Sách: Các biểu đồ Sinh Khí hậu Việt Nam

04/11/2013 11:10
Tên sách: Các biểu đồ Sinh Khí hậu Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Khanh Vân và nnk

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt nội dung cuốn sách

Khí hậu là một nhân tố quan trọng của mỗi hệ sinh thái. Sự suy thoái của môi trường, trong đó có sự biến đổi bất lợi của sinh khí hậu (SKH), sẽ dẫn đến sự giảm sút tài nguyên sinh vật cả về chất và lượng. Sinh vật nhạy cảm với sự biến đổi của khí hậu và khi nói đến khí hậu đối với một loài sinh vật nào đó trong một hệ sinh thái hẹp thì phải nói đến SKH.

Rừng nhiệt đới ẩm khi đã phát triển đạt đến rừng cực đỉnh (climax) thì các loài cây ở trong mỗi tầng đã “tìm thấy” và thích nghi với điều kiện tiểu khí hậu mỗi tầng và mỗi khi có tác động bên ngoài vào một tầng nào đó thì các điều kiện tiểu khí hậu thay đổi làm ảnh hưởng đến cả quần xã thực vật và làm mất đi một số loài. Sự suy thoái của tài nguyên rừng cũng như các quần xã động thực vật tự nhiên đều có nguyên nhân bởi sự biến đổi của tiểu khí hậu. Chính vì thế quan tâm và hiểu biết sâu hơn nữa về quan hệ tồn vong của sinh vật và SKH là rất cần thiết cho các nhà sinh học, lâm học.

Nước Việt Nam có đa dạng thực vật do có đa dạng SKH. Tiếc rằng cho đến nay các công trình nghiên cứu hoặc tập hợp phân tích về các yếu tố SKH là còn ít, điều đó gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu về lâm nghiệp, nông nghiệp nói riêng và về thực vật gây trồng và hoang dại nói chung.

Viết về SKH và đưa ra được những số liệu quan trắc trong nhiều năm của nhiều vùng, xây dựng thành tập biểu đồ SKH là một sự đóng góp có lợi ích thiết thực cho bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học ở Việt nam. Tập “Các biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam” bao gồm hai phần chính sau:

Phần 1: “Chế độ nhiệt ẩm – những nhân tố chủ đạo xác định tính đa dạng thực vật và kiểu thảm thực vật” đã phân tích khái quát cơ sở SKH mà chế độ nhiệt ẩm là đại diện chính, là những nhân tố chủ đạo xác định tính đa dạng thực vật và kiểu thảm thực vật.

Phần 2: “Biểu đồ sinh khí hậu và phương pháp xây dựng” giới thiệu phương pháp xây dựng, khai thác các biểu đồ và nguyên tắc phân chia các kiểu SKH trên lãnh thổ Việt Nam.

Phần 3: “Bản đồ - biểu đồ sinh khí hậu” giới thiệu nguyên tắc phân chia các kiểu SKH trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, đã sử dụng các chữ số la mã để phân chia kiểu khí hậu (tương tự như “Atlat biểu đồ khí hậu thế giới” của Wal-ter và Lieth), các chữ số 1, 2, 3 - các chế độ mưa ở Việt Nam. Bản đồ - biểu đồ SKH đã phân chia ra 6 kiểu SKH sau: I*1. Khí hậu cận xích đạo gió mùa với mưa mùa hè; II.1. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với mưa mùa hè; II.3. Khí hậu nhiệt đới gió mùa với mưa thu-đông; II*.1. Khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh với mưa mùa hè; II*.2. Khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông hơi lạnh với mưa hè-thu-đông và X. Khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi.

Phần 4: “Các biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam” là phân chính của công trình giới thiệu 6 kiểu SKH, được thể hiện trên 141 biểu đồ. 4 kiểu SKH nhiệt đới gió mùa với sự khác biệt chính về nhiệt độ mùa đông, thời kỳ mùa mưa cũng như sự đan cắt của hai đường biến trình này; 1 kiểu SKH nhiệt đới gió mùa vùng núi 1 kiểu SKH cận xích đạo gió mùa, mưa mùa hè. Mỗi biểu đồ với địa danh cụ thể đều được xác định rõ bằng kinh vĩ độ và có bảng ghi các số liệu nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm tương đối và số giờ nắng/ngày của 12 tháng trong năm.

Đây là tập tài liệu và biểu đồ cần cho việc nghiên cứu khoa học ở tầm vĩ mô và vi mô, đặc biệt cần cho việc nghiên cứu ứng dụng trong quy hoạch thiết kế các mô hình nông lâm nghiệp và các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác.

Đáng quý hơn nữa là tập “Các biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam” được các tác giả trình bày dưới dạng song ngữ (Việt-Anh). Trong xu thế hội nhập và cũng để thuận tiện trong trao đổi khoa học, cố gắng này là hết sức cần thiết, nó tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ở các lĩnh vực nghiên cứu tự nhiên khác nhau.
 
Liên kết website khác