Nghiên cứu phân loại sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên vùng Đông Bắc Việt Nam phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp

06/05/2014 10:18

1. Lãnh thổ và phương pháp nghiên cứu

Vùng Đông Bắc (giới hạn trong tọa độ địa lý: 20º40’B-23º22’B; 103º31’Đ-103º31’Đ) là một vùng miền núi - trung du phía Bắc Việt Nam, có diện tích 63.952 km² (chiếm khoảng 20% diện tích cả nước), bao gồm 11 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang.

Để nghiên cứu phân loại và xây dựng bản đồ SKH thảm thực vật tự nhiên vùng Đông Bắc phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chúng tôi đã sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp phân tích, xử lí thống kê số liệu; Phương pháp điều tra tổng hợp; Phương pháp khảo sát thực địa; Phương pháp phân loại, phân kiểu SKH; Phương pháp bản đồ và hệ thông tin địa lý (GIS).

2. Kết quả nghiên cứu
SKH là bộ môn khoa học liên ngành giữa Khí hậu học và Sinh thái học, nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu tới cơ thể sống. “SKH học chú trọng nghiên cứu tác động của các yếu tố khí hậu (bức xạ, nhiệt độ, độ ẩm…) trong thời gian dài và theo dõi tác động của thời tiết trong từng ngày, từng tháng. Nghiên cứu khí hậu trong phạm vi vùng và trong từng khu vực nhỏ (vi khí hậu), trong cảnh quan và thiết bị chuồng trại do con người tạo nên cho cây trồng vật nuôi”. Nghiên cứu SKH cũng chính là nghiên cứu mức độ thích nghi của điều kiện SKH đối với sinh vật để nâng cao sức sản xuất của các đối tượng cây trồng vật nuôi trong một môi trường nhất định.

Như vậy khái niệm nghiên cứu điều kiện SKH của giới sinh vật trong các hệ sinh thái khá rộng, báo cáo này chỉ tiến hành nghiên cứu, phân loại điều kiện SKH thảm thực vật tự nhiên (trên cơ sở nguồn gốc phát sinh), nhằm phục vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của vùng Đông Bắc.

2.1. Hệ thống phân loại, phân kiểu SKH thảm thực vật
Nghiên cứu các hệ thống phân loại, phân kiểu SKH ở Việt Nam, đáng chú ý có hệ thống phân loại của tác giả Vũ Tự Lập, Thái Văn Trừng, Lâm Công Định và của các tác giả viện Địa Lý có ý nghĩa khoa học thiết thực. Trong khoảng 25 năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ của sản xuất nông - lâm nghiệp. Với chiến lược sử dụng lãnh thổ một cách đa dạng, những nghiên cứu SKH ngày càng tỏ rõ lợi ích của mình. Đáng chú ý là nghiên cứu SKH ở một loạt vùng địa lý khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam được các tác giả Viện Địa Lý thực hiện.

Khi tiến hành phân loại SKH tại các vùng lãnh thổ khác nhau của Việt Nam như vùng Đông Nam Bộ (1996), Bắc Trung Bộ (1997),…ở những bản đồ tỷ lệ lớn hơn (1: 500.000; 1: 250.000…), các tác giả Viện Địa lý đều sử dụng 4 chỉ số đặc trưng: Nhiệt độ trung bình năm (TN) Tổng lượng mưa năm (RN), Độ dài mùa lạnh (N), Độ dài màu khô (n) làm chỉ tiêu phân chia ra các đơn vị SKH. Ngưỡng giá trị của các chỉ tiêu này phụ thuộc vào đặc điểm khí hậu riêng biệt của từng vùng cũng như đặc điểm sinh thái của đối tượng sống mà việc nghiên cứu phân loại hướng tới.

Với vùng Đông Bắc, để phục vụ cho việc đánh giá SKH đối với cây trồng nông lâm nghiệp lâu năm, tác giả đã lựa chọn phân loại SKH làm đơn vị cơ sở. Các loại SKH được tổ hợp từ các chỉ tiêu khí hậu ở một mức độ nhất định phản ánh được sự phân hóa của các thảm thực vật tự nhiên và có thể được hiểu như những ngưỡng sinh thái khá quan trọng đối với sinh trưởng, phát triển và cho năng suất của các cây trồng nông lâm nghiệp ở vùng Đông Bắc.

Hệ thống chỉ tiêu phân loại
Qua phân tích đánh giá điều kiện khí hậu vùng Đông Bắc tác giả nhận thấy nét nổi bật của điều kiện khí hậu ở đây là:
Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh.
Khí hậu có sự phân hóa theo đai cao.
 
