Đề án công tác của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016 - 2021 của TS. Đào Đình Châm

27/06/2016 04:24

Kính thưa toàn thể các đồng chí !

Viện Địa lý được thành lập theo Quyết định số 24/CP ngày 22/05/1993 của Chính phủ. Về cơ cấu tổ chức của Viện gồm có: BLĐ, HĐKH, 14 phòng chuyên môn, 2 trạm nghiên cứu và 1 phòng QLTH.

Để xây dựng “Đề án công tác của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016 - 2021”, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Viện và những thành tựu đạt được trong các hoạt động về các mặt công tác của Viện trong 5 năm qua, thông qua việc phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, thuận lợi, cơ hội, thách thức tôi đã đưa ra các giải pháp thực hiện vai trò, trách nhiệm của Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016-2021.
 

TS. Đào Đình Châm trình bày đề cương thực hiện trách nhiệm Viện trưởng nhiệm kỳ 2016-2021

I. ĐÁNH GIÁ, PHÂN TÍCH CÁC ĐIỂM MẠNH - ĐIỂM YẾU - CƠ HỘI - THÁCH THỨC

Tập trung đánh giá, phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Viện Địa lý trong 5 năm qua và nhiệm kỳ 5 năm sắp tới:
 
1. Điểm mạnh

Điểm mạnh của Viện chúng ta có 2 điểm là nhân lực và cơ sở hạ tầng
 
Về nhân lực: Viện Địa lý là đơn vị nghiên cứu đầu ngành và có tiềm lực khoa học về Địa lý lớn nhất nước, tập trung phần lớn các nhà địa lý đầu ngành có trình độ cao, uy tín khoa học và kinh nghiệm nghiên cứu.

Tính đến ngày 15/06/2016 Viện Địa lý có tổng số 90/97 cán bộ trong biên chế và 26 cán bộ hợp đồng dài hạn. Trong đó có 1 GS, 5 PGS, 2 TSKH và 5 NCVCC, có 20 TS, 19 NCVC, 46 ThS và 20 ĐH.

Một số nhóm nghiên cứu của Viện khá mạnh có khả năng tìm kiếm đề tài cấp quốc gia, nhiệm vụ nghị định thư, đề tài hợp tác với các địa phương và huy động được lực lượng đông đảo cán bộ tham gia thực hiện.

Về cơ sở hạ tầng: Viện Địa lý có trụ sở làm việc chính tại tòa nhà A27, Hà Nội và 02 trạm nghiên cứu đặt tại 2 tỉnh Thái Bình và Quảng Bình.

Từ năm 2015, Viện Địa lý đã được Chủ tịch Viện HLKHCNVN phê duyệt dự án đầu tư trang thiết bị chiều sâu với số kinh phí 52 tỷ đồng. Trong năm 2016, Viện được Chủ tịch Viện HLKHCNVN phê duyệt 2 dự án, 1 dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tòa nhà A27 và 1 dự án đầu tư xây dựng CSHT kỹ thuật cho Trạm Cồn Vành.
 
2. Thuận lợi và Cơ hội
 
Trong những năm gần đây, Viện Địa lý luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN trong mọi mặt hoạt động của Viện.

Được sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu (các dự án như đã nêu ở trên). Bên cạnh đó là lực lượng cán bộ nghiên cứu trẻ có năng lực, đầy nhiệt huyết và được đào tạo bài bản về khoa học địa lý và các ngành có liên quan.


3. Điểm yếu

Lực lượng cán bộ có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, có khả năng lãnh đạo các nhóm nghiên cứu còn ít nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay. Đội ngũ cán bộ có thể đề xuất các ý tưởng khoa học lớn trong các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia là không nhiều. Lực lượng nghiên cứu có trình độ cao khá mỏng, không đồng đều giữa các phòng. Nguồn nhân lực kế cận còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.  

Chưa tạo ra được sự gắn kết thực sự trong công tác nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng nhằm tạo ra được những sản phẩm KHCN có giá trị, ứng dụng cao mang tính thương hiệu của Viện Địa lý.

Một số cán bộ lãnh đạo cấp phòng chưa phát huy được vai trò trách nhiệm của người lãnh đạo, chưa thật tích cực chủ động, tiên phong trong việc tìm kiếm công việc.

Công bố quốc tế trong những năm gần đây có xu hướng tăng; tuy nhiên còn thấp so với mặt bằng chung của Viện HLKHCNVN do đặc thù của nghiên cứu cơ bản của khoa học địa lý và các khoa học về trái đất.

Đời sống của đại bộ phận cán bộ, viên chức và người lao động của Viện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với cán bộ trẻ.

Công tác Đài, trạm hoạt động thực sự còn hạn chế, chưa hiệu quả.

