GS.TSKH Lê Đức An - chuyên gia hàng đầu về địa mạo Việt Nam

16/11/2015 08:51


GS.TSKH Lê Đức An, vị Viện trưởng đầu tiên của Viện Địa lý Việt Nam. Ảnh: Trịnh Văn Bộ

GS.TSKH Lê Đức An, vị Viện trưởng đầu tiên của Viện Địa lý Việt Nam

Khi đã nghỉ hưu, ở cái tuổi 72, GS.TSKH Lê Đức An vẫn tham gia đi thực địa ở Hà Giang cùng các đồng nghiệp trong Viện Địa lý. Đó là câu chuyện về chuyến đi thực địa cuối cùng trong 60 năm rong ruổi khắp đất nước của GS.TSKH Lê Đức An mà chúng tôi được nghe lại từ một người học trò của ông là TS. Uông Đình Khanh, Phó Viện trưởng Viện Địa lý.


TS. Uông Đình Khanh kể lại rằng: "Đó là chuyến đi khảo sát điểm trượt lở để nghiên cứu về các tai biến trượt lở sườn ở huyện Bắc Mê (Hà Giang) vào năm 2008. Vì đường lên núi rất cao và nguy hiểm, tôi đã khuyên thầy nên ở lại phía dưới để mấy anh em thanh niên trẻ như chúng tôi trèo lên khảo sát, nhưng thầy vẫn quyết tâm trèo lên để được mắt thấy, tai nghe, tay sờ (bệnh nghề nghiệp của các nhà địa lý). Khi ấy, đoàn chúng tôi gặp phải một cơn giông bất ngờ nên phải đi đường tắt để kịp chạy thoát. Nhưng đoạn đường tắt đó quá nguy hiểm, khiến thầy trượt ngã liên tục. Xuống đến nơi, chúng tôi thấy người thầy rét run lên vì ngấm nước mưa và sau đó thầy đã ốm mất một tuần”.

gs2
GS Lê Đức An (người cúi) cùng các đồng nghiệp trong một chuyến đi nghiên cứu
các điểm trượt lở sườn ở khu vực miền núi phía Bắc. Ảnh: Tư liệu

gs3
GS Lê Đức An cùng các đồng nghiệp trong Viện Địa lý xem lại tấm bản đồ được ghép từ hàng chục bức ảnh vệ tinh,
đây là một trong những tấm bản đồ tư liệu quý có thời kỳ Viện Địa lý mới thành lập.

gs4
GS Lê Đức An cùng các đồng nghiệp ở Viện Địa lý nghiên cứu bản đồ địa mạo của Việt Nam.

gs5
GS Lê Đức An cùng các đồng nghiệp trao đổi về những nguyên nhân hình thành nên các vùng thổ nhưỡng của Việt Nam.

gs6

Gần 60 năm rong ruổi trên khắp dải đất hình chữ S, giờ đây chỉ cần nhìn vào bản đồ thổ nhưỡng (không ghi rõ địa danh),
GS Lê Đức An cũng có thể nhận ra được chính xác từng vùng đất và nguyên nhân hình thành nó

gs7
GS  Lê Đức An đang vẽ phác thảo bản đồ tại phòng làm việc của ông ở Viện Địa lý

gs8
Theo GS Lê Đức An, Địa lý là một ngành khoa học tổng hợp, từ đó có thể nghiên cứu xây dựng thành
các loại bản đồ theo mục đích sử dụng, ví dụ như tấm bản đồ thực vật mà ông đang cầm trên tay

gs9
Dù đã bước sang tuổi 79 nhưng GS Lê Đức An vẫn miệt mài nghiên cứu để tiếp tục viết nên
những công trình khoa học về địa lý Việt Nam
 
gs10
Công trình “Địa mạo Việt Nam – cấu trúc, tài nguyên và môi trường” của GS Lê Đức An
đã được Hội xuất bản Việt Nam tặng giải thưởng sách hay năm 2013.

gs11
Một số công trình khoa học tiêu biểu về lĩnh vực địa lý Việt Nam của GS.TSKH Lê Đức An.

 

Mặc dù nghề nguy hiểm là vậy nhưng GS.TSKH Lê Đức An lúc nào cũng hăng say, mải miết với những công trình nghiên cứu về địa chất, địa mạo vì ông biết công việc của mình rất cần cho cộng đồng và xã hội.

Ví dụ như những công trình nghiên cứu, khảo sát các đảo ven bờ của ông đã cung cấp nhiều thông tin quý giá cho việc quy hoạch phát triển các vùng kinh tế biển. Hay như các công trình nghiên cứu về những điểm trượt lở sườn ở các khu vực miền núi, giúp giảm thiểu thiệt hại cho người dân sống xung quanh, hoặc việc khảo sát các vùng có địa chất hoạt động mạnh để giúp cảnh báo động đất… Những kiến thức chuyên môn sâu trong ngành địa lý của ông đã đóng góp rất lớn cho việc xây dựng nên các loại bản đồ liên ngành phục vục cho từng mục đích sử dụng khác nhau trong đời sống như: bản đồ địa mạo – thổ nhưỡng, bản đồ địa mạo – cảnh quan…

Tuy đã nghỉ hưu nhưng ông còn đau đáu với việc phát triển ngành Địa lý của nước nhà. Ông tâm sự: “Địa lý là một môn khoa học tổng hợp. Bởi vậy nếu tận dụng được những kiến thức đó vào công tác quy hoạch lãnh thổ thì đất nước chúng ta sẽ phát huy được những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng”.

Chính vì tài năng và tâm huyết đó mà GS.TSKH Lê Đức An được nhiều cán bộ của Viện Địa lý kính trọng gọi là “Thầy An”. TS. Uông Đình Khanh tâm sự: “Với các thế hệ học trò như chúng tôi, thầy là một người trí tuệ, đức độ và đặc biệt vô cùng khiêm tốn. Với ngành Địa lý, thầy là một nhà khoa học tâm huyết và luôn sáng tạo không ngừng…”./.

Tin bài: Thảo Vy / Ảnh: Trịnh Văn Bộ
Nguồn tin: TTXVN / 2009
Liên kết website khác