Những Ông Tổ Môn Địa Lý Phong Thủy

10/10/2014 09:59

Khoa địa lý phong thủy bắt đầu có từ đời nhà Hạ, Thương, Chu, lúc này người ta chỉ biết bói quẻ chọn đất. Đến đời nhà Tần, nhà Hán mới tính kham dư tức xem thêm về thiên văn. Trước khi có Quách Phác (đời Tấn), ông được xem như ông tổ thuật phong thủy, lúc đó môn này còn rời rạc, khi được ông giải thích về thuật phong thủy, mọi người mới tường tận hơn. Rồi sang đời nhà Minh, có Tưởng Bình Giai quyết : - Sinh khí, tụ khí tạo diện mạo cảnh quan, môi trường cho con người thấy thoải mái trong cuộc sống; bởi có nó con người mới “có hồn”. Còn môn phong thủy khi xâm nhập vào nước ta, mới đầu chỉ phổ biến hạn chế trong xây dựng đình, chùa, đền, miếu và mồ mả vào thời nhà Đinh, Lê (thế kỷ thứ X). Đến đời nhà Lý, trong chiếu dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho rằng : -”… Nơi đây là trung tâm của trời đất, được thế rồng bay hổ ngồi, đúng điểm kết tụ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc”. Cũng vào thời kỳ vua Lê, nước ta có thầy địa lý Tả Ao, tinh thông phong thủy không kém Quách Phác đời Tấn của Trung Quốc xưa, sau Tả Ao còn có tiến sĩ Hòa Chính, cũng từng sang nước bạn học hỏi thuật xem tướng đất, dùng cất nhà và an táng. Sau đây một số tài nghệ của các ông tổ ngành địa lý phong thủy xưa :

1/- QUẢN LỘ – đời Tam Quốc

Quản Lộ là thuật sĩ sống ở tỉnh Sơn Đông, thời Tam Quốc (226 – 248 DL), có hình dáng xấu xí, nói năng lại cộc lốc, hay uống rượu. Ông thờ chủ nghĩa thần bí qua nghề chiêm bốc và tướng địa. Quản Lộ giỏi về âm trạch và dương trạch, âm là coi phần mồ mả, còn dương coi về thế đất dựng nhà. Trong sử nói, Quản Lộ có cuốn “Quản thị địa lý chỉ mông” gồm 10 quyển, nhưng thực tế chỉ là sách mượn danh, dựa vào cuốn “Tam quốc chí – Quản Lộ truyện” ghi lại theo truyền khẩu qua nhiều người (sách nói Quản Lộ thần thông, biết xem bói, xem đất đai để táng hay xây cất, với nhiều chuyện thần kỳ được chép qua sự truyền khẩu trong dân chúng). Có chuyện về tài của Quản Lộ khi xem âm trạch, dương trạch như sau : - Một chuyện về âm trạch (mả táng) : Một ngày nọ Quản Lộ đi ngang qua ngôi mả chôn Vu Khưu Kiệm, ông ngồi nghỉ chân rồi nhìn vào ngôi mả của họ Vu mà than thầm : “Cây cối xanh tốt nhưng thế đất không bền, tấm bia đề tựa tuy văn hoa nhưng không có hậu. Ngôi mả đang ở thế : Huyền Vũ giấu đầu, Thanh Long mất chân, Bạch Hổ ngậm xác còn Chu Tước đang khổ đau. Tứ phía lâm nguy ! Theo thuật phong thủy, người nhà họ Vu chỉ hai, ba năm sau sẽ bị diệt”. Sau đó lời than thở của Quản Lộ quả nhiên ứng nghiệm. Lúc đó Quản Lộ xem mả của Vu Khưu Kiệm theo hướng thiên văn chiếu, nhìn “Tứ tượng” của chùm sao Nhị Thập Bát Tú (Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước), mà biết cát hung cho gia đình họ Vu về sau. Còn mả bà thím của anh em Quách Ân, thầy Quản Lộ cũng qua thuật chiêm bốc cho rằng ngôi mả này đang bị “nữ quỷ” trong đất táng báo ứng. Mặc dù cuộc đất được anh em Quách Ân đã mời thầy địa lý tìm giúp, ông ta cho rằng nó đẹp về hậu vận. Nhưng về “luật nhân quả” lại không từ một cuộc đất dù đẹp cách mấy đi nữa, nhưng trong quá khứ những chuyện gian tà, gian ác sẽ để lại cho hậu nhân phải hứng nhận quả đắng để đền bù lại tội lỗi người chết đã gây ra. Đúng là ba anh em nhà Quách Ân về sau đều bị thọt chân. Ý Quản Lộ nói, nếu làm ác mà cứ đi tìm cuộc đất tốt để táng, mong sao cho hậu nhân được sống vinh hoa phú quí là không thể được. Do luật nhân quả nói, gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Cho nên sống ở đời cần phải tích đức, sau hãy tìm cuộc đất tốt để an táng, như thế tính phong thủy mới được phát huy theo ý muốn. - Một chuyện nói về dương trạch (nhà cửa) : Một bà đang mang bệnh nặng nhờ Quản Lộ đến xem bói, bà ta nghĩ mình bị ma ám nên gia đình cứ dần dần lụn bại, làm ăn thua lổ, còn người sống cứ mang bệnh tật kinh niên không thuốc chữa khỏi. Quản Lộ nhìn vào trong nhà mà nói với bà ta : “Góc nhà phía tây có chôn xác hai nam nhân, một người bị tên bắn trúng ngực, do vậy bà bị bệnh tim; còn một người bị giáo đâm vào đầu nên bà cũng thường hay nhức đầu. Ngôi nhà này đã bị ếm bùa của Lổ Ban. Nếu biết mà trừ, bà sẽ khỏi bệnh”. Bà ta nghe theo lời Quản Lộ, cho người đào dưới góc nhà phía tây, thấy có hai hình nộm đúng theo lời ông nói. Từ đó gia đình bà không còn đau yếu và buôn bán phát đạt trở lại. Thường thợ dựng nhà hay yểm bùa Lổ ban để trả lễ thánh tổ mới có công ăn việc làm thường xuyên, trong muời căn nhà phải có ít nhất một nhà mắc phải, nhưng họ yểm không độc, không làm cho chết người. Còn những kẻ có hiềm thù nhau, thường yểm những loại bùa gây ra chết chóc, chậm thì đúng một năm, nhanh thì 49 hay 100 ngày. Còn Quản Lộ tự xem bói cho chính mình, biết ông chỉ sống đúng bốn con giáp; quả thật vào năm 49 tuổi, Quản Lộ qua đời. Người đời sau nói, cuốn “Quản thị địa lý chi mông” trong “Tam Quốc Chí – Quản Lộ truyện” giới thiệu, gồm 10 cuốn, 100 thiên, Quản Lộ viết về thuật phong thủy không phải do chính ông nghiên cứu ra, do người khác mượn tên. Nhưng chưa ai giải thích được người viết cuốn sách này là ai ? Vì trong 100 thiên truyện đều rất thần bí và sâu sắc. Nên đã gần 2000 năm, đến bây giờ Quản Lộ vẫn còn được mọi người xem là ông tổ của thuật “chiêm bốc” xem địa lý phong thủy, qua tài xem thiên văn nhìn phương hướng mà bói thành quẻ.

