Báo cáo tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển của Viện Địa lý

12/11/2013 03:22

KỈ NIỆM 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN ĐỊA LÝ
NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG CỦA NGÀNH ĐỊA LÝ
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

Kính thưa:
 
- GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
- PGS.TS Hà Duy Ngọ, PBT thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
- Kính thưa các quý vị đại biểu, các bạn đồng nghiệp
 
 

Hôm nay Viện Địa lý long trọng tổ chức lễ kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập Viện. Thay mặt tập thể cán bộ công nhân viên của Viện, tôi xin chân thành cảm ơn các quý vị lãnh đạo, các quý vị đại biểu và các bạn đồng nghiệp đã đến dự lễ kỷ niệm và chia vui cùng chúng tôi.

Kính thưa các quý vị đại biểu !

Viện Địa lý được thành lập theo Quyết định số 24CP ngày 22/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ và theo Quyết định số 19/KHCNQG/QĐ ngày 19/6/1993 của Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày nay), đến nay được tròn hai mươi năm. Hai mươi năm, đó là một khoảng thời gian đủ dài đối với một người làm nghiên cứu khoa học, nhưng còn quá ngắn ngủi đối với một Viện nghiên cứu với chức năng là Viện đầu ngành về khoa học Địa lý, mà khi thành lập đã là quá chậm trễ so với các lĩnh vực khác trong đại gia đình các Khoa học về Trái Đất. Hai mươi năm phấn đấu và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, nghiên cứu của Viện đã vượt qua nhiều khó khăn và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời cũng đã nếm trải cả những điều chưa thành công. Trong khó khăn, Viện Địa lý đã vươn lên, phấn đấu hết mình và đã đáp ứng được phần nào sự kỳ vọng của xã hội khi thành lập Viện 20 năm về trước.

Trở lại với thời gian, nhiều thế hệ các nhà địa lý cho rằng, về góc độ nghiên cứu địa lý, có thể nói tổ chức đầu tiên được thành lập chính là Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý” (còn gọi là Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa. Tên ban đầu là Ban Nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học) ra đời theo Nghị quyết số 34/NQ/TW tháng 12 năm 1953 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh ký. Sau đó do nhiều biến động của đời sống xã hội, bộ phận địa lý đó cũng thay đổi rất nhiều để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Năm 1959, sau khi Uỷ ban Khoa học Nhà nước được thành lập, Nhà nước giao cho Uỷ ban thành lập Viện nghiên cứu liên hợp các khoa học tự nhiên với sự giúp đỡ của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Năm 1961, Uỷ ban KHNN bắt đầu tuyển cán bộ tốt nghiệp từ các trường đại học ở trong và ngoài nước, để xây dựng Viện nghiên cứu này. Ban Sinh vật - Địa học của UBKHNN được giao nhiệm vụ chuẩn bị cán bộ cho việc xây dựng các bộ phận nghiên cứu về Sinh vật và Địa học (bao gồm Địa chất và Địa lý). Năm cán bộ đầu tiên được tuyển về tổ Địa lý của bộ phận Sinh vật - Địa vào giữa năm 1961.

Đầu năm 1967, Uỷ ban KH&KTNN quyết định thành lập Viện Khoa học Tự nhiên, trên cơ sở các bộ phận nghiên cứu của Uỷ ban. Các tổ nghiên cứu của Ban Sinh vật - Địa học được tổ chức thành 3 phòng chuyên môn trong đó có phòng Địa lý.

Tháng 5 năm 1975, Nhà nước quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam, trong đó có Viện Các Khoa học về Trái Đất. Phòng Địa lý trở thành một trong những phòng nghiên cứu của Viện Các khoa học về Trái Đất.

Năm 1981, Phòng Địa lý được tách ra khỏi Viện Các Khoa học về Trái Đất, trở thành phòng Địa lý trực thuộc Viện Khoa học Việt Nam.

Năm 1983, Viện Khoa học Việt Nam ra quyết định thành lập phòng Địa lý - Bản đồ trên cơ sở Phòng Địa lý trực thuộc Viện KHVN và Phòng Bản đồ được tách ra từ Viện Các Khoa học về Trái Đất.

