Hướng tới mặt trời

13/09/2013 04:35
Ước mơ đặt chân lên mặt trời của các nhà thiên văn Pháp bấy lâu nay cuối cùng đã trở thành hiện thực. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa lựa chọn những thiết bị do LESIA1 ở Meudon và LPC2E2 ở Orléans thiết kế để trang bị cho tàu vũ trụ Solar Probe Plus đến mặt trời trong tương lai. Con tàu này sẽ được phóng lần đầu năm 2018 và đây sẽ là tàu vũ trụ thám hiểm đầu tiên bay vào vùng khí quyển bên ngoài mặt trời (vầng hào quang, vầng sáng quanh mặt trời)

Các nhà khoa học hy vọng sứ mệnh này sẽ giúp họ giải quyết hai bí ẩn về vật lý mặt trời. Thứ nhất là tại sao nhiệt độ của mặt trời ở bề ngoài chỉ có 6000 độ C, mà ở vầng sáng quanh mặt trời lại tăng đến hơn 1 triệu độ C. Thứ hai là các nhà khoa học cũng không hiểu làm thế nào gió mặt trời có thể đạt tốc độ 800 km/giây (gió mặt trời là một thể plasma gồm các hạt electron và proton do vầng sáng quanh mặt trời phát ra tạo nên cực quang trên trái đất). Với nỗ lực tìm kiếm đáp án cho những câu hỏi này, con tàu vũ trụ của Mỹ sẽ được trang bị một loạt các thiết bị được bảo vệ bởi một tấm chắn, có thể chống lại nhiệt độ khủng khiếp và tia phóng xạ cực mạnh của mặt trời. Trong số này có hai ăng ten điện lớn mà thiết bị nhận của chúng do LESIA thiết kế. Nhà nghiên cứu của LESIA giải thích, “Những ăng ten này sẽ cho phép chúng ta đo được nhiệt độ của các phân tử electron và tốc độ của phân tử proton ở nhiều vị trí của vầng hào quang”. Còn cuộn dây dò tìm có tính từ do LPC2E thiết kế sẽ được sử dụng để xác định những biến đổi về từ trường do những phân tử này tạo ra. Tất cả những điều này sẽ cung cấp cho ta những dữ liệu cần thiết để hiểu hơn về nguyên nhân gây ra hiện tượng cực nóng ở vầng hào quang và hiện tượng gia tốc của gió mặt trời.


Hình ảnh được tạo ra từ máy tính về con tàu vũ trụ khi tiếp cận gần mặt trời

Nhà nghiên cứu Vladimir Krasnoselskikh tại LPC2E chỉ ra rằng, “Ngày nay có một vài giả thuyết được đưa ra làm tiền đề để giải thích những bí ẩn này”. Bằng các phương pháp trực tiếp, chúng ta có thể biến lý thuyết thành thực tế, giúp hiểu biết tốt hơn những hoạt động bí ẩn của mặt trời. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học sẽ phải thật kiên trì. Sau khi đưa vào hoạt động năm 2018, con tàu vũ trụ này sẽ cần 6 năm nữa để đến được nơi gần nhất của mặt trời, cách bề mặt của nó khoảng 6,5 triệu kilomet.

 

Liên kết website khác