Đánh giá các mâu thuẫn trong việc khai thác sử dụng nước ở Tây Nguyên

30/09/2014 04:06

1. Mở đầu

Lãnh thổ Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 54.640 km2, dân số 2010 khoảng 5.214.200 người, chiếm 16,5% về diện tích và 5,8% về dân số so với cả nước (tỷ lệ người dân tộc chiếm 44,6%). Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước và khu vực Đông Dương, là vùng có nhiều tiềm năng ưu thế để phát triển kinh tế. Tây Nguyên nằm trên nền địa hình ở độ cao từ 250÷2.500m, là đầu nguồn của 4 hệ thống sông lớn: Thượng sông Sê San (diện tích lưu vực 11.620 km2), thượng sông Ba (10.970 km2), thượng sông Srêpôk (18.480 km2), thượng sông Đồng Nai (10.983 km2).

Mặc dù trong nhiều năm qua, nhà nước và nhân dân đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi, thủy điện, cấp nước sinh hoạt, nhưng tình hình khó khăn trong khai thác và sử dụng nước ở Tây Nguyên vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng hạn hán, lũ lụt vẫn thường xuyên xảy ra. Trong nghiên cứu này các tác giả sẽ phân tích tình hình nguồn nước, những mâu thuẫn trong khai thác sử dụng tài nguyên nước ở Tây Nguyên và đề xuất những giải pháp giảm thiều.

2. Tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên

Tây Nguyên có lượng mưa trung bình hàng năm là 84,81-93,79 tỷ m3/năm, tạo nên trữ lượng nước mặt khoảng 50,2 tỷ m3 (bảng 1), so với cả nước thì lượng nước sản sinh ra trên 1km2 lãnh thổ thì Tây nguyên thuộc loại trung bình.

Có thể chia lãnh thổ Tây Nguyên thành 3 vùng nguồn nước
+ Vùng có M0 = 10 ~ 20 l/s.km2 : lưu vực sông Ba, Krong Ana, EaSoup
+ Vùng có M0 = 25 ~ 30 l/s.km2: lưu vực sông Se San, Krong Kno, Đồng Nai
+ Vùng có M0 > 35 l/s.km2: thượng nguồn sông PleiKrong và Dakbla.
Bảng 1. Tổng lượng nước các lưu vực sông ở Tây Nguyên [2]
TT Hệ thống sông Tổng lượng nước 109m3
1 Sông Srêpôk 14,5
2 Sông Sêsan 13,3
3 Sông Ba (Tây Nguyên) 7,6
4 Đồng Nai (Tây Nguyên) 9,3
5 Các sông nhỏ đầu nguồn (Thu Bồn, Trà Khúc,…) 5,5
Tổng cộng 50,2
 

Sự khác biệt giữa các vùng nguồn nước này chủ yếu là do mưa biến đổi theo từng vùng. Chế độ mưa ở Tây Nguyên tăng dần từ vùng thấp lên vùng cao. Do ảnh hưởng của địa hình sự phân bố mưa theo không gian khá phức tạp, các sườn núi có hướng đón gió, lượng mưa tăng lên rõ rệt từ 1600 - 2800mm (Bảo Lộc – Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum). Ngược lại, thung lũng khuất gió, lượng mưa năm giảm đáng kể chỉ còn 1200 - 1400mm/năm (sông Krongbuk – Daklak và Phú Túc – Cheo Reo - Sông Ba).

Tài nguyên nước dưới đất ở Tây nguyên phong phú hơn các tỉnh ven biển miền Trung. Lưu lượng dòng ngầm của các thành tạo địa chất khác nhau hình thành nên dòng chảy mùa kiệt trong giới hạn các lưu vực sông thuộc Tây Nguyên tối thiểu là 15´106m3/ngày (5,56 tỷ m3/năm). Tiềm năng của nước dưới đất trong giới hạn 4 lưu vực sông ở Tây Nguyên bao gồm nguồn trữ lượng động và trữ lượng tĩnh là 17.878.130,74m3/ngày (6,52 tỷ m3/năm) [2].

