện Sinh học Tây Nguyên nhằm thúc đẩy trở thành Viện Khoa học và Công nghệ vùng Tây Nguyên, trước mắt thông qua Chương trình Tây Nguyên hỗ trợ mở rộng Bảo tàng Thiên nhiên Tây Nguyên. Ban Chủ nhiệm Chương trình đã thăm Vườn Quốc gia khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà để tìm hiểu khả năng "Thiết lập Ô nghiên cứu định vị diễn thế phục hồi rừng" hiện đại, lâu dài cho Tây Nguyên. Cuối cùng địa diện Ban Chủ nhiệm Chương trình do Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng TS.Nguyễn Đình Kỳ dẫn đầu đã thực hiện khảo sát tổng quan các tỉnh Tây Nguyên từ Lâm Đồng đến Kon Tum. Trong đó, đã tham quan các khu vực khai thác boxit Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông), các vùng chuyên canh chè, cà phê, cao su, rau hoa màu và các khu vực đất trống đồi núi trọc hoang hoá. Một số khu rừng được bảo tồn và một số đập thuỷ điện cũng được tham quan, khảo sát.

Hội nghị triển khai Chương trình và chuyến công tác của Ban Chủ nhiệm đã thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu đã đề ra trong kế hoạch triển khai 2011

Liên kết website khác