2/- QUÁCH PHÁC – đời Tấn

Quách Phác tự Cảnh Đôn, người Hà Đông, nay tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông sinh vào thời nhà Tấn (276-324 năm DL) sau Quản Lộ. Sách “Thái Bình quảng ký” viết về ông như sau : - “Quách Phác hiểu biết bao la, biết thiên văn, địa lý, quy thủ long đồ, hào tượng sấm vĩ – là những môn coi bói bằng mu rùa, quẻ, thẻ, lời sấm truyền – yên mộ lo nhà ở, không có gì không tinh thâm …”. Quách Phác soạn cuốn “Táng thư” (coi mộ phần) và “Tướng địa thuật” (xem thế đất), nên được tôn xưng là tỵ tổ (tức ông tổ ngành địa lý). Trong các truyền thuyết nói về Quách Phác, một hôm Hồ Mạnh Khang quan thái thú ở Lư Giang, lấy một tỳ nữ làm thiếp. Quách Phác cũng yêu người tỳ nữ, nên muốn lấy ả làm vợ, để đoạt được mục đích, Quách Phách làm phép lấy 3 đấu đậu rắc quanh nhà Hồ Mạnh Khang. Sáng hôm sau họ Hồ thức giấc thấy mấy ngàn binh mã đang vây kín Phủ. Hốt hoảng, Hồ Mạnh Khang liền cho mời Quách Phác đến xin kế sách. Họ Quách phán ngay : - Trong nhà ngài không nên nuôi người tỳ thiếp này, hãy đưa ả đi xa 20 dặm về hướng Đông Nam, ngài sẽ bán được giá, như thế chuyện dữ sẽ hóa lành. Hồ Mạnh Khang nghe theo lời Quách Phác, ông ta vội đưa nàng tỳ thiếp chạy về hướng Đông Nam mà bán, Quách Phác biết họ Hồ tin lời mình, liền sai người đi theo mua ả ta về làm vợ. Sau đó Quách Phác bỏ bùa vào giếng nhà họ Hồ để giải việc quân mã đang vây tại Phủ. Hồ Mạnh Khang không nghi ngờ chuyện này, ông ta còn hết lời khen ngợi Quách Phác, đi đến đâu cũng ca tụng ông là người tài giỏi trong việc xem dương trạch. Trong sách “Nam sử – Trương Dụ truyện”, chép Quách Phác tinh thông Chu Dịch, coi các phần mồ mả an táng. Trong sách nói Quách Phác xem âm trạch cho Trương Dụ. Cha của Trương Dụ là Trương Trừng chẳng may qua đời, Trương Dụ chuẩn bị chôn cất cha, nhờ Quách Phác tìm cho miếng đất để địa táng. Ông xem đất xong bảo : - Táng ở chỗ này nửa đời sau của ông chỉ làm đến chức tam ty, đời sống không thịnh. Táng chỗ kia tuy đất xấu nhưng ông làm đến công khanh, cuối đời mới phát, con cháu hưởng được phước. Trương Dụ y lời đưa cha chôn nơi đất xấu. Kết quả Trương Dụ làm quan đến năm 64 tuổi mới mất, con cháu hưng thịnh theo cha ông. Khi Quách Phác chết, ông gọi người nhà an táng nơi đã dặn, nhờ vậy Quách Phác tu đắc đạo thành tiên, nên trong “Quách Phác – Truyện động tiên” chép : - Sau ba ngày khi Quách Phác được chôn cất, người ở thành Nam Châu vẫn thấy ông ngồi nhà đàm đạo với người thân. Vương Phác (bạn của Quách Phác, húy là Hoàn Dĩ, phản vua nhà Tấn nên bị tru di tam tộc) còn giận Quách Phácbói cho mình ra một quẻ dữ, nên nghe lời đồn cho người đến đào mả ông, thấy trong quan tài không có thi thể của Quách Phác, mới tin là đúng.

3/- DƯƠNG QUÂN TÙNG – đời Đường

Tên húy là Ích, tự Thúc Mậu còn Quân Tùng là biệt hiệu. Người Quảng Đông sống vào đời nhà Đường (792 – 906 DL). Dương Quân Tùng từng soạn cuốn “Chính long tử kinh”, được vua Đường phong làm Quốc sư, nắm phủ Linh đài địa lý sự (cơ quan trông coi thiên văn, địa lý, tế lễ). Khi nhà Đường mất vào tay Hoàng Sào; Dương Quân Tùng cùng Bộc Đô Lâm đã đoán quẻ biết trước, lấy đi một số sách phong thủy lâu đời nằm trong Phủ, rồi bỏ Tràng An chạy về Cống Châu thuộc Ninh Đô quy ẩn. Từ đó trong dân gian nói rằng thuật phong thủy có từ đời Đường, vì từ Tràng An, Dương Quân Tùng đã truyền dạy nghề cho Liêu Tam người cùng thôn, Liêu Tam truyền cho con trai tên Vũ, Vũ lại truyền cho con rể là Tạ Thế Nam… từ đó thuật phong thủy của họ Dương lan rộng ra đến người ngoài họ ngoài làng. Người đời sau mộ danh ông, cho rằng Dương Quân Tùng thuộc môn hình phái, tức xem đất đoán được nơi cát hay hãm địa, nên tôn ông làm đại sư môn địa lý.