3. Hiện trạng khai thác, sử dụng Tài nguyên nước
3.1. Hệ thống thủy lợi

Tính đến cuối năm 2010, Tây Nguyên hiện có 2.094 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ, trong đó có 882 hồ chứa, 810 đập dâng, 170 trạm bơm, 232 công trình tạm. Hệ thống kênh mương dài 8.248 km (kênh loại I là 168 km; kênh loại II là 565 km; kênh loại III là 7.515 km), đã kiên cố được 865 km, đạt 11%. Các công trình thủy lợi có năng lực thiết kế tưới cả năm là 280.271 ha, thực tế tưới được 191.110 ha, đạt 68% công suất thiết kế. Ngoài ra, còn cấp nước cho dân cư và thành phố như Biển Hồ cấp cho Plây Cu, Ia Cao cấp cho Đắk Lắk. Phòng chống lũ mới có một vài tuyến đê nhỏ, bờ bao chống lũ sớm và lũ tiểu mãn ở một số vùng nhỏ ở vùng Lắc Buôn Trấp.
 
Bảng 3.1. Tổng hợp hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và công trình tạm [5]
Đơn vị : công trình
TT Tỉnh Tổng số công trình Trong đó
Hồ chứa Đập dâng Trạm bơm Công trình tạm
1 Kon Tum 477 48 289 7 133
2 Gia Lai 355 98 176 39 42
3 Đắk Lắk 464 375 29 25 35
4 Đắk Nông 191 148 32 4 7
5 Lâm Đồng 607 213 284 95 15
  Tổng cộng 2094 882 810 170 232
 

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng được tưới là 115.060 ha/ 219.002 ha cần tưới (52.5%); trong đó các công trình đầu tư bằng vốn ngân sách đảm nhận việc cấp nước cho 41.461 ha, còn lại là các công trình do dân tự đầu tư xây dựng khai thác nguồn nước trên các sông suối, ao hồ nhỏ.

Ngoài nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp các công trình thủy lợi còn phát huy khai thác tổng hợp như: cấp nước phục vụ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho công nghiệp, phát điện, phục vụ du lịch và cải tạo môi trường sinh thái.

Hiện diện tích tưới cho cây trồng ở các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đang giảm sút do nguồn sinh thủy giảm, tình trạng xói mòn, bạc màu, sạt lở, bồi lấp lòng hồ ở các công trình này gia tăng. Một số trạm bơm hoạt động kém hiệu quả vì máy móc hư hỏng chưa thay thế được. Tình trạng hiện nay các công trình đang bị xuống cấp, có những công trình bị xuống cấp nghiêm trọng nên hiệu quả tưới phát huy không cao, một số công trình bị hư hỏng nặng đã nhiều năm nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên không được tu sửa.

3.2. Hệ thống cấp nước sinh hoạt

Ngoài việc sử dụng nguồn nước mặt, Tây Nguyên đã khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là tưới cho cây công nghiệp dài ngày như cà phê. Tuy nhiên các hoạt động đào, khoan giếng không theo quy hoạch cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mực nước ngầm như các hiện tượng mực nước ngầm bị tụt, chảy tầng.

- Cấp nước đô thị: Hiện các dự án cấp nước đô thị được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách, nguồn ODA. Đến nay, tất cả các thành phố, thị xã và một số thị trấn trên địa bàn các tỉnh đã xây dựng các nhà máy nước. Hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum (công suất 12.000 m3/ngày đêm), thành phố Pleiku có nhà máy nước Pleiku (công suất 15.000 m3/ngày đêm), nhà máy nước Buôn Ma Thuột (công suất 49.000 m3/ngày đêm), Thành phố Đà Lạt được cấp nước từ nhà máy nước Suối Vàng (công suất 25.000 m3/ngày đêm) và nhà máy Hồ Xuân Hương (công suất 6.000 m3/ngày đêm), nhà máy nước thị xã Gia Nghĩa đang được xây dựng (công suất 12.000 m3/ngày đêm, ngoài ra có các công trình cấp nước nhỏ lẻ cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp.

- Cấp nước nông thôn: Đến năm 2011 tỷ lệ cấp nước nông thôn hợp vệ sinh ở vùng Tây Nguyên đạt khoảng 71%. Tại những vùng khó khăn một bộ phận dân cư vẫn sử dụng nước mưa, nước khe, suối.
 
