Vụ báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện Sông Tranh 2: “Mấy ông ấy liều quá”

12/09/2013 09:46

 

TS Lê Trần Chấn - Ảnh: Việt Dũng

Từ đó, báo cáo trên khẳng định không có động đất kích thích ở thủy điện này. Theo ông Chấn, điều nguy hiểm nhất là ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2 đã hợp pháp mà không được chỉn chu. TS lê trần Chấn cho biết:

- Năm 1996, Liên minh châu Âu tài trợ đề án xây dựng năng lực quản lý môi trường ở Việt Nam. Trong đó hợp phần “Phân tích hướng dẫn ĐTM của các dự án thủy điện” chỉ là một trong những vấn đề mà đề án phải làm bên cạnh ĐTM chung, ĐTM cho phát triển du lịch, ĐTM cho việc xây dựng phát triển đô thị. Do năm 1992 tôi được giao làm chủ nhiệm báo cáo tiền khả thi ĐTM của việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La nên nhóm phụ trách báo cáo giao cho tôi làm phân tích các hướng dẫn ĐTM các dự án thủy điện. Tôi đã tham khảo rất nhiều tài liệu, phần lớn của nước ngoài để phân tích những gì có liên quan khi đánh giá công trình thủy điện, trong đó có đánh giá ảnh hưởng về đa dạng sinh học, di dân tái định cư, động đất kích thích... Đây là những vấn đề mà khi xây dựng thủy điện có thể gây ra tác động về mặt môi trường. Báo cáo chỉ phục vụ hội thảo để bàn luận, nhận góp ý để chỉnh sửa.

Sau hội thảo lần 1, Cục Môi trường của Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết những vấn đề đánh giá tác động của công trình thủy điện không phải làm nữa mà phía Canada làm. Vì vậy báo cáo của tôi chỉ trình bày ở hội thảo lần 1 là kết thúc công việc và tôi gần như quên báo cáo đó vì sau này không còn làm ĐTM thủy điện nữa, mà chủ yếu làm về đa dạng sinh vật. Báo cáo đó được làm vào giai đoạn 1997-1998. Còn sau này ai sử dụng thế nào tôi không được biết.

Báo cáo năm 1998, ĐTM lại nói năm 2002

* Thưa ông, báo cáo của ông tại hội thảo là báo cáo có tính phổ quát chung cho tất cả dự án thủy điện hay có thể áp dụng cho một công trình thủy điện cụ thể?

- Trong báo cáo không nói đến một dự án thủy điện cụ thể nào cả, chỉ là tổng kết tài liệu của nước ngoài và trong nước để đưa ra những đề xuất. Chẳng hạn như dung tích 1 tỉ m3 có khả năng gây động đất kích thích chứ không phải nói tới Sông Tranh 2, không hiểu sao họ lại đưa vào ĐTM. Báo cáo hoàn toàn không có Sông Tranh 2. Báo cáo của tôi kết thúc vào năm 1998 nhưng họ đưa vào ĐTM lại nói là năm 2002.

* Ông có biết đơn vị lập ĐTM sử dụng báo cáo của mình thế nào, có xin phép ông hay không?

- Tôi hoàn toàn không hay biết. Em tôi ở Vinh gọi điện ra hỏi anh đã đọc báo Tuổi Trẻ chưa, lúc đó tôi đi mua báo đọc thì phát hoảng vì thấy báo viết ông Chấn nói từ năm 2002. Các ông ấy (đơn vị lập ĐTM thủy điện Sông Tranh 2) làm thế này ảnh hưởng đến uy tín cá nhân thì tôi cũng không sợ gì, nhưng nguy hiểm là ảnh hưởng tới các ông ấy từ phản ứng của người dân Quảng Nam.

* Nếu áp đúng những hướng dẫn chung đó vào cụ thể cho thủy điện Sông Tranh 2 thì không thể kết luận được là không có động đất kích thích ở đây?

- Đúng rồi. Vì đây là tổng kết chung của các công trình trên thế giới. Còn mỗi công trình có đặc thù địa hình và kiến tạo đứt gãy khác nhau. Cái này được tổng kết trong tài liệu của nước ngoài là chính. Vì Việt Nam lúc đó chỉ có thủy điện Hòa Bình, Sơn La có ĐTM nên chủ yếu sử dụng tài liệu nước ngoài.

Họ phải chịu trách nhiệm

* Có ý kiến cho rằng việc đơn vị lập ĐTM thủy điện Sông Tranh 2 lấy tài liệu của ông không xin phép là vừa xúc phạm nhà khoa học, vừa lừa dối cơ quan chức năng?

- Việc họ lấy lại và đưa tôi vào đó thì họ phải chịu trách nhiệm vì sự thiếu trung thực.