4. Thách thức
 
Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản còn thấp.
 
II. CÁC MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN VIỆN ĐỊA LÝ NHIỆM KỲ 2016-2021

Dựa trên những kết quả đạt được của Ban lãnh đạo Viện Địa lý nhiệm kỳ trước, cũng như tiềm lực của Viện Địa lý hiện nay, nếu được sự tín nhiệm của cán bộ trong Viện cũng như sự tin tưởng của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện HL KH&CN Việt Nam giao nhiệm vụ Viện trưởng Viện Địa lý, tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên cơ sở thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình hành động như sau:

1. Mục tiêu

Nâng cao vị thế của Viện Địa lý trong hoạt động nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ và ứng dụng triển khai thực tế nhằm phát triển Viện có chuyển biến về chất, xứng đáng là Viện nghiên cứu đầu ngành Quốc gia đồng thời tiếp cận, hòa nhập với các Viện nghiên cứu trong khu vực và thế giới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có trình độ cao, tự tin, năng động, sáng tạo, chủ động trong công việc.

Tạo dựng được môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện, dân chủ, hiệu quả.

Từng bước nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của cán bộ, viên chức và người lao động trong Viện.

2. Định hướng phát triển

Viện Địa lý định hướng tiếp tục phát triển theo các hướng nghiên cứu chính đó là:

Hướng điều tra cơ bản, đánh giá hiện trạng và diễn biến tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng hợp lý lãnh thổ nhằm mục đích phát triển bền vững. Chú trọng đến điều tra, đánh giá tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong thời gian tới.

Hướng nghiên cứu bảo vệ môi trường và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Hướng triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ trong nghiên cứu địa lý vào thực tiễn sản xuất và đời sống ở các địa phương.

Hướng đào tạo sau đại học và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu địa lý, tài nguyên và môi trường.

Các lĩnh vực tập trung phát triển bao gồm:

Nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ và ứng dụng triển khai;

Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ

Tăng cường hợp tác (trong nước và quốc tế);

Tăng cường công tác công bố (trong nước và quốc tế), quảng bá và xuất bản.

Đào tạo cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực Địa lý và các ngành có liên quan;

Các mặt hoạt động trên được phối hợp linh hoạt có trọng tâm, trọng điểm, có mũi nhọn cho từng thời kỳ một cách thích hợp và hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu trên, Viện Địa lý sẽ cần phải phấn đấu có được bộ máy lãnh đạo để quản lý và điều hành tốt các hoạt động của đơn vị; có chính sách phù hợp, có tiềm lực khoa học đủ mạnh và phát triển tốt các quan hệ hợp tác (trong và ngoài Viện, trong nước và quốc tế).

3. Giải pháp thực hiện: Gồm có 6 g/p

a) Về công tác tổ chức bộ máy và quản lý hành chính

Tiếp tục phát huy đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ tập trung trong công tác quản lý; đề cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, vai trò tư vấn của HĐKH trong các hoạt động chuyên môn. Kết hợp và phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn TN, Chi hội Cựu chiến binh...

Kiện toàn tổ chức bộ máy: Chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ lãnh đạo kế cận. Bổ sung kịp thời các vị trí lãnh đạo các phòng, tuyển dụng cán bộ, thực hiện chế độ tinh giản biên chế...

Xây dựng cơ chế chính sách nội bộ, gắn chặt trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi nhằm tạo động lực phát triển và thu hút nhân tài trong và ngoài nước nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.

Nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý hành chính, đẩy mạnh tin học hóa trong QLHC.

b) Về công tác lãnh đạo trong hoạt động nghiên cứu KHCN, ứng dụng triển khai

Với tiềm lực hiện có, Viện Địa lý sẽ đồng thời chú trọng vào cả 2 lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản; phát triển công nghệ và ứng dụng triển khai. Cụ thể:

Tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa tính năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong việc tham gia đề xuất, đấu thầu, tuyển chọn nhiệm vụ/ đề tài các cấp.

Đề cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt là các cán bộ quản lý từ cấp Phòng; khuyến khích, tôn vinh và có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các cá nhân mang lại lợi ích và danh tiếng cho Viện.

Khuyến khích xây dựng các tập thể, nhóm nghiên cứu KHCN  có cán bộ đầu đàn, có lực lượng tiếp nối, có sở trường hoạt động và định hướng chiến lược.

Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, chú trọng cả theo hướng lý thuyết lẫn thực nghiệm. Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng triển khai phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; phát triển và chuyển giao công nghệ nhằm đưa các thành tựu KHCN vào cuộc sống.

Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu theo các hướng chuyên ngành, liên ngành ngay trong Viện, hoặc với các Viện chuyên ngành của Viện HL KH&CN Việt Nam, hoặc với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong nước cũng như quốc tế.