4/- LẠI VĂN TUẤN – đời Tống

Lại Văn Tuấn tự Thái Tố, người huyện Xử Châu, làm quan tại tỉnh Phúc Kiến. Sống vào thời Tống (thế kỷ thứ X). Ở Phúc Kiến, Lại Văn Tuấn nổi tiếng xem về địa lý, nên sách “Địa kiên chí” có chép : - Lại bố y (tên gọi thân mật, có nghĩa Lại áo vải) có người quen La Ngạn Chương ở Lâm Xuyên. Hai người rất mến nhau, thích trò chuyện việc tìm hiểu lẽ huyền cơ về phong thủy. Ngày nọ vợ của La Ngạn Chương mất, họ La đi tìm nơi an táng thì tìm được một chỗ dùng làm huyệt mộ rất đẹp, phía trước có khe nước chia làm 3 dòng chảy, riêng đường chảy thứ ba không sâu quá ngực người và cũng không dài lắm, chảy thẳng vào ruộng. La Ngạn Chương đến mời Lại Văn Tuấn đến xem qua, ông bèn khen là đất táng rất hợp cách với người quá cố, và nói với họ La rằng : - Đất đẹp có thể phát thành trạng nguyên, nhưng tiếc thay nhánh thứ ba lại đoản, nên hậu nhân chỉ làm đến bảng nhãn thôi. Quả không sai, hai mươi năm sau con của La Ngạn Chương chỉ đậu hàng thứ hai trong khoa thi.

5/- LƯU CƠ – đời Minh

Sống vào những năm 1311-1375, tự Bá Ôn, người Thanh Điền tỉnh Triết Giang. Lưu Cơ đậu tiến sĩ triều Nguyên Thuận Đế. Khi Chu Nguyên Chương khởi binh, Lưu Cơ bàn 18 kế sách nên được họ Chu trọng dụng. Nhà Minh lấy xong chính quyền từ tay nhà Nguyên, bèn mời Lưu Cơ làm quân sư định ra các chính sách lớn trong nước. Khi Chu Nguyên Chương dự định đóng đô ở Kim Long, còn Lưu Cơ chọn đất ở hồ Trúc Tiền làm nền chính điện, nhưng vua Chu nói nơi này quá nhỏ, nên cho người nới rộng thêm mặt bằng ra sau cho thêm lớn. Lưu Cơ biết việc tính đất “sai một ly đi một dặm”, không phải cứ cuộc đất nào to là tốt, nên chỉ nói : “Sau này nhà Minh còn phải dời đô đi nơi khác”. Quả nhiên về sau Minh Thành Tổ phải dời đô đến Bắc Kinh, lời Lưu Cơ quả thật ứng nghiệm. Trong dân gian có sách “Kham dư mạn hứng” do Lưu Cơ soạn (Kham dư có nghĩa xem phong thủy, cũng là từ ngữ khi nói đến trời đất), viết trọn vẹn về xem thiên văn địa lý, nên mọi người coi Lưu Cơ như ông tổ ngành địa lý phong thủy vào đời nhà Minh.

6/- TRẦN ĐOÀN – đời Tống

Nói về Hi Di Trần Đoàn (ông còn tên gọi Trần Chuyển) trong chúng ta hẳn có nhiều người nghe nói đến ông, vì Trần Đoàn được ca tụng nhiều trong ngành lý số qua thuật toán xem Tử Vi, Hà Lạc và còn là nhà nhân tướng học uyên bác, nhà xem tướng địa (xem đất đai nhà cửa) nữa. Trần Đoàn sống trong thời nhà Tống, tự Đồ Nam, biệt hiệu Hi Di, người tỉnh An Huy. Khi Tống Thái Tổ lên ngôi (966-979 DL) ông về ở ẩn tại Hoa Sơn. Nghe nói, Trần Đoàn học được khoa phong thủy với gia sư Tăng Văn Xán (có sách nói ông là môn đệ của Ma Y đạo giả, một đạo nhân hậu duệ của Nam Hoa Tiên Ông), sau khi thành danh ông đã truyền lại cho Ngô Khắc Thành, Tống Chữ Vịnh. Do tinh thông Chu Dịch nên lấy dịch học hòa trộn với môn phong thủy để thành môn xem trạch cát. Sách “Phong thủy khư nghi” viết : - Hi Di tiên sinh lấy trục Tý Hợi làm thủy, lấy Tý Ngọ làm hỏa… sách này mở đường cho bát quái (định phương vị), luật lữ (luật âm thanh trong nhạc khí), cả đến xem núi để định huyệt… lấy quái làm tượng (quẻ trong Chu Dịch). Môn học này ông viết thành sách gồm 10 thiên, chỉ dẫn dùng quái, hào, luật, lữ có âm có dương có tiêu có phá và có sinh có hợp v.v… Nên trong thuật phong thủy, người ta xem Trần Đoàn là bậc thầy trong phái “lý khí” (từ khí suy ra lý). Ngoài 6 vị đã nói, ở Trung Quốc còn rất nhiều người uyên thâm về môn xem địa lý phong thủy, nhưng chỉ là truyền thuyết như Bàn Canh, Công Lưu, Chu Công, Tiêu Cát… riêng ở nước ta, mọi người ca tụng một thầy địa lý xuất sắc là :

7/- TẢ AO – đời nhà Lê (Việt Nam)

