Hội thảo khoa học: “Những kết quả bước đầu Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011 – 2012”

14/09/2013 12:59

Để các nhà khoa học có cơ hội trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác nghiên cứu liên ngành; gắn kết công tác nghiên cứu với quản lý, sản xuất và kinh doanh; thúc đẩy chuyển giao sớm kết quả nghiên cứu và sản phẩm khoa học cho các tỉnh Tây Nguyên, ngày 30/3/2013 Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Những kết quả bước đầu Chương trình Tây Nguyên 3 giai đoạn 2011 – 2012”.

Tham dự Hội thảo có GS. Châu Văn Minh - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3; GS. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3; GS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN, Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3; ông Lê Đình Tiến – Thứ trưởng Bộ KHCN; ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Y DHăm Ê Nuôi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Nguyễn Danh - Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Gia Lai; ông Nghiêm Xuân Minh – Vụ trưởng Vụ KHXH-TN, Bộ KHCN, Ủy viên Ban chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3. Tham dự hội thảo còn có các đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN, Viện Hàn lâm KHXHVN, các Bộ, Ban, Ngành, trường Đại học và các tỉnh thuộc Tây Nguyên, cùng toàn thể thành viên Ban chủ nhiệm - Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3 và các nhà khoa học trên cả nước tham gia thực hiện 58 đề tài và nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Tính đến tháng 9/2012, Chương trình Tây Nguyên 3 tuyển chọn được 57 đề tài và 01 nhiệm vụ độc lập của Liên hiệp hội KHKT tỉnh Gia Lai. Trong đó 19 nhiệm vụ đầu tiên đã được ký hợp đồng bắt đầu từ cuối năm 2011; 21 nhiệm vụ triển khai từ cuối năm 2012 và số còn lại được triển khai từ đầu năm 2013. Các nhiệm vụ khoa học đã bao trùm 8 nhóm nội dung, đáp ứng 4 mục tiêu đã đặt ra và bám sát nhu cầu thực tiễn Tây Nguyên với 28 nhiệm vụ khoa học tự nhiên và phòng tránh cảnh báo thiên tai; 10 nhiệm vụ công nghệ; 20 nhiệm vụ khoa học xã hội, an ninh quốc phòng.

Dựa trên báo cáo tiến độ của 19 đề tài, nhiệm vụ bắt đầu từ cuối năm 2011 và trên 70 bài báo gửi về hội thảo khoa học, hội thảo khoa học lần này có 17 báo cáo được trình bày. Đây là những công bố kết quả mới nhất và nổi bật của Chương trình Tây Nguyên 3 trong giai đoạn 2011 – 2012. Những kết quả này đã phản ánh một cách bao trùm và sâu sát thực tế về tài nguyên thiên nhiên, về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, kinh tế, xã hội của Tây Nguyên.

httaynguyen2
GS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 3, phát biểu khai mạc Hội thảo

Một số đề tài có kết quả nổi bật trong giai đoạn 2011 – 2012 được trình bày tại hội thảo như:

Đề tài "Nghiên cứu đánh giá khả năng ứng dụng tổng hợp một số khoáng sản quan trọng và vị thế của chúng trong phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên". Đề tài đã thực hiện rà soát, bổ sung và chính xác hoá hiện trạng nguồn tài nguyên khoáng sản của 5 tỉnh Tây Nguyên; Thống kê được trên 865 điểm quặng và khoáng hoá từ vàng, đá quý đến bauxit, sắt, đồng, bentonite, phóng xạ, đất hiếm. Một đề xuất đáng chú ý là vấn đề thu hồi khoáng sản sắt laterit ở Tây Nguyên trong khai thác bauxit. Đề xuất này đã được một nhiệm vụ "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin tại Tây Nguyên" thực hiện có kết quả và đăng ký sở hữu trí tuệ đang được hoàn thiện chuyển giao và được doanh nghiệp ủng hộ.

