Viện Địa lý là Viện nghiên cứu đầu ngành về khoa học địa lý của Việt Nam. Viện có lịch sử ra đời và phát triển hơn 40 năm, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và cũng đã có những thành tích đáng kể trong công tác nghiên cứu khoa học địa lý. Đến nay, Viện Địa lý đã thực hiện hàng trăm công trình nghiên cứu thuộc cấp Nhà nước, Bộ, Ngành, Tỉnh theo 3 hướng chính sau:
1) Hướng điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên phục vụ phát triển KT-XH, sử dụng hợp lý lãnh thổ nhằm mục đích phát triển bền vững.
2) Hướng bảo vệ môi trường và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.
3) Hướng triển khai ứng dụng KHCN trong nghiên cứu địa lý.
Từ năm 1995 Viện Địa lý thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo sau Đại học, đào tạo Tiến sĩ các chuyên ngành Địa lý theo quyết định số 935/GD-ĐT ngày 21/3/1995 và được đào tạo Tiến sĩ theo 3 chuyên ngành: Địa lý tự nhiên, Địa mạo và cổ địa mạo, Thủy văn lục địa và nguồn nước.
Đến năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Cơ sở đào tạo sau đại học Viện Địa Lý 05 mã số đào tạo:
1) Địa lý tự nhiên, mã số 62 44 70 01
2) Địa mạo và cổ địa mạo, mã số 62 44 72 01
3) Địa lý tài nguyên và môi trường, mã số 62 44 74 01
4) Thủy văn học, mã số 62 44 90 01
5) Phát triển nguồn nước, mã số 62 44 92 01
Sau 15 năm hoạt động đào tạo sau đại học, cơ sở đào tạo của Viện đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận và được giao đào tạo tự chủ toàn diện trong quy trình đào tạo theo công văn số 2333/BGDĐT-GDĐH ngày 04 tháng 05 năm 2010. Đến nay cơ sở đào tạo sau đại học Viện Địa lý trực tiếp thực hiện toàn bộ quá trình đào tạo Tiến sĩ.
Trong quá trình đào tạo của mình, ngoài các cán bộ trong Viện được đào tạo, cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện đã đào tạo được các Tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng trong cả nước như Đại học Thủy lợi, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Quy nhơn… Để ghi nhận sự đóng góp trong quá trình đào tạo giảng viên, năm 2012 cơ sở đào tạo trình độ Tiến sĩ Viện Địa lý đã được Bộ Giáo dục và đào tạo giao trách nhiệm đào tạo cho các giảng viên cúa các trường Đại học, Cao đẳng đến năm 2020 (đề án 911) theo quyết định số ngày
Từ năm 1996 đến nay, Viện Địa lý đã tuyển sinh liên tục trên 50 nghiên cứu sinh với mọi chuyên ngành. Cho đến nay đã có trên 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án của mình, 05 NCS đang chờ bảo vệ luận án cấp Viện và trên 30 NCS đang làm việc và học tập tại cơ sở đào tạo.
Có thể thấy rằng, chặng đường đào tạo trong sự nghiệp đào tạo sau Đại học của Viện Địa lý chưa phải là dài và những thành quả đạt được còn hết sức khiêm tốn so với mục tiêu “ Trồng người trăm năm” mà Bác Hồ đã đặt ra từ khi thành lập nước Việt Nam mới. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục & Đào tạo, lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và sự cộng tác giúp đỡ chân tình của các cơ sở sau Đại học thuộc các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong nước và ngoài nước, sự nghiệp đào tạo sau Đại học của Viện Địa lý đã liên tục phát triển. Tuy nhiên để đáp ứng với nhu cầu đào tạo và tiệm cận dần đến nền giáo dục trên thế giới, ngành giáo dục của Việt Nam nói chung và giáo dục sau đại học của Viện Địa lý đã có những bước tiến dài trong quá trình đào tạo. Có thể đánh giá sự biến đổi qua từng bước của quá trình đào tạo như sau:
1. Công tác tuyển sinh
1.1. Thực hiện qui chế tuyển sinh
- Giai đoạn 1995 – 1998: Thực hiện quy chế đào tạo Tiến sĩ ngắn hạn và NCS dài hạn không tập trung: với các cán bộ khoa học lâu năm có nhiều công trình nghiên cứu được tuyển và làm luận án Tiến sĩ trong thời gian ngắn.
