1. MỞ ĐẦU
Độ phì nhiêu là đặc tính chất lượng căn bản của đất phân biệt nó với đá mẹ và sản phẩm phong hóa, là cơ sở căn bản cho sản xuất xuất nông nghiệp, là yếu tố quyết định đến năng suất cây trồng. Vì vậy, độ phì nhiêu của đất cũng là chủ đề được quan tâm nghiên cứu của các nhà thổ nhưỡng học [1]. Trong nền sản xuất nông nghiệp thâm canh cao, con người đã đưa vào đất nhiều loại phân bón khác nhau, vì vậy đã làm ảnh hưởng lớn đến độ phì nhiêu của đất. Các chỉ tiêu thường được sử dụng để đánh giá độ phì nhiêu của đất như: độ tơi xốp; các chất dinh dưỡng cho cây trồng (gồm các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng); hàm lượng chất hữu cơ; khả năng trao đổi cation (CEC); thành phần và số lượng vi sinh vật có ích; độ ẩm đất. Trong số các chỉ tiêu trên, hàm lượng chất hữu cơ và độ ẩm đất là 2 yếu tố quan trọng quyết định đến độ phì của đất vì chất hữu cơ ảnh hưởng đến phần lớn các chỉ tiêu khác [2].
Để đánh giá định lượng độ phì nhiêu của đất, Boul (1975) và cộng sự đã xây dựng Hệ thống phân loại tiềm năng độ phì của đất (Fertility capability classification - FCC) đầu tiên trên cơ sở định lượng các tính chất của tầng đất mặt (topsoil) [7]. Từ năm 1982 - 1986, Boul tiếp tục phát triển các phiên bản tiếp theo của hệ thống FCC cho đánh giá và phân loại độ phì đất canh tác lúa nước ở các vùng nhiệt đới [8], [9]. Từ hệ thống FCC này, Sanchez (2003) đã phát triển phiên bản mới của hệ thống FCC với 17 điều kiện bổ sung như là các yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng [10]. Đến nay, hệ thống FCC được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả dựa vào các đặc tính hóa học, hình thái phẫu diện đất và các yếu tố hạn chế độ phì. Ở Việt Nam, hệ thống FCC đã được Võ Minh Quang (2005) ứng dụng để cập nhật và bổ sung cho đánh giá tiềm năng độ phì đất thâm canh lúa ở đồng bằng sông Cửu Long ở tỷ lệ 1:250.000 [3]; sau đó được một số tác giả bổ sung và sử dụng đánh giá đặc tính độ phì đất canh tác lúa ở tỉnh Trà Vinh, chuyển đổi bản đồ đất tỷ lệ 1:100.000 phân loại theo hệ thống FAO-UNESCO\WRB sang bản đồ phân bố độ phì FCC [4].
Kết quả điều tra bổ sung và chỉnh lý bản đồ đất tỷ lệ 1:100.000 của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp năm 2005 [5], diện tích các loại đất phát triển trên sản phẩm phong hóa của đá bazan (đất bazan) tỉnh Đắk Lắk có 344.977 ha (chiếm 26,3% diện tích tự nhiên), gồm 6 nhóm đất (nhóm đất gley, đất nứt nẻ, đất đen, đất nâu thẫm, đất đỏ và đất xói mòn trơ sỏi đá) với 17 đơn vị đất; trong đó nhóm đất đỏ chiếm 85,2% tổng diện tích đất bazan. Phần lớn diện tích các loại đất này đã khai thác để sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, hồ tiêu. Dưới tác động của các quá trình thổ nhưỡng và sau chu kỳ dài độc canh các cây công nghiệp dài ngày, với mức độ thâm canh cao, chất hữu cơ và nguồn dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt, độ xốp giảm khiến độ phì tự nhiên và khả năng sản xuất của đất giảm sút nghiêm trọng. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã sử dụng hệ thống FCC để đánh giá độ phì tự nhiên của đất bazan ở Đắk Lắk làm cơ sở xác định các yếu tố giới hạn trong sử dụng đất canh tác nông nghiệp.
2. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Dữ liệu nghiên cứu
- Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu là bản đồ đất bazan tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ 1:100.000 theo hệ thống phân loại FAO-UNESCO/WRB do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp chỉnh lý năm 2005 [5].
- Bộ số liệu phân tích các chỉ tiêu vật lý và hóa học các mẫu đất đại diện cho các loại đất bazan tỉnh Đắk Lắk được khai thác để canh tác các loại cây nông nghiệp chính như: cà phê, cao su, hồ tiêu, lúa nước, ngô và cây màu). Các mẫu đất được thu thập trong các chuyến khảo sát thực địa từ năm 2011 - 2013.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng hệ thống phân loại độ phì tiềm năng FCC của Boul đề xuất năm 1975 có điều chỉnh và bổ sung để đánh giá độ phì tự nhiên của đất khu vực nghiên cứu với 03 tiêu chí:
- Thành phần cơ giới tầng mặt (Type) từ 0 - 25cm gồm 5 chỉ tiêu: G (Gravelly): có đá lẫn và đá lộ đầu; S (Sandy): cát đến cát pha; L (Loamy): thịt nhẹ đến trung bình; C (Clay): Thịt nặng đến sét; O (Ogarnic matter): giàu chất hữu cơ.
- Thành phần cơ giới tầng sâu (Substrata type) từ 0 - 50cm, gồm các chỉ tiêu: R (Rock): có nhiều đá lẫn hay vật thể cứng; S (Sandy): cát đến cát pha; L (Loamy): Thịt nhẹ đến trung bình; C (Clay): thịt nặng đến sét.
- Các điều kiện bổ sung (Condition modifiers) liên quan đến tính chất hóa lý tầng đất mặt gồm các chỉ tiêu: g (glây): đất ngập nước có glây (đất bão hòa nước > 60 ngày/năm); d (dry): đất bị khô hạn (thời gian khô hạn > 90 ngày/năm); e (exchange): khả năng trao đổi cation (CEC) thấp; a (aluminium toxic): độc nhôm khi Al3+ bão hòa > 60%; h (high acid): đất chua khi Al3+ bão hòa 10 - 60% (pH nước = 5 - 6); i: khả năng cố định lân cao; v (vertic): đất nứt nẻ; p: P2O5 dễ tiêu thấp (< 8 ppm); k: K+ trao đổi thấp (< 2 meq/100 g đất); b (basic reaction): phản ứng kiềm (pH > 7,3); n (natri): Na+ cao (Na+ bão hòa/CEC ≥ 15%); c: pH nước < 3,5; l (laterit): kết von nhiều.
Bảng 1: Thang điểm đánh giá độ phì tiềm năng của hệ thống FCC
STT | Các tiêu chí đánh giá | Điểm của từng chỉ tiêu thành phần |
1 | Thành phần cơ giới tầng mặt đến 25 cm) | G = 5; S = 4; L = 3; C = 2; O = 1 |
2 | Thành phần cơ giới tầng sâu đến 50 cm | R = 5; S = 3; L = 2; C = 1 |
3 | Các điều kiện bổ sung | c = 10; n = 9; a = 8; i = 7; e = 6; h = l = 5; b = 4; g = d = 3; p = 2; k = v = 1 |
Độ phì tự nhiên của một đơn vị đất phát sinh được đánh giá bằng tổng điểm đạt được theo các chỉ tiêu nêu trên. Theo thang điểm FCC được chia thành 5 cấp như sau:
- Cấp I (Độ phì rất cao): 1 - 6 điểm;
- Cấp II (Độ phì cao): 7 - 12 điểm;
- Cấp III (Độ phì trung bình): 13 - 18 điểm;
- Cấp IV (Độ phì thấp): 19 - 24 điểm;
- Cấp V (Độ phì rất thấp): > 24 điểm;
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Đặc điểm chung các nhóm đất phát triển trên sản phẩm phong hóa đá bazan tỉnh Đắk Lắk
- Nhóm đất glây (Gleysols): Diện tích 13.591,4 ha (chiếm 3,9% diện tích đất bazan của tỉnh) với 5 đơn vị phân loại. Đất được hình thành và phát triển từ các sản phẩm deluvi hoặc fluvic, thường bị ngập nước theo mùa, mực nước ngầm nông, quá trình glây chiếm ưu thế trong tầng 0 - 50cm. Đất có phản ứng chua trong toàn phẫu diện (pHKCl = 4,9 - 5,0); chất hữu cơ trung bình (0,50 - 1,25%); độ no bazơ thấp (31,5 - 33,0%); hàm lượng Al3+ trao đổi từ 0,8 - 1,12 ldl/100 g đất; CEC > 24 meq/100 g đất (Bảng 2).