Tôi thấy mấy ông ấy liều quá. Đáng lẽ phải hết sức thận trọng trong đánh giá thì các ông ấy lại đưa thêm câu “Điều kiện để hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra động đất kích thích là” rồi gắn nội dung báo cáo của tôi vào. Như thế càng liều nữa. Tôi không hiểu tại sao có thể liều đến thế khi từ năm 1996-1998 tôi viết báo cáo thì thủy điện Sông Tranh 2 có thể mới đang nằm trong ý tưởng hay hồ sơ của ai đó chứ chưa đưa ra bàn luận.

* Bạn bè, đồng nghiệp của ông nói gì về sự việc này chưa?

- Có thể tôi cũng bị mọi người nói ông không phải chuyên môn động đất sao nói lung tung. Nhưng báo cáo hội thảo đó làm ở thời điểm Viện Địa lý chủ yếu tham gia làm ĐTM các dự án. Lúc đó, chúng tôi cần đánh giá động đất thì mời Viện Vật lý địa cầu tham gia. Đúng ra chuyên môn của tôi là về sinh vật, nhưng những năm 1992 được giao đánh giá ĐTM thủy điện Sơn La và một số công trình nữa nên có hiểu biết một chút ngoài đa dạng sinh học.

* Khi ông làm chủ nhiệm ĐTM thủy điện Sơn La thì có đánh giá về động đất kích thích không?

- Đánh giá tất cả vấn đề lớn: có động đất kích thích, hiện tượng cactơ có thể gây mất nước hồ chứa vì sông ngầm phía dưới, cấp động đất tối đa để xây dựng công trình chịu được cấp động đất đó... Tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ thấy bên Bộ Tài nguyên - môi trường nói chỉ quan tâm và có trách nhiệm đánh giá tới tác động môi trường, còn động đất do cơ quan khác đánh giá. Nhưng trong báo cáo ĐTM này chúng tôi thấy khác vì bắt buộc phải quan tâm động đất. Khi chúng tôi làm ĐTM các thủy điện khác, hội đồng luôn yêu cầu phải khẳng định các khả năng có thể xảy ra.

 

Chủ dự án phải chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu

Sau những nghi vấn về việc báo cáo ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2 “cóp nhặt” từ báo cáo tại hội thảo của TS Lê Trần Chấn, ông Mai Thanh Dung - cục trưởng Cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường) - nói: “Trong báo cáo ĐTM có rất nhiều nội dung, chương mục. Trong đó tất cả thông tin, số liệu do chủ đầu tư dự án thực hiện. Vì vậy chủ đầu tư lấy nghiên cứu của tác giả nào thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước tác giả đó”.

Ông Dung lý giải thêm tại thời điểm chủ đầu tư trình báo cáo ĐTM của thủy điện Sông Tranh 2, ngay trong đơn gửi Bộ Tài nguyên - môi trường thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM đã có cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm về những nội dung, thông tin trong báo cáo. “Họ cam đoan về những nội dung, số liệu nêu trong báo cáo là chính xác. Bộ Tài nguyên - môi trường  chỉ xem xét về lĩnh vực môi trường, còn các vấn đề về dư chấn, động đất đã có kết quả nghiên cứu từ những đơn vị khoa học mà tư vấn thuê làm” - ông Dung nói.

Ông Dung thừa nhận thực tế nếu chủ dự án cố ý đưa thông tin sai hoặc thiếu trung thực trong việc đưa các thông tin, số liệu vào báo cáo ĐTM thì rất khó phát hiện. “Chủ dự án phải chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu trong báo cáo ĐTM. Nếu hội đồng thẩm định phát hiện các nội dung, số liệu không chính xác thì chủ đầu tư phải làm lại” - ông Dung nói. Theo ông Dung việc thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM hiện nay không có đủ điều kiện kiểm tra tất cả số liệu báo cáo nêu, vì vậy chủ dự án phải cam kết.

XUÂN LONG

(theo tuoitre.vn)

Trên báo lao động: “EVN liều thật. Họ đã hợp pháp hóa tài liệu của hội thảo thành nghiên cứu khoa học về động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST2). Thậm chí họ liều đến mức còn “bịa” rằng trong báo cáo phân tích… của tôi đánh giá về TĐST2”.

TS Địa lý, Sinh vật Lê Trần Chấn ngỡ ngàng thốt lên như vậy khi thấy tên mình bỗng dưng có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường công trình TĐST2 của Tập đoàn Điện lực VN lập vào tháng 12.2006, được đăng trên báo Lao Động ngày 26.9.

Bí ẩn những cơn rung chấn

Báo cáo đánh giá tác động môi trường công trình TĐST 2 của EVN, tại mục IV.2.1.5: Đánh giá động đất kích thích khi xây dựng dự án có nêu: “Theo tác giả Lê Trần Chấn – Viện Địa lý thuộc TTKHTN&CN quốc gia trong “Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường các dự án thuỷ điện” năm 2002 thì: Điều kiện để hồ chứa TĐST2 có khả năng gây động đất kích thích là: Dung tích của hồ chứa phải đạt trên 109m3; vùng hồ chứa có chiều cao cột nước tối thiểu là 100m và trong điều kiện đất đá vùng hồ và khu vực lân cận bị chia cắt bởi các đứt gãy kiến tạo và phân dị mạnh”.

