Tóm tắt các công trình trên Tạp chí Địa lý Nhân văn số 1-2015

01/06/2015 05:18
HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG KHUNG CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH Ở VIỆT NAM
 
Các tác giả: TRẦN NGỌC NGOẠN, LÊ THÀNH Ý

Nghiên cứu này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) trong đề tài mã số: II2.4-2011.21

Tóm tắt: Việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh được coi là chiến lược hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ngày 25 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1393/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Tuy nhiên, để chuyển tải những chủ trương thành những hoạt động cụ thể của các ngành và toàn xã hội là cả một quá trình; Từ những kết quả nghiên cứu của các học giả trong nước và ngoài nướci, bài báo gợi mở một số đề xuất để hướng tới một khung chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

LIÊN KẾT VÙNG TRONG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở VIỆT NAM (Qua nghiên cứu trường hợp đồng bằng sông Cửu Long)

Các tác giả: TRẦN HỮU HIỆP, NGUYỄN SONG TÙNG, HÀ HUY NGỌC

Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam), mã số: BĐKH.30

Tóm tắt: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 1 trong 3 đồng bằng của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Để tồn tại, phát triển an toàn, trù phú và bền vững trong tương lai, phải có hành động khẩn cấp, nhưng trên cơ sở định hướng, tầm nhìn dài hạn, tiếp cận đa ngành, tiếp cận vùng, liên vùng và quốc gia. Cần thực thi các giải pháp công trình, phi công trình, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc“không hối tiếc” trước một tương lai không chắc chắc. Bài viết này phân tích đánh giá các ảnh hưởng của BĐKH đến vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thực trạng ứng phó với BĐKH và trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.


TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG TRONG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

Tác giả: PHẠM QUANG HƯỞNG

Tóm tắt: Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) được xác định là một trong những vùng ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Trong thời gian gần đây, vùng này đã có những chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế; nhưng cũng như cả nước, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và chất lượng chưa cao. Cùng với sự tác động của BĐKH và những hạn chế của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm xuất hiện những xung đột giữa kinh tế, xã hội, môi trường, tiềm ẩn các nguy cơ, rào cản đối với sự phát triển bền vững của vùng ĐBSH và của cả nước. Do vậy, nghiên cứu tác động của BĐKH tới sự phát triển của các ngành ở vùng ĐBSH trong những năm qua, nhằm tìm ra những giải pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu triển khai trong những giai đoạn tiếp theo.


VAI TRÒ CỦA TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tác giả: NGUYỄN THẮNG

Tóm tắt: Tình trạng khan hiếm nước ở nhiều quốc gia, đang trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sự bền vững của hệ sinh thái tự nhiên, an ninh lương thực, sức khỏe, tính mạng con người và sự sinh tồn của mọi sự sống trên hành tinh xanh. Bên cạnh đó, nhận thức và ứng xử của con người với nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này còn nhiều bất cập càng làm cho nguy cơ nêu trên có xu hướng gia tăng. Nhân dịp Ngày Nước thế giới năm 2015 (22 tháng 3) với chủ đề “Nước và Phát triển bền vững”, bài viết này mong muốn giới thiệu tới độc giả một cách nhìn khái quát và toàn diện về vai trò của tài nguyên nước đối với phát triển bền vững để cùng chung tay thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm khai thác, sử dụng, quản lý một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên này.


TỪ XÂY DỰNG ĐẬP DON SAHONG Ở LÀO, NHÌN LẠI VẤN ĐỀ THỦY ĐIỆN TRÊN LƯU VỰC SÔNG MÊ KÔNG

Tác giả: LÊ THÀNH Ý


Tóm tắt: Đập thuỷ điện Don Sahong đang thu hút sự quan tâm rộng rãi của các quốc gia trong khu vực; Don Sahong xây dựng gần thác Khone trên dòng chính Mê Kông, gây ảnh hưởng bất lợi đến đa dạng thuỷ sinh, có thể làm tuyệt chủng nhiều loài cá quý hiếm; tạo rủi ro nghiêm trọng đối với nguồn lợi thủy sản và an ninh lương thực. Từ vị thế địa chính trị của Mê Kông, tác động thuỷ điện dòng chính đối với môi trường, hệ sinh thái và sinh kế trong phát triển bền vững; bài viết tổng hợp một số nội dung được các nhà khoa học và cộng đồng khu vực đề cập gần đây.


LƯỢNG GIÁ THIỆT HẠI CỦA THIÊN TAI DO BÃO LŨ ĐẾN CỘNG ĐỒNG CƯ DÂN CÁC XÃ VEN BIỂN HUYỆN KỲ ANH, TỈNH HÀ TĨNH

Các tác giả: NGUYỄN AN THỊNH, NGUYỄN VIẾT THÀNH, KIỀU HẢI LIÊN, PHẠM MINH TÂM, NGUYỄN THỊ NHẠN

Công trình được hoàn thành trong khuân khổ đề tài cấp ĐHQGHN, nhóm A, mã số QGTĐ.13.10.

Tóm tắt: Bài báo trình bày phương pháp luận lượng giá thiệt hại do thiên tai bão và lũ tác động tới cộng đồng cư dân địa phương ở khu vực ven biển huyện Kỳ Anh. Trên cơ sở số liệu thống kê tác động đến các loại hình sinh kế của cư dân, các phương pháp lượng giá thiệt hại được sử dụng trong giai đoạn 2008-2013 và các phương án lượng giá được thực hiện so sánh giữa các xã ven biển. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, Kỳ Ninh và Kỳ Nam là hai xã bị thiệt hại lớn nhất. Đồng thời, ngăn ngừa thiệt hại bởi lũ lụt do bão là một trong những giải pháp cần thiết phục vụ phát triển bền vững kinh tế tại khu vực này.


SỰ THAM GIA CỦA CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG VÀO PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI RỪNG TRÀM TRÀ SƯ TẠI HUYỆN TỊNH BIÊN, TỈNH AN GIANG

Các tác giả: PHAN THỊ DANG

Tóm tắt: Một trong những lợi thế của du lịch sinh thái là có sự tham gia của cộng đồng địa phương và mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương. Nghiên cứu này, tác giả tập trung phân tích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch sinh thái tại rừng tràm Trà Sư, từ đó có những đề xuất giúp du lịch sinh thái ở đây phát triển hơn nữa, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng địa phương.


PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG TẠI VƯỜN QUỐC GIA PÙ MÁT – TỈNH NGHỆ AN

Tác giả: NGUYỄN XUÂN HÒA


Tóm tắt: Vườn Quốc gia Pù Mát nằm về phía Tây tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 194.000 ha, trong đó vùng bảo tồn 94.000 ha và vùng đệm 100.000 ha; với nhiều tài nguyên thiên nhiên, động vật, thực vật phong phú. Tại khu vực vùng đệm củaVườn Quốc gia có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Kinh, Khơmú, H’mông, Đai lai, Poọng, Ơ Đu. Các dân tộc đều có nhiều nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán độc đáo… là tiền đề cơ bản cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại đây. Vườn Quốc gia Pù Mát cũng được UBND tỉnh Nghệ An đánh giá là 1 trong 5 trung tâm trọng điểm phát triển du lịch. Bài viết gợi mở một số ý kiến nhằm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của vùng theo hướng phát triển bền vững.
Liên kết website khác