Điều kiện khí hậu này theo một số tài liệu cho thấy ở trong vùng có thể tồn tại các kiểu thảm thực vật nguyên sinh như: rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa cây lá rộng, rừng rậm nhiệt đới thường xanh ưa khô hoặc có xen một số loài rụng lá, rừng rậm nhiệt đới thường xanh ở núi thấp và các thảm thực vật thường xanh có xen một số loài lá kim phân hóa theo đai cao ở các vùng núi.

Cơ sở để phân chia cấp kiểu, loại SKH là sự phân hóa của điều kiện nhiệt – ẩm của lãnh thổ, quyết định sự tồn tại của các kiểu thảm thực vật tự nhiên phát sinh trên lãnh thổ đó.
Khi nghiên cứu, xây dựng chỉ tiêu nhiệt - ẩm cho bản đồ SKH, các chỉ tiêu nhiệt, ẩm phải thỏa mãn các yêu cầu:
Chỉ tiêu được chọn phải có tính tiêu biểu, tức là phải phản ánh được bản chất và đặc điểm phân bố mùa nhiệt, mùa mưa theo không gian, theo độ cao và theo mùa.
Chỉ tiêu được chọn phải thể hiện được bản chất của khí hậu sinh thái, tức là phản ánh được quy luật phân bố, sự sinh trưởng và phát triển của các kiểu thảm thực vật tự nhiên tồn tại trên lãnh thổ nghiên cứu.

Để đánh giá điều kiện nhiệt – ẩm chung của lãnh thổ, chúng tôi chọn hai hệ chỉ tiêu chính là: Nhiệt độ không khí trung bình năm và tổng lượng mưa năm.

Ngoài ra, do nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, có mùa lạnh và mùa khô, là những mùa hạn chế đối với sinh trưởng và phát triển của cây trồng nhiệt đới. Để đáp ứng nhu cầu ứng dụng thực tiễn các kết quả phân loại SKH cho đề xuất, bố trí cây trồng nông lâm nghiệp hợp lý, trên cơ sở sự phân hóa các mùa hạn chế, hệ chỉ tiêu nhiệt, ẩm lại được bổ sung thêm các chỉ tiêu về độ dài mùa lạnh và độ dài mùa khô.

a) Hệ chỉ tiêu nhiệt
Thông qua việc phân tích, đánh giá sự phân bố và phân hóa của các đặc trưng nhiệt độ, để đánh giá điều kiện nhiệt chung trong mối liên hệ với các đặc điểm phân bố của một số kiểu thảm thực vật chính trên địa bàn nghiên cứu, chúng tôi sử dụng nhiệt độ trung bình năm (TN) tương đương với tổng nhiệt độ năm (Tổng độ tích ôn).
Từ các số liệu quan trắc tại các trạm trên toàn vùng Đông Bắc chúng tôi nhận thấy nền nhiệt trên toàn lãnh thổ vùng Đông Bắc có sự phân hóa theo không gian, tùy thuộc vào sự thay đổi của vị trí địa lý và điều kiện địa hình. Ở các vùng thấp, nhiệt độ trung bình năm khoảng 20- 23°C. Ở vùng núi, càng lên cao nhiệt độ càng hạ thấp, mùa lạnh càng kéo dài ra, phù hợp với quy luật giảm nhiệt độ theo chiều cao.

Nhiệt độ trung bình năm
Tài nguyên nhiệt lãnh thổ được đánh giá thông qua nhiệt độ không khí trung bình năm - TN, hay nói cách khác đó cũng là tổng tích ôn - một đại lượng rất có giá trị trong nghiên cứu khí hậu nông nghiệp và thường được sử dụng rộng rãi trong quy hoạch phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiệt độ Tnăm được phân thành các cấp sau (Bảng 1):
(I). Nóng, TN ≥ 20ºC, tương đương với tổng độ tích ôn trên 7300ºC. Đối với vùng Đông Bắc, những nơi có độ cao tuyệt đối dưới 500m như ở Quảng Ninh, dưới 600m như ở khu vực phía Đông Hoàng Liên Sơn và dưới 700m ở sườn Tây Hoàng Liên Sơn đều có tổng độ tích ôn và nhiệt độ trung bình năm thỏa mãn các điều kiện trên. Điều kiện nhiệt ở đây rất dồi dào, thuận cho thực vật và cây trồng nhiệt đới đủ nhiệt phát triển tốt.
 
