Các bài viết trên các tạp chí khoa học trái đất của Đại học Quốc gia Hà Nội số 29/2013, tập 2

30/08/2016 03:35
Mô hình hệ kinh tế sinh thái gia trại bền vững trên dải cát ven biển huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

Tóm tắt: Huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là địa phương mang đầy đủ các đặc điểm về tự nhiên và nhân văn của khu vực Bắc Trung Bộ: 1) diện tích đất tự nhiên lớn; 2) lãnh thổ keo dài từ biên giới phía Tây ra đến biển; 3) diện tích đất có thể sản xuất nông nghiệp hiệu quả khòng lớn; 4) là nơi hứng chịu nhiều thiên tai và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; 5) là nơi giao thoa giữa lục địa và biển nên mang tính nhạy cảm cao trước những hoạt động của con người, đặc biệt đối với dải cát ven biển;…Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào phát triển được khu vực mang nhiều điều kiện bất lợi như vậy mà vẫn đảm bảo được những tiêu chí của phát triển bền vững?. Mục tiêu của bài báo là dựa trên việc phân tích những đặc điểm, vai trò, cấu trúc và chức năng của mô hình hệ kinh tế sinh thái gia trại trên hệ sinh thái dải cát ven biển huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhằm tìm ra những hướng đi đúng đắn góp phần phát triển bền vững dải cát ven biển Quảng Bình nói riêng và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ nói chung. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học giúp các nhà hoạch định chính sách các cấp xây dựng các mô hình hệ kinh tế sinh thái gia trại, nông hộ phù hợp và có thể phát triển tốt trên các khu vực có điều kiện tự nhiên tương đồng như dải cát ven biển Bắc Trung Bộ.
Từ khóa: Huyện Quảng Ninh, Mô hình hệ kinh tế sinh thái gia trại, Dải cát ven biển Bắc Trung Bộ.
Bản toàn văn: http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1046/7.pdf File PDF  

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Một số kết quả nghiên cứu, thách thức và cơ hội trong hội nhập quốc tế

Tóm tắt. Bài báo trình bày một số biểu hiện của biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong các thập kỷ qua, xu thế biến đổi trong tương lai cũng như một số bằng chứng và khả năng tác động tiềm ẩn của nó. Việc nghiên cứu biến đổi khí hậu trong quá khứ được dựa trên các tập số liệu quan trắc từ hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thuỷ văn của Việt Nam; việc đánh giá xu thế biến đổi trong tương lai được thực hiện thông qua các mô hình khí hậu khu vực nhằm chi tiết hoá các kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh các yếu tố như lượng mưa, nhiệt độ, tốc độ gió, v.v… bài báo cũng sẽ chỉ ra một số kết quả về sự biến đổi của các hiện tượng khí hậu cực đoan như mưa lớn, nắng nóng, rét đậm, rét hại, hạn hán, hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới, v.v… Vấn đề hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu biến đổi khí hậu và xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam, phục vụ chiến lược và kế hoạch ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội - môi trường cũng sẽ được đề cập.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, dự tính khí hậu, Việt Nam..
Bản toàn văn: http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1045/6.pdf File PDF

Nghiên cứu đặc điểm xói lở và bồi tụ đoạn sông Đà từ đập thủy điện Hòa Bình đến xã Tân Đức và Minh Nông trong mối quan hệ với bối cảnh địa chất và hoạt động của đập

Tóm tắt: Bồi tụ và xói lở sông Đà phần hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình đã được nghiên cứu dưới góc độ khác nhau. Các nghiên cứu về cơ bản chỉ dừng ở mức xác định hiện trạng, chưa lý giải các quá trình xảy ra gây bởi các nguồn lực nào. Vì vậy các kết quả nghiên cứu còn có những hạn chế nhất định. Bài báo nghiên cứu, đánh giá xu thế bồi tụ- xói lở dựa trên các cơ sở: - Phân tích ảnh viễn thám qua các thời kỳ(1986, 2000 và 2010); - Tổng hợp các kết quả nghiên cứu đánh giá sự biến động lòng sông Đà, các quá trình bồi tụ- xói lở; - Khảo sát thực địa, nghiên cứu tại hiện trường về đặc điểm bồi tụ- xói lở và các đặc điểm đứt gẫy hoạt động. Kết quả khẳng định: - Bối cảnh địa chất và hoạt động của đập thủy điện Hòa Bình là các yếu tố cơ bản chi phố quá trình bồi tụ và xói lở; - Xu thế xói lở gia tăng và trở thành nguy cơ đe dọa các khu dân cư, các công trình văn hóa và lịch sử có giá trị.
Từ khóa: Xói lở, bồi tụ, biến động, cung bờ lõm, cung bờ lồi, sụt lún..
Bản toàn văn: http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1044/5.pdf File PDF