Là người học được khoa địa lý chính thống từ Trung Quốc, đem cái đã học đưa về nước nghiên cứu cho phù hợp với phong thổ nhân văn, mà phát huy môn phong thủy theo tính cách riêng cho mình. Tả Ao có tên Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, sinh năm nào không rõ, nhưng ông có tên tuổi vào thời vua Lê chúa Trịnh (vào những năm 1545 – 1788). Theo mọi người kể, Tả Ao có cha mất sớm còn mẹ bị mù. Vì nhà nghèo nên đến xin giúp việc cho một ông thầy thuốc (lang y) người Tầu, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau được học nghề thuốc. Chính thế mà ông chữa được bệnh mù mắt cho mẹ. Thầy lang Tầu thấy Tả Ao có chí lớn, đã dẫn ông theo về Trung Quốc dạy thêm nghề thuốc. Gần nhà lang y, có ông thầy địa lý giỏi đang bị bệnh về mắt, Tả Ao được thầy lang phái sang chữa trị. Thầy địa lý nói, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề phong thủy. Vì ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng, liền truyền hết tinh hoa môn phong thủy cho Tả Ao học hỏi, đến khi thành tài, học và hành viên mãn, ông xin cả 2 ông thầy Tầu cho về nước. Trước khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy địa lý muốn thử tài sự hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm 100 mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỗi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa ông 100 cây kim đi điểm huyệt. Tả Ao điểm đúng 99 lổ của đồng tiền, còn 1 cây điểm ở mép đồng tiền, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí, ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Thấy Tả Ao đã điểm trúng các huyệt, thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết bí kíp phong thủy của Trung Hoa. Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc chữa trị các bệnh tật cho dân chúng, ít khi sử dụng môn phong thủy đã học, chỉ khi cần thiết mới ra tay xem dùm thế đất cho mọi người, tuy vậy danh tiếng về tài xem địa lý phong thủy của ông lại nổi hơn nghề thầy thuốc. Nhưng cũng vì Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, nên ông không có chân truyền cho kẻ hậu bối. Khi ông mất người nhà mới tìm thấy 2 bộ sách viết về địa lý, phong thủy, là Địa đạo diễn ca và Dã đàm Tả Ao. Nhưng trong dân chúng còn có nhiều sách được in nói chính là sách của Tả Ao. Còn các nhà xem “tướng đất” ở nước ta, khi đọc xong 2 quyển trên, đều cho rằng đây là hai bộ sách quý.

TẢ AO

ÔNG TỔ PHONG THỦY

TẢ AO người Việt Nam học được khoa địa lý chính thống ở Trung Quốc vào thế kỷ 16 (có nhiều tư liệu viết về điều này đều không nhất quán, có sách nói là vào thế kỷ 17 hay 18). Còn tên thật của ông là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh. Và Tả Ao sinh vào năm nào không ai rõ, chỉ được biết ông sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh (1545 – 1788), qua các câu chuyện truyền khẩu.

Nhà Tả Ao nghèo, cha mất sớm còn mẹ bị bệnh lòa mắt, vì thế nên ông  đến giúp việc cho một ông thầy thuốc người Tầu ở trong huyện, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau học thêm được nghề bốc thuốc chữa bệnh. Chính vì thế mà ông chữa được bệnh mắt lòa cho mẹ.

Ông thầy Tầu thấy Tả Ao có chí lớn, nên khi về lại bên Trung Hoa đã dẫn ông theo để dạy thêm nghề thuốc. Trên đất khách, gần nhà ông thầy thuốc, có một thầy địa lý rất giỏi, cũng đang bị bệnh về mắt, Tả Ao liền được thầy phái sang chữa trị thay ông ta.

Thầy địa lý nói rằng, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao nhờ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh mắt cho mẹ, nên đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng ông không nhận vàng mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề xem phong thủy.

Vì ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng, truyền dạy hết tinh hoa địa lý phong thủy cho Tả Ao, đến khi thành tài học và hành viên mãn, ông xin cả 2 ông thầy cho về nước.

Trước khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy địa lý muốn thử lần cuối sự hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm ra 100 mô hình đất kết trên bãi cát, dưới mỏi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa Tả Ao 100 cây kim ra đấy tìm huyệt để điểm.

Tả Ao điểm đúng 99 lổ của đồng tiền, còn một cây điểm ở mép, mà huyệt này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất huyền bí ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo. Cho nên thầy địa lý biết rằng người Việt Nam đã học hết bí kíp phong thủy của người Trung Hoa.

Khi Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc, ít khi sử dụng đến khoa địa lý, chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế đất dùm mọi người, tuy vậy danh tiếng xem địa lý, phong thủy của Tả Ao lại nổi hơn nghề thầy thuốc.

Cũng chính vì ông không hành nghề xem phong thủy cho ai, nên không có hậu bối. Khi Tả Ao mất người nhà chỉ tìm thấy 2 bộ sách viết về địa lý phong thủy, là Địa đạo diễn ca và Dã đàm Tả Ao.    Nhưng trong dân chúng có nhiều sách được in ra nói là sách do chính Tả Ao viết. Còn các nhà địa lý phong thủy, khi đọc xong 2 quyển sách trên, đều cho đây là sách quý.

NHỮNG TRUYỀN THUYẾT VỀ  TẢ  AO

Tuy Tả Ao không hành nghề xem phong thủy, ông chỉ chuyên chữa bệnh cho người nghèo, nhưng trong dân gian có những truyền thuyết truyền khẩu nói về nghề xem phong thủy của ông.

Có lẽ vì điều này mà ông được người đời xưng tụng “vua địa lý” của nước Việt chăng ?!

Sau đây là một vài truyền thuyết về tài xem địa lý phong thủy của Tả Ao :

CỨU VUA NHỜ MỘ KẾT PHÁT

Một ngày nọ Tả Ao đi ngao du sơn thủy, tuổi tuy đã già nhưng dáng người vẫn quắc thước khoẻ mạnh, khi ông đi đến một làng quê nọ, trời nắng nóng nên ghé vào ngồi nghỉ mát dưới gốc cây đa bên làng, ông nhìn thấy một anh nông dân đang miệt mài cày ruộng, đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu tháo cày cũng vào gốc đa ngồi mở cơm nắm ra ăn.