Bảng 1: Chỉ tiêu nhiệt để phân loại và thành lập bản đồ SKH vùng Đông Bắc Việt Nam
Ký hiệu và tên gọi Cấp nhiệt độ Đai cao
(độ cao tuyệt đối)
Thảm thực vật
TN Tổng độ tích ôn Phía tây Hoàng Liên Sơn Phía Đông Hoàng Liên Sơn
I - Hơi nóng TN > 20ºC > 7300ºC < 700m < 500-600m Thực vật nhiệt đới vùng thấp. Các cây trồng nhiệt đới đủ nhiệt.
II- Mát 16ºC < TN < 20ºC 6000ºC - 7300ºC 700-1500m 500/600-1300/1400m Có thể tồn tại thực vật nhiệt đới, bắt đầu tồn tại các loại cây ôn đới: đào, mận, mơ. Phát triển thực vật núi thấp.
III- Lạnh 12ºC < TN < 16ºC 4500ºC - 6000ºC 1500-2300m 1300/1400-2200m Cây nhiệt đới không thể tồn tại được. Ngưỡng trồng rau màu xứ lạnh. Rừng á nhiệt đới lá kim phát triển. Phát triển các loài cây thuốc.
IV – Rất lạnh TN < 12ºC < 4500ºC > 2300m > 2200m Thảm thực vật núi cao, cận Alpine. Xuất hiện loài cây lùn núi cao.
 
 

(II). Hơi lạnh, 16ºC ≤ TN < 20ºC, tương đương với tổng độ tích ôn từ 6000- 7300ºC. Các khu vực có độ cao tuyệt đối từ 500/600m-1300/1400m ở phía Đông Hoàng Liên Sơn và từ 700-1500m đều có tổng độ tích ôn và nhiệt độ trung bình năm thỏa mãn các điều kiện này. Điều kiện nhiệt ở đai này rất thích nghi cho các loại cây trồng nhiệt đới, á nhiệt đới, cây ôn đới.

(III). Lạnh,12ºC ≤ TN < 16ºC, tương đương với độ tích ôn từ 4500 - 6000ºC phân bố chủ yếu ở các vùng có độ cao tuyệt đối từ 1300/1400m - 2200m ở phía Đông Hoàng Liên Sơn và từ 1500-2300m ở Tây Hoàng Liên Sơn. Tại đây, các loài cây nhiệt đới không thể tồn tại được. Cây ôn đới và cây cận nhiệt phát triển mạnh. Rừng á nhiệt đới lá kim phát triển và các loài cây thuốc cũng chiếm ưu thế.

(IV). Rất lạnh, TN < 12ºC, tương đương với tổng độ tích ôn đưới 4500ºC, ở trong vùng, các khu vực có độ cao từ 2200m ở phía Đông Hoàng Liên Sơn và từ 2300m ở Tây Hoàng Liên Sơn trở lên đều có tổng độ tích ôn và nhiệt độ trung bình năm thỏa mãn các điều kiện trên. Tại đây xuất hiện thảm thực vật núi cao, cận Alpine và có sự hiện diện của các loài cây lùn núi cao, cây Hoàng Liên…

Độ dài mùa lạnh
Tùy theo địa hình độ dài mùa lạnh có sự thay đổi. Thời kỳ có nhiệt độ thấp đó được đánh giá thông qua số tháng lạnh “N” có nhiệt độ trung bình tháng dưới 18ºC. Ở Bắc Kạn độ dài mùa lạnh có thể phân chia thành các cấp sau:
Bảng 2: Phân cấp độ dài mùa lạnh
Cấp Độ cao địa hình Biểu hiện Số tháng lạnh (N)
1 < 600-700m Thời kỳ lạnh ngắn ≤ 3
2 600/700-1400/1500m Thời kỳ lạnh trung bình 4 – 6
3 1400/1500m – 2200/2300m Thời kỳ lạnh dài 7 – 9
4 > 2200/2300m Thời kỳ lạnh rất dài và lạnh quanh năm 10 – 12
 

b) Hệ chỉ tiêu mưa - ẩm
Trong các nhóm nhân tố khí tượng – thủy văn thì chế độ khô ẩm được đề xuất như một phức hệ bao gồm lượng mưa hàng năm, chỉ số khô hạn, độ ẩm trung bình thấp nhất. Khi nghiên cứu sinh thái phát sinh của thảm thực vật rừng Việt Nam [4], Thái Văn Trừng đã nêu rõ: “Đó (chế độ khô-ẩm) là tác nhân khống chế, quyết định sự hình thành những kiểu khí hậu nguyên sinh của thảm thực vật thiên nhiên thuộc một vùng lớn ở miền NĐGM, như ở Việt Nam”.

