Tính đa dạng và sự phân bố địa lý bộ chua me đất (Oxlidales Bercht. & J.Presl) của Việt Nam

11/08/2015 05:02

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Địa lý sinh vật là một ngành nghiên cứu về sự phân bố của các loài sinh vật và hệ sinh thái trong không gian địa lý và thông qua thời gian địa chất. Sinh vật và các quần xã sinh vật thường khác nhau về không gian địa lý như độ cao, vĩ độ, sự cô lập về môi trường sống,… Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều nhóm loài và thậm chí các taxon bậc trên loài ngày nay được nghiên cứu sâu hơn, chi tiết hơn và sự kết nối, trao đổi thông tin giữa các nhà khoa học ở nhiều nơi trên thế giới đã trở  nên cởi mở hơn, dễ dàng hơn. Qua đó, nhiều loài và các bậc taxon trên loài được phát hiện vùng phân bố không giống như những dự đoán hoặc mô tả trước đây. Để có được cái nhìn chính xác hơn, cập nhật hơn về các yếu tố địa lý của hệ thực vật Việt Nam, chúng tôi tiến hành xây dựng bản đồ phân bố của hệ thực vật Việt Nam trên cơ sở là các nhóm loài cơ bản. Bộ Chua me đất (Oxalidales) được chọn làm đối tượng thí điểm, đây là một bộ thực vật có hoa, nằm trong phân nhóm Hoa hồng (Rosids) của thực vật hai lá mầm theo hệ thống phân loại của APG (2009)1. Ở Việt Nam, bộ Oxalidales theo gồm các họ Dây khế - Connaraceae, Côm - Elaeocarpaceae và Chua me đất - Oxalidaceae. Khi thực hiện đề tài, chúng tôi chỉ xây dựng bản đồ phân bố của các loài có vùng phân bố tự nhiên tại Việt Nam và các loài nhập nội hoặc loài cây trồng, loài hoang dại hóa thuộc các họ trên sẽ không được xem xét tới.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊU CỨU
2.1 Đối tượng nghiên cứu


Đối tượng nghiên cứu là toàn bộ các loài thuộc bộ Chua me đất (Oxalidales) có vùng phân bố ở Việt Nam.

2.2 Phương pháp nghiên cứu

Áp dụng phương pháp kế thừa để tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về tính đa dạng và vùng phân bố của đối tượng nghiên cứu. Áp dụng phương pháp hệ thông tin địa lý để xây dựng vùng phân bố của đối tượng nghiên cứu trên bản đồ tỷ lệ 1:5,000,000.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1 Tính đa dạng của bộ Chua me đất ở Việt Nam


Bộ Chua me đất (danh pháp khoa học Oxalidales Bercht. & J.Presl) của Việt Nam hiện gồm 3 họ là Dây khế (Connaraceae), Côm (Elaeocarpaceae) và Chua me đất (Oxalidaceae) với tổng số 82 loài, 11 chi. Họ có số loài nhiều nhất là Côm (Elaeocarpaceae) với 56 loài, 2 chi tuy nhiên, họ có nhiều chi nhất lại là họ Dây khế (Connaraceae), họ này tuy chỉ có 15 loài nhưng các loài phân bố ở 6 chi. Họ Chua me đất (Oxalidaceae) có số loài ít nhất (11 loài, 3 chi). Số loài và số chi thuộc bộ Chua me đất ở Việt Nam chỉ chiếm 4,5% trên tổng số loài và 18,3% tổng số chi của bộ này tính trên toàn thế giới (trên phạm vi toàn cầu, bộ Oxalidales được biết đến gồm 7 họ, 60 chi và 1815 loài, theo APG (2009)1).

Nếu xét tính đa dạng ở các họ và so sánh với các họ đó trên phạm vi toàn cầu thấy rằng họ Côm (Elaeocarpaceae) là họ đa dạng nhất. Theo APG (2009)1, họ Côm hiện được biết có khoảng 605 loài cây thân gỗ và cây bụi trong 12 chi), như vậy với 56 loài, 2 chi thì đây là vừa họ đa dạng nhất trong bộ Chua me đất ở Việt Nam, vừa là đa dạng nhất trên bình diện toàn cầu vì nó chiếm 9,3% số loài và 16,7% số chi thuộc họ Côm trên thế giới (theo APG (2009)1, qua đó cho thấy Việt Nam là một khu vực quan trọng trong bản đồ phân bố của họ này trên thế giới. Tiếp theo là họ Dây khế (Connaraceae), theo APG (2009)1, có khoảng 12 chi với khoảng 180 loài, phần lớn thuộc Connarus (dây Trường điều: khoảng 80 loài) và Rourea (Dây khế: khoảng 40-70 loài): cả hai chi này đều có các đại diện ở Việt Nam, chi Connarus có 4 loài còn chi Rourea có 5 loài. Họ Dây khế ở Việt Nam chiếmm 8,3% số loài và 50% số chi trong họ này của thế giới.