Bảng 3.2. Kết quả cấp nước nông thôn năm 2011 [1]
TT Tỉnh Tỷ lệ dân được cấp nước hợp vệ sinh (%) Tỷ lệ dân được cấp nước đạt tiêu chuẩn (%)
1 Kon Tum 71,3 -
2 Gia Lai 74,5 27,7
3 Đắc Lắc 69,1 57,3
4 Đắc Nông 74,3 -
5 Lâm Đồng 51,0 17,7
  Tổng cộng 67,4 39,0
 

3.3. Hệ thống Thủy điện     
 
         
Tiềm năng thủy điện ở Tây Nguyên rất lớn, phát điện với tổng công suất lắp máy là 6645MW (xấp xỉ 3 nhà máy thủy điện Sơn La), trên các hệ thống sông Sê San, Srepok, Đồng Nai đã phát triển hầu hết các công trình thủy điện trên dòng chính. Trên sông Sê San có các công trình như Ialy, PleiKrong, Thượng Kon Tum, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, 4A trên sông Srepok có công trình Đray HLinh I,II, Buôn Kuốp, Ban Tua Srah, Srêpok 3, Srepok 4, 4A, trên sông Đồng Nai có Đắk RTít, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, sông Ba có An Khê - Kanak... Do quy hoạch phát triển thuỷ điện thiếu phối hợp, gắn kết giữa các ngành cùng khai thác trên một lưu vực sông nên hiệu quả tổng hợp của công trình thuỷ điện hạn chế, thậm chí gây tranh chấp, xung đột giữa các ngành sử dụng nước, giữa thượng lưu và hạ lưu ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và môi trường [2].

4. Mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở Tây Nguyên
4.1. Những mâu thuẫn

Tây Nguyên với khí hậu thời tiết theo 2 mùa, mùa mưa và mùa khô rõ rệt, làm cho phân bổ nguồn nước rất không đều theo cả không gian và thời gian, gây khó khăn trong khai thác và sử dụng nước trong mùa khô, trong khi tài nguyên nước ngày càng suy giảm, cạn kiệt và khan hiếm. Chính vì sự thiếu hụt và phân bổ không đều dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước trong khu vực.

4.1.1. Trong khai thác và sử dụng nước mặt

Mặc dù 4 lưu vực hệ thống sông chính (sông Ba, sông Sêsan, sông Srêpôk và sông Đồng Nai) của Tây Nguyên có tổng lượng dòng chảy năm đáp ứng được nhu cầu dùng nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng, nhưng đang tồn tại nhiều vấn đề gây mâu thuẫn ngày càng mạnh trong khai thác và sử dụng không bền vững nguồn nước mặt, cụ thể như sau:
Mâu thuẫn giữa các ngành khai thác và sử dụng nước trong đó nổi lên giữa phát điện, cấp nước tưới và cấp nước sinh hoạt. Do thủy điện có nhiệm vụ phủ đỉnh trong biểu đồ phụ tải, nên trong thời gian cao điểm các hồ thủy điện do Tập đoàn điện lực Việt Nam trực tiếp quản lý sẽ phát điện tối đa, còn trong thời gian thấp điểm dường như đóng hoàn toàn dẫn đến chế độ dòng chảy hạ lưu các sông có hồ thủy điện trên dòng chính thay đổi hoàn toàn. Trong một ngày, hạ lưu thủy điện có những thời gian có nước, nhưng có thời gian gần như cạn kiệt hoàn toàn. Các công trình thủy lợi phía hạ lưu không thể hoạt động liên tục, chỉ có thể đảm bảo nguồn nước cho một phần diện tích khu vực đầu kênh. Vùng cuối kênh nước chưa chảy đến lại dừng vì vào thời điểm đó thủy điện ngưng phát điện. Những công trình cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cũng không thể hoạt động liên tục 24/24h dẫn đến nhiều hệ lụy cả về kinh tế, kỹ thuật môi trường và an sinh xã hội.

Hiện nay việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước vẫn theo hướng cung cấp nước, theo yêu cầu phục vụ, chưa thực hiện quản lý nhu cầu sử dụng nước. Ở Tây Nguyên với nhu cầu dùng nước vào mùa khô rất lớn nên đã dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp. Ngay trong khai thác và sử dụng nước cho yêu cầu nông nghiệp cũng mâu thuẫn giữa cấp nước cho lúa, rau màu là cây trồng ngắn ngày với cây công nghiệp có giá trị kinh tế, là cây dài ngày. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước chưa có sự điều hành thống nhất dẫn đến những thiệt hại lớn cho cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao như cây cà phê, hồ tiêu.. nếu bị chết do hạn hán phải mất vài ba năm mới có thể tái sản xuất, trong khi nếu hy sinh diện tích cây trồng ngắn ngày có thể cứu được những diện tích cây dài ngày chỉ mất một vụ thu hoạch.
 
Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt giữa thượng lưu và hạ lưu trên một con sông thiếu sự phối hợp chặt chẽ, chưa xuất phát từ lợi ích và hiệu quả xã hội, của toàn vùng mà chỉ xuất phát từ lợi ích của cá nhân, ngành mình, địa phương mình. Trong khi những khu vực hạ lưu với những cây trồng có giá trị kinh tế cao, hiệu quả lớn, đang bị đe dọa hạn hán, thiếu nước, cây trồng có nguy cơ bị chết thì những vùng thượng lưu người dân vẫn khai thác và sử dụng nước lãng phí, không tiết kiệm.
 
Các hoạt động khai thác, sử dụng nước mang tính cục bộ, thiếu kiểm soát: Khoảng 47,5% diện tích nông nghiệp do người dân chủ động làm các đập nhỏ ở thượng lưu để lấy nước tưới. Việc xây dựng này đã ảnh hưởng tới khả năng điều tiết dòng chảy làm suy giảm đáng kể dòng chảy các tháng mùa khô ở khu vực hạ lưu.

Kết quả nghiên cứu, tính toán cho thấy lượng nước bình quân bị thiếu hụt hiện nay trong mùa khô tại thượng lưu sông Ba thuộc vùng An Khê trong các tháng 2,3 và 6 xấp xỉ 58x106 m3; sông Ayun vùng thượng Ayun trong các tháng 1,2,3 và 5 là 157x106 m3; sông Glea thuộc vùng Ia Mơr – Ia Lốp trong tháng 3÷8 là 189x106m3...

Đợt hạn hán mùa khô năm 2013 đã bộc lộ rất rõ những mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước mặt. Mặc dù Tổng cục Thủy lợi đã cố gắng phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương chống hạn nhưng thiệt hại vẫn lớn. Tính đến ngày 11/3/2013 diện tích gieo trồng một số cây trồng chính trên địa bàn Tây Nguyên là 691.521 ha, trong đó diện tích lúa 78.420 ha, diện tích cây cà phê: 550.234 ha, cây tiêu: 24.000 ha, cây trồng khác 41.867 ha. Theo các tài liệu tổng hợp từ địa phương diện tích bị hạn cụ thể như sau: Lúa 14.624 ha, cà phê 34.396 ha, cây trồng khác 860 ha. Trong đó diện tích có khả năng mất trắng: lúa 2.475 ha, cây cà phê 5.105 ha, cây khác 127 ha.

Do điều kiện biến đổi khí hậu, nên vùng thượng lưu của sông Ba, sông Sê San, sông Srêpôk và sông Đồng Nai đã xuất hiện những thời điểm cạn kiệt nguồn nước tự nhiên vào mùa khô, gây ra tình trạng thiếu nước tại khu vực trung và hạ lưu. Điều này có thể làm biển đổi lượng dòng chảy trên các sông gây ra những hậu quả tiêu cực như: Giảm lượng phù sa bồi lắp cho các khu vực phía hạ lưu làm cho đất canh tác vùng hạ lưu ngày càng thoái hoá. Mặt khác, hiệu ứng nước gây xói lở nghiêm trọng ở bờ sông và hạ lưu các đập.

Hầu hết quy hoạch các công trình hồ chứa đều lấy hết dòng chảy trên sông mà chưa tính tới yếu tố duy trì lưu lượng dòng chảy cần thiết đảm bảo sự sống còn của hệ sinh thái nước và duy trì dòng chảy môi trường ở khu vực hạ lưu. Một số công trình sử dụng giải pháp chưa phù hợp như đưa ống áp lực dẫn nước từ đập đến nhà máy thuỷ điện đã làm hệ sinh thái thuỷ sinh phía sau đập thay đổi đáng kể thậm chí đã tạo đoạn sống chết (đoạn sông sau hồ sông Ba Hạ dài tới 8 km).
 