Chỉ tiêu mưa ẩm cấp kiểu
Như là đặc trưng biểu thị tiềm năng ẩm cung cấp giới sinh vật, chỉ tiêu mưa-ẩm của cấp kiểu được chọn là tổng lượng mưa năm (R năm).
Qua nghiên cứu chế độ mưa trên toàn lãnh thổ trong mối liên hệ với thảm thực vật tự nhiên, tổng lượng mưa năm được phân chia thành các cấp sau:
(A). Mưa rất nhiều, R năm ≥ 2500mm, biểu thị điều kiện ẩm ở đây dư thừa, bảo đảm sự tồn tại của các kiểu rừng mưa nhiệt đới, rừng rậm thường xanh lá rộng tồn tại trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
(B). Mưa nhiều, 2000mm < R năm ≤ 2500mm, Đủ ẩm, tương đương với những thảm thực vật rừng kín thường xanh.
(C). Mưa vừa, 1500mm < R năm ≤ 2000mm, ứng với kiểu rừng thường xanh, hoặc rừng nửa rụng lá (tùy theo diễn biến mùa khô).
(D). Mưa ít, 1200mm < R năm ≤ 1500mm, tương đương với kiểu thảm thực vật rừng rụng lá mùa khô hoặc trảng cây bụi.
(E). Mưa rất ít, R năm < 1200mm, tương đương với những vùng có tồn tại kiểu rừng rụng lá mùa khô và trảng cây bụi.
Cùng với chỉ tiêu nhiệt độ trung bình năm, chỉ tiêu tổng lượng mưa năm sẽ cho ta những đơn vị kiểu sinh khí hậu chính.

Chỉ tiêu mưa-ẩm cấp loại sinh khí hậu
Cấp thấp hơn cấp kiểu của bản đồ SKH là cấp loại. Đứng sau cấp kiểu, cấp loại SKH phản ánh mức độ đảm bảo ẩm của một đơn vị lãnh thổ chủ yếu là trong mùa ít mưa.
Số tháng khô (rtháng ≤ 50mm) được dùng lảm chỉ tiêu cấp loại biểu hiện cấu trúc của thảm thực vật. Ngoài ra như trên đã phân tích, số tháng khô còn phải phần nào phản ánh được phản ánh được tiềm năng SKH ứng dụng cho việc bố trí cây trồng của sản xuất nông – lâm nghiệp.

Dựa trên kết quả của nhiều tài liệu sinh thái thực vật nói chung cũng như các tài liệu nghiên cứu sự phân hóa của các mức độ khô hạn giữa các khu vực trên lãnh thổ, mức độ khô hạn ra những cấp sau:
Bảng 3: Chỉ tiêu mưa ẩm cấp loại sinh khí hậu
Ký hiệu Tên gọi Chỉ tiêu loại sinh khí hậu: số tháng khô (n)
a
b
c
Không có mùa khô hay mùa khô không đáng kể
Mùa khô trung bình
Mùa khô dài
n ≤ 2 tháng
3 ≤ n ≤ 4 tháng
5 ≤ n ≤ 6 tháng
 

Những nơi không có mùa khô, hay mùa khô không đáng kể thuộc loại SKH (a) thường tồn tại kiểu rừng mưa nhiệt đới hay còn gọi là rừng kín thường xanh cây lá rộng.
- Những nơi có mùa khô trung bình thuộc loại SKH (b) thường tồn tại kiểu rừng mưa mùa hoặc rừng nửa rụng lá tùy theo tổng lượng mưa năm và khả năng giữ nước của đất.
- Những nơi có mùa khô dài, thuộc loại SKH (c) thường tồn tại kiểu rừng gió mùa nửa rụng lá hoặc rụng lá.
Hệ thống chỉ tiêu SKH thảm thực vật lãnh thổ nghiên cứu được thể hiện dưới dạng ma trận trên bảng chú giải của bản đồ SKH thảm thực vật tự nhiên vùng Đông Bắc tỷ lệ 1:500.000.
 
2.2. Thành lập bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên vùng Đông Bắc Việt Nam

Nghiên cứu thành lập các bản đồ phân kiểu, loại khí hậu trên cơ sở xem xét mối quan hệ mật thiết giữa điều kiện khí hậu của một vùng lãnh thổ nào đó với điều kiện sinh thái phát sinh của thảm thực vật tự nhiên có một ý nghĩa rất quan trọng đối với khoa học cũng như thực tiễn, các bản đồ được thành lập trên cơ sở đó được gọi là bản đồ SKH.

Việc nghiên cứu SKH và thành lập bản đồ các kiểu loại SKH đã đóng góp tích cực cho khoa học địa lý thực vật nói riêng và cho khoa học địa lý tự nhiên tổng hợp nói chung. Ý nghĩa khoa học của các đơn vị SKH mà các bản đồ đưa ra cho phép người nghiên cứu có thể dùng nó như một đơn vị cơ sở, như một chỉ tiêu cụ thể trong nghiên cứu địa lý thảm thực vật và địa lý tự nhiên tổng hợp.

Trên cơ sở sử dụng các bản đồ sinh khí hậu đó, việc nghiên cứu, đánh giá tài nguyên SKH có một ý nghĩa khoa học, cũng như thực tiễn quan trọng. Kết quả đánh giá mức độ thích hợp của điều kiện SKH của từng vùng lãnh thổ cụ thể đối với các cây trồng khác nhau cho phép chúng ta xác định một cơ cấu cây trồng nông, lâm nghiệp thích hợp cho vùng lãnh thổ nghiên cứu nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên SKH và bảo vệ môi trường lâu dài và bền vững. Từ đó, có thể từng bước chuyển dịch cơ sấu cây trồng, mang lại nguồn hàng hóa nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao cho từng vùng cụ thể.