Dự kiến kết quả đạt được trong nhiệm kỳ tới trong lĩnh vực công tác này:

Đề tài, dự án cấp Nhà nước: có được từ 5 - 7 nhiệm vụ

Đề tài cấp VAST: có được 15 - 20 nhiệm vụ

Đề tài hợp tác với địa phương: 15 -  20 nhiệm vụ.

c) Về công tác tăng cường, nâng cao tiềm lực NCKH và đào tạo

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng cán bộ kế cận, có trình độ chuyên môn cao, có trình độ ngoại ngữ tốt.

Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ: phát hiện và bồi dưỡng các cán bộ nguồn có trình độ chuyên môn tốt, có khả năng tập hợp lực lượng, có khả năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu KH...  

Thực hiện tốt công tác tuyển dụng cán bộ.

Cần quan tâm củng cố, phát triển, có biện pháp thích hợp, hữu hiệu để quản lý khai thác hiệu quả tiềm năng, vị thế của hệ thống đài trạm của Viện. Phối hợp tốt với các đơn vị trực thuộc VAST nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế vốn có của các Trạm; đặc biệt cần đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, đào tạo với USTH, các cơ sở đào tạo thuộc VAST tổ chức cho các sinh viên, học viên đi tìm hiểu, nghiên cứu thực tế tại các Trạm. Trong những năm tới, những khó khăn về nhân lực, kinh phí cần được quan tâm tháo gỡ để các Trạm trực thuộc Viện phát huy những lợi thế sẵn có, cơ sở vật chất đã được đầu tư để nơi đây thực sự là địa chỉ nghiên cứu KH, chuyển giao công nghệ trong nghiên cứu địa lý, tài nguyên và môi trường...

Quản lý để khai thác sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện có, đặc biệt là các trang thiết bị mới được đầu tư cho Viện nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu, tăng số lượng công bố trong nước và quốc tế; tạo thế mạnh cho việc tìm kiếm các cơ hội tốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như trong việc đấu thầu thực hiện các đề tài, dự án;

Tham gia tích cực vào công tác đào tạo đại học, sau đại học. Tạo điều kiện cho các cán bộ nghiên cứu trong Viện tham gia công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ và đạt chuẩn các chức danh PGS, GS.

Tiếp tục cử các cán bộ trẻ có trình độ đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài thông qua các dự án HTQT, các biên bản ghi nhớ với các nước mà Viện đã ký kết trong những năm qua: Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Australia, Bỉ...
 
Dự kiến kết quả đạt được trong nhiệm kỳ tới trong lĩnh vực công tác này:

Tăng số lượng tiến sĩ ở Viện Địa lý: từ 20 - 25 người

Tăng số lượng tiến sĩ tham gia công tác giảng dạy, đào tạo và hướng dẫn HVCH với USTH, Học viện KH&CN: từ 10 - 15 người.

Tăng số lượng tiến sĩ tham gia công tác giảng dạy, đào tạo và hướng dẫn NCS với USTH, Học viện KH&CN: từ 8 - 10 người.

Cử cán bộ khoa học trẻ đi đào tạo sau đại học, trên đại học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài: từ 5 - 10 người.

d) Về công tác hợp tác quốc tế, thông tin, xuất bản

Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các quan hệ hợp tác đã thiết lập được với các nước Châu Âu, trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ công tác đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ…; khuyến khích công bố các kết quả đạt được trong nghiên cứu ứng dụng triển khai, nghiên cứu cơ bản.

Cần quan tâm hơn nữa đến công tác thông tin: Nâng cấp và luôn cập nhật thông tin trang Web để khai thác hiệu quả các hoạt động đối với tất cả các mặt công tác.

Công tác xuất bản cần được quan tâm một cách thích đáng, phục vụ cho công tác đào tạo và hợp tác quốc tế.

Dự kiến kết quả đạt được trong nhiệm kỳ tới trong lĩnh vực công tác này:

Dự kiến sẽ chủ trì 05 Hội nghị, hội thảo quốc tế về địa lý, địa tin học, …

Xuất bản: từ 5 - 10 giáo trình phục vụ công tác đào tạo sau đại học, 05 cuốn chuyên khảo về địa lý và các lĩnh vực có liên quan.

Hàng năm, công bố từ 2 - 3 công trình/năm trên các tạp chí (có chỉ số SCI, SCI-E) và 10 - 15 công trình trên các tạp chí chuyên ngành khác.

e) Về hoạt động của Chi bộ, các tổ chức, đoàn thể và công tác thi đua của Viện

Luôn luôn tranh thủ sức mạnh và lợi thế của Chi bộ Đảng và các tổ chức, đoàn thể trong Viện trong công tác lãnh đạo, quản lý đơn vị. Cụ thể là:

Luôn đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, quyết tâm phấn đấu giữ vững danh hiệu Chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh. Phát huy sức mạnh của tổ chức Đảng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong mọi công tác của Viện.