- Nhóm đất nứt nẻ (Vertisols): Diện tích 4.223,5 ha (chiếm 1,2%) với 1 đơn vị phân loại. Đất này có đặc tính khô cứng vào mùa khô và dẻo khi ngậm nước, đất nứt nẻ có tính trương nở, đất ít chua ở tầng mặt (pHKCl: 4,6 - 4,9) đến hơi kiềm ở tầng dưới (pHKCl: 5,5 - 6,0); độ no bazơ cao (90,0 - 98,7%), thành phân cơ giới sét, CEC khá cao (dao động từ 29,6 tầng mặt đến 52,8 lđl/100 g đất ở tầng dưới).
- Nhóm đất đen (Luvisols): Có 25.483,8 ha (chiếm 7,4%) với 3 đơn vị đất, phân bố ở rìa các khối bazan, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, khả năng thoát nước tốt. Phần lớn tầng đất mỏng, nhiều đá lẫn, đá lộ đầu và nhiều nơi kết von đến tầng mặt, đất có hàm lượng dinh dưỡng tương đối cao. Hàm lượng hữu cơ tầng mặt giàu 2,4 - 3,73%; N tổng số giàu (0,167 - 0,256%). Đất có phản ứng hơi chua (pHKCl: 4,7 - 5,25); CEC đất thấp (6,33 - 21,2 lđl/100 g đất); độ bão hòa bazơ cao (55,0 - 75,0%).
- Nhóm đất nâu thẫm (Phaeozems): Có 3 đơn vị phân loại với diện tích 6.481,2 ha (chiếm 1,9%), phân bố ở các sườn thoải, ít chia cắt. Nhóm đất nâu thẫm có thành phần cơ giới nặng, có kết von tròn đường kính 2 - 3 mm đến 8 - 10 mm trong cả phẫu diện. Đất có phản ứng ít chua, pHKCl dao động 5,15 - 5,60. Hàm lượng hữu cơ từ 1,11 - 3,41%. Nitơ tổng số ở mức giàu (0,173 - 0,35%). Khả năng trao đổi cation thấp (12,55 - 20,08 meq/100 g đất). Đặc biệt, độ bão hòa bazơ lên đến trên 83%.
- Nhóm đất đỏ (Ferrasols): Có diện tích lớn nhất so với các nhóm đất khác (293.816,8 ha; chiếm 85,2%), được phân ra 4 đơn vị đất. Các đơn vị đất thuộc nhóm đất đỏ có phản ứng chua (pHKCl: 4,0 - 5,45); hàm lượng hữu cơ tầng mặt giàu và giảm nhanh theo độ sâu; đạm và lân tổng số giàu, lân dễ tiêu trung bình đến nghèo, kali trung bình đến cao; tổng cation trao đổi ở tầng mặt thấp; độ bão hòa bazơ trung bình đến thấp.