- Từ năm 1999 - 2009, công tác tuyển sinh được thực hiện theo các thông báo và hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do Viện không tổ chức thi tuyển, vì vậy Viện đã kết hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi tổ chức thực hiện kỳ thi sau đại học đợt 1 (phần thi môn cơ bản, môn cơ sở và môn tiếng Anh). Môn chuyên ngành và bảo vệ đề cương được thực hiện tại Hội đồng tuyển sinh của Viện Địa Lý (do Viện trưởng thành lập).
- Từ năm 2010, Viện đã thực hiện theo quy chế mới theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành qui chế đào tạo trình độ tiến sĩ và Qui định đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện Địa Lý theo Qui chế 10/2009, Viện được phép tự tuyển nghiên cứu sinh với đầu vào là những thí sinh có chuyên môn tốt trong lĩnh vực khoa học địa lý – địa lý môi trường, có 2 năm kinh nghiệm và có bằng C tiếng Anh trở lên.
1.2. Chỉ tiêu được giao và kết quả thực hiện
Chỉ tiêu đào tạo nghiên cứu sinh của Viện Địa lý do Bộ GD&ĐT giao liên tục gia tăng, từ mỗi năm 3 – 4 chỉ tiêu cho đến nay là 8 chỉ tiêu. Số hồ sơ của các thí sinh đăng ký luôn cao hơn chỉ tiêu được giao. Năm 2010 và 2011, Viện Địa Lý đều đã tuyển đủ số NCS theo chỉ tiêu được giao (8 chỉ tiêu) trong số người nộp hồ sơ luôn nhiều hơn. Năm 2012, ngoài số lượng NCS được tuyển theo chỉ tiêu được giao, Viện Địa lý còn được bộ GD&ĐT giao 8 chỉ tiêu tuyển sinh trong Đề án 911.
1.3. Chất lượng tuyển chọn đầu vào
Công tác tuyển sinh được thực hiện theo các qui định tuyển sinh và hướng dẫn tuyển sinh hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các thí sinh dự thi đều là các cán bộ có trình độ Thạc sĩ; Điểm trung bình bậc Thạc sĩ từ 7,0 trở lên; có kinh nghiệm làm việc ít nhất là 2 năm tại các cơ quan liên quan đến địa lý và có ít nhất 1 công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học.
2. Hoạt động đào tạo Tiến sĩ
2.1. Tố chức đào tạo
Đứng đầu Cơ sở đào tạo của Viện Địa lý là Viện trưởng đồng thời phân công một Phó Viện trưởng phụ trách công tác đào tạo; có một cán bộ khoa học kiêm nhiệm và một chuyên viên làm về công tác đào tạo.
2.2. Quá trình xác định tên đề tài luận án và phân công người hướng dẫn nghiên cứu sinh của cơ sở trong thời gian qua
Tên đề tài luận án được dựa trên các nội dung nghiên cứu chính của các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước, các đề tài hợp tác quốc tế. Giáo viên hướng dẫn là các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm về chuyên môn thuộc từng chuyên ngành mà các nghiên cứu sinh đăng ký, đã và đang chủ trì các đề tài giúp nghiên cứu sinh định hướng được các nội dung nghiên cứu cũng như hỗ trợ tài liệu để thực hiện.
2.3. Công tác quản lý nghiên cứu sinh
Mỗi nghiên cứu sinh đều có hồ sơ lưu trữ đầy đủ từ khi tuyển sinh đến lúc tốt nghiệp. Sáu tháng một lần nghiên cứu sinh sẽ báo cáo kết quả học tập tại Viện bằng văn bản. Vào đầu năm học mới, nghiên cứu sinh nộp đăng ký nội dung và kết quả thực hiện trong năm vừa qua cho Cơ sở, đồng thời chủ động đăng ký các hoạt động của NCS trong năm, để Cơ sở đào tạo chủ động bố trí.
3. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên
Với nhiệm vụ đào tạo sau đại học bậc Tiến sĩ, việc các nghiên cứu sinh phải học các môn lý thuyết là không có mà chủ yếu là tự nghiên cứu ngoài thực địa và nội nghiệp. Là một Viện nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực địa lý với bề dầy hoạt động địa lý trên 40 năm nên việc hướng dẫn các nghiên cứu sinh thực hiện các nghiên cứu địa lý với sự bao quát không gian, lãnh thổ để có được tính mới trong luận án là hết sức thuận lợi.
Các cán bộ hướng dẫn của Viện là các PGS, TSKH, TS - những chuyên gia về địa lý chuyên ngành, địa lý tổng hợp và ứng dụng công nghệ địa lý... hầu hết được đào tạo từ nước ngoài đang chủ trì và tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp Nhà nước. Lực lượng cán bộ nghiên cứu của Viện ngày càng mạnh cả về số lượng và trình độ. Hiện nay, Viện Địa Lý có trên 130 cán bộ với 07 Phó Giáo sư, 01 Tiến sĩ Khoa học, 28 Tiến sĩ, 28 thạc sĩ và trên 70 kỹ sư, cử nhân được cơ cấu trong các phòng nguyên cứu: phòng chuyên ngành địa lý, phòng nghiên cứu địa lý tổng hợp, phòng ứng dụng công nghệ địa lý....
Ngoài các cán bộ nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn cao tại Viện, cơ sở đào tạo của Viện vẫn thường xuyên mời thêm nhiều cộng tác viên của các cơ sở đào tạo (giáo viên thỉnh giảng) tại trường Đại học Quốc Gia, Trường đại học Thủy lợi, trường Đại học Sư phạm, trường Đại học Nông nghiệp 1, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường,... nhằm tập hợp được nhiều nhà khoa học có trình độ cao để tham gia đào tạo, giảng dạy cho NCS. Tổng số các giáo viên đang tham gia công tác đào tạo của Viện Địa lý là 34 cán bộ trong đó có 11 Giáo sư và 18 Phó giáo sư.
4. Liên kết đào tạo
Ngay từ những thời gian đầu, Viện Địa lý đã liên kết đào tạo Tiến sĩ với nhiều cơ sở đào tạo Địa lý ở các trường như Khoa Địa Lý trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Địa Lý trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường ĐH Thủy lợi, tiếp đến là trường ĐH Sư phạm Huế, trường ĐH Thái Nguyên...
Kết quả của quá trình đào tạo vừa qua, thành công của cơ sở đào tạo Viện Địa lý đã mang lại hiệu quả:
- Sau khi hình thành, cơ sở đào tạo đã triển khai tuyển sinh khóa đầu tiên 1995 – 1999 với hệ không tập trung ngắn hạn 2 năm. Cuối năm 1996 và đầu năm 1997, hai nghiên cứu sinh đầu tiên của Viện Địa lý đã bảo vệ xuất sắc luận án của mình trước Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước.
- Cùng với việc triển khai tuyển sinh hệ ngắn hạn, Viện Địa lý đã tuyển sinh dài hạn 5 năm. Được sự hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của Vụ Sau Đại học - Bộ Giáo dục & Đào tạo, Viện Địa Lý đã tuyển được các cán bộ nghiên cứu từ Viện Địa lý và các cán bộ đang là giảng viên từ các trường Đại học và các cơ quan quản lý của hầu hết các tỉnh thành cả nước.
- Đến nay, với quy trình đào tạo trình độ Tiến sĩ tự chủ, cơ sở đào tạo đã bắt nhịp trong quá trình qua trình. Đến nay, cơ sở đào tạo đã cấp bằng cho 2 Tiến sĩ, hiện nay đang có 06 nghiên cứu sinh đang chờ cấp bằng.
Với các luận án đã được bảo vệ thành công ở cơ sở đào tạo đã giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của khoa học Địa lý Việt Nam. Nhiều luận án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao được Bộ Giáo dục & Đào tạo đánh giá chất lượng tốt. Hầu hết các Tiến sĩ được đào tạo ở Viện đã thể hiện năng lực, phát huy cao độ các kiến thức được nâng cao để trở thành các cán bộ chủ chốt ở nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học và cơ quan quản lý Nhà nước.