Đề tài "Nghiên cứu hoạt động địa động lực hiện đại khu vực Tây Nguyên phục vụ dự báo các dạng tai biến địa chất ở vùng đập, hồ chứa và đề xuất các giải pháp phòng tránh" mã số TN3/T06, cùng với khảo sát đánh giá hoạt động kiến tạo, đứt gãy trên Tây Nguyên đã hoàn thành công tác khảo sát chọn điểm xây dựng được lưới GPS bao gồm 12 điểm mốc trong đó 9 điểm mốc được đặt trong địa hạt 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 điểm mốc được đặt tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Đề tài đã tiến hành đo và chuyển về dạng chuẩn RINEX.

Đề tài "Nghiên cứu thoái hoá đất, hoang mạc hoá ở Tây Nguyên” (TN3/T01) đã xác định được 5 dạng thoái hoá đất và 3 dạng hoang mạc hoá chủ yếu. Bằng công nghệ viễn thám GIS, kết hợp với khảo sát mặt đất đã xây dựng được bản đồ tiềm năng thoái hoá đất Tây Nguyên tỷ lệ 1/250.000 qua đó để cảnh báo hoang mạc hoá. Hiện nay vấn đề hạn hán, hoang mạc hoá là một trong những vấn đề nổi cộm của Tây Nguyên.

Đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học cho giải pháp tổng thể giải quyết các mâu thuẫn lợi ích trong việc khai thác sử dụng tài nguyên nước lãnh thổ Tây Nguyên" đã sử dụng các công nghệ hiện đại để xác lập cân bằng nước lãnh thổ Tây Nguyên từ nguồn nước mưa, nước mặt, nước ngầm có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu. Đề tài đã phát hiện các mâu thuẫn cơ bản trong khai thác sử dụng nước Tây Nguyên giữa nhu cầu nước công nghiệp - nông nghiệp - sinh hoạt cả về vấn đề lượng và chất. Vấn đề khai thác sử dụng nước liên vùng (Tây Nguyên với duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ) và nước xuyên biên giới với Lào, Campuchia của 4 hệ thống sông chính đã được khảo sát đánh giá. Đề tài đặc biệt chú trọng vấn đề khô hạn liên quan đến hoang mạc hoá đang xảy ra trên diện rộng vùng Tây Nguyên.

Để giải quyết vấn đề hạn hán cùng với điều tiết hồ chứa, bơm hút nước ngầm phục vụ canh tác nông nghiệp, đề tài "Ứng dụng công nghệ Polyme thân thiên với môi trường trong canh tác nông lâm nghiệp Tây Nguyên” (TN3/C03) đã đưa vào đất chất giữ ẩm đặc biệt trữ nước AMS và chất chống xói mòn đất PAM.

Nhiệm vụ "Kết nối phục hồi rừng đầu nguồn Tay Nguyên" không chỉ phòng tránh, giảm nhẹ lũ lụt, hạn hán đồng thời hướng tới kết nối các lợi ích kinh tế - xã hội phục vụ phát triển bền vững.

Nhiệm vụ “Ứng dụng thụ tinh nhân tạo nhân giống heo rừng Tây Nguyên (Sus crofa) và lai tạo heo rừng thương phẩm” đã đạt được những kết quả khả quan và đang chuẩn bị cho việc công bố trên tạp chí quốc tế. Ngoài ra, một số phát hiện mới về thành phần loài sinh học Tây Nguyên, về các bài thuốc dân tộc, về tri thức bản địa đã được công bố; Di sản thiên nhiên của Tây Nguyên lần đầu tiên được phát hiện, xác lập hồ sơ với những giá trị căn bản hấp dẫn, phục vụ cho phát triển du lịch Tây Nguyên; Một số vấn đề về tôn giáo và quan hệ tộc người trong chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc phục vụ phát triển bền vững Tây Nguyên cũng được trình bày

Hội thảo khoa học lần này còn cho thấy những kết quả ban đầu khả quan của Chương trình Tây Nguyên 3 được thể hiện trong sự kết nối của các nhiệm vụ với các sở ban ngành địa phương. Một cơ sở dữ liệu toàn diện, phong phú đã được thu thập cùng với hàng ngàn mẫu vật. Nhiều mẫu vật đã được gửi tới các phòng thí nghiệm ở Nga, Pháp và các phòng thí nghiệm lớn ở Việt Nam để phân tích. Vì vậy ngoài việc phục vụ thực tiễn phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên còn phục vụ phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước và vùng.

