Chuyến đi thật may mắn vì hôm đó sếu về nhiều hơn mọi ngày và dễ dàng quan sát. Ngay từ sáng sớm lúc mặt trời vừa ló rạng, sương mù còn giăng trắng một lớp mỏng như lụa khắp cánh đồng ẩm ướt, từng đàn sếu đầu đỏ đã hạ cánh. Ngước mắt lên đàn sếu dang đôi cánh thò đôi chân ra hạ xuống như những chiếc tàu bay trông thật ngộ nghĩnh. Ngày 29/3 chúng tôi đếm có đến 120 con sếu bay về, còn sáng ngày 30/3 có 77 con.
Sếu đầu đỏ có tên khoa học là Grus antigone, là một loài chim quý hiếm thuộc họ Sếu (Gruidae), có giá trị rất cao và độc đáo về cả thẩm mỹ và sinh học. Hiện nay loài sếu đầu đỏ đang được cộng đồng quốc tế trong đó có Việt Nam bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật bảo vệ môi trường và luật bảo tồn đa dạng sinh học.
Sếu đầu đỏ có đặc điểm hình thái nổi bật về chiều cao khi đứng có thể đạt tới 1,8 mét - được coi là loài chim cao nhất trong số những loài chim biết bay trên thế giới. Toàn bộ cơ thể là màu xám nhạt trong khi phần đầu lại có màu đỏ đậm rất tương phản và làm nổi bật dễ nhận biết từ xa. Sếu đầu đỏ có lông sơ cấp và lông bao cánh sơ cấp màu đen; đầu và cổ trụi lông, đầu và da trần trên cổ màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám; mỏ và trước đỉnh đầu màu xanh sừng; chân đỏ. Chim non có bộ lông màu sẫm hơn. Chính nhờ có đặc điểm về hình thái như vậy mà khi bay chúng rất dễ nhận ra và đã tạo ra nhiều bức tranh thần tiên như trong các câu chuyện cổ tích khi vỗ cánh.
Loài chim sếu đầu đỏ sinh sống chủ yếu tại các khu vực thuộc tiểu lục địa Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Australia. Môi trường tự nhiên quen thuộc của sếu đầu đỏ là những vùng đất ngập nước, vùng ao hồ hoặc các cửa sông. Ở Việt Nam, loài sếu đầu đỏ thấy nhiều nhất tại những rừng tràm có nhiều khoảng trống với cỏ năng kim của Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp và những cánh đồng hoang ngập úng phèn ven biển của huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang. Hoặc cũng có thể thỉnh thoảng người ta thấy chúng xuất hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen tỉnh Long An, hay trong rừng Khộp của Vườn quốc gia Yordon tỉnh Đắc Lak và trảng cỏ Tà Nốt, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát tỉnh Tây Ninh.
Sếu đầu đỏ có chế độ ăn tạp. Chúng có thể ăn những thức ăn thô thường gặp tại đầm lầy và các vùng nước nông như là rễ, củ cây, côn trùng, động vật giáp xác và một số loài thú nhỏ. Tuy nhiên, thức ăn mà chúng ưa thích nhất vẫn là củ năng kim. Vào những tháng đầu mùa khô của Đồng bằng sông Cửu Long, khi mực nước rút xuống để lộ ra những khoảng trống lớn với những đám năng kim xen lẫn trong rừng tràm cũng là lúc Sếu đầu đỏ thường bay về tìm kiếm những củ năng kim nhỏ bé này như một quy luật đã hình thành nên tập tính sinh thái của loài chim từ lâu đời.
Điều đặc biệt là trong đời sống tự nhiên Sếu đầu đỏ thường sinh sống thành từng cặp như vợ chồng, chúng duy trì mối quan hệ ghép đôi này rất chung thủy và thường sinh sống lâu dài tại một khu vực nhất định. Người ta cho rằng khi một trong hai cá thể trong một cặp sếu đầu đỏ vì một nguyên nhân nào đó mà chết đi, cá thể còn lại sẽ chịu cảnh côi cút và không bao giờ ghép đôi với một con nào khác, thậm chí còn có thể nhịn ăn cho tới khi chết đói.
