Hội thảo kết thúc nhiệm vụ hợp tác quốc tế về “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và hoang mạc hoá đến môi trường và xã hội khu vực Nam Trung Bộ (Nghiên cứu thí điểm cho tỉnh Bình Thuận)”

14/09/2013 12:59

Ngày 25/11/2011, tại Viện Địa lý đã diễn ra Hội thảo kết thúc nhiệm vụ hợp tác quốc tế về “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và hoang mạc hoá đến môi trường và xã hội khu vực Nam Trung Bộ (Nghiên cứu thí điểm cho tỉnh Bình Thuận)”. Đây là nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo Nghị định thư giữa Viện Địa lý, Viện KHCNVN và Viện Nghiên cứu công nghệ cộng đồng Flemish (VITO), Đại học Liege và Đại học Leuven, Bỉ.

Tham dự Hội thảo, về phía đối tác Bỉ có đại diện Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Bỉ và Cơ quan quản lý chương trình BELSPO, các chuyên gia Viện Nghiên cứu  công nghệ cộng đồng Flemish, Trường Đại học Liege và Trường Đại học Leuven.


Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Viện Địa lý, Ban Kế hoạch  - Tài chính, Ban Hợp tác quốc tế thuộc Viện KHCNVN, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Khoa học  và Công nghệ, đại diện các cơ quan hợp tác và thụ hưởng tại địa phương, cùng nhiều nhà khoa học đến từ các trung tâm, Viện nghiên cứu và các trường Đại học trong cả nước.

Mục tiêu của Hội thảo là nhằm báo cáo, tổng kết các kết quả chính đã đạt được của dự án trong hai năm thực hiện nhiệm vụ (2010 – 2011). Những kết quả này sẽ ứng phó với bối cảnh của Bình Thuận trong mối quan hệ với sa mạc hóa, hạn hán và biến đổi khí hậu, bao gồm: Tổng hợp dữ liệu khí tượng thủy văn và các kịch bản biến đổi khí hậu ở Bình Thuận; Sự tương tác giữa hạn hán, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu và môi trường; Sự tương tác giữa hạn hán, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu và kinh tế - xã hội; Các rủi ro cho tương lai. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học và các nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận và rút ra các bài học kinh nghiệm, đóng góp bổ sung ý kiến nhằm hoàn thiện hơn các kết quả nghiên cứu của dự án, đồng thời thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học, nhà quản lý của hai nước Việt Nam và Bỉ.

Hiện nay, biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề nóng bỏng của toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ không chỉ đến các hoạt động kinh tế - xã hội mà còn cả hệ thống tự nhiên, hệ thống sinh học, cuộc sống và sự phát triển của tất cả các hệ sinh thái. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới được đánh giá là chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Để đánh giá các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến Việt Nam nói chung, cũng như của khu vực Nam Trung Bộ nói riêng, các nhà khoa học đã chọn nghiên cứu thí điểm cho tỉnh Bình Thuận với mục tiêu cụ thể là:

  • Phân tích, đánh giá được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đến quá trình hoang mạc hóa và vấn đề kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó đề xuất khung chính sách thích ứng;
  • Phát triển phương pháp luận nghiên cứu quá trình hoang mạc hóa ở các vùng nhạy cảm môi trường bằng cách tiếp cận đa chỉ tiêu trên cơ sở kiến thức tổng hợp và kiến thức bản địa về các quá trình tự nhiên;
  • Tăng cường khả năng thích ghi của cộng đồng dân cư địa phương trước ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu bằng các khung chính sách thích ứng chủ động.


TS. Phạm Quang Vinh, Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả chung của nhiệm vụ

Sau hai năm thực hiện (2010 – 2011), nhiệm vụ hợp tác quốc tế theo Nghị định thư giữa Việt Nam và Bỉ với chủ đề “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và hoang mạc hoá đến môi trường và xã hội khu vực Nam Trung Bộ (Nghiên cứu thí điểm cho tỉnh Bình Thuận)” đã đạt được các kết quả chính sau:

  • Đã xây dựng được kịch bản biến đổi khí hậu cho tỉnh Bình Thuận;
  • Đánh giá được tác động của hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên sinh vật;
  • Đánh giá được tác động của hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu đến môi trường, kinh tế - xã hội ở hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình;
  • Đề xuất các giải pháp, chính sách thích ứng chủ động;
  • Xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu hệ thông tin địa lý tỷ lệ 1/100.000 cho tỉnh Bình Thuận và tỷ lệ 1/50.000 cho hai huyện trọng điểm Tuy Phong và Bắc Bình;
  • Đã đào tạo được 01 nghiên cứu sinh;
  • Có 4 bài báo khoa học, trong đó có 3 bài đăng trên các tạp chí nước ngoài.


TS. Lại Văn Cẩm, Phó Viện trưởng Viện Địa lý, phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lại Vĩnh Cẩm, Phó Viện trưởng Viện Địa lý, bày tỏ sự vui mừng trước kết quả đạt được của dự án và tin tưởng các chuyên gia giàu kinh nghiệm nghiên cứu của hai phía Việt Nam và Bỉ bằng cách tiếp cận đa ngành với nhiều lĩnh vực như địa lý tự nhiên, kinh tế, xã hội, quản lý, chính sách… sẽ còn tiếp tục hợp tác thực hiện được nhiều nghiên cứu với chất lượng cao và có giá trị ứng dụng lớn.

Kết quả nghiên cứu của dự án rất có ý nghĩa trong việc ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Đây cũng sẽ là tiền đề cho các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học tiếp theo, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Bỉ.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo:


Ông Luc De Backer, Phó Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo


Ông Đỗ Thanh Dương, đại diện Vụ Xã hội - Tự nhiên - Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại Hội thảo


Các đại biểu, nhà khoa học tham gia Hội thảo

Liên kết website khác