Phát biểu tại phiên thảo luận trao đổi của hội thảo, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu (là người chỉ đạo trực tiếp 2 Chương trình Tây Nguyên 1 và 2 trước đây) đánh giá cao tính cần thiết của Chương trình Tây Nguyên 3 hiện nay. Nội dung của Chương trình rộng mở, toàn diện và đã có nhiều điểm đổi mới. Trong đó chương trình đã đưa ra nhiều công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai ở Tây Nguyên. Chương trình Tây Nguyên 3 không chỉ xác định hiện trạng lũ lụt, hạn hán, thoái hoá đất, hoang mạc hoá mà còn cần phải ngăn chặn thiên tai, phục hồi hệ sinh thái rừng. Bên cạnh đó, cũng cần cảnh báo sớm thiên tai, mất rừng và xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất toàn Tây Nguyên. Nhìn chung, những kết quả ban đầu của Chương trình là khá tốt.

httaynguyen3Các đại biểu tham dự Hội thảo

Kết thúc hội thảo, TS. Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 3, thay mặt Ban Chủ nhiệm tiếp thu các ý kến chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, Viện Hàn lâm KHXHVN, Bộ KHCN, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh Tây Nguyên. TS. Nguyễn Đình Kỳ nhấn mạnh, Chương trình Tây Nguyên 3 tiếp tục bám sát thực tế, quán triệt mục tiêu, nội dung của chương trình, tăng cường liên kết các đề tài nhiệm vụ nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên bền vững, đồng thời đánh giá cao những kết quả ban đầu được trình bày tại hội thảo và nhiệt liệt biểu dương tinh thần nghiên cứu vì một Tây Nguyên phát triển bền vững của các chủ nhiệm, thư ký đề tài và tập thể các nhà khoa học của Chương Trình Tây nguyên 3.

Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình, TS. Nguyễn Đình Kỳ gửi lời cám ơn tới sự quan tâm và hỗ trợ của lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, Viện Hàn lâm KHXHVN, Liên hiệp các hội KHKTVN, Bộ KHCN, lãnh đạo các cơ quan chủ trì đề tài; sự ủng hộ nhiệt tình và giúp đỡ to lớn có hiệu quả của Ban chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên; đặc biệt là sự tham gia rộng rãi của các cơ quan khoa học và các nhà khoa học trong cả nước. TS. Nguyễn Đình Kỳ hy vọng sau hội thảo các chủ nhiệm đề tài sẽ có những định hướng nghiên cứu cụ thể trong thời gian tới, đảm bảo được tiến độ thực hiện Chương trình, đồng thời chúc tất cả các cơ quan quản lý và chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ gặt hái được nhiều thành công trong giai đoạn tiếp theo.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

httaynguyen4
Ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ KHCN, phát biểu tại Hội thảo

httaynguyen5
TS. Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất, Chủ nhiệm đề tài TN3/T05 trình bày báo cáo khoa học "Khả năng khai thác sử dụng tổng hợp tài nguyên khoáng sản vùng Tây Nguyên"

httaynguyen6
TS. Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Chủ nhiệm đề tài TN3/T29, trình bày báo cáo khoa học "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu xây dựng không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất Alumin tại Tây Nguyên"

httaynguyen7
PGS.TS. Phạm Quang Hoan, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXHVN, Chủ nhiệm đề tài TN3/X05 trình bày báo cáo "Quan hệ tộc người và chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong phát triển bền vững Tây Nguyên"


TS. Lưu Thế Anh - Viện Địa lý, Chủ nhiệm đề tài TN3/T01 trình bày báo cáo "Các dạng thoái hoá đất và khả năng xuất hiện hoang mạc hoá Tây Nguyên"

httaynguyen10
TS. Nguyễn Lập Dân - Viện Địa lý, Chủ nhiệm đề tài TN3/T02 trình bày báo cáo "Mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng nước vùng Tây Nguyên"

httaynguyen11
PGS.TS. Trần Văn Con - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Chủ nhiệm đề tài TN3/T27 trình bày báo cáo "Kết nối phục hồi và quản lý hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn với phát triển bền vững ở Tây Nguyên"

httaynguyen8
Chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

 Tin và Ảnh: Minh Tâm
(theo vast.ac.vn)

Liên kết website khác