Bảng 2: Kết quả phân tích một số tính chất lý học và hóa học của một số loại đất phát triển trên sản phẩm phong hóa đá bazan tỉnh Đắk Lắk
Ký hiệu mẫu | Tên đất (ký hiệu) | Khu vực | Hiện trạng sử dụng | Tầng đất (cm) | pHKCl | OC (%) | N tổng số (%) | P2O5 (%) | Al3+ (lđl/100g) | CEC (meq/100gđ) | BS (%) | Thành phần cơ giới (%) |
Cát | Limon | Sét |
ĐL1 | Đất đen, kết von nhiều (LV.frh.h) | Xã Hòa Tiến, Krông Pắk | Lúa nước 2 vụ | 0 - 25 | 5,25 | 3,73 | 0,256 | 0,069 | 0,20 | 7,01 | 61,0 | 33,22 | 14,55 | 52,23 |
25 - 50 | 5,24 | 2,01 | 0,167 | 0,051 | 0,21 | 6,33 | 75,0 | 32,43 | 16,10 | 51,47 |
ĐL2 | Đất đen, sỏi sạn nông (LV.ks1.h) | Xã DLiê Yang, Ea H’leo | Cây hàng năm (ngô) | 0 - 25 | 4,70 | 2,40 | 0,210 | 0,328 | 0,20 | 21,20 | 63,0 | 29,60 | 25,80 | 44,60 |
25 - 50 | 4,70 | 1,10 | 0,130 | 0,269 | 0,40 | 20,10 | 55,0 | 32,90 | 22,00 | 45,10 |
ĐL3 | Đất nâu thẫm điển hình (PH.h) | Xã Hòa Tiến, Krông Pắk | Cây hàng năm (màu) | 0 - 25 | 5,15 | 3,41 | 0,350 | 0,075 | 0,40 | 16,41 | 86,0 | 26,70 | 33,14 | 40,16 |
25- 50 | 5,29 | 2,45 | 0,340 | 0,066 | 0,55 | 12,55 | 83,0 | 28,04 | 29,11 | 42,85 |
ĐL4 | Đất nâu thẫm điển hình (PH.h) | Xã Ea Phê, Krông Pắk | Ngô lai + vườn tạp | 0 - 25 | 5,20 | 1,45 | 0,196 | 0,628 | - | 19,12 | 91,0 | 26,70 | 33,50 | 39,70 |
25 - 50 | 5,60 | 1,11 | 0,173 | 0,583 | - | 20,08 | 98,0 | 27,70 | 27,50 | 44,80 |
ĐL5 | Đất đỏ, tích sét, giàu mùn (FR.ac.hu) | Xã Hoà Đông, TP Buôn Ma Thuột | Cao su | 0 - 25 | 5,45 | 3,25 | 0,200 | 0,240 | 0,50 | 16,41 | 46,0 | 34,42 | 27,14 | 38,44 |
25 - 50 | 5,28 | 1,45 | 0,180 | 0,160 | 0,51 | 17,55 | 48,0 | 30,04 | 24,11 | 45,85 |
ĐL6 | Đất đỏ, tích sét, giàu mùn (FR.ac.hu) | Nông trường cao su Cư K'Pô, Krông Búk | Cao su | 0 - 25 | 4,50 | 2,90 | 0,220 | 0,360 | 0,44 | 16,90 | 26,0 | 36,42 | 24,00 | 28,00 |
25 - 50 | 4,10 | 2,40 | 0,210 | 0,160 | 1,20 | 9,30 | 21,4 | 30,04 | 24,00 | 40,00 |
ĐL7 | Đất đỏ, tích sét, giàu mùn (FR.ac.hu) | Xã Ea Đar, huyện Ea Kar | Cà phê vối | 0 - 25 | 5,15 | 3,00 | 0,190 | 0,180 | - | 16,41 | 92,0 | 36,42 | 25,14 | 38,44 |
25 - 50 | 5,29 | 2,15 | 0,140 | 0,050 | - | 12,55 | 94,0 | 30,04 | 29,11 | 40,85 |