4.1.2. Trong khai thác và sử dụng nước dưới đất

Mặc dù những vùng đất Bazan được đánh giá là có tiềm năng khá về nước dưới đất nhưng nước dưới dưới đất khu vực Tây Nguyên đang ngày càng suy giảm và cạn kiệt do nhiều nguyên nhân: (i) Tài nguyên rừng Tây Nguyên suy giảm nhanh do việc khai thác chưa hợp lý, diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp nên mất dần khả năng bổ sung và phục hồi tầng nước ngầm toàn vùng; (ii) Khai thác sử dụng cho mục đích phát triển trồng trọt đặc biệt là phục vụ tưới cho cây công nghiệp (cây cà phê, hồ tiêu, rau hoa...); (iii) Tăng dân số và di dân tự do.

Hiện lượng nước ngầm tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lên đến trên 9 triệu m3 (riêng TP. Buôn Ma Thuột chiếm trên 31% nước sử dụng mỗi ngày) con số này tăng 65,7% so với năm 2007, có đến 80% nguồn nước được khai thác sử dụng mỗi ngày là nguồn nước ngầm.

Việc khai thác nguồn nước (cả mùa khô và mùa mưa) trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2003 mới chỉ sử dụng khoảng trên 4,5 triệu m3/ngày (phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu). Thế nhưng, theo Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn tỉnh, đến nay mỗi ngày toàn tỉnh sử dụng trên 8 triệu m3/ngày.

Người dân thuộc lực vực thượng nguồn các hệ thống sông lớn (Srêpôk- Sê San nằm ở phía Tây Bắc và sông Đồng Nai ở phía Nam) đã khai thác mạnh nguồn nước ngầm ngay tại đầu nguồn để tưới cà phê, hoa màu.

Như vậy, việc khai thác và sử dụng nước ngầm ở khu vực Tây Nguyên đã và đang phát sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa sử dụng nước ngầm cho mục đích sinh hoạt và tưới. Tình hình khai thác và sử dụng thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều nhà máy cấp nước trên địa bàn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Trong khi nguồn nước ngầm với chất lượng khá tốt phải được ưu tiên cho những mục đích sử dụng đòi hỏi chất lượng nguồn nước cao.

4.2. Nguyên nhân gây ra mâu thuẫn trong việc khai thác sử dụng nguồn nước
4.2.1. Tốc độ phát triển kinh tế khá nóng

Trong những năm qua Tây Nguyên có tốc độ tăng dân số, phát triển kinh tế khá cao. Diện tích canh tác ngoài quy hoạch không kiểm soát nổi. Nhất là diện tích trồng cây công nghiệp dài ngày đã phát triển vượt xa so với quy hoạch được duyệt (diện tích cà phê cả nước theo quy hoạch đến năm 2015 là 500.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay riêng 5 tỉnh Tây Nguyên đã gieo trồng 550.000 ha vượt diện tích theo quy hoạch của cả nước trên 50.000 ha).

Với tốc độ phát triển kinh tế nóng, nhất là nhu cầu tưới đối với cây công nghiệp như cây cà phê rất lớn (người dân đang tưới 500 - 600 lít nước cho một gốc cà phê mỗi lần). Vì vậy, mùa tưới người dân đã tự phát khai thác đến cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm.

Nhu cầu và phát triển thủy điện trong khu vực Tây Nguyên cũng tăng với tốc độ nhanh so với cả nước. Các nhu cầu nước công nghiệp, sinh hoạt cũng tăng nhanh do áp lực dân số, phát triển kinh tế. Các hồ thuỷ điện trong khu vực Tây Nguyên, nhất là các công trình do tư nhân đầu tư chỉ nhằm tối đa mục tiêu lợi nhuận từ phát điện và không tính tới hiệu quả sử dụng tổng hợp nguồn nước đối với các nhu cầu khác. Trong khi các công trình thủy lợi phát triển không kịp, tài nguyên nước có giới hạn dẫn đến tranh chấp nguồn nước nhất là những năm mưa ít.

4.2.2. Phần lớn là công trình vừa và nhỏ, khả năng điều tiết hạn chế

Do điều kiện địa hình, thủy thế, nguồn nước và điều kiện kinh tế nên phần lớn công trình thủy lợi đã xây dựng ở Tây Nguyên là công trình vừa và nhỏ, tưới từ vài ha đến vài trăm ha và sử dụng chủ yếu dòng chảy cơ bản do đó hiệu quả tưới bấp bênh, thiếu chủ động nguồn nước. Việc kiên cố hoá kênh mương trên toàn vùng chỉ đạt khoảng 25%, đây là tồn tại rất cần khắc phục sớm.