Cùng với sự phát triển của các nghiên cứu sinh, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau Đại học của Viện cũng ngày càng được nâng cao. Thư viện, phòng Phân tích, phòng họp, phòng học… đã được tăng cường. Đặc biệt, đội ngũ các thầy cô giáo cơ hữu và kiêm nhiệm của Viện Địa lý (cả trong Viện và ngoài Viện) đã thực sự lớn mạnh. Đội ngũ quản lý đào tạo sau Đại học ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp. Viện Địa lý đã trở thành một trung tâm đào tạo sau Đại học mạnh của ngành Địa lý, ngành khoa học Trái Đất của nước nhà và là nơi hội tụ, giao lưu của các Giáo sư, Phó Giáo sư, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu Địa lý cả nước phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học Địa lý.
Có thể thấy rằng sau 15 năm hoạt động, cơ sở đào tạo Viện Địa Lý đã thực hiện tốt chức năng đào tạo của mình. Các cán bộ được đào tạo tại cơ sở Viện Địa lý hiện nay đang hoạt động tốt trên các lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học, giáo viên giảng dậy và quản lý khoa học. Trong 18 NCS đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Viện Địa Lý vừa qua có 8 Tiến sĩ đứng chủ nhiệm đề tài các cấp, 4 Tiến sĩ là giảng viên các trường đại học và 5 Tiến sĩ là cán bộ Quản lý khoa học cấp Vụ, Ban... Hầu hết các Tiến sĩ đã bảo vệ đều được bổ nhiệm quản lý các cấp từ Vụ, ban, viện, phòng, khoa...
Thực hiện Đề án 911 đào tạo giảng viên có trình độ Tiến sĩ cho các trường Đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020, Cơ sở đào tạo đã tạo điều kiện tốt nhất để đào tạo các giảng viên đặc biệt ưu tiên đối với các trường Đại học ở các địa phương. Hiện nay số giảng viên đang là NCS của Viện Địa Lý có từ ĐH Thái nguyên (06 NCS), Đại học Huế (02 NCS), Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, ĐH Vinh, Quảng Bình, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh...
Cùng với sự phát triển của các nghiên cứu sinh, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau Đại học của Viện cũng ngày càng được nâng cao. Thư viện, phòng Phân tích, phòng họp, phòng học… đã được tăng cường. Đặc biệt, đội ngũ các thầy cô giáo cơ hữu và kiêm nhiệm của Viện Địa lý (cả trong Viện và ngoài Viện) đã thực sự lớn mạnh. Đội ngũ quản lý đào tạo sau Đại học ngày càng hoàn thiện và chuyên nghiệp. Viện Địa lý đã trở thành một trung tâm đào tạo sau Đại học mạnh của ngành Địa lý, ngành khoa học Trái Đất của nước nhà và là nơi hội tụ, giao lưu của các Giáo sư, Phó Giáo sư, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu Địa lý cả nước phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học Địa lý.
Công tác đào tạo sau Đại học của Viện Địa lý đã bước sang một giai đoạn mới, trong bối cảnh khoa học Địa lý Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và sự biến đổi lớn lao về chính trị xã hội trên thế giới xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Nhân loại đang bước đầu quá độ sang nền kinh thế tri thức. Mặt khác, các quá trình động lực tự nhiên trên Trái Đất cũng đang biến đổi mạnh mẽ có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu toàn cầu, sa mạc hóa, hoạt hóa núi lửa, động đất, sóng thần, lũ lụt… Vì vậy, sự hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo Sau Đại học Địa lý đòi hỏi cần được rộng mở và tăng cường. Đồng thời với nhu cầu của đất nước trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đô thị hóa… rất cần nhiều nhân lực trình độ cao trong nghiên cứu Địa lý. Đứng trước nhu cầu trên công tác đào tạo sau Đại học Viện Địa lý còn nhiều hạn chế và bất cập. Song với lợi thế là Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành và sự quan tâm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng với tâm huyết và nhiệt tình ban Lãnh đạo Viện cho phép tin tưởng vào tương lai đào tạo Sau Đại học của Viện Địa lý.