Họ Chua me đất ở Việt Nam chỉ chiếm sấp xỉ 1,6% số loài thuộc họ này trên thế giới (theo APG (2009), có khoảng 700-900 loài thuộc họ Chua me đất (Oxalidaceae) trên thế giới, phần lớn tập trung trong chi Oxalis) 1.

Về các chi, Côm (Elaeocarpus) là chi đa dạng nhất với 51 loài, chiếm 62,2% số loài của bộ Chua me đất (Oxalidales) ở Việt Nam, chiếm khoảng 17% số loài Côm (Elaeocarpus) trên toàn thế giới (theo APG (2009)1, có khoảng 300 loài thuộc chi Elaeocarpus phân bố trên toàn thế giới). Độ giàu loài tiếp theo là chi Sinh diệp (Biophytum), chi Dây khế (Rourea) và Gai nang (Sloanea) đều có 5 loài. Đáng chú ý trong số các chi có nhiều loài nhất này, có 2 chi Côm (Elaeocarpus) và Gai nang (Sloanea) đều thuộc về họ Côm, nói một cách khác, đại diện chính của bộ Chua me đất (Oxalidales) ở Việt Nam chính là các loài thuộc họ Côm (Elaeocarpaceae).

Về dạng sống: các loài thuộc bộ Chua me đất (Oxalidales) ở Việt Nam chủ yếu có dạng sống là cây gỗ nhỡ (Me) với 57,3% tổng số loài, tiếp theo là dạng sống dây leo với 11% tổng số loài. Điều này phù hợp với tính đa dạng họ Côm (Elaeocarpaceae) như đã đề cập ở trên bởi phần lớn các loài của họ này có dạng sống là gỗ nhỡ. Các dạng sống khác bao gồm cây chồi sát đất (Ch), gỗ lớn (Mg), gỗ nhỏ (Mi) và cây bụi (Na).

Về công dụng, đã xác định được 43 loài trên tổng số 82 loài thuộc bộ Chua me đất (Oxalidales) của Việt Nam là những loài có giá trị sử dụng, trong đó, công dụng có số loài đáng kể nhất là cung cấp gỗ (T) và làm thuốc (M): số loài có thể cung cấp gỗ là 28 loài, chiếm 34% số loài của bộ, có 18 loài được sử dụng làm thuốc chiếm 22% số loài của bộ. Các công dụng khác bao gồm ăn được (Ed), làm cảnh hoặc cải tạo cảnh quan (Or), cho ta-nanh (Ta), cho sợi (Fb), thức ăn cho gia súc/ vật nuôi (Fd) và công dụng khác .

3.2 Phân bố tự nhiên bộ chua me đất của Việt Nam
 
Sự phân bố số loài theo các vùng địa lý bộ chua me đất của Việt Nam
Vùng phân bố Ký hiệu số loài Tỷ lệ %
Việt Nam ĐHVN 17 20.7
Đông Dương - Nam Trung Hoa ĐD-NTH 16 19.5
Lục địa Nhiệt đới châu Á Lđ NĐCA 15 18.3
Đông Dương ĐD 10 12.2
Đông Nam Á ĐNA 8 9.8
Nhiệt đới châu Á NĐCA 5 6.1
Bắc bán cầu BBC 2 2.4
Nhiệt đới Á - Phi NĐA-P 2 2.4
Nhiệt đới Á - Úc NĐ A-U 2 2.4
Châu Á - châu Âu   1 1.2
Đông Á   1 1.2
Bắc bán cầu Cây trồng 3 3.7
Tổng   82 100
 
 

Trong số 82 loài thuộc bộ Chua me đất (Oxalidales) của Việt Nam có 3 loài cây trồng (xem bảng 1). Trong số các khu vực phân bố tự nhiên, có 17 loài mới chỉ tìm thấy ở Việt Nam, chiếm 20,7% tổng số loài của bộ này. Tiếp theo, khu vực bán đảo Đông Dương - Nam Trung Hoa (ĐD-NTH) có 16 loài, chiếm 19,5%; khu vực lục địa châu Á nhiệt đới có 15 loài, chiếm 18,3% và khu vực bán đảo Đông Dương với 10 loài, chiếm 12,2% tổng số loài của bộ này ở Việt Nam, đó là những khu vực có số loài phân bố lớn hơn cả, chiếm hơn 70% tổng số loài bộ Chua me đất (Oxalidales) của Việt Nam. Qua đó có thể thấy vùng phân bố tập trung của bộ Chua me đất thông qua các loài có mặt ở Việt Nam chính là khu vực nhiệt đới châu Á.