Tháng 7 năm 1984, Viện Khoa học Việt Nam Quyết định thành lập Trung tâm Địa lý - Tài nguyên trên cơ sở sát nhập Trung tâm Nghiên cứu Không gian và Phòng địa lý - Bản đồ.

Năm 1993, Viện Địa lý được thành lập và hoạt động cho đến nay.


Kính thưa các quý vị đại biểu !

Trong 20 năm qua, Viện Địa lý luôn là người đi đầu trong lĩnh vực điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, đánh giá tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng hợp lí lãnh thổ, phát triển bền vững. Các cán bộ của Viện đã chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài các cấp, trong đó có trên 50 đề tài cấp Nhà nước, 14 dự án hợp tác quốc tế, hàng trăm đề tài cấp Bộ, Tỉnh. Các kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt và được cơ quan quản lý các cấp, các tổ chức hợp tác với Viện đánh giá cao, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của đất nước nói chung và của ngành khoa học Địa lý nói riêng.

Các đề tài nghiên cứu khoa học theo hướng điều tra cơ bản đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các công trình quân sự, dân sự, hạ tầng xã hội nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước và nhiều địa phương. Đặc biệt nhiều đề tài, đề án đã và đang nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch, tổ chức không gian phát triển các khu vực miền núi, hải đảo, các khu vực vùng sâu, vùng xa của đất nước như ở trên hệ thống các đảo, các khu vực miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mê công... Có thể nói sau hai mươi năm, hầu hết các huyện ở Việt Nam đều đã ghi dấu chân các cán bộ nghiên cứu của Viện Địa lý.

Viện Địa lý là những người đầu tiên và đi đầu trong nghiên cứu địa lý tổng hợp, cảnh quan học, sinh thái cảnh quan, phát triển và áp dụng phương pháp đánh giá cảnh quan cho các mục đích thực tiễn ở Việt Nam. Nhiều công trình đã được tiến hành trên cả nước ở các tỷ lệ khác nhau, nhiều bài báo và sách chuyên khảo đã được công bố, một số nghiên cứu sinh đã được đào tạo đảm bảo sự kế thừa và phát triển liên tục của ngành khoa học này.

Viện Địa lý là tổ chức đi đầu trong việc vận dụng các công nghệ mới như viễn thám, GIS, toán ứng dụng vào các công trình nghiên cứu địa lý tổng hợp, địa lý chuyên ngành như Địa mạo, Địa lý sinh vật, Tài nguyên đất, Khí hậu, Tài nguyên nước mặt, Tài nguyên nước ngầm, Địa lý nhân văn …ở nước ta với những thành quả được các đồng nghiệp trong nước ghi nhận.

Viện Địa lý là tổ chức đầu tiên xây dựng và phát triển các chuyên ngành nghiên cứu về Địa mạo kiến trúc hình thái, Sinh khí hậu, Thoái hóa đất… với nhiều ứng dụng trong thực tiễn ở Việt Nam.

Viện Địa lý là một trong những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các tập bản đồ toàn quốc và cho các địa phương. Nhiều cán bộ của Viện tham gia xây dựng Tập Atlas Quốc gia đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Viện Địa lý là một trong những đơn vị dẫn đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thông tin địa lý (GIS) về tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế -xã hội để hỗ trợ cho công tác hoạch định chính sách phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cấp tỉnh được đánh giá cao như ở tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet (nước CHDCND Lào)…