5. Phương hướng kế hoạch phát triển đào tạo 2011 - 2015
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã định hướng phát triển giáo dục đào tạo là: “Đổi mới hệ thống giáo dục đại học và sau đại học, gắn đào tạo với sử dụng, trực tiếp phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các chuyên gia đầu ngành. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài; nhanh chóng xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, dân tộc, vùng miền...; có cơ chế và chính sách gắn kết có hiệu quả trường đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp để chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh...”. Cùng với xu thế phát triển chung của đất nước, cũng như những nhu cầu thực tế đòi hỏi ngày một cao hơn ở lĩnh vực ứng dụng thực tiễn, việc phát triển Viện Địa Lý ở cả khía cạnh nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa được đáp ứng kịp với nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, việc đào tạo sau đại học Viện Địa Lý với chất lượng cao, đáp ứng tiêu chí của khu vực và thế giới hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Cơ chế đào tạo tại Viện nghiên cứu sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học cũng như triển khai công nghệ. Do đó, định hướng phát triển đào tạo sau đại học của Viện Địa lý bao gồm:
- Phát triển một số chuyên ngành hiện đại, chất lượng cao các khoa học về Địa lý đã được Đảng và Nhà nước chủ trương tăng cường nghiên cứu và phát triển ứng dụng.
- Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học đáp ứng trình độ khu vực theo quy chế 10/2009 của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Cơ sở đào tạo Viện Địa lý có mục tiêu đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Địa lý và các chuyên ngành liên quan. Mục tiêu đào tạo cần đạt là chất lượng cao, kiến thức cơ bản vững vàng, có kỹ năng ứng dụng công nghệ và thực hành tốt, phục vụ cho việc phát triển và đón đầu một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam cũng như khu vực, phát huy các định hướng ưu tiên. Đó là tiếp tục phát triển và hoàn thiện các ngành khoa học chọn lọc, sử dụng thành tựu của công nghệ vũ trụ thông tin và các ngành khoa học công nghệ truyền thống. Nghiên cứu cơ bản địa lý và ứng dụng công nghệ cao trong sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời góp phần bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền đất nước.
Thực hiện gắn kết hữu cơ công tác đào tạo với công tác nghiên cứu khoa học, phấn đấu đưa trình độ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai các nghiên cứu khoa học mới của thế giới vào nghiên cứu tại Việt Nam, giữ vững chất lượng cao hàng đầu trong cả nước, nhanh chóng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt nhấn mạnh trong khoa học tự nhiên của Đảng và Chính phủ “...Nghiên cứu làm rõ giá trị sử dụng các dạng tài nguyên, làm cơ sở xây dựng phương án và công nghệ khai thác có hiệu quả và bảo vệ môi trường; Nghiên cứu bản chất, quy luật của tự nhiên và những tác động của chúng đến đời sống KT - XH, chú ý các yếu tố khí tượng và tự nhiên ở các vùng sinh thái phục vụ dự báo phòng tránh thiên tai (bão lụt, sạt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển, chua phèn, hạn hán...)”
Với tiêu chí:
(i) “Tiên tiến”: Tiếp cận được trình độ của các chương trình đào tạo sau đại học địa lý tại một số cơ sở đào tạo tiên tiến trong khu vực;
(ii) “Hệ thống”: Kế thừa toàn bộ chương trình đào tạo tiến sĩ của Viện Địa lý hiện nay, kế thừa và phát triển chương trình đào tạo (sau) đại học về địa lý trong các cơ sở đào tạo khác trong toàn quốc;
(iii) “Liên ngành”: theo định hướng liên ngành với các ngành khoa học Công nghệ thông tin, Công nghệ hóa sinh, Công nghệ môi trường...
Phương hướng phát triển
Về quy mô tuyển sinh: Hàng năm mỗi mã số đào tạo tuyển tối đa 03 nghiên cứu sinh, tổng số nghiên cứu sinh sẽ tuyển tối đa là 12 người.