ĐL8 | Đất đỏ, tích sét, nghèo bazơ (FR.ac.vt) | Xã Chư K'Pô, Krông Búk | Hồ tiêu | 0 - 25 | 4,10 | 1,42 | 0,151 | 0,349 | - | 10,71 | 21,0 | 18,90 | 30,60 | 50,50 |
25 - 50 | 4,20 | 0,63 | 0,095 | 0,216 | - | 9,78 | 17,0 | 15,80 | 28,70 | 55,50 |
ĐL9 | Đất đỏ, tích sét, nghèo bazơ (FR.ac.vt) | Nông trường 30/4, TP. Buôn Ma Thuột | Cao su | 0 - 25 | 4,10 | 1,21 | 0,156 | 0,330 | - | 13,21 | 23,0 | 17,60 | 26,00 | 46,40 |
25 - 50 | 4,40 | 0,66 | 0,089 | 0,260 | - | 8,19 | 37,0 | 15,00 | 27,40 | 57,60 |
ĐL10 | Đất đỏ, tích sét, nghèo bazơ (FR.ac.vt) | Xã Ea Nuôi, Buôn Đôn | Cà phê vối | 0 - 25 | 4,00 | 1,01 | 0,151 | 0,367 | - | 13,07 | 38,0 | 18,20 | 28,80 | 53,00 |
25 - 50 | 4,10 | 0,48 | 0,072 | 0,096 | - | 9,83 | 39,0 | 10,40 | 20,20 | 69,40 |
ĐL11 | Đất đỏ, tích sét, nghèo bazơ (FR.ac.vt) | Xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột | Cà phê vối | 0 - 25 | 4,10 | 2,57 | 0,160 | 0,266 | - | 12,22 | 33,0 | 17,60 | 30,60 | 51,80 |
25 - 50 | 4,40 | 1,01 | 0,110 | 0,257 | - | 11,21 | 38,0 | 10,60 | 26,40 | 63,00 |
ĐL12 | Đất nứt nẻ đen, trung tính ít chua (VR.pe.e) | Xã Ea Hiu, Krông Pắk | Lúa nước 2 vụ | 0 - 25 | 4,60 | 3,30 | 0,290 | 0,440 | - | 48,20 | 90,0 | 26,10 | 13,30 | 60,60 |
25 - 50 | 6,00 | 1,80 | 0,210 | 0,220 | - | 52,80 | 98,7 | 26,30 | 13,50 | 60,20 |
ĐL13 | Đất nứt nẻ đen, trung tính ít chua (VR.pe.e) | Xã Ea Phê, Krông Pắk | Lúa nước 2 vụ | 0 - 25 | 4,90 | 2,37 | 0,260 | 0,440 | - | 29,63 | 94,0 | 14,40 | 25,90 | 59,70 |
25 - 50 | 5,50 | 0,54 | 0,090 | 0,190 | - | 33,40 | 93,0 | 10,00 | 18,10 | 71,90 |
ĐL14 | Đất glây, sỏi sạn nông, chua (GL.sk1.c) | Nông trường Cư K'Pô, Krông Búk | Lúa nước 2 vụ | 0 - 25 | 5,00 | 1,25 | 0,520 | 0,320 | 0,80 | 30,80 | 31,5 | 45,50 | 18,50 | 36,00 |
25 - 50 | 4,90 | 0,50 | 0,320 | 0,220 | 1,12 | 24,50 | 33,0 | 35,00 | 17,00 | 48,00 |
Nguồn: Đề tài TN3/T01 [6]
- Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (Leptosols): Có 1.380,6 ha (chiếm 0,4%). Do ảnh hưởng của các hoạt động canh tác không hợp lý, dẫn đến tình trạng đất bị xói mòn, tầng đất mỏng. Đặc trưng của nhóm đất này là rất nghèo mùn (0,69 - 0,84%); hàm lượng các chất tổng số ở mức nghèo đến rất nghèo (N: 0,016 - 0,024; P2O5: 0,021 - 0,022); đất có phản ứng chua (pHKCl: 4,2 - 4,3); độ no bazơ thấp dưới 30%.