Từ bảng trên có thể thấy trong số 3 họ của bộ Chua me đất của Việt Nam, họ Côm và họ Dây khế có sự phân bố tập trung ở khu vực Đông Dương đến Nam Trung Hoa mặc dù vùng phân bố của chúng đôi khi có thể lan tỏa sang khu vực phía nam bán cầu (tới Úc hoặc Phi) hay ngược lên phía bắc tới Nhật Bản. Họ Chua me đất có xu hướng phân bố di tản xuống phía Nam tới vùng xích đạo nhiệt đới tới cả Châu Phi và mặc dù vùng phân bố của chúng lan rộng sang cả phần ôn đới bắc bán cầu tới Châu Âu.
 
Vùng phân bố theo các họ trong bộ Chua me đất của Việt Nam
Vùng phân bố Connaraceae Elaeocarpaceae Oxalidaceae
Số loài Tỷ lệ % Số loài Tỷ lệ % Số loài Tỷ lệ %
Việt Nam     17 30.4    
Đông Dương - Nam Trung Hoa     16 28.6    
Lục địa Nhiệt đới châu Á     14 25.0 1 9.1
Đông Dương 3 20.0 6 10.7 1 9.1
Đông Nam Á 8 53.3        
Nhiệt đới châu Á 3 20.0 1 1.8 1 9.1
Cây trồng         3 27.3
Bắc bán cầu         2 18.2
Nhiệt đới Á - Phi         2 18.2
Nhiệt đới Á - Úc 1 6.7 1 1.8    
Châu Á - châu Âu         1 9.1
Đông Á     1 1.8    
Tổng 15 100 56 100 11 100

Theo APG (2009)1, vùng phân bố của các họ này trên thế giới: họ Dây khế (Connaraceae) phân bố xung quanh vùng xích đạo và nhiệt đới chủ yếu nam bán cầu, họ Côm (Elaeocarpaceae) phân bố vùng nhiệt đới châu Á và Nam Mỹ còn họ Chua me đất phân bố toàn thế giới. Như vậy, đối với họ Dây khế và họ Côm, vùng phân bố của các loài có mặt tại Việt Nam đại có thể đại diện cho vùng phân bố phía Đông của họ này trên thế giới mặc dù số loài chỉ chiếm khoảng 8-9% số loài của thế giới . Đối với họ Chua me đất, vùng phân bố của các loài ở Việt Nam quá nhỏ bé, nó tương xứng với tỷ trọng loài của họ này ở Việt Nam so với thế giới và không mang tính đại diện được.

KẾT LUẬN

Bộ Chua me đất (Oxalidales) của Việt Nam gồm 3 họ, 82 loài, 11 chi, trong đó họ có nhiều loài nhất là Côm (Elaeocarpaceae, 56 loài), họ có nhiều chi nhất là Dây khế (Connaraceae, 6 chi), chi đa dạng nhất là Côm (Elaeocarpus) với 51 loài. Dạng sống chính của các loài thuộc bộ này ở Việt Nam là gỗ vừa (57,3%) phù hợp với tính đa dạng của chi Côm (Elaeocarpus). Có 43 loài thuộc bộ này có giá trị sử dụng, trong đó phần lớn là cung câp gỗ (28 loài, 34%) và làm thuốc (18 loài, 22%). Vùng phân bố tập trung của các loài trong bộ Chua me đất của Việt Nam là khu vực Châu Á Nhiệt đới. Hai họ Dây khế (Connaraceae) và Côm (Elaeocarpaceae) có vùng phân bố tập trung ở khu vực nhiệt đới của châu Á. Mặc dù số loài chỉ chiếm 8-9% nhưng vùng phân bố các loài thuộc hai họ này xuất hiện ở việt Nam có thể đại diện cho vùng phân bố phía đông của chúng trên toàn thế giới. Họ Chua me đất (Oxalidaceae) có xu hướng lan xuống vùng nhiệt đới nam bán cầu mặc dù vẫn có một bộ phận vùng phân bố nằm ở khu vực ôn đới bắc bán cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Angiosperm Phylogeny Group (2009). "An up-date of the Angiosperm Phylogeny Group classification for the orders and families of flowering plants: APG III" (PDF). Botanical Journal of the Linnean Society 161 (2): 105–121 (tiếng Anh).
  2. Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 2003-2005., Danh lục các loài thực vật Việt Nam, tập III. Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
  3. Phạm Hoàng Hộ, 1999-2000. Cây cỏ Việt Nam, tập 1-3. Nxb. Trẻ, tp Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Nghĩa Thìn, 2008. Các phương pháp nghiên cứu thực vật. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

 
Liên kết website khác