Các nghiên cứu của Viện Địa lý đã góp phần không nhỏ vào kết quả xác định ranh giới ngoài thềm lục địa thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu với các số liệu khảo sát đo sâu, địa chấn, từ, trọng lực, các điểm cơ sở… Kết quả đã được trình lên Ủy ban Biển của Liên Hợp Quốc, được các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây là một đóng góp quan trọng của Viện Địa lý trong công tác bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong những năm gần đây, gắn liền với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, nước ta luôn phải đối mặt với nhiều dạng tai biến thiên nhiên như bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, trượt lở đất, sạt lở bờ sông và bờ biển, cát bay, hạn hán, nhiễm mặn, hoang mạc hoá... trong đó các tai biến lớn (tai biến dị thường) xảy ra đã vượt qua nhận thức hiện tại của con người, ngày một thường xuyên hơn, diễn biến phức tạp hơn, gây hậu quả thật khó lường hết được. Việc cảnh báo, dự báo sớm những tai biến tự nhiên hiện nay là yêu cầu thực tiễn hết sức bức súc nhưng nó lại là một trong những vấn đề đặc biệt khó khăn của khoa học và công nghệ không phải chỉ ở nước ta mà ngay cả ở những nước có trình độ khoa học cao, công nghệ tiên tiến, công nghiệp phát triển. Vì vậy việc nghiên cứu và tiếp tục nhận thức rõ về các tai biến là rất cần thiết để chủ động hơn trong việc đề xuất chiến lược bảo vệ môi trường, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do các tai biến gây ra.

Với các đề tài nghiên cứu theo hướng này, Viện Địa lý đã tập trung giải quyết những vấn đề rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay như xây dựng cơ sở khoa học và những giải pháp bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai ở khu vực bị thiên tai lũ lụt lớn miền Trung, xác định nguyên nhân và các giải pháp khắc phục, hạn chế quá trình hoang mạc hoá vùng Trung bộ, nghiên cứu quá trình sạt lở bờ sông, bờ biển, đề xuất các chiến lược khai thác hợp lý dải cát ven biển... Các kết quả nghiên cứu đã góp phần tạo nên sự ổn định trong phát triển của các vùng lãnh thổ của nước ta.

Ngày 01 tháng 3 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 122/TTg công nhận Viện Địa lý là cơ sở đào tạo sau đại học bậc Tiến sĩ. Sau 18 năm hoạt động đào tạo sau đại học, cơ sở đào tạo của Viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và được giao quy chế đào tạo tự chủ. Để đáp ứng các yêu cầu mới của đào tạo trình độ Tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Địa lý đã hoàn thiện và ban hành Quy trình đào tạo Tiến sĩ (các quy định về tuyển sinh, quá trình đào tạo, bảo vệ luận án...). đồng thời ký kết văn bản hợp tác với các cơ sở đào tạo truyền thống trong nước như Khoa Địa lý, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Địa lý, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Khoa Địa lý, trường ĐH Sư phạm Huế... Với thành tích và kinh nghiệm đào tạo đã đạt được, Viện Địa lý đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 265/QĐ-BGDĐT ngày 18/1/2012 giao trách nhiệm đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 thuộc Đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, với các quy định và quy chế cụ thể, Viện Địa lý đang quản lý trên 35 NCS và hàng năm tuyển từ 5 – 8 NCS. Bên cạnh đó, đào tạo chuyển giao và tập huấn cũng được đẩy mạnh. Các lớp tập huấn là cầu nối để đưa các nghiên cứu khoa học của Viện Địa lý vào thực tế ở các địa phương.

Trong hai mươi năm qua, được sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự giúp đỡ của Ban Hợp tác Quốc tế, Viện Địa lý đã chủ động triển khai nhiều hoạt động quốc tế. Hiện nay Viện Địa lý đang hợp tác nghiên cứu với nhiều nước, các tổ chức trên thế giới như Đan Mạch, Đức, Bỉ, Nga, Ucraina, Ấn Đô, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào….tạo ra những bước tiến vững chắc trong hợp tác quốc tế, đặc biệt hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học. Viện cũng đã đăng cai, đồng tổ chức nhiều hội thảo quốc tế tại Việt Nam.