3.2. Cơ sở cho phân loại độ phì theo FCC từ bản đồ đất bazan tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ 1:100.000
Theo nghiên cứu của tác giả Võ Quang Minh (2005), có mối liên hệ giữa một số tầng chẩn đoán, đặc tính chẩn đoán trong hệ thống phân loại đất của FAO-UNESCO/WRB với một số đặc tính, yếu tố giới hạn trong hệ thống FCC, từ đó sẽ làm cơ sở cho việc phân loại độ phì từ bản đồ đất [3]. Trên cơ sở kết quả phân loại đất bazan tỉnh Đắk Lắk năm 2005, đã xác định một số tầng chẩn đoán và đặc tính chẩn đoán với đặc tính độ phì FCC như sau:
- Tầng chẩn đoán Ferric (tầng đốm loang lổ với ổ kết von hoặc ổ tích tụ sắt), CEC thấp (e), xuất hiện kết von (l).
- Tầng chẩn đoán Vetic (nứt nẻ), đặc trưng bề mặt bị nứt nẻ vào mùa khô (d).
- Tầng chẩn đoán và đặc tính Ferralic: tích tụ nhôm, sắt (l), khả năng trao đổi cation thấp (e).
- Tầng Agric (tích sét), tầng đất trên có đặc tính nghèo kiềm, đất có phản ứng chua (h), khả năng trao đổi cation thấp (e).
- Đặc tính Humic - giàu mùn (O); đặc tính Dystric - chua (h); đặc tính glây - tính khử do bão hòa nước ngầm (g).
Các tầng chẩn đoán và đặc tính chẩn đoán này cùng với kết quả phân tích tính chất hóa lý các mẫu đất là căn cứ quan trọng cho việc phân loại độ phì tự nhiên của các loại đất bazan tỉnh Đắk Lắk theo hệ thống phân loại độ phì FCC.
3.3. Kết quả phân loại độ phì tiềm năng của đất bazan tỉnh Đắk Lắk theo hệ thống phân loại FCC
Kết quả phân loại độ phì tiềm năng các loại đất bazan ở tỉnh Đắk Lắk dựa trên các tầng chẩn đoán, đặc tính chẩn đoán và vật liệu chẩn đoán theo hệ thống phân loại FCC cho thấy (Bảng 3):
- Loại độ phì rất cao: Có 03 đơn vị đất được xếp vào loại độ phì rất cao là đất nứt nẻ đen, trung tính ít chua (VR.pe.e); đất glây giàu mùn, trung tính ít chua (GL.hu.e) và đất đỏ tích sét, giàu mùn (FR.ac.hu). Diện tích khoảng 90.617,0 ha; phân bố tập trung ở huyện Krông Búk, Ea H'leo, Cư M'ga, TP. Buôn Ma Thuột, Krông Ana, Krông Pắk, một phần diện tích nhỏ phân bố ở huyện Ea Kar và Buôn Đôn. Thành phần cơ giới chủ yếu là thịt nặng đến sét (C), yếu tố trở ngại đối với độ phì là đất bị nứt nẻ (v) hoặc bị glây do ngập nước. Hiện nay, hầu hết diện tích các đất glây và đất nứt nẻ đen này được khai thác chuyên trồng lúa nước và một phần diện tích nhỏ trồng cây hàng năm khác. Diện tích đất đỏ tích sét, giàu mùn đã được khai thác trồng cà phê và cao su.
- Loại độ phì cao: Tổng diện tích 8.502,6 ha. Gồm 02 đơn vị đất glây (đất glây chua và đất glây giàu mùn, chua) và 01 đơn vị đất nâu thẫm (đất nâu thẫm điển hình). Phân bố rải rác ở các huyện Krông Ana, Krông Pắk, Krông Búk, Lắk, Cư M'gar, Lắk, Ea H'leo, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột. Đất có thành phần cơ giới thịt trung bình đến sét. Yếu tố trợ ngại của độ phì là bị glây do ngập nước và đất có phản ứng chua hoặc có sỏi sạn trong tầng 0 - 25 cm. Phần lớn diện tích đất này chuyên trồng lúa nước.