 Thấy một ông lão cùng ngồi ở đó nhưng không ăn uống gì cả, anh ta mới lên tiếng hỏi :

- Xế trưa rồi ông không dùng cơm sao, hay là ông không sẵn mang theo, thôi cùng nắm cơm này ăn với cháu cho vui.

Anh nông dân vừa giở cơm, vừa mau mắn mời ông lão :

- Cháu mời ông dùng cơm…

Thấy thái độ anh nông dân dễ mến, Tả Ao không khách khí, bèn vui vẻ ngồi lại cùng ăn. Bốn năm ngày như vậy, anh nông dân vẫn một lòng kính trọng Tả Ao, mời cơm và ông cũng không lần nào từ chối. Đến bữa cuối cùng, bỗng ông nói với anh nông dân :

- Chắc anh vẫn không biết ta là ai? Ta chẳng giấu gì anh, ta chính là thầy địa lý Tả Ao đây !

Anh nông dân nghe danh Tả Ao đã lâu, nay có dịp diện kiến nên vừa mừng vừa hốt hoảng, liền quì lạy xin ông tha lỗi. Tả Ao đỡ anh nông dân đứng dậy nói tiếp :

- Ta xem anh là người có đức nên có ý giúp anh đặt một ngôi mộ sau này sẽ phát phúc, phát tài, cho anh nở mặt với thiên hạ…

- Ông dạy quá lời, nhà cháu mấy đời nay đều là nông dân chân lấm tay bùn, bần hàn, đi cày thuê cuốc mướn kiếm cơm qua ngày, mong gì nở mày nở mặt với ai ?

- Anh cứ yên tâm. Ta nói sẽ giúp anh được giàu sang phú quí trong vòng 100 ngày thôi. Nào anh hãy dẫn ta ra nơi mộ của cha mẹ của anh đi, ta xem thế nào sẽ sửa cho.

Anh nông dân mừng rỡ bèn nghe theo lời Tả Ao, dẫn ông đi ra mộ của cha anh ta. Tả Ao xem xong mới truyền :

- Mộ đặt nơi thế đất không tốt, suốt đời sẽ bần hàn cơ cực. Phải đào lên cải táng, di dời qua nơi đất khác mà thôi.

Nói rồi bảo anh nông dân đào mộ lên, xếp xương cốt vào một chiếc hủ đất đem đi chôn ở một huyệt đất mà Tả Ao đã chọn sẵn. Xong đâu đấy, Tả Ao căn dặn :

- Anh nhớ không cho ai biết chuyện này ! Một trăm ngày nữa, vào ngày mùi tháng ngọ, đúng giờ tý anh phải có mặt ở kinh đô, đứng ở hướng Đông. Hễ gặp một người đàn ông mặc áo trắng, đi hài xanh, từ trong thành chạy ra với bộ mặt hốt hoảng, thì anh cứ chạy lại bảo: “Con xin cứu ngài!”, rồi cõng thẳng về giấu trong nhà, ngày ngày lo cơm nước cho tử tế. Anh cứ thế mà làm, đừng suy nghĩ gì hết !

Nói xong, Tả Ao từ biệt anh nông dân mà đi thẳng, về sau anh ta có đi tìm nhưng chẳng biết ông đi về đâu.

Đúng như lời dặn của Tả Ao, đúng ngày giờ anh nông dân ra kinh đô đứng đợi ở cửa Đông. Bỗng nghe có náo động từ trong thành vọng ra nào tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng quân reo hò, tiếng người gào thét, rồi lửa bốc cháy đỏ rực một góc trời. Và quả nhiên, một người đàn ông dáng thư sinh mặc áo trắng, đi hài xanh, hớt hải một mình chạy qua gần chỗ anh nông dân đang đứng. Anh ta chỉ đợi có thế bèn chạy đến bên nói to:

- Thưa ngài, con xin cứu ngài!

Nói đoạn ghé vai cõng người ấy chạy một mạch về giấu trong nhà. Người ấy dáng chừng sợ hãi, suốt ngày im lặng nghe ngóng động tĩnh. Anh nông dân cũng chẳng hỏi thân thế của người đàn ông ấy đang lo sợ đến quên ăn mất ngũ.

Vài ngày sau bỗng có loa truyền rằng, ai đang giữ vua ở đâu thì báo cho quan quân kịp đưa vua về kinh. Lúc ấy ông khách mới nói cho anh nông dân biết mình chính là vua, mấy ngày trước đây bị bọn gian thần định soán ngôi. Rồi nhà vua sai anh ta đi báo cho quan quân biết nơi vua đang ở ẩn. Khi quan quân đến rước vua, vua cho phép cả anh nông dân cùng đi theo mình về kinh thành.

Tại kinh đô vua thiết triều, trấn an trăm họ và phong cho vị ân nhân là anh nông dân được làm quan đến chức nhị phẩm, cùng vàng bạc lụa là nhiều vô số kể.

Thì ra ngôi mộ mà Tả Ao đặt cho người cha anh nông dân, kết phát y như lời ông nói khi trước, chỉ trong vòng 100 ngày.

Quanh năm Tả Ao thường đi đây đó khắp trong nước để tìm những ngôi đất quí. Một lần  đi qua tỉnh nọ thấy có một ngôi đất rất đẹp, bèn buột miệng khen:

- Kiểu đất này mà đặt mộ thì chắc chỉ sáu tháng là phát làm quan ! Nhà ai có phúc thì được hưởng thôi ?

Sau đó ông đi về hướng làng, gặp một người đàn ông trung niên đi tới. Nhìn thấy nét mặt ông ta tuy phúc đức nhưng tướng lại khắc khổ quá. Tả Ao mới hỏi:

- Ông có muốn ra làm quan không ?

Người đàn ông đáp :

- Lạy ông, nhà tôi bất hạnh ba đời, học hành chỉ đủ đọc sách, muốn làm quan không xong, thi cử đợt nào cũng thi rớt, nên nay vẫn sống kham khổ làm ruộng kiếm sống thôi. Được làm quan thì phúc ba đời để lại.

