Đánh giá xu thế biến đổi khí hậu trên khu vực Tây Nguyên

30/09/2016 01:57

Đề tài đã công bố 4 bài báo trên các tạp chí KHCN chuyên ngành, đào tạo 1 thạc sỹ và đang hỗ trợ đào tạo 1 tiến sỹ, được Hội đồng KHCN cấp Nhà nước nghiệm thu đạt loại Khá vào tháng 5/2015. 

Bài viết này trình bày một trong các kết quả của đề tài TN3/T25, đó là xác định mức độ và xu thế biến đổi của nhiệt độ trung bình, lượng mưa và các chỉ số cực đoan khí hậu vùng Tây Nguyên. Kết quả nghiên cứu này dựa trên số liệu của các trạm tiêu biểu cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên bao gồm: Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Playku, Ayunpa (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đắk Nông (Đắk Nông) và Bảo Lộc (Lâm Đồng). Thời gian của chuỗi số liệu từ 1961-2010.

Hoang Duc Cuong bien doi khi hau
Xu thế biến đổi của số ngày nắng nóng - Tmax > 35oC (ngày/10 năm - trái)
và số ngày nắng nóng gay gắt - Tmax > 37oC (ngày/10năm - phải)

Xu thế biến đổi của nhiệt độ trung bình

Trong thời kỳ nghiên cứu, nhiệt độ trung bình mùa khô, mùa mưa và cả năm đều có xu thế tăng với tốc độ lần lượt là 0.028oC/năm, 0.016oC/năm và 0.019oC/năm. Nhiệt độ trung bình mùa khô tăng nhanh hơn nhiệt độ trung bình mùa mưa và cả năm.

Xu thế biến đổi của lượng mưa

Trong 50 năm khảo sát, lượng mưa mùa khô, mùa mưa và lượng mưa cả năm đều có xu thế tăng với tốc độ lần lượt là 5.47 mm/năm, 6.36 mm/năm và 11.6 mm/năm. Lượng mưa mùa khô tăng ít hơn lượng mưa mùa mưa và ít hơn nhiều so với lượng mưa cả năm.

Xu thế biến đổi các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ

Xu thế biến đổi của số ngày nắng nóng (Su35) và nắng nóng gay gắt (Su37) tăng trên hầu hết các trạm thuộc Tây Nguyên, tuy nhiên tốc độ tăng không lớn, phổ biến dưới 1 ngày/10 năm, ngoại trừ Buôn Ma Thuột có xu thế tăng cao nhất là 1,7 ngày/10năm. Xu thế giảm xuất hiện ở một số trạm như Đắk Nông (Su35: -0,31ngày/10 năm), trạm Ayunpa (Su35: -1,5 ngày/10 năm, đặc biệt giảm đáng kể với số ngày nắng nóng gắt Su37: 3,1 ngày/10năm).

Xu thế tăng nhẹ của nhiệt độ tối cao tuyệt đối chỉ tồn tại ở các trạm Playcu và Buôn Ma Thuột. Trong khi đó, giá trị thấp nhất của nhiệt độ tối cao (Txn), giá trị cao nhất của nhiệt độ tối thấp (Tnx) và nhiệt độ tối thấp tuyệt đối có xu hướng tăng rõ ràng ở hầu hết các trạm thuộc Tây Nguyên, đặc biệt là ở phía Nam khu vực.

Xu thế giảm số ngày có Tx dưới phân vị 10% ở các trạm phía Bắc và tăng ở các trạm phía Nam khu vực Tây Nguyên. Đối với Tn10p (giá trị nhiệt độ thấp nhất ngày - với bách phân vị 10%), kết quả tính toán cho thấy xu hướng giảm đáng kể ở hầu hết các trạm, với mức độ giảm khoảng từ 2 đến hơn 6 ngày/10năm.

Số ngày và đêm nóng có xu hướng tăng rõ rệt. Cụ thể số ngày nóng (Tx10p) tăng rõ rệt ở hầu hết các trạm, với mức độ tăng khoảng từ 1 đến 2 ngày/10 năm. Duy nhất chỉ có xu thế giảm tại trạm Bảo Lộc, với mức độ giảm khoảng 2,63 ngày/10 năm. Số đêm nóng (Tn90p) cũng có xu hướng tăng đáng kể trên tất cả các trạm tính toán, với mức độ tăng phổ biến từ 1 đến trên 7 ngày/10 năm.

Xu thế biến đổi các hiện tượng cực đoan liên quan đến lượng mưa

Xu thế biến đổi lượng mưa cực đại trong 1 ngày (Rx1day) và và trong 5 ngày liên tiếp (Rx5day) tăng trên hầu hết các trạm và chỉ giảm ở 3 trạm (Đà Lạt, Ayunpa và Đắk Nông). Mức độ tăng nhanh nhất của lượng mưa cực đại trong 1 ngày được ghi nhận là 12,7 mm/10năm (tại Buôn Ma Thuột), lượng mưa cực đại trong 5 ngày liên tiếp tăng nhiều nhất là 24,1 mm/10năm (tại trạm Bảo Lộc). Trong khi đó lượng mưa cực đại giảm nhiều nhất tại Ayunpa (trong 1 ngày là -17,1mm/10 năm, trong 5 ngày liên tiếp là -9,8 mm/10 năm).

Đối với mưa lớn (R50) và mưa rất lớn (R100), kết quả tính toán cũng cho thấy xu hướng tăng trên hầu hết các trạm. Trong đó, tăng nhanh nhiều nhất là đối với R50 tại trạm Buôn Ma Thuột, Bảo Lộc và Đắk Nông với mức độ tăng khoảng 1 ngày/10năm.

Số ngày khô hạn (Cdd) tăng ở một số nơi như Ayunpa, Buôn Ma Thuột, Bảo Lộc, trong khi đó lại giảm ở những nơi khác. Số ngày ẩm ướt (Cwd) có xu thế giảm trên đa số các trạm. Diễn biến nêu trên lý giải về sự gia tăng của tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên trong thời gian gần đây.

Xu thế biến đổi của Tổng lượng mưa ngày (R95p và R99p) là tăng trên đa số các trạm, với mức độ tăng trong khoảng từ 28,1 đến 75,6mm/10năm (R95p) và tăng khoảng 7,8 đến 55,9 mm/10 năm (R99p). Xu thế giảm của R95p khoảng 35,46 mm/10 năm (Ayunpa) và khoảng từ 5,7 đến 49,8 mm/10 năm (tại trạm Đà Lạt và Ayunpa).

Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy nhiệt độ trung bình và lượng mưa trong mùa khô, mùa mưa và cả năm ở Tây Nguyên đều có xu thế tăng. Tốc độ tăng của nhiệt độ trong mùa khô cao hơn so với trong mùa mưa và cả năm. Ngược lại, tốc độ tăng của lượng mưa trong mùa khô lại thấp hơn nhiều so với trong mùa mưa và cả năm.

Về nhiệt độ, các chỉ số cực đoan liên quan đến nhiệt độ tối thấp tăng nhanh hơn so với các chỉ số cực đoan liên quan đến nhiệt độ tối cao, dẫn đến biên độ nhiệt độ có xu thế giảm. Mặc dù, nhiệt độ tối cao tuyệt đối không có dấu hiệu tăng nhưng số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt, số ngày có đêm nóng tăng lên đáng kể.

Về lượng mưa, hầu hết các chỉ số cực đoan liên quan đến mưa lớn đều tăng trên khu vực, ngoại trừ Ayunpa có xu thế giảm đáng kể trong những năm qua.

Liên kết website khác