Từ kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án, các nhà khoa học trong Viện đã công bố được trên 1000 bài báo trên các Tạp chí, Hội nghị khoa học trong và ngoài nước, 34 sách chuyên khảo và giáo trình phục vụ giảng dạy. Viện Địa lý đã xây dựng website của Viện và đi vào hoạt động từ năm 2011 với tên miền “IG-VAST.ac.vn”.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng cán bộ nghiên cứu, viên chức của Viện Địa lý không ngừng được tăng cường và nâng cao trình độ. Hiện nay, tổng số cán bộ viên chức là 130 người, trong đó, số biên chế là 82 và số hợp đồng là 48, gồm 01 GS, 04 PGS, 22 TS, 26 ThS, 63 CN&KS, 08 là các cán bộ viên chức khác. Các cán bộ của Viện đang có xu hướng trẻ hóa, với khoảng 40% tổng số cán bộ có trình độ trên đại học dưới 40 tuổi.

Cùng thời gian đó, có 50 người đã nghỉ hưu, khoảng 70 người chuyển cơ quan, trong đó một số cán bộ đã qua đời. Nhân dịp này cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn, sự quý trọng và tưởng nhớ tới các đồng nghiệp đã mất.

Viện Địa lý hiện có 14 phòng nghiên cứu, 01 Phòng Quản lý tổng hợp và 02 Trạm nghiên cứu trong đó Trạm Nghiên cứu Tổng hợp Đa ngành Tài nguyên và Môi trường Miền Trung (tại TP. Đồng Hới - Quảng Bình) đã hoạt động ổn định và Trạm Nghiên cứu quan trắc Đồng bằng Bắc Bộ (tại Cồn Vành - Thái Bình) bắt đầu đi vào hoạt động.

Viện Địa lý từ chỗ phải ngồi xen ghép với các đơn vị khác, nay đã có trụ sở chính tại nhà A27, 18 Hoàng Quốc Việt với diện tích sử dụng là 2758,0 m2, cùng với hai trạm nghiên cứu đặt tại Đồng Hới (Quảng Bình) và Cồn Vành (Thái Bình).

Viện Địa lý cũng đã tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng phòng thí nghiệm phân tích địa lý tổng hợp với các thiết bị máy móc tương đối đồng bộ, đang được Tổng cục Đo lường Tiêu chuẩn thẩm định để cấp bằng chứng nhận đạt tiêu chuẩn VLAS.

Điểm lại quá trình xây dựng và phát triển trong 20 năm qua, tất cả thành viên trong Viện Địa lý đều nhận thức rất rõ rằng những thành tựu bước đầu mà Viện đạt được đều không thể tách rời sự ủng hộ và giúp đỡ qúy báu của các cấp lãnh đạo và của đông đảo các bạn đồng nghiệp, cũng như của lãnh đạo và nhân dân các địa phương xa gần. Nhân dịp này chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành nhất vì sự giúp đỡ đó.


Kính thưa các quý vị đại biểu !

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là từ khi thành lập Trung tâm Địa lý-Tài nguyên vào năm 1984, và đặc biệt là từ khi thành lập Viện Địa lý vào năm 1993 đến nay, Viện Địa lý đã không ngừng phấn đấu để xây dựng một tập thể khoa học đoàn kết, có năng lực trong nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào thực tiễn các thành tựu về khoa học địa lý, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá cũng như quá trình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước. Trong những năm tới, tự hào với những thành tích của mình, Viện Địa lý quyết tâm đổi mới hơn nữa về mọi mặt để xây dựng Viện luôn xứng đáng với vị trí là cơ quan khoa học công nghệ đầu đàn trong cả nước về lĩnh vực Địa lý, môi trường; đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng nền khoa học và công nghệ tiên tiến của nước ta cũng như những đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.

Thời gian rồi cứ trôi đi, sự phát triển của đất nước sẽ ghi nhận những đóng góp của khoa học Địa lý nói chung và của các cán bộ trong Viện Địa lý nói riêng, và những công trình nghiên cứu cơ bản về Địa lý (tất nhiên không phải tất cả và cũng không nhiều) sẽ còn mãi với sự trường tồn của dân tộc.

Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các bạn đồng nghiệp sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Xin trân trọng cảm ơn.
Liên kết website khác