Những hồ chứa có quy mô nhỏ dưới 3 triệu m3, trong đợt hạn hán đầu năm 2013 hầu hết nằm dưới mực nước chết (MNC) hoặc đã khô kiệt nước. Các công trình có quy mô vừa và lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, mực nước hồ giảm so với trung bình nhiều năm từ 0,5m÷2m.

Các vùng sử dụng nguồn nước tưới bằng bơm, đập dâng càng khó khăn về nguồn nước, đặc biệt những vùng hạ lưu do quá trình tích nước của các công trình Thủy điện (như vùng Krông Nô hạ lưu Thủy điện Buôn Tua Srah,...) gần như không còn dòng chảy.

Những công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm được phân cấp cho địa phương quản, do khả năng quản lý chưa cao nên nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng cân đối nguồn vốn để nâng cấp sửa chữa. Hệ thống công trình thuỷ lợi xây dựng đã lâu, không đồng bộ, kênh mương bị bồi lấp, nhiều trạm bơm đã hết hạn sử dụng thiếu thiết bị thay thế.

Các công trình lớn đã xây dựng trên dòng chính chủ yếu là phát điện. Do quy hoạch phát triển thuỷ điện thiếu phối hợp, gắn kết giữa các ngành cùng khai thác trên một lưu vực sông nên hiệu quả tổng hợp của công trình thuỷ điện hạn chế, thậm chí gây tranh chấp, xung đột giữa các ngành sử dụng nước, giữa thượng lưu và hạ lưu ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và môi trường.

Các nhà máy thủy điện như An Khê – Kanak chuyển nước từ sông Ba qua sông Kone, Thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh chuyển nước từ sông Đồng Nai sang sông Cái Phan Rang và sông Lũy, Thượng Kontum chuyển nước từ sông Đakbla (Kontum) sang sông Trà Khúc Quảng Ngãi chỉ tính đến hiệu quả thủy điện, cấp nước song chưa tính đến hệ lụy nước mặn xâm nhập sâu vào sông Đà Rằng, sông Đồng Nai, hệ lụy gây ra đoạn sông khô ở hạ lưu đập gây ảnh hưởng tới môi trường, sinh thái cũng như việc khai thác sử dụng nước. Việc chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác nếu không có sự đồng thuận ngay từ đầu sẽ gây ra những mâu thuẫn giữa các địa phương.

4.3.3. Sử dụng nước chưa tiết kiệm

Công tác quản lý và phân phối, sử dụng nước còn lãng phí, tổn thất nhiều do hệ thống kênh mương chưa đồng bộ, hệ thống công trình nội đồng còn thiếu. Khi thiết kế thường tính hệ số lợi dụng kênh mương h=0,65÷0,70 nhưng thực tế chỉ đạt từ 0,50÷0,55.

Tây nguyên có diện tích trồng cây công nghiệp rất lớn như cà phê, tiêu nhưng kỹ thuật tưới vẫn chủ yếu là tưới tràn nên khả năng kiểm soát, khống chế độ ẩm gần như chưa thực hiện được. Theo đánh giá trong năm 2011, mới có 5% diện tích cà phê được tưới bằng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nước. Trong khi tưới tràn tiêu tốn khoảng 650 lít/gốc/lần tưới thì tưới nhỏ giọt chỉ cần 130-150 lít/gốc/lần tưới giảm từ 4,3 đến 5 lần.

4.3.4. Việc khoanh vùng tiêu chưa tốt

Việc tiêu nước và chống lũ ở Tây Nguyên còn nhiều hạn chế. Ở các vùng đã có đê chỉ chống lũ tiểu mãn, còn lũ chính vụ cho lũ tràn qua, các đê không có đường tràn chủ động, nên khi nước tràn qua đê dễ bị phá hỏng, nhiều kênh tiêu bị bồi lắng, nhiều cống tiêu bị hỏng. Hầu như các vùng tiêu mới chỉ chú ý tới tiêu cho cây lúa ở vụ hè thu, tính toán hệ số tiêu mặt ruộng còn thấp, khi công trình đi vào phục vụ thường không đáp ứng được nhu cầu cần tiêu. Công tác quản lý Nhà nước các tuyến đê địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các huyện với Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều trong cập nhật thông tin, quản lý quy hoạch, kế hoạch.