Nguyên tắc thành lập bản đồ sinh khí hậu thảm thực vật tự nhiên

Xuất phát từ quan điểm nghiên cứu SKH trên cơ sở xem xét mối quan hệ mật thiết giữa điều kiện khí hậu và điều kiện sinh thái phát sinh của thảm thực vật tự nhiên, bản đồ sinh khí hậu được thành lập đều thỏa mãn các nguyên tắc sau:
- Bản đồ sinh khí hậu trước hết phải phản ánh được đặc điểm khí hậu của vùng lãnh thổ nghiên cứu, sự phân hóa của chúng trong không gian và theo thời gian.
- Bản đồ SKH phải phản ánh được đặc điểm sinh thái của các kiểu thảm thực vật có trên lãnh thổ nghiên cứu.
- Bản đồ SKH phải phản ánh được nhu cầu phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, quy hoạch vùng lãnh thổ nghiên cứu.
 
Mô tả các loại SKH vùng Đông Bắc

Trên cơ sở phân tích các nhân tố khí hậu và kết quả phân chia các chỉ tiêu phân loại SKH, trên lãnh thổ Vùng Đông Bắc có 5 kiểu SKH quy định sự tồn tại của các kiểu thảm thực vật tự nhiên, 20 loại SKH thảm thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loại được lặp lại nhiều lần trên lãnh thổ, kết quả trên lãnh thổ của tỉnh có tất cả 117 khoanh vi riêng biệt của 20 loại SKH kể trên.
Kiểu SKH NĐGM, mưa vừa tương ứng với kiểu thảm thực vật khí hậu rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa cây lá rộng.
Kiểu SKH NĐGM nóng và ấm, ít mưa tương ứng với kiểu thảm thực vật khí hậu rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa cây lá cứng chịu hạn, hoặc cây lá rộng có xen một số loài cây rụng lá.
Kiểu SKH NĐGM núi thấp, mát và lạnh, mưa vừa tương ứng với kiểu thảm thực vật khí hậu rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa hỗn giao cây lá rộng, lá kim ở núi thấp.
Kiểu SKH Á NĐGM núi trung bình, rất lạnh, mưa vừa tương ứng với kiểu thảm thực vật khí hậu rừng lá kim núi trung bình.
Kiểu SKH Á NĐGM núi trung bình, rất lạnh, mưa nhiều tương ứng với kiểu thảm thực vật khí hậu rừng lá kim, rừng cây lùn (trúc lùn) ở núi trung bình.
Trong các loại SKH, loại SKH IC1b chiếm diện tích lớn nhất (22012.22 km2), đứng thứ hai là loại IIC2b (10327.37 km2), chiếm diện tích nhỏ nhất là loại SKH IVB4b (32.48 km2).
Loại SKH IIC2b có số lần lặp lại nhiều nhất (36 lần), tiếp đến là IIB2b, IID2b (10 lần), còn lại các loại SKH khác chiếm diện tích trung bình và có số lần lặp lại từ 1 - 10 lần.
 