Tả Ao nghĩ bụng ông ta không nói sai. Rồi ngắm nhìn ông ta một lúc bèn nói:

- Thôi được, tôi sẽ giúp ông̣ đặt lại ngôi mộ tổ. Ông về lo sẵn 300 quan tiền.

Người đàn ông mừng lắm vội mời Tả Ao theo mình về nhà, gọi người thân ra đào ngôi mộ tổ, bốc xương cốt cho vào cái tiểu sành đem đến chôn sâu xuống huyệt đất do Tả Ao vừa thấy ban sáng mà táng lại.

Xong việc, ông ta giữ lời, trao cho Tả Ao đủ 300 quan tiền, nhưng Tả Ao chỉ lấy có ba quan, còn lại bảo đem phát hết cho người nghèo khó trong làng.

Gần sáu tháng sau, vào một đêm không trăng, cả nhà ông ta đang quây quần dưới ngọn đèn bỗng có tiếng người gõ cửa. Người nhà ông ta ra mở cửa, thấy trước mặt là một ông tướng uy nghi lẫm liệt nhưng có vẻ đang thất cơ lỡ vận. Khách thật thà nói mình đang lỡ độ đường, xin gia đình cho ăn uống. Ông ta vốn hiếu khách vội sai người nhà nấu cơm đãi khách rất mực nồng hậu.

Cơm nước vừa xong, ông khách mới nói:

- Thưa ông̣, tôi là tội phạm đang bị nhà Chúa lùng bắt. Đằng nào tôi cũng không thoát khỏi. Xin ông̣ mang dây thừng trói tôi lại rồi đem nộp cho chúa Trịnh mà lĩnh thưởng. Như vậy dù tôi có bị hại, tôi cũng giúp ích được cho gia đình ông̣, còn hơn là uổng thân vô ích.

Cả nhà kinh ngạc sững sờ trước những lời nói của người khách lạ. Không ai nỡ hành động, nhưng ông khách cứ giục mãi, bất đắc dĩ họ phải làm theo.

Chúa Trịnh được ông ta giao nộp viên tướng thất thế, hết sức khen ngợi, bèn phong cho làm chức Tri huyện để trọng thưởng. Vị khách đó chính là Mạc Kính Đô, tướng nhà Mạc đang bị thất thế. Vì cảm tấm lòng tốt của ông lão mà Kính Đô đáp lại ông bằng một hành động lạ lùng có một không hai trong thiên hạ.

Đúng như lời tiên đoán của Tả Ao không sai. Chỉ trong sáu tháng là được làm quan.

… và giận !

Một hôm Tả Ao đang đi đến vùng đất nọ. Thấy ngôi đình làng ở đây đặt hướng bị thất cách, ông đứng ngắm mãi rồi đến gần để xem cho rõ.

Giữa lúc trong đình đang làm lễ kỳ yên. Các vị chức sắc trong làng đang chuẩn bị bữa tiệc chiều. Một người biết mặt Tả Ao liền chạy ra khẩn khoản mời ông vào trong đình. Các vị chức sắc được gặp thầy địa lý trứ danh nên mừng lắm, ông tiên chỉ trong làng nói :

- Hôm nay là ngày tế kỳ yên trong làng, may được gặp thầy thật là phúc cho cả làng này lắm. Nhân thể nay mai làng cho sửa lại ngôi đình, xin cụ coi cho cái hướng nào tốt, làm sao cho làng chúng tôi phát khoa bảng rầm rầm, nhằm đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho họ biết tay ! Lâu nay cả làng chưa ai thi đậu cả!

Một ông hăng hái nói thêm :

- Cụ tiên chỉ nói phải đấy thưa cụ ! Các làng bên, không làng nào không có tiến sĩ, cử nhân, xoàng thì cũng phó bảng, chót chét cũng tú tài. Riêng làng này chắc các cụ trước đặt hướng đình có nhầm nhỡ gì đây,nên bao nhiêu năm trời vẫn suôn cành, không hưởng được trái lộc nào. Cụ đã đến đây xin ra tay giúp chúng tôi được đè đầu cưỡi cổ thiên hạ một phen cho hả !

Tả Ao chỉ cười nói :

- Tưởng gì chứ nếu các cụ chỉ ước có vậy thì tôi xin ra tay, không dám nề hà gì ! Nhưng chỉ xin 3000 quan tiền để lấy công thôi.

Các vị chức sắc nghe nói đến tiền công đến 3000 quan, thì lắc đầu le lưỡi, có người than thở :

- Làng này vì không đỗ đạt, nên không “tơ hào” được gì nên còn nghèo túng, chỉ mong sau này đè đầu cưỡi cổ được thiên hạ, nói gì 3000 đến 5000 quan chúng tôi cũng lo cho cụ được, mong cụ xem lại mà bớt cho.

Tả Ao nghĩ thầm trong bụng, ta lấy tiền giúp người nghèo chứ có phải dùng riêng đâu. Bọn chúng mi thích đè đầu cưỡi cổ thiên hạ để kiếm tiền hưởng thụ, thì ta sẽ chiều ý thôi. Nghĩ thế nên giận, Tả Ao lên tiếng :

- Nghe các vị nói như vậy, ta cũng cảm động lắm, thôi thì các vị có bao nhiêu để trả công, xin cứ nói thấy được ta giúp cho.

Vị tiên chỉ nghe Tả Ao nói thế, liền đáp :

- Trong đình chỉ còn vỏn vẹn 500 quan tiền, mong cụ lấy giúp.

Tả Ao lại giận trong lòng, đình làng nghèo mà cúng kỳ yên đến hai bò năm trâu mười lợn như thế này thì thánh thần nào chứng. Nhưng để làm gương cho đám chức sắc, ông cũng hài hả đáp :

- Thôi được, mấy vị đã nói thế ta cũng giúp cho làng, sau này ai cũng đè đầu cưỡi cổ thiên hạ đều được cả.