4.3.5. Quản lý nhà nước về tài nguyên nước phân tán và chưa phù hợp

Quản lý tài nguyên nước bao gồm quản lý số lượng, chất lượng nước; quản lý khai thác các mặt lợi, phòng chống và hạn chế các mặt hại của nước; phát triển, khai thác và bảo vệ nguồn nước ... có quan hệ hữu cơ, tương hỗ nhau. Khi giải quyết khắc phục mặt hại của nước đã mặc nhiên tăng thêm mặt lợi của nước hoặc ngược lại.

Hiện nay, chức năng và nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước đang được phân chia cho nhiều cơ quan. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về công trình thủy lợi, cấp nước nông thôn, chịu trách nhiệm phòng chống lũ lụt, úng ngập, hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển; Bộ Công thương quản lý nhà nước về thủy điện; Bộ Xây dựng quản lý về cấp nước đô thị, công nghiệp… Như vậy, tổ chức, chức năng nhiệm vụ trong quản lý ngành nước hiện nay không phù hợp với đặc điểm tài nguyên nước. Cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý không nắm các công cụ quản lý đã dẫn đến chồng chéo và nhiều hoạt động không kiểm soát được. Hiệp hội nước toàn cầu đã nhận định: ‘‘Thế giới đang khủng hoảng nước, không phải do có quá ít nước không đảm bảo được nhu cầu của chúng ta mà là cuộc khủng hoảng quản trị ngành nước.

5. Đề xuất các giải pháp giảm thiểu mâu thuẫn

Để giảm thiểu các mâu thuẫn trong việc khai thác sử dụng nước ở Tây Nguyên cần triển khai các giải pháp:

5.1. Sử dụng tổng hợp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội

Để sử dụng tổng hợp nguồn nước trên 4 lưu vực sông Tây Nguyên cần xây dựng đủ 3 loại công trình: lớn, vừa và nhỏ bằng các loại công trình: Hồ, đập, trạm bơm với khoảng 1.147 công trình, trong đó nâng cấp 589 hồ chứa và xây dựng 948 công trình mới gồm 669 hồ, 246 đập dâng, 33 trạm bơm. Đồng thời trên dòng chính và dòng nhánh lớn cần xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và lớn để phát điện, giảm lũ và tăng cường lưu lượng kiệt cho hạ du.

Hiện nay Tây Nguyên không chỉ cấp nước tưới cho lúa mà phải cấp nước tưới cho hoa màu, cây công nghiệp, đặc biệt tưới cây cà phê, hồ tiêu và cấp nước cho dân sinh. Do đó, hàng năm còn phải khai thác bằng các công trình tạm và khai thác nước ngầm, đảm bảo tưới cho cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu với tổng diện tích được tưới lên tới trên dưới 162 ngàn ha mỗi năm.

Tăng cường, cấp nước cho dân bằng nhiều hình thức như giếng đào, giếng khoan và cấp nước tập trung, cấp nước cho các khu công nghiệp đô thị bằng các hệ thống cấp nước tập trung sử dụng nước từ hồ chứa hoặc lấy nước trực tiếp từ sông lên.

5.2. Phát triển bền vững, sử dụng đi đôi với bảo vệ nguồn nước

Khai thác lợi dụng tổng hợp, hợp lý nguồn nước, thống nhất theo lưu vực sông và hệ thống công trình thủy lợi, không chia cắt theo địa giới hành chính.

Sử dụng đi đôi với bảo vệ, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, tái tạo nguồn nước bằng biện pháp công trình và phi công trình. Chú ý đến bảo vệ môi trường, đặc biệt môi trường trong hệ thống công trình thủy lợi

Cần lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước… Tại các địa phương, UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, đồng thời quản lý chặt chẽ việc xả thải vào nguồn nước.

5.3. Sử dụng tiết kiệm nước

Nước phải được xem xét là một hàng hoá vì có đủ cả hai thuộc tính của hàng hoá là giá trị và giá trị sử dụng, nhưng là hàng hoá đặc biệt. Giá trị kinh tế đầy đủ bao gồm: giá cung cấp tính đủ cho việc quản lý nguồn nước, chi phí vận hành và bảo dưỡng, giá đầu tư­ cơ bản, chi phí cơ hội và yếu tố kinh tế khác (ngoại lai) nảy sinh do sự thay đổi các hoạt động kinh tế của những ngành chịu ảnh hư­ởng gián tiếp. Chỉ trên cơ sở nhận thức như vậy nước mới được sử dụng tiết kiệm.