Và cùng với “Kết quả của báo cáo đánh giá độ nguy hiểm động đất ở khu vực công trình TĐST2 do Viện Vật lý địa cầu – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam lập tháng 8.2005. Chủ đầu tư đã kết luận: Như vậy, trong điều kiện trên và so sánh với các thông số hồ chứa và đập dâng, điều kiện đứt gãy địa chất và hiện tượng khả năng cực đại xuất hiện động đất vùng dự án có thể đánh giá hồ TĐST2 khi tích nước sẽ không có khả năng gây động đất kích thích, không gây rủi ro môi trường”(!).

Đập thuỷ điện Sông Tranh 2 thấm nước và sạt lở.

“Cơn thịnh nộ” trong lòng đất lại không “chiều lòng” EVN. Chủ đầu tư vừa mới hàn vá xong những vết nứt tại thân đập, vừa mới tuyên bố là thân đập đã an toàn (mặc dù trong hồ chứa nước ở mực chết nên chưa có điều kiện để kiểm chứng kết quả hàn vá) thì lại xảy ra liên tiếp với mật độ dày đặc những cơn rung chấn, khiến người dân Bắc Trà My sống trong sợ hãi. Còn chủ đầu tư dù lo ngay ngáy vẫn phải hùng hồn tuyên bố: An toàn và trấn an người dân “yên tâm sống”.

Động đất ở Bắc Trà My chỉ là động đất kích thích do tác động của hồ chứa nước, sẽ dần dần ổn định trong thời gian nhất định. Nhưng với kết luận động đất kích thích đó đã mâu thuẫn với chính báo cáo mà EVN đã lập và được Bộ Tài nguyên – Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Xử lý sự cố thấm nước đập thuỷ điện Sông Tranh 2.

EVN rơi vào tình thế “khó ăn khó nói” không chỉ với dư luận mà với cả Bộ TNMT về độ chuẩn xác của nghiên cứu khoa học trong “Báo cáo đánh giá tác động môi trường TĐST2” của EVN. Vì hồ chứa nước ở mực nước chết chưa đạt ngưỡng cực đại như kết quả đánh giá độ nguy hiểm động đất ở khu vực công trình TĐST 2.

Trong báo cáo quan trọng có tính quyết định cho đơn vị thiết kế công trình TĐST 2, chủ đầu tư cũng không hề có kết quả nghiên cứu về động đất tự nhiên (do kiến tạo) trong khi các nhà khoa học về địa chất, kiến tạo đã lập được bản đồ đứt gãy kiến tạo khu vực Bắc Trà My..

Đập thuỷ điện Sông Tranh 2 thấm nước và sạt lở.

“Bí ẩn” những cơn rung chấn ở Bắc Trà My là do tác động kích thích kiến tạo hay là sự “cộng hưởng” của cả hai? là vấn đề mà các nhà khoa học cần phải tìm ra để đảm bảo an toàn cho tính mạng hơn 1,4 triệu người dân Quảng Nam mà trên đầu đang treo lơ lửng… quả bom nước.

TS sinh học… “nghiên cứu” động đất?

Tiếp PV tại nhà riêng, TS Lê Trần Chấn cười buồn: “Tôi không biết EVN đã lấy tài liệu ở đâu để đưa vào báo cáo trình Bộ TNMT thẩm định, phê duyệt về công trình TĐST2”. Về “lai lịch” bản “phân tích các hướng dẫn…”, mà EVN đã đưa vào bản báo cáo: TS Chấn cho biết, vào khoảng năm 1996, Viện Địa lý được sự tài trợ của Châu Âu thực hiện dự án “Báo cáo xây dựng năng lực quản lý môi trường VN”, trong đó có phần “Hướng dẫn đánh giá môi trưởng thủy điện”.

Tôi được viện giao phụ trách nhóm thực hiện. Chủ yếu trong báo cáo “hướng dẫn” này là sưu tầm tài liệu từ nước ngoài mang tính tham khảo, phục vụ cho hội thảo lần thứ nhất. Sau đó “vấn đề môi trường các công trình thủy điện” nhóm tôi không thực hiện nữa. Lãnh đạo viện nói phía Canada thực hiện.

“Từ đó đến nay, tôi đã quên tài liệu mang tính tham khảo này, không biết EVN đã lấy từ đâu để đưa vào báo cáo của mình “gắn” vào công trình TĐST 2. Câu trả lời thuộc về EVN” – TS Chấn nhấn mạnh.

“Trong báo cáo hướng dẫn đánh giá môi trường thủy điện mà chúng tôi thực hiện không nêu cụ thể về một công trình thủy điện nào cả, mà chỉ mang tính tham khảo phục vụ hội thảo. Thế nhưng trong báo cáo của mình, EVN đã “bịa” thêm số liệu năm (2002) và câu “Điều kiện để hồ chứa TĐST2 có khả năng gây động đất kích thích” – TS Lê Trần Chấn bức xúc.

Liên kết website khác