IA1a: Loại SKH NĐGM, hơi nóng, có thời kỳ lạnh ngắn từ 1 đến 3 tháng, mưa rất nhiều và mùa khô ngắn. Loại SKH này chỉ xuất hiện 1 lần, quan sát thấy ở huyện Bắc Quang, Vị Xuyên - Hà Giang, ở độ cao dưới 600m khi đi vào sâu trong nội địa.
IA1b: Loại SKH NĐGM, hơi nóng, có thời kỳ lạnh ngắn từ 1 đến 3 tháng, mưa rất nhiều và mùa khô trung bình. Quan sát trên bản đồ SKH, quan sát thấy loại SKH này chỉ xuất hiện 1 lần ở Hải Hà, Móng Cái– Quảng Ninh, vùng có độ cao dưới 500m.
IB1b: Loại SKH NĐGM, hơi nóng, có thời kỳ lạnh ngắn từ 1 - 3 tháng, mưa nhiều và mùa khô trung bình từ 3 - 4 tháng. Loại SKH này xuất hiện 5 lần và dễ nhận thấy ở vùng có độ cao dưới 500 – 600m, chiếm diện tích 6105.49 km2 bao gồm một phần diện tích của huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Xu Phì, thành phố Hà Giang tỉnh Hà Giang; phần phía Đông và đông nam của tỉnh Quảng Ninh bao gồm dải duyên hải ven biển Quảng Ninh, cánh cung Đông Triều. Đại bộ phận tỉnh Thái Nguyên cũng nằm trong khu vực SKH này.
IC1b: Loại SKH NĐGM, hơi nóng, có thời kỳ lạnh ngắn dưới 3 tháng, mưa vừa và mùa khô trung bình từ 3 - 4 tháng. Loại SKH này chỉ xuất hiện 4 lần (tính trên phần diện tích đất liền, không bao gồm các đảo và quần đảo), song lại chiếm diện tích lớn nhất (25746.97 km2), phân bố ở những vùng thấp có độ cao dưới 600m của tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên (huyện Phú Bình, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai), phía Tây tỉnh Bắc Giang, phần thấp của tỉnh Bắc Kạn, một phần nhỏ phía Tây nam tỉnh Lạng Sơn, một phần nhỏ thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).
IC1c: Loại SKH NĐGM, hơi nóng, có thời kỳ lạnh ngắn từ 1 - 3 tháng, mưa vừa, mùa khô dài từ 5 - 6 tháng. Loại SKH này cũng chỉ xuất hiện 2 lần, chiếm diện tích nhỏ (428.68km2) bao gồm lãnh thổ của huyện Văn Chấn, thị trấn Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái, một phần diện tích thuộc huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang.
ID1c: Loại SKH NĐGM, hơi nóng, có thời kỳ lạnh ngắn, mưa ít, mùa khô dài. Loại SKH này xuất hiện 3 lần, có diện tích lớn, đứng thứ ba về diện tích với 9911.68 km2, bao gồm phần lãnh thổ dọc thung lũng sông Gâm và sông Nho Quế thuộc một phần của huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, phía nam huyện Mèo Vạc, Yên Minh và phía Bắc huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang); khu vực Chợ Rã – huyện Ba Bể, phần lãnh thổ thuộc bồn địa Cao-Lạng kéo dài tiếp giáp với Quảng Ninh và phần phía Bắc của tỉnh Bắc Giang.


 
Chú giải:
IE1c: Loại SKH NĐGM, hơi nóng, có thời kỳ lạnh ngắn, mưa rất ít, mùa khô dài. Loại SKH này xuất hiện 2 lần, bao gồm phần lãnh thổ huyện Văn Lăng, phía Tây huyện Bình Gia, phía bắc huyện Văn Quan và phía Bắc, phía Tây huyện Lục Ngạn với diện tích 857.37 km2 (0,35%).
IIA2a: Loại SKH NĐGM, ấm đến mát, có thời kỳ lạnh trung bình từ 4 - 6 tháng, mưa rất nhiều, mùa khô ngắn. Loại này quan sát được ở khu vực giáp với trung tâm mưa lớn Bắc Quang (Hà Giang), bao gồm phần phía Tây của huyện Vị Xuyên, phía Nam huyện Hoàng Su Phì, Xí Mần và một phần của huyện Bắc Quang (sườn Đông Nam của dãy Kiều Liêu Ti), có diện tích nhỏ 142.89 km2.
IIA2b: Loại SKH NĐGM, ấm đến mát, có thời kỳ lạnh trung bình từ 4 - 6 tháng, mưa rất nhiều, mùa khô trung bình. Loại SKH này xuất hiện ở phía Bắc huyện Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu khu vực núi Nam Châu Lãnh (đỉnh cao nhất: 1506m), và khu vực giáp gianh đỉnh dãy Tam Đảo, xuất hiện 2 lần chiếm một diện tích rất nhỏ 97.43 km2. Loại SKH này tương tự như kiểu IIA2a nhưng mùa khô kéo dài hơn từ 3-4 tháng.
IIB2b: Loại SKH NĐGM, ấm đến mát, có thời kỳ lạnh trung bình từ 4 - 6 tháng, mưa nhiều, mùa khô trung bình. Loại SKH này phân bố tập trung ở bốn khu vực trong vùng với độ cao từ 500/600 – 1400m: Phía Đông, phân bố ở huyện Bình Liêu, Tiên Yên (Móng Cái), một số khu vực núi cao trên 600m thuộc cánh cung Đông Triều; vùng giáp với trung tâm mưa lớn Bắc Quang (thuộc phía Tây, Tây Nam khối núi thượng nguồn sông Chảy, gồm các huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì, và một số xã của huyện Vị Xuyên và Bắc Quang, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh; một số khu vực núi cao trên 600m như khu vực núi Chạm Chu (đỉnh cao nhất 1587m ở phía bắc huyện Hàm Yên), Pia Phơưng, Ta Pao, Kia Tăng (phía bắc huyện Na Hang);khu vực núi thấp 600- 1400m bao quanh dãy Hoàng Liên Sơn kéo dài từ Lào Cai, Yên Bái đến phía Tây Bắc huyện Phú Thọ; vùng núi cao trên 600m thuộc dãy Tam Đảo.
 
