Về trận động đất ngoài khơi khu vực Bắc Sumatra ngày 11/04/2012

14/09/2013 12:59

Vào hồi 08 giờ 38 phút 41 giây giờ GMT (15 giờ 38 phút 41 giây giờ Hà Nội) một trận động đất có M=8,6 xảy ra tại rìa Tây phía Bắc đảo Sumatra. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam xác định được vị trí chấn tiêu cũng như magnitude động đất từ số liệu thời gian thực của các trạm địa chấn thu nhận được tại Trung tâm (hình 1 và hình 2), magnitude xác định được là M=8,4 rất gần với giá trị M=8,6 do Cục Địa chấn Mỹ xác định


Hình 1. Chấn tâm động đất Bắc Sumatra ngày 11/04/2012
xác định được tại Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Sau khi động đất xảy ra, Trung tâm cảnh báo sóng thần khu vực Đông Nam Á có trụ sở đặt tại Bangkok đã đưa ra bản tin cảnh báo sóng thần đầu tiên lúc 16 giờ 02 phút giờ Hà Nội cho rằng trận động đất có thể gây nên sóng thần có sức phá hủy lớn ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên sóng thần đã không xảy ra.

Trận động đất M=8,6 ngày 11/04/2012 xảy ra là kết quả của sự chuyển dịch trên đứt gãy trượt bằng trong thạch quyển đại dương của mảng Ấn-Úc. Động đất ở cách khoảng 100 km về phía Tây Nam của đới hút chìm chính là ranh giới của mảng Ấn-Úc và mảng Sunda. Tại vị trí xảy ra động đất mảng Ấn-Úc dịch chuyển về phía Bắc-Đông Bắc so với mảng Sunda với vận tốc khoảng 52mm/năm. Động đất xảy ra do dịch trượt trên đứt gãy trượt bằng, do vậy không gây nên sự thay đổi độ sâu đáy biển và không sinh ra sóng thần.


Hình 2. Magntude động đất Bắc Sumatra ngày 11/04/2012
xác định được tại Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Nhiều thành phố ở các nước trong khu vực bị rung động bởi động đất: thành phố Banda Aceh - Indonesia rung động cấp 7, nhiều thành phố khác ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ… rung động cấp 5, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh rung động cấp 3 (theo thang MSK64) – nhiều người ở các tầng cao của các chung cư cao tầng cảm nhận được rung động của động đất.

Đã quan sát được hàng chục dư chấn của trận động đất này, trong đó dư chấn lớn nhất có M=8,2 xảy ra lúc 10 giờ 43 phút 09 giây giờ GMT tức 17 giờ 43 phút 09 giây giờ Hà Nội, tuy nhiên rung động gây bởi dư chấn này không cảm nhận được ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu,
Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần

Liên kết website khác