Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, số đăng ký KHXB:732-2012/CXB/01 – 15/KHTN&CN cấp ngày 29/6/2012. ISBN: 978-604-913-808-9
Tổng số trang: 127
Lời nói đầu
Hành lang kinh tế Đông - Tây (tiếng Anh: East-West Economic Corridor - EWEC) là sáng kiến được nêu ra vào năm 1998 tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng Sông Mê kông mở rộng lần thứ VIII tổ chức tại Manila (Philippines), nhằm thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa 4 nước Lào, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Hành lang này chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006 dựa trên tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Myanmar - Thái Lan. Ở Thái Lan, bắt đầu từ Mae Sot, chạy qua 7 tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan. Ở Lào, bắt đầu từ tỉnh Savannakhet đến cửa khẩu Đensavan. Ở Việt Nam, bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo đi qua các tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Hành lang Kinh tế Đông-Tây sẽ giúp vùng Đông Bắc của Thái Lan và Lào tiếp cận với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Hành lang này còn kết nối với các tuyến giao thông Bắc - Nam như Yangon – Dawei của Myanma, Chiang Mai – Bangkok của Thái Lan, quốc lộ 13 của Lào, và quốc lộ 1A của Việt Nam.
Như trên đã phân tích, Hành lang Đông Tây (HLĐT) được thiết lập nhằm thúc đẩy sự phát triển và hội nhập kinh tế của 4 nước trên cơ sở tuyến đường giao thông cao tốc đi qua các địa phương của 4 quốc gia. Sự phát triển đáng ghi nhận về kinh tế của 4 nước nằm trong Hành lang vài thập kỉ gần đây đã tạo nên một áp lực lớn hơn về phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó phát triển hệ thống giao thông được coi là điểm đột phá. Một khi Hành lang kinh tế Đông-Tây hình thành, nó không chỉ đơn thuần là hình thành cơ sở hạ tầng giao thông cho khu vực mà sẽ kéo theo những biến đổi về nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội cũng như môi trường tại khu vực đó mà nhiều khi chưa thể thấy rõ, dự báo hết được, như sự thay đổi theo hướng gia tăng giá trị vị trí địa lý của vùng, quá trình phân bố lại dân cư dọc theo tuyến đường, nhiều dạng tài nguyên thiên nhiên mới được đưa vào sử dụng, hình thành cơ cấu kinh tế mới thay cho nền sản xuất tự cung tự cấp hiện tại bằng nhiều ngành nghề sản xuất dịch vụ mới, hình thành nền kinh tế thị trường mở rộng ra ngoài ranh giới tự nhiên và ranh giới hành chính của khu vực…
Cùng với những cơ hội phát triển khi HLĐT đi vào hoạt động thì những miền, vùng tuyến đường đi qua cũng chịu những thách thức môi trường rất lớn. HLĐT như trên đã nói đi qua nhiều hệ sinh thái của các khu vực rừng đầu nguồn, các vùng núi có độ dốc lớn cho nên việc bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, chống xói mòn và trượt lở đất, lũ ống và lũ quét là những thách thức môi trường mới cần được dự báo trước. Mật độ giao thông lớn do Hành lang kinh tế mang lại, một mặt tạo điều kiện để khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn, hình thành nên hệ thống các trung tâm phát triển, các điểm dân cư mới, nhưng mặt khác nó cũng làm nảy sinh các vấn đề môi trường xã hội như thiếu việc làm, mại dâm, nghiện hút… Đây sẽ là các thách thức lớn cho việc hoạch định chính sách phát triển của các tỉnh trên tuyến hành lang này. Có thể nói, việc liên kết nghiên cứu, định hướng phát triển chung (trong đó có việc phát triển các vùng kinh tế động lực) giữa Quảng Trị với các tỉnh trên tuyến HLĐT ở ba nước còn lại là vấn đề khó khăn nhất và cũng là điểm mấu chốt để đảm bảo cho sự thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được đề ra cho tuyến HLĐT.
Trong bối cảnh hiện nay, do còn nhiều khó khăn trong thực hiện liên kết trên toàn tuyến giữa các cấp cơ sở, đặc biệt là liên kết với các tỉnh của Thái Lan và Myanma, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị chủ trì và thực hiện đề tài hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ giữa Cộng hòa xã hội chủ ngĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thực hiện trong 2 năm 2009-2010. “Đánh giá tổng hợp hiện trạng tự nhiên, kinh tế - xã hội , xây dựng luận cứ khoa học phát triển các vùng kinh tế động lực của Quảng Trị và Savannakhet trên Hành lang kinh tế Đông – Tây”. Mục tiêu của đề tài là Điều tra, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây thuộc 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào); Xây dựng định hướng và đề xuất quy hoạch một số vùng kinh tế động lực trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây qua hai tỉnh; Góp phần phát triển mối quan hệ hợp tác đặc biệt Việt – Lào nói chung và quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet nói riêng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu tự liệu phục vụ công cuộc phát triển bền vững Hành lang kinh tế Đông – Tây, tham khảo cho công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy, tập thể tác giả đã cố gắng biên soạn cuốn sách “Cơ sở địa lý học quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Hành lang kinh tế Đông Tây”. Tư liệu để biên soạn cuốn sách được tập hợp từ các kết quả nghiên cứu của các tác giả trong nhiều nghiên cứu khác nhau, đặc biệt là các kết quả của đề tài nói trên.
Nội dung cơ bản của cuốn sách là trình bày một số nét tổng quát về Hành lang kinh tế Đông Tây, cơ sở địa lý học phục vụ quy hoạch phát triển bền vững, định hướng phát triển các vùng kinh tế động lực, phát triển kinh tế - xã hội của 5 huyện thuộc tỉnh Savannankhet nằm trên tuyến Hành lang và một số đề xuất phát triển các tuyến du lịch. Do điều kiện điều tra và tư liệu còn thiếu và không đồng bộ nên nội dung trình bày trong cuốn sách này còn có những hạn chế nhất định. Chấp nhận những khiếm khuyết khó tránh, hy vọng rằng cuốn sách này là tập tư liệu hữu ích phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên – môi trường và là tài liệu tham khảo cho nghiên cứu, giảng dạy.
Tập thể tác giả xin chân thành cảm ơn Bộ Khoa học Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet, các Sở, Ban, Nghành của hai tỉnh trên, các đồng nghiệp, đặc biệt là các thành viên đã tư vấn, giúp đỡ, động viên tạo điều kiện cho tập thể tác giả trong quá trình thực hiện đề tài và biên soạn cuốn sách. Nhân dịp này, tập thể tác giả gửi lời cảm ơn Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tạo điều kiện để xuất bản cuốn sách.