Hội thảo Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc 25/04/2012 12:56:00

13/09/2013 04:44
Ngày 12/4/2012 tại thành phố Yên Bái, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức “Hội thảo Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc”. Tham dự hội thảo, về phía Viện KHCNVN có GS. Dương Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Viện KHCNVN, GS. Viện sĩ. Nguyễn Văn Hiệu - Nguyên Viện trưởng Viện KHCNVN, đại diện lãnh đạo một số Ban chức năng, Viện nghiên cứu và Công ty trực thuộc Viện KHCNVN

Về phía Ban chỉ đạo Tây Bắc, có ông Lê Khả Đấu - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng. Về phía đại diện UBND các tỉnh có ông Hoàng Xuân Nguyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Lê Xuân Phùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành của 8 tỉnh thuộc Tây Bắc: Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Lào Cai. Tham dự hội thảo còn có các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực Tây bắc.

Về phía các cơ quan Trung ương, có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ,  Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Vật lý Việt Nam, Hội Địa lý Việt Nam.

Với hơn 200 đại biểu tham dự hội thảo, trong đó có hơn 100 các nhà khoa học, các tác giả và đồng tác giả đến từ các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành và trường đại học trong cả nước cùng với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp.


Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc được tổ chức với hai mục tiêu chủ yếu. Một là, tạo ra môi trường để các nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu và trường đại học, các chuyên gia tâm huyết với phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, các nhà quản lý hoạt động thực tiễn tại các địa phương trong vùng có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về: nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; các kết quả nghiên cứu đã đạt được; phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Trên cơ sở đó, rút ra kinh nghiệm để mở rộng việc chuyển giao, ứng dụng KHCN ra các địa phương trong vùng; tổ chức nghiên cứu những nhu cầu thực tiễn cần thiết, đồng thời thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết rộng rãi, bền chặt giữa các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, nhà khoa học với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp

Hai là, qua kết quả thảo luận tại hội thảo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng với Viện KHCNVN, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các Bộ, Ngành có liên quan, UBND các tỉnh trong vùng cùng lắng nghe và trao đổi ý kiến về công tác quản lý nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, đề xuất những nội dung cần nghiên cứu bổ sung, nhất là cho xây dựng quy hoạch, phát huy liên kết nội vùng với các trung tâm phát triển, trên cơ sở đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những nhiệm vụ, cơ chế, chính sách sát hợp với điều kiện với thực tế ở mỗi địa phương, mỗi tiểu vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.


Ông Lê Khả Đấu, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, phát biểu khai mạc tại hội thảo

Để đạt được mục tiêu đó, hội thảo đã tập trung vào các nội dung chủ yếu như:

  • Các kết quả nghiên cứu về tài nguyên, môi trường, phân vùng lãnh thổ làm căn cứ cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các tiểu vùng và toàn vùng Tây Bắc, nhất là nghiên cứu về cơ cấu cây trồng, vật nuôi và quy trình tổ chức sản xuất kinh doanh có thể áp dụng cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn trên địa bàn vùng Tây Bắc; các nhu cầu về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giải pháp công nghệ và tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh cần được tổ chức nghiên cứu, chuyển giao; những kinh nghiệm đã đạt được về liên kết nghiên cứu, ứng dụng KHCN có thể phổ biến, nhân rộng.
  • Các vấn đề về môi trường pháp lý, tổ chức và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ như: cơ chế quản lý để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tổ chức nghiên cứu phù hợp với bối cảnh chậm phát triển và những khó khăn, hạn chế đặc thù của vùng Tây Bắc; cơ chế tài chính để tạo động lực và phát huy vai trò tự chủ của tổ chức sự nghiệp và cá nhân các nhà khoa học; chính sách quản lý về quyền sử dụng đất đai, chính sách tín dụng… để tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa.
  • Các vấn đề về phát triển thị trường khoa học và công nghệ phù hợp với thực tiễn trên địa bàn Tây Bắc. Tình hình thực hiện và nhu cầu điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khuyến khích liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hộ nông dân với tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học trong phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ.
  • Các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh các nhà khoa học, doanh nghiệp, hộ nông dân để tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
  • Các vấn đề về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp đối với khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Tại hội thảo có 19 báo cáo được trình bày và hơn 50 poster được trưng bày. Hội thảo nhận được 89 bài báo của hơn 250 tác giả trong cả nước và quốc tế. Đây sẽ là những tư liệu cần thiết và quan trọng về các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển kinh tế xã hội khu vực Tây Bắc, và là cơ sở để chuẩn bị để xây dựng nội dung cho “Chương trình cấp nhà nước: Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Tây Bắc giai đoạn 2013 – 2020, tầm nhìn 2030” mà Viện KHCNVN đang chủ trì xây dựng.


Ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Hoàng Xuân Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái hy vọng thông qua buổi hội thảo này, giữa các cơ quan khoa học - công nghệ của trung ương và các địa phương của các tỉnh miền núi Tây Bắc nói chung, của tỉnh Yên Bái nói riêng sẽ có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để các hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, trong khu vực và trong cả nước.

Trong cuộc thảo luận bàn tròn cuối buổi hội thảo, với tinh thần cầu thị, cởi mở và thẳng thắn, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận, phân tích về những khó khăn, thuận lợi và các nhu cầu ứng dụng khoa học và công nghệ vào đời sống sản xuất của địa phương mình, những khả năng đáp ứng về nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật của các nhà khoa học,... Tất cả các đại biểu đều đi đến sự nhất trí tán thành việc cần thiết phải xây dựng một Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ  phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Ông Lê Khả Đấu - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc hoan nghênh sáng kiến của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo và đề nghị xây dựng chương trình lấy tên là "Chương trình Khoa học Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc" để thể hiện tính chủ động, động lực Khoa học Công nghệ để quy hoạch phát triển có tính liên vùng, tạo cơ chế chính sách để Tây Bắc phát triển nhanh hơn, bền hơn về Kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng.

Một số hình ảnh khác tại hội thảo:







Các nhà khoa học Viện KHCNVN trình bày báo cáo khoa học tại hội thảo

Liên kết website khác