Mùa sinh sản của loài sếu đầu đỏ thường diễn ra vào mùa mưa ở phía Bắc của Campuchia. Chúng thường gom nhặt cành cây, lau sậy và cỏ khô, kết lại thành một cái tổ chắc chắn trên vùng đất ngập nước ẩn trong đám lau sậy và được trông nom cẩn thận tránh xa kẻ thù. Chim mẹ mỗi lứa thường chỉ đẻ một hoặc hai quả trứng. Trọng lượng của mỗi quả trứng vào khoảng 240 gram và có màu phấn trắng. Những quả trứng này sẽ được chim bố và chim mẹ thay nhau ấp ủ trong vòng 27-35 ngày. Khi tổ gặp nguy hiểm, chim bố và chim mẹ có thể dấu trứng trong những đám cỏ khô và lau sậy dùng làm tổ. Chúng cũng thường ăn hết vỏ trứng sau khi chim con nở ra. Những con chim non được bố mẹ nuôi dưỡng hoàn toàn chu đáo trong những tháng đầu tiên và ngay cả khi đã biết bay chúng vẫn không rời xa bố mẹ trong năm đầu tiên. Sau đó chúng sẽ tập dần những kỹ năng tự kiếm ăn với sự giúp đỡ và hướng dẫn của chim bố mẹ đến những miền đất hoang vắng có cỏ năng như của Đồng Tháp hoặc Kiên Giang của Việt Nam.
Mặc dù không phải là loài chim di cư thuần chủng nhưng trên thực tế loài chim Sếu đầu đỏ vẫn thường có những chuyến du hành rất dài để tìm kiếm thức ăn và nguồn nước trong những trường hợp thời tiết không thuận lợi (thường là khi khô hạn). Chúng thường ngủ ngay giữa những vùng nước nông để tránh nguy cơ từ một số loài động vật săn mồi. Những con sếu trưởng thành không thay lông hàng năm như hầu hết những loài chim khác, bộ lông của chúng thường phải 2-3 năm mới được thay một lần.
Được chiêm ngưỡng những tiếng chim hót vang lanh lảnh trong buổi sáng sớm, những đôi cánh sếu màu ánh bạc dang rộng tỏa sáng một góc trời, những điệu múa đôi tình tứ, những gia đình nhỏ đang cặm cụi kiếm ăn trong sự canh gác cảnh giới của 1 con chim đầu đàn… Bức tranh của thiên nhiên được ai đó vẽ lên mới thật tuyệt vời biết bao nhiêu.
Cảm nhận vẻ đẹp của cánh đồng hoang lòng chúng tôi không khỏi lo lắng. Có bao nhiêu người may mắn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã của thiên nhiên này? Cảnh thần tiên này sẽ còn kéo dài bao nhiêu lâu khi mà đập vào ngay trước mặt chúng tôi là những khoảng da beo màu vàng cỏ úa xen lẫn với màu xanh của cỏ năng? Năm nay những người nông dân nghèo khó trong xã Phú Mỹ đã gieo lúa “trộm” ra đến tận giữa cánh đồng cỏ năng mà không ai phát hiện. Tuy nhiên nhìn những vạt lúa chết cháy vì thiếu nước và không có hạt, chúng tôi chạnh lòng xót xa… Giá mà cứ để nguyên đất hoang như thế cho cây cỏ năng mọc tự nhiên thì hay hơn, chắc đàn sếu sẽ về nhiều hơn.
Phía xa xa 2 chiếc máy gặt liên hợp đang ào ào hối hả gặt lúa. Một đứa trẻ người Khơme đang dùng súng cao su bắn đuổi chim giữ lúa. Những chiếc máy xúc đất to lớn đang ăn từng tảng đất lớn làm đầm nuôi tôm… Dường như cánh đồng hoang sơ đã trở nên quá nhỏ bé so với những gì đang xẩy ra xung quanh. Rõ ràng là 1 cuộc chiến tranh giành sự sống đang diễn ra. Đàn sếu cố gắng nhặt lấy những củ năng nhỏ bé còn sót lại. Con người đang cố sức khai hoang biến dần dần cánh đồng cỏ năng thành cánh đồng lúa của riêng mình. Thật buồn cho số phận của đàn sếu đẹp tuyệt vời kia sẽ kiếm ăn nơi đâu, sẽ đậu nơi đâu. Buồn cho sự bất lực của mọi cố gắng bảo tồn thiên nhiên vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Tạm biệt đàn sếu, năm sau không biết chúng tôi có còn được nhìn thấy cái cảnh đẹp của thiên nhiên như năm nay nữa hay không? Cuộc chiến tranh giành đất đai giữa con người và đàn sếu đầu đỏ vẫn còn tiếp tục nóng bỏng. Tất cả tùy thuộc vào sự nhận thức của con người.
TS. Vũ Ngọc Long và các cộng tác viên
Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển, Viện Sinh học Nhiệt đới