Về tổ chức: Hiện nay, bộ phận đào tạo của Viện mới chỉ có cán bộ chuyên trách nằm trong phòng Quản lý tổng hợp của Viện, vì vậy việc huy động nhân lực sẽ theo các đợt, mang tính chuyên nghiệp chưa cao. Vì vậy Viện Địa lý cho rằng cần có một bộ phận đào tạo độc lập có cán bộ chuyên trách trong cơ cấu của Viện Địa Lý, như một Khoa Địa lý của Học viện đào tạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong tương lai nhằm quản lý tốt nhất quá trình đào tạo sau đại học từ đào tạo trình độ Thạc sĩ đến Tiến sĩ. Cơ cấu nhân sự đào tạo sẽ là 01 cán bộ chủ chốt của Viện (có trình độ Tiến sĩ) phụ trách và 03 cán bộ chuyên trách về đào tạo.
Về đội ngũ giáo viên: Tăng cường đội ngũ giáo viên tại chỗ bằng chính sách ưu tiên đào tạo cán bộ của Viện kết hợp với các dự án HTQT. Ngoài ra cần tăng cường gắn kết với các cơ sở đào tạo địa lý bên ngoài như khoa Địa Lý (trường ĐH KH Tự nhiên), khoa Địa Lý trường ĐH Sư Phạm... trên cơ sở ký kết nội dung hợp tác như: chương trình phối hợp đào tạo, công nhận chứng chỉ văn bằng, giảng viên kiêm nhiệm...
Về cơ sở vật chất:
- Cải thiện phòng làm việc của các nghiên cứu sinh và thày giáo
- Phòng đọc của thư viện được tu bổ nâng cấp mở thư viện điện tử. Mở rộng thư viện bằng tủ sách của các phòng chuyên môn và các giáo sư đầu ngành. Sử dụng thư viên điện tử
- Đăng ký tạp chí “Địa lý” của ngành địa lý Việt Nam gắn với hệ thống thư viện nhằm thực hiện nhiệm vụ thông tin xuất bản
- Khuyến khích các NCS tham gia các quá trình từ thực địa, quan trắc tại các trạm Nghiên cứu, phân tích thí nghiệm tại các phòng phân tích của Viện
Về giáo trình, giáo án: Tăng cường các giáo trình môn học, đặc biệt những môn học bắt buộc của chuyên ngành. Bên cạnh đó mở rộng quan hệ công nhận những giáo trình môn học của các cơ sở đào tạo đúng chuyên ngành của Viện
Về liên kết đào tạo:
- Thông qua các đề tài đề án HTQT cử cán bộ Viện Địa Lý đào tạo phối hợp (01 thày trong nước và 01 thày nước ngoài)
- Lập Đề án trình bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp đào tạo tiến sĩ giữa Viện Địa lý với cơ sở đào tạo tại Viện Hàn Lâm Ucraina, Nga, các trường Đại học ở Bỉ, Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc... bằng ngân sách nhà nước.
Thế mạnh của Viện Địa lý là nghiên cứu với rất nhiều các nhà khoa học đầu ngành cả về địa lý chuyên ngành, địa lý tổng và các phương pháp công nghệ nghiên cứu địa lý... Viện Địa Lý đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ do Nhà nước giao phó cũng như ứng dụng triển khai đề tài ở các Bộ, địa phương. Vì vậy tài liệu, số liệu có ở Viện Địa Lý rất phong phú, đa dạng và có độ tin cậy cao. Gắn chặt nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ là hai vấn đề liên quan mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Có nghiên cứu thì mới phát triển khoa học, tiếp thu công nghệ mới, có kinh phí hỗ trợ đào tạo tiến sĩ. Có đào tạo tiến sĩ mới bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu khoa học tiếp tục phát triển được. Giải pháp cần đẩy mạnh thời gian tới là sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học đã được phân bổ kết hợp với đào tạo tiến sĩ, đặc biệt là chú trọng vào đào tạo Tiến sĩ, thạc sĩ trẻ nhằm tăng cường nguồn nhân lực.