Lễ ra mắt trung tâm Nghiên cứu KARST và Hang động

24/03/2014 01:43

Mục tiêu của Trung tâm:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu karst và hang động ở Việt Nam cũng như hợp tác quốc tế góp phần bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên karst Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.


Chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm:
 
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về lĩnh vực karst và hang động

Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về karst và hang động, cung cấp thông tin cho mọi đối tượng theo quy định.

Tham gia đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của karst và hang động; là địa điểm để sinh viên, thực tập sinh về karst và các chủ đề liên quan đến khảo sát nghiên cứu, học tập ngoài thực tế.

Quảng bá các giá trị nổi bật về địa mạo-địa chất, cảnh quan, du lịch của karst nhiệt đới Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững vùng karst.
 


Có thể nói, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Karst và Hang động là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc cung cấp các thông tin, dữ liệu khoa học cần thiết về karst. Thông qua kết quả nghiên cứu karst sẽ góp phần vào bảo tồn và phát huy các giá trị địa chất-địa mạo độc đáo của karst nhiệt đới; các giá trị lịch sử khảo cổ; giá trị văn hóa, dân tộc đa dạng và đặc sắc của người dân sống trong vùng karst của Việt Nam. Thông qua các công trình nghiên cứu, xuất bản, hội thảo, hợp tác quốc tế, các hoạt động tư vấn, đào tạo còn góp phần quảng bá, giới thiệu về cảnh quan, giá trị tài nguyên karst Việt Nam đến bạn bè thế giới và là địa chỉ, điểm đến của các chuyên gia, các nhà khoa học và mọi đối tượng quan tâm đến karst nhiệt đới của Việt Nam nói riêng và karst khu vực Đông Nam Á nói chung. Đặc biệt đối với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng là vùng karst có ý nghĩa khoa học và có giá trị ở Đông Nam Á cũng như trên thế giới bởi nơi đây là vùng có cấu trúc địa chất phức tạp và có lịch sử phát triển vỏ trái đất lâu dài, trải qua nhiều chu kỳ kiến tạo lớn. Karst Phong Nha-Kẻ Bàng còn được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với hệ thống hang động phát triển mạnh, bảo tồn tốt các kiểu cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo và rừng nguyên sinh nhiệt đới cùng với nhiều hệ thống sông ngầm và bậc hang động khác nhau. Khu vực này là địa điểm lý tưởng cho nghiên cứu về lịch sử trái đất, về biến đổi khí hậu, về tài nguyên nước karst, về các quá trình địa chất-địa mạo và về đa dạng sinh học; hứa hẹn là một trong những địa chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu về hang động và karst trên thế giới. Các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến karst Phong Nha-Kẻ Bàng sẽ góp phần vào việc gìn giữ danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng theo các tiêu chí của UNESCO; cũng như góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về karst và các vấn đề liên quan cho Trường Đại học Quảng Bình để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các khu vực lân cận.
 

Ngày 17/3/2014, lãnh đạo Viện Địa chất và Viện Địa lý cùng các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Karst và Hang động đã tiến hành tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Karst và Hang động đặt tại Trạm Nghiên cứu Tổng hợp Đa ngành Miền Trung, TP. Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.
 

Về phía khách mời của tỉnh Quảng Bình có sự hiện diện của các ông:
 
Ông Nguyễn Xuân Tuyến: Tỉnh ủy viên, Chánh văn phòng tỉnh ủy Quảng Bình;

Ông Nguyễn Đức Lý: Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình;

Ông Lê Văn Thái: Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình;

Ông Đặng Văn Hòa: Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình;

Ông Phạm Văn Lương: Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình.

Về phía Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có sự tham dự của các ông:
 
TS.Trần Tuấn Anh: Viện trưởng Viện Địa chất;

PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm: Quyền Viện trưởng Viện Địa lý;

PGS.TSKH. Nguyễn Văn Cư: Chủ tịch Hội đồng nghành khoa học Biển, Viện HLKH và CN Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Đình Dương: Chủ tịch Hội đồng khoa học VIện Địa lý.

TS.Đào Đình Châm: Trưởng phòng Quản lý Tổng hợp Viện Địa lý.

Về phía Trung tâm Nghiên cứu Karst và Hang động với sự có mặt của các ông bà:
 
TS. Vũ Thị Minh Nguyệt: Giám đốc Trung tâm;

TS. Uông Đình Khanh: Phó giám đốc Trung tâm;

CN. Nguyễn Minh Quảng: cán bộ Trung tâm.

Ngoài ra còn có sự tham dự của một số các đại biểu thuộc Sở Khoa học Công nghệ và Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Bình, các cán bộ nghiên cứu của Trạm Nghiên cứu Tổng hợp đa ngành miền Trung.


Bà Vũ Thị Minh Nguyệt thay mặt Trung tâm Nghiên cứu Karst và Hang động giới thiệu sơ bộ về chức năng, nhiệm vụ cũng như vai trò của Trung tâm trong việc nghiên cứu khoa học và bảo tồn các giá trị di sản karst của Việt Nam nói chung và Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nói riêng.

Ông Trần Tuấn Anh và ông Lại Vĩnh Cẩm đại diện cho Viện Địa chất và Viện Địa lý phát biểu ý kiến và mong nhận được sự giúp đỡ của Lãnh đạo tỉnh cũng như sự phối hợp cộng tác chặt chẽ của các Ban, Ngành chức năng tỉnh Quảng Bình để Trung tâm Nghiên cứu Karst và Hang động phát triển.Đại diện cho tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Tuyến, tỉnh ủy viên, Chánh văn phòng tỉnh ủy phát biểu và mong muốn thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Karst và Hang động sẽ có những đóng góp tích cực vào việc giữ gìn và bảo tồn các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng và tỉnh cũng sẽ tạo mọi điều kiện để Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Buổi lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Karts và Hang động diễn ra trong không khí vui vẻ, đầm ấm và thành công.

 
Liên kết website khác