Ngay sau đó, Tả Ao ra trước sân đình đặt tróc long định hướng, rồi cắm hướng mới cho ngôi đình. Xong ông cáo biệt đi thẳng.

Mấy tháng sau khi đình đã được xoay ngôi đổi hướng, các vị chức sắc kỳ mục không nói cho dân làng nghe chuyện, mà chỉ dặn con cháu ra công đèn sách nay mai ứng thí.

Nhưng quái lạ, tất cả đám con trai, từ lớn đến bé hễ cầm quyển sách định học, nhưng học mãi mà chữ nghĩa chẳng vào đầu ! Các thầy đồ được mời đến dạy cũng thở dài ngao ngán. Rồi thay vì sách vở bút nghiên, càng ngày càng có nhiều anh con trai con các chức sắc kỳ mục rủ nhau đi sắm hòm đồ nghề thợ cạo, xách đi khắp nơi hớt tóc dạo ! Trong lúc hành nghề, họ tha hồ mà “đè đầu đè cổ” thiên hạ để… cắt tóc, cạo mặt, ngoáy tai…

Các cụ chức sắc lúc ấy mới hiểu ra cái thâm ý của thầy Tả Ao trước đây ! Nhưng cũng hiểu rõ, tại họ quá tham lam, chỉ biết tư lợi cá nhân, nên mới bị Tả Ao chơi trác.

TẢ AO TIÊN SINH

Thầy địa lý Tả Ao là ông Mỗ (không xác định được danh tính). Thuở nhỏ, mồ côi cha, nhà nghèo, mẹ mắt lòa, ông theo một khách buôn ở phố Phù Thạch (gần rú Thành ở Nghệ An) về Tàu để lấy thuốc chữa bệnh cho thân mẫu. Thầy thuốc khen Tả Ao có hiếu nên hết lòng dạy cho.

Khi nghề đã thành, sắp về nước, chợt có thầy  địa lý chính tông đau mắt đã lâu không khỏi, đến mời thầy  thuốc này đến chữa, do già yếu nên ông thầy  sai Tả Ao đi chữa thay. Khi Tả Ao chữa khỏi mù loà, ông thầy  địa lý nhìn thấy Tả Ao nghĩ bụng: Người này có thể truyền nghề cho được đây. Tả Ao cũng có ý muốn học, vả lại thấy Tả Ao thông minh, hiếu học, để trả ơn chữa bệnh nên thầy  địa lý nọ đã truyền hết nghề, hơn một năm đã giỏi.

Để thử tay nghề của học trò, ông thầy  bèn đổ cát thành hình núi sông và vùi một trăm đồng tiền ở các huyệt đạo, rồi bảo Tả Ao tìm thấy huyệt thì xuyên kim xuống. Tả Ao đã cắm được 99 kim đúng lỗ đồng tiền (chính huyệt), chỉ sai có một.

Xong ông thầy  nói:

- Nghề của ta đã sang nước Nam mất rồi. Rồi cho Tả Ao cái tróc long và thần chú. Tả Ao về nước Nam chữa khỏi bệnh cho thân mẫu.

Trước khi từ biệt, ông thầy  địa lý bên Tàu dặn: Khi về Nam, nếu qua núi Hồng Lĩnh thì đừng lên. Nhưng một lần đi qua Hồng Lĩnh, không hiểu duyên cớ gì Tả Ao lại lên núi và thấy kiểu đất Cửu long tranh châu (chín rồng tranh ngọc), mừng mà nói rằng: – Huyệt đế vương đây rồi, thầy  dặn không lên là vì thế. Bèn đưa mộ cha về táng ở đấy. Ít lâu, vợ Tả Ao sinh hạ được một con trai.

Khi ấy, nhà Minh bên Trung Quốc, các thầy  thiên văn phát hiện các vì tinh tú đều chầu về nước Nam nên tâu với nhà Vua, ý là nước Nam được đất sẽ sinh ra người tài, sẽ hại cho nhà Minh. Nhà Vua bèn truyền các thầy  địa lý là nếu ai đặt đất hoặc dạy cho người Nam thì phải sang tìm mà phá đi, nếu không sẽ bị tru di tam tộc. Ông thầy  của Tả Ao biết là chỉ có học trò của mình mới làm được việc này nên cho con trai tìm đường xuống nước Nam mà hỏi:

- Từ khi đại huynh về đã cất được mộ phần gia tiên nào chưa. Tả Ao cũng thực tâm thuật lại việc đặt mộ cha mình. Con thầy  Tàu dùng mẹo cất lấy ngôi mộ, bắt con trai của Tả Ao đem về Tàu. Rồi thân mẫu của Tả Ao mất, Tả Ao tìm được đất Hàm rồng ở ngoài nơi hải đảo để táng. Đến ngày giờ định táng thì trời gió to sóng lớn, không mang ra được.

Lát sau trời yên, biển lặng ở đó nổi lên một bãi bồi, Tả Ao bèn than rằng: Đây là hàm rồng, năm trăm năm rồng mới há miệng một lần trong một khắc. Trời đã không cho thì đúng là số rồi. Rồi Tả Ao chán nản gia cảnh, bỏ quê hương chu du khắp bốn phương để chữa bệnh, tìm đất giúp người.

Khi già yếu, Tả Ao cũng đã chọn cho mình chỗ an táng kiểu đất Nhất khuyển trục quần dương (chó đuổi đàn dê) ở xứ Đồng Khoai. Nếu táng được ở đây thì chỉ ba ngày sau là thành Địa Tiên. Tả Ao có hai người con trai nhưng do Tả Ao chu du thiên hạ, không màng dang vọng, bổng lộc nên gia cảnh, con cái thì bần hàn. Lúc sáu lăm tuổi, biết mình sắp về chầu tiên tổ nên bảo hai con khiêng đến chỗ ấy, để nằm dưới mộ và sẽ tự phân kim (chôn lúc chưa chết hẳn), dặn con cứ thế mà làm. Mới được nửa đường, biết là sẽ chết trước khi đến nơi nên Tả Ao bèn chỉ đại một gò bên đường mà dặn con rằng: Chỗ kia là ngôi Huyết thực, bất đắc dĩ thì cứ táng ở đó, sẽ được người ta cúng tế.