Bảng 5: Diện tích và số lần lặp lại các loại SKH vùng Đông Bắc
 
Stt Loại
SKH
Diện tích Số lần
lặp lại
Km2 %
1 IVA4a 240.32 0.37 4
2 IVA4b 194.86 0.3 6
3 IVB4b 32.48 0.05 3
4 IIIA3a 870.36 1.34 4
5 IIIA3b 688.48 1.06 3
6 IIIB3b 656.02 1.01 8
7 IIIC3b 168.88 0.26 7
8 IIA2a 142.89 0.22 1
9 IIA2b 97.43 0.15 3
10 IIB2b 4715.51 7.26 10
11 IIC2b 10327.37 15.9 36
12 IID2b 5066.26 7.8 10
13 IID2c 97.43 0.15 2
14 IA1a 980.78 1.51 1
15 IA1b 565.08 0.87 1
16 IB1b 4715.52 7.26 5
17 IC1b 22012.22 33.89 4
18 IC1c 2663.03 4.1 3
19 ID1c 9911.68 15.26 3
20 IE1c 805.40 1.24 2
  20 loại SKH 64952 100,0 117 khoanh vi
 
(Nguồn: Tổng hợp từ GIS)
 
IIC2b: Loại SKH NĐGM, ấm đến mát, có thời kỳ lạnh trung bình từ 4 - 6 tháng, mưa vừa, mùa khô trung bình. Loại SKH này phân bố trên diện rộng nhưng không liên tục, từ phía Tây sang Đông của vùng nghiên cứu thuộc Khối vòm sông Chảy, Sơn nguyên Quản Bạ, Sơn nguyên Đồng Văn, Cánh cung sông Gâm, Dải núi đá vôi Cao Bằng: nằm ở phía Bắc chạy dọc theo biên giới Việt Trung từ Bảo Lạc đến Đông Khê, Dải Ngân Sơn - Cốc xô, phần phía nam của cánh cung Bắc Sơn, và một phần của khu vực núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn).
IID2b: Loại SKH NĐGM, ấm đến mát, có thời kỳ lạnh trung bình từ 4 - 6 tháng, mưa ít, mùa khô trung bình từ 3 - 4 tháng. Trên bản đồ SKH, loại SKH này quan sát thấy lặp lại 10 lần, bao gồm những khu vực có lượng mưa dưới 1500mm/năm ở khu vực núi thấp, độ cao từ 600-1400m rải rác trong địa bàn tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, chiếm diện tích 5066.26 km2.
IID2c: Loại SKH NĐGM, ấm đến mát, có thời kỳ lạnh trung bình từ 4 - 6 tháng, mưa ít, mùa khô dài từ 5 - 6 tháng. Trên bản đồ SKH, loại SKH này quan sát thấy lặp lại 2 lần, chiếm một diện tích nhỏ bao gồm những khu vực có lượng mưa dưới 1500mm/năm ở dải núi thấp thuộc phía Tây sơn nguyên Quản Bạ và khu vực núi thấp đan giữa hẻm núi sông Gâm và sông Nho Quế.
IIIA3a: Loại SKH NĐGM vùng núi, lạnh, có thời kỳ lạnh dài 7 - 9 tháng, mưa rất nhiều, mùa khô ngắn. Loại SKH này xuất hiện 4 lần, chiếm một diện tích rất nhỏ 870.36 km2 nằm ở độ cao từ 1300/1400-2200m, thuộc địa phận các xã: Ý Tý, Sàng Ma Xáo, Trung Lèng Hồ, Nạm Pung (Huyện Bát Sát); Tả Giàng Phình, Bản Khoang, San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ (huyện Sa Pa) tỉnh Lào Cai.
IIIA3b: Loại SKH NĐGM vùng núi, lạnh, có thời kỳ lạnh dài 7 - 9 tháng, mưa rất nhiều, mùa khô trung bình. Loại SKH này xuất hiện 3 lần, trên các khu vực núi cao trên 1400m phân bố ở khu vực phía Nam dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc phần phía Nam huyện Văn Bàn, phía Bắc huyện Mù Căng Chải, phía Tây huyện Trạm tấu và phía Nam huyện Văn Chấn. Loại SKH này có đặc điểm tương tự với kiểu IIA3a, chỉ khác ở chỗ mùa khô ở đây kéo dài hơn, từ 3 đến 4 tháng.
IIIB3b: : Loại SKH NĐGM vùng núi, lạnh, có thời kỳ lạnh 7 - 9 tháng, mưa nhiều, mùa khô trung bình. Nhiệt độ trung bình khoảng 12 - 160C, số tháng lạnh có nhiệt độ dưới 180C khá dài từ 7 đến 9 tháng. Lượng mưa giao động từ 2000 - 2500mm, mùa khô kéo dài 3-4 tháng. Loại SKH này khá đa dạng, có số lần lặp lại là 8 lần, quan sát thấy ở khối núi phía Tây huyện Hoàng Su Phì, dọc theo sườn Tây dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao 1500-2300 m và ở độ cao 1400-2200 khu vực núi Kiều Kiêu Ti, Tây Côn Lĩnh và Pu Tha Ca thuộc khối núi vòm sông Chảy và sơn nguyên Quản Bạ.
IIIC3b: Loại SKH NĐGM vùng núi, lạnh, nhiệt độ trung bình năm từ 120 - 160C, có thời kỳ lạnh dài 7 - 9 tháng, mưa vừa từ 1500 - 2000mm, mùa khô trung bình từ 3 - 4 tháng. Loại SKH này chiếm một diện tích nhỏ 168.88 km2 xuất hiện ở một số khu vực núi cao giáp biên giới Việt Trung như khu vực núi cao trên 1400m thuộc huyện Si Ma Cai (Lào Cai), phía Tây xã Cao Ma Pờ huyện Quản Bạ (hà Giang), khu vực núi Phia Bióoc, Phia Uắc.
IVA4a: Loại SKH NĐGM vùng núi cao, rất lạnh, có thời kỳ lạnh rất dài và lạnh quanh năm, mưa rất nhiều, và mùa khô ngắn: Phân bố ở khu vực núi cao trên 2200m, thuộc trung tâm mưa lớn Sa Pa - Hoàng Liên Sơn.
IVA4b: Loại SKH NĐGM vùng núi cao, rất lạnh, có thời kỳ lạnh rất dài và lạnh quanh năm, mưa rất nhiều, và mùa khô trung bình: Phân bố ở các đỉnh núi cao thuộc phía Nam dãy Hoàng Liên Sơn bao gồm khu vực núi cao trên 2200m huyện Mù Căng Chải, khu vực núi cao thuộc dãy Pu Luông thuộc địa phận hai huyện Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái).
IVB4b: Loại SKH NĐGM vùng núi cao, rất lạnh, nhiệt độ trung bình năm dưới 120C, thời kỳ lạnh rất dài và lạnh quanh năm, từ 10 – 12 tháng, mưa nhiều, mùa khô trung bình. Phân bố trong một diện tích rất nhỏ 32.48 km2 ở khu vực núi cao Kiều Liêu Ti và Tây Côn Lĩnh, những nơi có độ cao trên 2200mm.

