Giới thiệu phòng truyền thống Viện Địa lý

30/05/2014 03:30

Tất cả những thành quả đó chính là những kết quả xứng đáng từ những nỗ lực làm việc, nghiên cứu, là mồ hôi, công sức của tập thể cán bộ Viện. Trải qua những thăng trầm của thời gian và sự phát triển không ngừng của đất nước, những thành quả đó đã trở thành truyền thống quý báu để các thế hệ cán bộ Viện Địa lý giữ gìn, noi gương và phát triển.

Truyền thống xây dựng và phát triển của Viện Địa lý

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ Viện Địa lý đã đạt được những thành quả tích cực, cả về mặt khoa học, công tác đào tạo lẫn công tác xây dựng khối đại đoàn kết trong nội bộ cơ quan và hợp tác phát triển với các đơn vị khác trong và ngoài nước. Nội dung thể hiện truyền thống xây dựng và phát triển của Viện bao gồm:

Viện Địa lý - lịch sử hình thành và những thành tựu cơ bản

Truyền thống nghiên cứu khoa học

Truyền thống đào tạo

Truyền thống xây dựng và phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học

Chân dung và những thành quả đóng góp của lãnh đạo Viện Địa lý qua các thời kỳ.
Phòng truyền thống còn trưng bày các huân, huy chương, các cờ thi đua, bằng khen, tài liệu nghiên cứu khoa học… là những thành tựu chung của tập thể cán bộ Viện Địa lý.

Truyền thống đoàn kết và phát triển của Công đoàn Viện Địa lý

Gian truyền thống công đoàn Viện Địa lý thể hiện kết quả hoạt động công đoàn gắn liền với truyền thống xây dựng và phát triển của Viện Địa lý trong những năm qua. Kết quả trưng bày tập trung thể hiện vai trò của công đoàn trong công tác phát huy khối đại đoàn kết nội bộ cơ quan, vai trò quan tâm chăm sóc đời sống của người lao động trong tập thể cán bộ công nhân viên Viện Địa lý.

Các kết quả trưng bày bao gồm:
 
Poster giới thiệu chung về truyền thống hoạt động công đoàn Viện Địa lý

Các thành tựu chung của hoạt động công đoàn đơn vị: cờ thi đua, bằng khen, bằng chứng nhận, ảnh hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ quần chúng.

Truyền thống xung phong của chi đoàn Viện Địa lý

Thanh niên, đoàn viên chi đoàn Viện Địa lý là lực lượng trẻ, sáng tạo, xung kích trong mọi hoạt động phong trào và nghiên cứu khoa học. Noi gương nhiều thế hệ cán bộ khoa học trẻ Viện Địa lý, hoạt động của đoàn viên và chi đoàn đã có những thành quả nhất định. Kết quả trưng bày tại phòng truyền thống gồm:
 
Poster giới thiệu về hoạt động chung của chi đoàn

Các thành tựu hoạt động của chi đoàn: cờ thi đua, cờ lưu niệm,…

Ảnh hoạt động phong trào thanh niên…

Truyền thống nghiên cứu khoa học và xây dựng các phòng chuyên môn

Viện Địa lý hiện tại gồm 14 phòng chuyên môn và 1 phòng chức năng - phòng quản lý tổng hợp cùng với hai trạm chuyên ngành là trạm Quan trắc địa lý môi trường và tài nguyên đồng bằng bắc bộ (đặt tại Cồn Vành, Tiền Hải, Thái Bình) và Trạm nghiên cứu Địa lý đa ngành miền Trung (đặt tại Đồng Hới, Quảng Bình).

Song song với quá trình xây dựng và phát triển Viện Địa lý, các phòng chuyên môn lần lượt được thành lập để đáp ứng các nhu cầu phát triển chuyên môn, nhu cầu đào tạo của đơn vị và xu hướng phát triển nghiên cứu khoa học địa lý cơ bản nói chung. Trong quá trình đó, các phòng chuyên môn của Viện Địa lý là nơi sinh hoạt, nơi diễn ra các hoạt động nghiên cứu khoa học chính của cán bộ, chuyên gia viện Địa lý, do đó, lịch sử và truyền thống xây dựng và phát triển các phòng chuyên môn là nền tảng chính góp công vào thành tựu, truyền thống chung của Viện Địa lý.

Tư liệu lịch sử về danh nhân Địa lý học lỗi lạc của dân tộc

Phòng truyền thống Viện Địa lý, ngoài việc thể hiện truyền thống nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển của tập thể, cá nhân trong đơn vị, còn có một phần tư liệu thể hiện về lịch sử nghiên cứu phát triển môn Địa lý học ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến công lao của những nhà địa lý học lỗi lạc, những người có công đặt nền móng cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến địa lý ở Việt Nam và được lịch sử ghi nhận là các bậc danh nhân, những nhà bác học đại tài của dân tộc, đó là:
 
Nguyễn Trãi (1380-1442) với tác phẩm về Địa lý học “Dư địa chí” (1435) là bộ sách về địa lý cổ nhất còn lại của Việt Nam.

Lê Quý Đôn (1726-1784) với “Phủ biên tạp lục” (1776) đề cập đến địa lý của Đàng trong và “Kiến Văn Tiểu lục” (1777) đề cập đến địa lý Đại Việt từ thời Trần, Lý.

Phan Huy Chú (1782-1840) với tác phẩm về Địa lý học: Hoàng Việt dư địa chí. Dư địa chí gồm 5 quyển, thuộc Lịch triều hiến chương loại chí, chép về địa lý và lịch sử địa lý Việt Nam trải qua các triều đại và phong thổ từng vùng.

Dương Văn An (1514-1591) với tác phẩm về địa lý-lịch sử nổi tiếng là “Ô châu cận lục” ghi chép công trình nghiên cứu về địa lý địa danh con người ở vùng đất mà ngày nay là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào thế kỷ 16.
Liên kết website khác