Phần I: Đề cập đến cấu trúc địa hình Việt Nam phần đất liền trình bày từ chương 1 đến chương 4 (4 chương). Trong phần này khái quát về hình thái lãnh thổ Việt Nam bao gồm các miền sơn văn và hệ núi, hệ thống đường chia nước, hệ thống sông và các hồ Việt Nam cùng một số nghiên cứu minh họa. Đã phân chia chi tiết các kiến trúc hình thái cơ bản trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; phân tích mối quan hệ giữa địa hình với cấu trúc sâu của vỏ Trái đất; sự thể hiện của các chuyển động kiến tạo trẻ và kiến tạo hiện đại trên địa hình; xác lập lịch sử hình thành và các giai đoạn phát triển kiến trúc hình thái và phân vùng kiến trúc hình thái. Trong phần 1 của cuốn sách còn làm sáng tỏ đặc điểm các chạm trổ hình thái Việt Nam ( xâm thực- bóc mòn, xâm thực –tích tụ và tích tụ, tích tụ-mài mòn, tích tụ bờ và chạm trổ hình thái karst) trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Phần II: Địa mạo Biển Đông được trình bày từ chương 5 đến chương 8 (4 chương). Đã thể hiện đầy đủ đặc điểm địa mạo Biển Đông, gồm: Khái quát về Biển Đông và phân loại địa hình đáy biển; địa hình bờ biển, đầm phá cửa sông và vũng vịnh vùng biển Việt Nam; địa hình đảo và quần đảo vùng biển Việt Nam và địa hình đáy Biển Đông. Phần III: Tài nguyên địa mạo được trình bày trong 2 chương (chương 9 và chương 10). Phần này trình bày những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quan trọng của địa mạo học, đó là địa mạo ứng dụng. Chương 9 trình bày về các di sản địa mạo ở Việt Nam và chương 10 trình bày các tài nguyên có liên quan trực tiếp đến quá trình phát triển địa hình, bao gồm: địa mạo và tài nguyên vị thế, địa mạo và tài nguyên khoáng sản, địa mạo và tài nguyên du lịch. Có thể nói trong phần này trình bày nhiều vấn đề mới về lý thuyết và ứng dụng của địa mạo học ( như các di sản địa mạo và tài nguyên vị thế). Đây được xem là tài liệu tham khảo tốt và có ý nghĩa về mặt thực tiễn cũng như ý nghĩa đối với kinh tế-xã hội. Phần IV: Địa mạo môi trường và sử dụng lãnh thổ trình bày trong 2 chương (chương 11 và chương 12). Trong phần này, cuốn sách trình bày về các tai biến địa mạo. Đó là tai biến liên quan đến quá trình trọng lực như trượt lở, sụt lún đất; tai biến liên quan đến quá trình dòng chảy: lũ quét, lũ bùn đá, lũ lụt, xói lở bờ biển, xói lở bờ sông; tai biến liên quan với các quá trình khác như tai biến cát di động liên quan đến quá trình phong thành và tai biến liên quan đến mực nước biển dâng được trình bày trong chương 11.Ở chương 12, trình bày phân vùng địa mạo, bao gồm: phân vùng địa mạo bán đảo Đông Dương; phân vùng địa mạo Việt Nam (phần đất liền); phân vùng địa mạo đáy biển Việt Nam và kế cận. Trong phần này còn trình bày ứng dụng của phân vùng địa mạo trong sử dụng lãnh thổ cũng như những vấn đề cần quan tâm đến tài nguyên và tai biến địa mạo trong các vùng miền của cả nước. Nội dung phần IV này cũng là tài liệu quí giúp cho các nhà khoa học, quản lý tham khảo trong quá trình nghiên cứu, chỉ đạo qui hoạch, tổ chức lãnh thổ có liên quan. |