Thích ứng với mỗi loại SKH là các kiểu thảm thực vật tự nhiên khác nhau từ nhiệt đới, á nhiệt đới, thậm chí có cả thực vật ôn đới trên vùng núi cao. Đặc biệt là hệ sinh thái núi cao Hoàng Liên Sơn (thiết sam, mộc sam, trúc lùn) rất đa dạng và độc đáo, không đâu ở Việt Nam có được. Đây cũng chính là những điều kiện để vùng Đông Bắc phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, phong phú và rất thuận lợi cho các loại nông, lâm nghiệp bao gồm cả cây dược liệu có điều kiện phát triển mạnh.

KẾT LUẬN

Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các khung phân loại SKH của các tác giả đi trước, phân tích, đánh giá đặc điểm các yếu tố khí hậu lãnh thổ vùng Đông Bắc. Các tác giả đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân loại SKH thảm thực vật vùng Đông Bắc thông qua 4 yếu tố: nhiệt độ trung bình năm, tổng lượng mưa năm, độ dài mùa lạnh và độ dài mùa khô.

Bản đồ SKH thảm thực vật tự nhiên vùng Đông Bắc Việt Nam, tỷ lệ 1: 500.000 cho thấy có 5 kiểu SKH tương ứng với 5 kiểu thảm thực vật tự nhiên, 20 loại SKH khác nhau, với 117 khoanh vi riêng biệt. Bản đồ SKH cho thấy quy luật phân hóa của tài nguyên SKH trên lãnh thổ vùng Đông Bắc. Các kết quả đã nghiên cứu phân loại SKH sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu phân loại thảm thực vật tự nhiên, mặt khác đây cũng là những cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất phát triển một số cây trồng nông nghiệp, lâm nghiệp trên lãnh thổ vùng Đông Bắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
[1]. Vũ Tự Lập, (1978), Cảnh quan địa lí Miền Bắc Việt Nam. NXB KHKT, Hà Nội.
[2]. Vũ Tự Lập (2002), Địa lí tự nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Đức Ngữ, Nguyễn Trọng Hiệu (1988), Tài nguyên khí hậu Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
[4]. Thái Văn Trừng (1970), Thảm thực vật rừng Việt Nam, NXB KHKT, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Khanh Vân, Nguyễn Thị Hiền (1999), Các phương pháp phân loại Sinh khí hậu hiện có ở Việt Nam, Tạp chí Các Khoa học Trái Đất, số 2, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Khanh Vân (2005), Giáo trình cơ sở sinh khí hậu, NXB Giáo dục, Hà Nội.
 
Liên kết website khác