Tăng cường vai trò tư vấn của HĐKH: Ngoài các chức năng tư vấn, định hướng trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng, xét duyệt đề cương và đánh giá kết quả nghiên cứu cấp cơ sở… HĐKH cần nêu cao vai trò trong cung cấp thông tin về các lĩnh vực chuyên môn của Viện, về các đề án, dự án, chương trình quốc gia, quốc tế, các nhu cầu KHCN đối với xã hội đang cần quan tâm giải quyết.

Tạo điều kiện thuận lợi cho BCH Công đoàn duy trì và cải thiện ngày càng tốt hơn các hoạt động của Công đoàn, tạo một môi trường làm việc, sinh hoạt cộng đồng thân thiện, tương thân tương ái, giúp cho đời sống tinh thần và vật chất của CB, VC ngày càng được tốt hơn.

Luôn coi Đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt và là tương lai của Viện. Cần quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, có hoài bão, tâm huyết, có khả năng nghiên cứu sáng tạo để làm chủ được các thành tựu KH&CN, đủ năng lực tham gia vào các chương trình, dự án quốc gia và quốc tế.

Tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện hoạt động thường xuyên đối với các tổ chức khác như Chi hội Cựu chiến binh, Hội Cán bộ hưu trí.

Phát huy tác dụng của công tác thi đua, sử dụng hiệu quả quỹ thi đua - khen thưởng nhằm tạo được phong trào thi đua thực sự trong Viện, kích thích tinh thần phấn đấu trong công tác của từng tập thể, cá nhân trong Viện.


f) Về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cán bộ viên chức

Duy trì tiếp tục các nguồn phúc lợi đã có. Công tác tài chính cần công khai, minh bạch Thực hiện chính sách chi tiêu tiết kiệm, tránh lãng phí. Quỹ phúc lợi sẽ được tăng thêm nếu đẩy mạnh được hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai và các hợp đồng dịch vụ KHCN.

Tổ chức tham gia vào các hoạt động thể thao, văn nghệ do các tổ chức xã hội cũng như Viện Hàn lâm KHCNVN phát động.

III. CAM KẾT NẾU TRỞ THÀNH VIỆN TRƯỞNG VIỆN ĐỊA LÝ NHIỆM KỲ 2016-2021

Nếu được sự tin tưởng giao nhiệm vụ Viện trưởng Viện Địa lý nhiệm kỳ 2016 - 2021, là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý và điều hành mọi hoạt động của Viện, tôi xin hứa sẽ cố gắng làm việc với tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao nhất và tôi xin cam kết:

Thứ nhất: Thực hiện công tác lãnh đạo Viện Địa lý dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Viện HL KH&CN VN;

Thứ hai: Điều hành công việc một cách chủ động, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trong điều kiện hạn chế về các nguồn lực; tạo môi trường làm việc đoàn kết, thân thiện và bình đẳng trong toàn Viện. Luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu trong bất cứ hành động nào.

Thứ ba: Từng bước nâng cao đời sống của CB, VC và người lao động trong Viện.

Thứ tư: Kế thừa và phát huy sự lãnh đạo hiệu quả của các Viện trưởng tiền nhiệm.

Thứ năm: Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể trong Viện tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Tôi ý thức được trách nhiệm công việc sẽ rất nặng nề, bản thân cần phải cầu thị, luôn có ý thức học hỏi, trau dồi kiến thức, biết lắng nghe, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, từ đó mới có thể hoàn thành tốt trọng trách được giao phó.

Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, bản thân tôi dù có cố gắng đến đâu nếu thiếu sự chung tay của cả tập thể Viện Địa lý: từ Chi ủy, Ban lãnh đạo Viện, các tổ chức, đoàn thể, các cán bộ chủ chốt của Viện cho đến từng CB, VC và người lao động thì tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi mong rằng, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện các chương trình hành động như đã nêu ở trên và đưa Viện Địa lý trở thành Viện nghiên cứu đầu ngành, có uy tín ở trong nước, sẵn sàng tâm thế hòa nhập với khu vực và quốc tế.

Trong khi chuẩn bị bản đề án công tác này, tôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các cán bộ lãnh đạo, quản lý và đồng nghiệp trong Viện Địa lý. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả sự giúp đỡ đó.

Cuối cùng, tôi xin kính chúc các đồng chí Sức khoẻ, Hạnh phúc và Thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!
Liên kết website khác