Bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam

13/09/2013 04:34
Việt Nam là quốc gia nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa và vị trí địa lý thuận lợi nên có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đa dạng. Cả nước có trên 10.000 ha rừng tự nhiên, 30 Vườn Quốc gia và 134 khu Bảo tồn tự nhiên. Rừng Việt Nam đa dạng, có nhiều loài sinh vật quý hiếm, với nhiều loài động thực vật phong phú và nhiều hệ sinh thái khác nhau.

Trước nguy cơ khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Việc tuyên truyền, bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên là mối quan tâm chung của cộng đồng trước nguồn tài nguyên quý báu đang dần bị cạn kiệt và cũng là trách nhiệm chung của mọi người trước trước ngôi nhà chung “thiên nhiên” của Việt Nam và thế giới. Trong trách nhiệm chung đó, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng.

BTTNVN là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ sưu tập, lưu giữ bảo quản, tổ chức trưng bày, giới thiệu các mẫu vật thiên nhiên và tư liệu hóa số liệu để tuyên truyền giáo dục, nghiên cứu, đào tạo.

Đối tượng mẫu vật được chuyển giao cho Bảo tàng là các mẫu vật chết, bộ phận hay dẫn xuất các mẫu động vật, thực vật, mẫu địa chất, đá hóa thạch, các số liệu, hình ảnh về các hiện tượng thiên nhiên. BTTNVN sẽ sử dụng các mẫu vật, tư liệu này để trình bày có hệ thống, các vấn đề khoa học về thiên nhiên, nhằm mục đích nâng cao hiểu biết, tăng cường lòng yêu thiên nhiên đất nước và ý thức bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng. Trên cơ sở các mẫu vật, hiện vật hiện có, BTTNVN đã xây dựng kịch bản trưng bày giới thiệu với công chúng về mối liên hệ giữa con người và tài nguyên thiên nhiên đất nước, đồng thời hỗ trợ cho các bảo tàng chuyên ngành khác (như Bảo tàng địa chất, Bảo tàng Hải dương học, Bảo tàng rừng, Bảo tàng miền Trung Tây Nguyên....) thuộc hệ thống bảo tàng thiên nhiên giới thiệu sâu hơn về thiên nhiên Việt Nam.

Sau 5 năm thành lập, BTTNVN đã thu thập được hàng chục nghìn mẫu thực vật, động vật và địa chất. Việc tư liệu hóa thông tin từ các mẫu vật thu thập đang là việc làm thường xuyên của Bảo tàng. Ngoài ra việc tuyên truyền giáo dục về bảo tồn được lồng ghép trong nhiều chương trình như: phối hợp với ENV trong việc giới thiệu và trưng bầy mẫu ngà voi, khuyến cáo với cộng đồng về bảo tồn Voi; phối hợp với TRAFFIC trong việc tuyên truyền về bảo tồn Hổ, “nói không” với việc sử dụng các sản phẩm từ Hổ... đã gắn kết BTTNVN với cộng đồng trong công cuộc bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Việc phối kết hợp với các Vườn quốc gia, khu Bảo tồn thiên nhiên trong cả nước với mô hình “Bảo tàng lưu động” đang là cách tiếp cận có hiệu quả với người dân tại các vùng rừng bảo vệ. Đây là những “cam kết” của người dân với cơ quan quản lý trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ rừng. Từ những “cam kết” như vào rừng chỉ để lại dấu chân, không săn bắt động vật hoang dã, không khai thác gỗ trái phép, không phá rừng làm nương rẫy,... chắc chắn việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hợp lý sẽ mang lại sự bền vững cho thiên nhiên Việt Nam.


Triển lãm ảnh "Rừng Việt Nam" năm 2011 tại Hà Nội

Ngoài ra, việc mở các triển lãm giới thiệu về ảnh côn trùng, rừng Việt Nam, trưng bày mẫu vật quý hiếm ... là cách giới thiệu, quảng bá toàn diện về thiên nhiên Việt Nam để công chúng “đến gần” với thiên nhiên, yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ thiên nhiên hơn. Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6 và năm quốc tế về rừng 2011, BTTNVN đã tổ chức triển lãm với chủ đề “Rừng-Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên” tại tỉnh Bắc Cạn và phát động cuộc thi ảnh "Rừng Việt Nam". Triển lãm tại Bắc Kạn đã giới thiệu với công chúng gần 100 panô ảnh gồm nhiều tác phẩm về rừng ở các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên. Những panô trưng bày là minh chứng cụ thể về các giá trị sinh học cũng như tầm quan trọng của rừng trong hệ sinh thái tự nhiên. Với cuộc thi ảnh "Rừng Việt Nam", sau 5 tháng phát động ban tổ chức đã nhận được 1572 ảnh đơn và 104 ảnh bộ (mỗi bộ 6 ảnh) từ chất liệu đen trắng và ảnh mầu của 256 tác giả từ 48 tỉnh, thành phố và các quốc gia. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 80 tác phẩm dự treo tại nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Những tác phẩm dự treo đã phản ánh chân thật về giá trị của rừng tự nhiên, sự đa dạng phong phú của các loài động, thực vật, những tác động của con người đến rừng như hình ảnh phá rừng, săn bắt thú rừng trái phép, đốt nương làm rẫy, sự suy thoái rừng ... ngoài ra có nhiều tác phẩm về phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, trồng rừng … và những ảnh về môi trường tự nhiên của Rừng Việt Nam.

Sau 5 năm hoạt động, BTTNVN đã tiếp nhận trên 100 đợt bàn giao mẫu từ 17 đơn vị như Thi hành án Hà Nội, Công An Nghệ An, Cục Hải quan Hải Phòng, Kiểm lâm Khánh Hòa, Cần Thơ, Hà Nội, Vườn thú Hà Nội,... Bước đầu đã chế tác được 74 mẫu trưng bày, trên 90 mẫu động vật đã được xử lý ban đầu, thu thập được 900 mẫu vật hóa thạch cổ sinh có niên đại 203-175 triệu năm thuộc 5 nhóm (Cúc đá, 2 mảnh vỏ, chân bụng, thực vật hạt trần, thực vật thân gỗ bị silic hóa). Ngoài ra, BTTNVN đã thu thập được những mẫu vật quý hiếm như 01 cá thể cá mặt trăng (mẫu thứ 2 có ở Việt Nam), 01 đầu cá sấu hóa thạch, 18 sừng tê giác, 280 ngà voi và 1.657 kg mai đồi mồi.

Với sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của đội ngũ cán bộ, đến nay BTTNVN đã có 39 cán bộ nhân viên với 4 lãnh đạo (Ban giám đốc), 7 phòng chức năng, 4 PGS, trên 80% cán bộ tốt nghiệp đại học và sau đại học. Trong tương lai không xa khi bộ sưu tầm mẫu vật quốc gia hoàn thiện và phòng trưng bày mẫu đạt tiêu chuẩn quốc tế đi vào hoạt động, những tư liệu đã và đang có tại BTTNVN sẽ được giới thiệu đến công chúng như lời tri ân của những người làm công tác bảo tồn với thiên nhiên Việt Nam.

Một số hình ảnh tại các buổi triển lãm do BTTNVN tổ chức:


Triển lãm ảnh "Rừng Việt Nam" năm 2011 tại Hà Nội


Triển lãm ảnh “Côn trùng Việt Nam” năm 2010 tại Hà Nội


Triển lãm “Vẻ đẹp rừng tự nhiên 2011” tại Bắc Kạn ngày 5/6/2011
Liên kết website khác