Ông xuống cáng, chỉ hướng cho người nhà đào. Hai con bèn táng luôn ở đó. Sau quả nhiên làm Phúc thần.

Tả Ao Tiên Sinh左 幼 先 生 地 理

Tả Ao tiên sinh là người Việt Nam. Một người nổi tiếng như vậy mà không biết thực họ tên là gì. Sách Tang thương ngẫu lục đã phải than rằng: “Chao ôi! Phương thuật của ông kể cũng rất lạ, vậy mà họ tên không truyền lại, tiếc thay! (Có thuyết bảo ông họ Hoàng, tên Chỉ”.

Cái tên Tả Ao không phải là tên thật của ông , mà là tên làng quê của ông, được ông lấy làm tên hiệu và gắn với tác phẩm của mình. Cũng tương truyền, tên ông được người xưa lấy tên làng, nơi ông sinh ra để gọi, mà không gọi tên thật. Tên thật của ông thì không rõ ràng. Bách khoa toàn thư Việt Nam viết rằng: Tả Ao, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, có tên là Hoàng Chiêm hay Hoàng Chỉ. Còn trong dân gian, xuất phát từ quê hương ông, lưu truyền tên gọi thật là Vũ Đức Huyền. Cũng có nguồn nói rằng ông có tên là Nguyễn Đức Huyền. Tả Ao sinh vào khoảng năm Nhâm Tuất (1442), sống thời Lê sơ (Lê Thánh Tông , Lê Hiến Tông và Lê Uy Mục, tức là khoảng những năm 1442-1509). Có tài liệu cho rằng Tả Ao sinh sống trong khoảng đời vua Lê Hy Tông (1676-1704).

Các sử gia thời Lê Nguyễn đều không chép về ông nên cuộc đời ông chỉ được chép tản mát trong một số truyện, sách địa lý phong thủy thời nhà Nguyễn và sau này. Sách Hán Nôm được cho là do Tả Ao truyền lại gồm: Tả Ao chân truyền di thư (左 幼 真 傳 遺 書), Tả Ao chân truyền tập (左 幼 真 傳 集), Tả Ao chân truyền địa lý (5 tập-左 幼 真 傳 地 理), Tả Ao tiên sinh bí truyền gia bảo trân tàng (左 幼 先 生 祕 傳 家 寶 珍 藏), Tả Ao tiên sinh địa lý (左 幼 先 生 地 理), Tả Ao xã tiên sư thư truyền bí mật các lục (左 幼 社 先 師 書 傳 祕 宓各 局). Các tác phẩm này hiện lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tuy nhiên Viện Hán Nôm cũng chú thích rằng:Tả Ao là tên hiệu của Hoàng Chiêm.

Ngoài ra, có các sách Địa lý phong thủy Tả Ao và Địa lý Tả Ao chính tông của tác giả Vương Thị Nhị Mười; Nghiên cứu Phong thủy và Phong thủy Việt Nam của Ngô Nguyên Phi … đều nói sơ lược về Tả Ao.

Các sách vở cũng như truyền thuyết đều coi ông là Thánh Địa lý Tả Ao, trạng Tả Ao, là thuỷ tổ khai môn, đệ nhất về địa lý phong thuỷ Việt Nam. Giỏi địa lý phong thủy như Cao Biền của Trung Quốc. Người đời xưa còn truyền lại bài thơ ca ngợi ông.

Ngày nay ở Việt Nam vẫn còn nhiều truyền thuyết, giai thoại được sách vở ghi lại, truyền miệng trong dân gian như việc Tả Ao, Tả Ao và Cao Biền thi thố tài năng (như Tả Ao phá trấn yểm của Cao Biền trên núi Tản Viên ở Hà Nội, núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa,…), các truyền thuyết, giai thoại Tả Ao tìm nơi đất tốt để đặt đình chùa, đền miếu, mồ mả, nhà cửa; giúp dân nghèo, trị kẻ gian ác.

Tương truyền làng này có tục nọ, nghề kia là do Tả Ao chọn đất, hướng đình; họ này phát danh khoa bảng, họ kia phát công hầu khanh tướng là do Tả Ao tìm long mạch, huyệt đạo đặt mồ mả. Có một truyền thuyết còn lưu truyền đến ngày nay tại thôn Nam Trì xã Đặng Lễ huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên (nơi có đền thờ Tả Ao): Truyền tích gắn liền với ngôi đền thờ Tả Ao làng Nam Trì còn lưu truyền đến ngày nay là thời kỳ Tả Ao ở khu vực Hưng Yên một thời gian. Tả Ao về huyện Thiên Thi (tên cũ của Ân Thi) đã cắm đất, chọn ngày xây đình chùa, đặt mồ mả để cho hai làng Thổ Hoàng (nay thuộc thị trấn Ân Thi) và Hới (tức làng Hải Triều, trước thuộc huyện Tiên Lữ, nay thuộc Hưng Yên) phát về đường khoa cử, giàu có nên lưu truyền trong dân gian câu ngạn ngữ Nhất Thi nhì Hới.

Tại Nam Trì, Tả Ao đã giúp dân làng lập lại làng, chuyển đền, chùa và tìm đất đặt mộ phần cho họ Đinh tại gò Tam Thai vượng về võ tướng. Đến năm Giáp Thìn niên hiệu Quảng Hòa thứ 4 (1544) đời Mạc Phúc Hải, người họ Đinh làng Nam Trì là Đinh Tú đỗ Đệ tam giáp Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và được bổ nhiệm làm quan Hiến Sát xứ Hải Dương, được phong tước Phù Nham bá. Hậu duệ của Đinh Tú (lăng mộ tại Nam Trì), chuyển sang sống ở làng Hàm Giang (Hàn Giang) huyện Cẩm Giàng, là Đinh Văn Tả – một danh tướng thời Lê-Trịnh.
Liên kết website khác