Hoạt động tuyển chọn các nhiệm khoa học thuộc “Chương trình Tây Nguyên 3” bắt đầu thực hiện từ năm 2012

14/09/2013 12:59

Chương trình Tây Nguyên 3 là một nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tiếp nối từ Chương trình Tây Nguyên 1 và 2 do Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Viện KHCNVN chủ trì, phối hợp với Viện KHXH Việt Nam, Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, các Bộ, ban, ngành liên quan, các tỉnh Tây Nguyên và cơ quan khoa học trên cả nước.

Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên gồm 7 thành viên và GS.Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KHCNVN làm Chủ nhiệm Chương trình. Năm 2011 là năm đầu tiên Chương trình Tây Nguyên 3 được triển khai với 19 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và công nghệ. Nhiều đoàn cán bộ khoa học của các nhiệm vụ trên đã và đang khảo sát trên địa bàn Tây Nguyên để bắt kịp mùa khô và tốc độ của Chương trình.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu của Chương trình Tây Nguyên 3, ngày 23/4/2012, Chủ tịch Viện KHCNVN ra Quyết định số 476/QĐ-KHCNVN về việc phê duyệt các tổ chức, cá nhân trúng tuyển chủ trì thực hiện các đề tài cấp Nhà nước trong kế hoạch 2012 thuộc “Chương trình Tây Nguyên 3”, bao gồm 9 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ và 12 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng,… 

Trong 4 ngày 26/4, 27/4, 2/5 và 4/5/2012 Viện KHCNVN đã tổ chức nhiều Hội đồng thẩm định nội dung và kinh phí đề tài khoa học thuộc “Chương trình Tây Nguyên 3” bắt đầu thực hiện từ năm 2012. Theo đó các đề tài khoa học cấp Nhà nước của các tổ chức, cá nhân trúng tuyển chủ trì thực hiện trong kế hoạch 2012 thuộc “Chương trình Tây Nguyên 3”, mã số KHCN-TN3/11-15, được thẩm định cả về nội dung chuyên môn và kinh phí.

Trong cuộc họp thẩm định nội dung và kinh phí đề tài khoa học thuộc “Chương trình Tây Nguyên 3” có 09 tổ thẩm định về lĩnh vực khoa học tự nhiên và 12 tổ thẩm định về lĩnh vực khoa học xã hội để thẩm định 21 đề tài đã được trúng tuyển. Trong đó, tổ thẩm định về lĩnh vực khoa học tự nhiên do GS.Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện KHCNVN, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, làm tổ trưởng; tổ thẩm định lĩnh vực khoa học xã hội do GS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, Phó Chủ Nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, làm tổ trưởng; Ngoài ra, trong các tổ thẩm định còn có đại diện Hội đồng xét chọn, tuyển chọn hồ sơ, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học xã hội tự nhiên, Vụ Khoa học – Tài chính thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Kế hoạch – Tài chính thuộc Viện KHCNVN.


Tổ thẩm định về lĩnh vực khoa học tự nhiên


Tổ thẩm định về lĩnh vực khoa học xã hội

Tại cuộc họp thẩm định, từng chủ nhiệm đề tài đã thuyết minh và giải trình các điểm chỉnh sửa theo các ý kiến phản biện của các thành viên trong tổ thẩm định, đồng thời lắng nghe và tiếp thu các ý kiến sửa đổi bổ sung cần thiết cho đề tài. Tổ thẩm định cũng đã trao đổi, thảo luận với chủ nhiệm đề tài chi tiết về các nội dung nghiên cứu chính của đề tài cần triển khai để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó có thống nhất về số lượng, loại hình, quy mô của các chuyên đề; thời gian thực hiện; các kết quả, sản phẩm chính; số hội thảo, tọa đàm; cơ cấu chuyên môn các cá nhân tham gia chính; năng lực tổ chức phối hợp; hợp tác quốc tế; kinh phí cần thiết,… Sau khi xét duyệt kỹ lưỡng cả về nội dung chuyên môn, kinh phí và tiến độ thực hiện của đề tài, các thành viên trong tổ thẩm định thống nhất và đưa ra quyết định phê duyệt.

Trong 4 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc, các tổ thẩm định đã hoàn thành tốt công tác thẩm định 21 nhiệm vụ khoa học - công nghệ với những nội dung nghiên cứu đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Tây Nguyên, từ các vấn đề về tôn giáo, chính trị, giáo dục, xã hội, an ninh - quốc phòng cho đến các vấn đề về tài nguyên, môi trường, khoa học và công nghệ nhằm phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên.

Theo TS. NCVCC. Nguyễn Đình Kỳ, Viện trưởng Viện Địa lý, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3 cho biết, với việc đưa ra 21 nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2012 đã gần như bao quát được 4 mục tiêu và 8 nội dung của Chương trình Tây Nguyên 3. Để có được những kết quả ban đầu đó là nhờ có sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà khoa học trong các hội đồng tuyển chọn, thẩm định và sự chỉ đạo sát sao của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tin và Ảnh: Minh Tâm

(theo vast.ac.vn)

Liên kết website khác