5.4. Tham gia của cộng đồng

Thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn: Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 57% vào năm 2015, khoảng 59% vào năm 2020.

Tuyên truyền giáo dục mọi người dân sử dụng nước tiết kiệm nước; Tăng cường và nâng cao trình độ quản lý và khai thác.

5.5. Củng cố tổ chức quản lý ngành nước

Căn cứ vào đặc điểm của tài nguyên nước và các công cụ quản lý để sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tập trung chức năng, nhiệm vụ về quản lý ngành nước trong một cơ quan quản lý nhà nước.

Các nội dung quản lý tài nguyên nước bao gồm quản lý số lượng, chất lượng nước; quản lý khai thác các mặt lợi, phòng chống và hạn chế các mặt hại của nước; phát triển, khai thác và bảo vệ nguồn nước ... sẽ là sai lầm nếu phân chia nhiều cơ quan để quản lý từng nội dung của tài nguyên nước. Điều này sẽ xảy ra có những việc nhiều cơ quan cùng làm dẫn đến chồng chéo và nhiều việc lại bỏ sót.

6. KẾT LUẬN

Trong chiến lược phát triển Tài nguyên nước, Tây Nguyên được đánh giá là một trong những vùng mất cấn đối nhất trong quan hệ cung - cầu về nước đặc biệt trong những tháng mùa khô. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống hạn hán, lũ lụt và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, lũ lụt gây ra là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài đối với Tây Nguyên. Nếu không quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, trong đó đặc biệt là công tác quản trị ngành nước để thống nhất quản lý theo nguyên tắc công trình phục vụ đa mục tiêu, lấy lưu vực sông làm đơn vị, quản lý ngành nước, tập trung về một đầu mối thì những mâu thuẫn, xung đột trong khai thác và sử dụng nước ở Tây Nguyên sẽ ngày càng phức tạp. Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu với xu thế cực đoan của thời tiết, khí hậu tình hình sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Kinh nghiệm trong khai thác sử dụng nước những nước tiên tiến luôn xuất phát từ những đặc điểm địa lý, tự nhiên, kinh tế xã hội, trình độ khoa học công nghệ và truyền thống của từng nước theo những nguyên tắc chung.

Thực tế cuộc sống và những kinh nghiệm quốc tế là bài học quý giá để chúng ta tham khảo, vận dụng vào điều kiện cụ thể của Tây Nguyên nhằm xây dựng được một hệ thống các giải pháp công trình và phi công trình nhằm phát triển và bảo vệ tài nguyên nước, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, hạn chế những mâu thuẫn giữa các ngành, các địa phương phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội lãnh thổ Tây Nguyên và đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.    Báo cáo kết quả nước sạch nông thôn đến 2011, Văn phòng Thường trực Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
2.    Nguyễn Lập Dân và nnk (2013): Cơ sở khoa học cho các giải pháp giải quyết các mâu thuẫn lợi ích trong việc khai thác sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ Tây Nguyên, số 8 năm 2013, 651.
3.    Kết quả điều tra hiện trạng thuỷ lợi đến năm 2011 khu vực Tây Nguyên, Tổng cục Thuỷ lợi; Báo cáo Điều tra cơ bản năm 2012.
4.    Đặng Thị Kim Nhung (2012), Cơ hội và thách thức phát triển thuỷ lợi khu vực Tây Nguyên, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi, Tổng cục Thuỷ Lợi.
5.    Nguyễn Đình Ninh, Đặng Duy Hiển (2012), Hệ thống hồ chứa miền Trung, Tây Nguyên và khả năng điều tiết nguồn nước, Tổng cục Thuỷ lợi.
6.    Miền Trung và Tây Nguyên những vùng đất đang dần hết nước, GS-TS Vũ Trọng Hồng, chủ tịch Hội thuỷ lợi Việt Nam, ngày 22/10/2012.
7.    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (2011), Báo cáo công tác vận hành và các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa thuỷ điện năm 2011.
8.    Đỗ Văn Thành (2012) Quản lý tổng hợp nguồn nước vùng Tây Nguyên, Tổng cục Thuỷ lợi.
9.    Nguyễn Văn Thắng (2012), Tác động của khai thác, sử dụng nguồn nước đến biến đổi dòng chảy các sông miền Trung và Tây Nguyên, Trưởng Đại học Thuỷ lợi.
Liên kết website khác