Ước tính lượng khí phát thải do đốt rơm rạ tại đồng ruộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Tóm tắt: Thái Bình là một tỉnh trọng điểm trồng lúa của đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Hoạt động đốt rơm rạ trên đồng ruộng diễn ra rất phổ biến trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, gây ra nhiều hậu quả cho môi trường. Kiểm kê phát thải là một trong những bước cần thiết nhằm tạo cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm. Chính vì vậy, kiểm kê phát thải, trong đó có phát thải từ hoạt động đốt rơm rạ, là lĩnh vực mà hiện nay đang được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học môi trường rất quan tâm. Theo kết quả kiểm kê phát thải do hoạt động này trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong năm 2012 cho thấy CO 2 phát thải lớn nhất 738,8 nghìn tấn/năm chiếm 89,6% tổng lượng phát thải khí; tiếp đến là khí CO phát thải 58,4 nghìn tấn/năm chiếm 7,08% tổng lượng phát thải khí. Phần còn lại (3,35%) là các khí PM2.5, PM10, SO2, NO X, NH3, CH4, NMVOC, EC, OC. Kết quả tính toán lượng khí phát thải do đốt rơm rạ năm 2012 cho thấy mức đóng góp lớn nhất tập trung ở các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ. Đây là kết quả rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhà nước nói chung và lĩnh vực môi trường nói riêng.
Từ khóa: Kiểm kê phát thải, Đốt rơm rạ, Thái Bình..
Bản toàn văn: http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1043/4.pdf File PDF
Đánh giá cảnh quan cho phát triển cây bưởi huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ
Tóm tắt: Trên cơ sở đánh giá tổng hợp các điều kiện tự nhiên theo từng đơn vị cảnh quan, bài báo đã xác định được những vịtrí, những dạng cảnh quan thích hợp nhất đối với sinh trưởng và phát triển 2 giống bưởi chủ đạo tại huyện Đoan Hùng là bưởi Sửu (bưởi Chí Đám) và bưởi Bằng Luân. Kết quả cho thấy, cây bưởi khá thích nghi điều kiện sinh thái cảnh quan của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Có 13.104 ha (chiếm 41,84% diện tích tự nhiên toàn huyện) các dạng cảnh quan có thể lựa chọn để trồng bưởi Sửu bao gồm: mức độ rất thích nghi chiếm 670ha, mức độ thích nghi 6.431 ha, kém thích nghi 4.909ha. Có 16.942 ha (chiếm 54,1% DTTN huyện) diện tích có thể lựa chọn trồng giống bưởi Bằng Luân trong đó mức độ rất thích nghi chiếm 3.539 ha (11,3%), thích nghi 9.695ha (31,0%), kém thích nghi 3.708 ha (11,8%).
Từ khóa: Đánh giá cảnh quan, dạng cảnh quan, cây bưởi Đoan Hùng..
Bản toàn văn: http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1042/3.pdf File PDF

Ước tính trữ lượng và dự báo sản lượng khai thác nguồn lợi cá ngừ đại dương năm 2013-2014 ở vùng biển xa bờ miền Trung

Tóm tắt: Để có được những thông tin hữu ích phục vụ công tác quản lý và khai thác hiệu quả nguồn lợi cá ngừ đại dương, mô hình LCA (Length-based Cohort Analysis) đã được sử dụng trong việc đánh giá trữ lượng, dự báo sản lượng và khả năng khai thác cho phép hàng năm nguồn lợi này. Kết quả áp dụng mô hình tại vùng biển xa bờ miền Trung (6 o N-18 o N, 107 o E-117 o E) cho thấy: 1) Sản lượng khai thác năm 2012 đối với cá ngừ vây vàng (Thunnus albacares) là 8172 tấn và trữ lượng đầu năm của quần thể đạt 64871 tấn. Các giá trị tương ứng đối với quần thể cá ngừ mắt to (Thunnus obesus) là: sản lượng 9871 tấn, trữ lượng 100828 tấn. Sản lượng khai thác như trên mới đạt khoảng trên dưới 10% trữlượng là còn thấp. 2) Với mức khai thác như năm 2012, giá trị MSY (Maximum Sustainable Yield) đối với quần thể cá ngừ vây vàng là 9821 tấn khi hệsốcường lực tăng 2,8 lần, của quần thể cá ngừ mắt to là 12534 tấn và 3,2 lần. Với tốc độ đầu tư như hiện tại, dự báo sản lượng khai thác hàng năm trong các năm 2013-2014 sẽ đạt cỡ 18300-18700 tấn cá ngừ đại dương.
Từ khóa: Ước tính trữ lượng, Dự báo sản lượng, Cá ngừ đại dương, Vùng biển xa bờ..
Bản toàn văn: http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1041/2.pdf File PDF

Hệ thống hỗ trợ ra quyết định quản lý tổng hợp tài nguyên nước: Thử nghiệm phân tích quản lý đập Đakmi 4

Tóm tắt: Quản lý tổng hợp tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững đang là nhu cầu thực tế. Tuy nhiên đây là công việc phức tạp, đa lĩnh vực, liên quan đến nhiều đối tượng vì vậy rất cần có một công cụ hỗ trợ. Bài báo này trình bày tóm tắt cách tiếp cận xây dựng chương trình hỗ trợ ra quyết định quản lý tổng hợp tài nguyên nước (HTRQĐ) quy mô lưu vực hiện đang được nghiên cứu và ứng dụng trên thế giới. Trên cơ sở đó, một chương trình HTRQĐ được đóng gói dưới dạng phần mềm máy tính với giao diện tiếng Việt đã được xây dựng. Để minh họa cho phương pháp và chương trình, một bài toán thử nghiệm cho quản lý xây dựng đập Đakmi 4 đã được thực hiện. Các phương án và tiêu chí đánh giá dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của TP. Đà Nẵng và Quy hoạch Thủy điện lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Đakmi 4 là một công trình thủy điện lớn trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, có tầm ảnh hưởng đến đời sống và môi trường ở lưu vực sông. Vì vậy rất cần thiết có một nghiên cứu sâu hơn cho công trình thủy điện này nhằm phục vụ quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông.
Từ khóa: Hỗ trợ ra quyết định, phân tích đa tiêu chí, quản lý tổng hợp tài nguyên nước..
Bản toàn văn: http://tapchi.vnu.edu.vn/upload/2014/01/1040/1.pdf File PDF
 
Liên kết website khác