Đánh giá đa dạng sinh học và lượng giá kinh tế tài nguyên các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc Việt Nam

15/04/2024 10:59
Gần đây, các nhà khoa học Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã đánh giá đa dạng sinh học và thành công lượng giá kinh tế tài nguyên các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học thuyết phục và kiến thức toàn diện về các giá trị của các hệ sinh thái đất ngập nước nhằm hoạch định chính sách phát triển đầu tư và đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển.
 

TS. Nguyễn Mạnh Hà - Chủ nhiệm đề tài thực hiện khảo sát thực địa

Công cụ kinh tế quản lý hệ sinh thái đất ngập nước ven biển

Việc sử dụng không hợp lý sẽ dẫn tới suy thoái và cạn kiệt các dạng tài nguyên. Do đó, việc phối hợp hài hòa giữa bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả nhằm phát triển bền vững tài nguyên là thách thức đối với mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Lượng giá kinh tế ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả để giải quyết tốt vấn đề này. Việc lượng giá kinh tế tài nguyên là một giải pháp nhằm “tiền tệ hóa” các giá trị của tài nguyên làm cơ sở quan trọng cho các nhà hoạt động chính sách, các cấp chính quyền, các nhà quản lý lựa chọn giải pháp tối ưu sử dụng bền vững tài nguyên trong mối quan hệ giữa bảo vệ, khai thác và sử dụng.

Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển Đông Bắc Việt Nam rất đa dạng, phong phú và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương. Hệ sinh thái đất ngập nước ven biển không chỉ có vai trò to lớn trong điều tiết khí hậu, hạn chế lũ lụt mà còn là nơi lắng đọng phù sa hình thành đất và tham gia tích cực trong vòng tuần hoàn các chất dinh dưỡng trong các hệ sinh thái nói chung.

Dải ven biển từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến khu vực cửa sông Văn Úc (Đồ Sơn - Hải Phòng) là một trong những khu đất ngập nước lớn nhất của khu vực ven biển Đông Bắc Việt Nam với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng và phong phú. Đây cũng chính là môi trường thuận lợi cho các loại thuỷ sản sinh sống và phát triển. Tuy nhiên, đến nay, công tác quản lý và bảo tồn vẫn thực sự chưa được hoàn thiện. Do đó, việc xác định giá trị kinh tế của đất ngập nước khu vực ven biển Đông Bắc nói chung và Quảng Ninh, Hải Phòng nói riêng nhằm hướng tới bảo vệ, khai thác và sử dụng bền vững là một nhu cầu cấp thiết.

Nghiên cứu bảo tồn

Nhằm xác lập mô hình tổng hợp khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường các vùng đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc lấy vùng đất ngập nước cửa sông Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh làm ví dụ, TS. Nguyễn Mạnh Hà và cộng sự đã thực hiện nhiệm vụ: “Đánh giá đa dạng sinh học và lượng giá kinh tế tài nguyên các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc Việt Nam phục vụ phát triển bền vững” (mã số: UQSNMT.02/20-21).

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân vùng, xác định mức độ đa dạng sinh học tại các vùng sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc. Trên toàn bộ khu vực này đã ghi nhận 1855 loài sinh vật, trong đó, sinh vật đơn bào có 60 loài, thực vật có 684 loài và động vật có 1094 loài thuộc 14 ngành, 35 lớp, 148 bộ, 531 họ của 5 giới sinh vật. Các loài sinh vật quý hiếm, đang bị đe dọa và cần bảo tồn ở hệ sinh thái vùng Đông Bắc đã được sơ bộ xác định gồm 4 loài ghi nhận theo Sách đỏ Việt Nam (2007) và 378 loài theo IUCN (2020).

Các nhà nghiên cứu đã lượng giá kinh tế tài nguyên các giá trị sử dụng trực tiếp, gián tiếp và giá trị chưa sử dụng cho các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển vùng Đông Bắc. Cả 2 nhóm giá trị trong tổng giá trị kinh tế của đất ngập nước là giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng đều hiện diện tại khu vực nghiên cứu với quy mô khác nhau. Giá trị các hệ sinh thái của huyện Vân Đồn là lớn nhất vùng nhưng giá trị trên 01 ha diện tích đứng thứ 5 sau Quảng Yên, Vịnh Cửa Lục, Cẩm Phả và cửa sông Văn Úc. Trong khi thị xã Quảng Yên chỉ đứng thứ 4 về tổng giá trị dịch vụ hệ sinh thái nhưng giá trị trên 01 ha diện tích đạt cao. Đó là do diện tích các hệ sinh thái ở huyện Vân Đồn rất lớn, chủ yếu là mặt nước nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Giá trị kinh tế toàn phần của các hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Rui là khoảng 83,9 tỷ đồng một năm.

TS. Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ: Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng giúp các nhà quản lý lựa chọn các chính sách, cơ chế quản lý cảnh quan đất ngập nước nhằm phục vụ phát triển bền vững. Từ những thành công của nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa khu Đồng Rui - Tiên Yên vào danh sách hệ thống khu bảo tồn đất ngập nước của Việt Nam. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp vào khu bảo tồn và các dự án xử lý rác thải, nước thải vùng đệm trong, xác lập các mô hình hệ kinh tế sinh thái trong cộng đồng dân cư nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững vùng đất ngập nước ven biển Đông Bắc Việt Nam.

Một số hình ảnh nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra thực địa

Nguồn: vast.gov.vn

Liên kết website khác