- Loại độ phì trung bình: Diện tích các loại đất có độ phì trung bình có diện tích lớn nhất 220.665,6 ha (chiếm 64% diện tích đất bazan của tỉnh). Gồm các đơn vị đất glây, kết von nhiều, chua (GL.frh.c); đất glây, sỏi sạn nông, chua (GL.sk1.c); đất đen, kết von nhiều (LV.frh.h); đất đen, sỏi sạn nông (LV.sk1.h); đất đen, sỏi sạn sâu (LV.sk2.h); đất nâu thẫm, sỏi sạn nông (PH.sk1.h); đất nâu thẫm, sỏi sạn sâu (PH.sk2.h) và đất đỏ, kết von ít, nghèo bazơ (FR.fr.vt). Đất có thành phần cơ giới thịt nặng đến sét. Yếu tố trở ngại đối với độ phì tự nhiên là đất nhiều sỏi sạn và kết von, đất có phản ứng chua; phẫu diện các đơn vị đất glây có tầng glây do ngập nước; các đơn vị đất đỏ có khả năng trao đổi cation thấp và nghèo bazơ trao đổi. Hiện tại các đơn vị đất đỏ được khai thác trồng cà phê và cao su, còn các đơn vị đất glây và đất đen được khai thác trồng lúa nước và một số cây ngắn ngày.
- Loại độ phì thấp: Có hai đơn vị đất thuộc loại độ phì thấp là đất đỏ kết von ít, nghèo bazơ (FR.fr.vt) và đất đỏ kết von nhiều, nghèo bazơ (FR.frh.vt). Với diện ích khoảng 3.811,5 ha; phân bố ở huyện Buôn Đôn, Cư M'gar, Krông Năng, Krông Pắk, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột. Thành phần cơ giới của loại độ phì này là sét. Yếu tố trở ngại đối với độ phì là khả năng trao đổi cation thấp, nghèo bazơ và đất có kết von. Toàn bộ diện tích các đơn vị đất này đã được khai thác trồng cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cà phê và cao su.
- Loại độ phì rất thấp: Là đơn vị đất xói mòn trơ sỏi đá điển hình (LP.h) với diện tích 1.380,6 ha; phân bố tập trung ở phía Bắc huyện Ea H'leo và một phần ở huyện Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột. Với các yếu tố trở ngại như nhiều đá lẫn và đá gốc lộ ra (R), đất có phản ứng chua (ha), khả năng trao đổi cation thấp (e), lân dễ tiêu thấp (p).
Hình 1. Bản đồ độ phì tự nhiên đất bazan tỉnh Đắk Lắk
Bảng 3: Kết quả phân tích một số tính chất lý học và hóa học của một số loại đất phát triển trên sản phẩm phong hóa đá bazan tỉnh Đắk Lắk
TT | Tên đất Việt Nam | Tên đất theo FAO-UNESCO/WRB | Ký hiệu | Đặc tính độ phì FCC | Tổng điểm | Phân loại độ phì tiềm năng | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) |
I | Nhóm đất glây | Gleysols | GL | | | | 13.591,4 | 3,9 |
1 | Đất glây chua | Hapli-Dystric Gleysol | GL.c.h | Lgh | 10 | Độ phì cao | 1.300,8 | 0,4 |
2 | Đất glây, kết von nhiều, chua | Dystri-Hyperferric Gleysol | GL.frh.c | Lghl | 15 | Độ phì trung bình | 5.691,3 | 1,6 |
3 | Đất glây, giàu mùn, trung tính ít chua | Eutri-Humic Gleysol | GL.hu.e | LOg | 6 | Độ phì rất cao | 803,7 | 0,2 |
4 | Đất glây, giàu mùn, chua | Dystri-Humic Gleysol | GL.hu.c | LOgh | 11 | Độ phì cao | 5.122,4 | 1,5 |
5 | Đất glây, sỏi sạn nông, chua | Dystri-Episkeletic Gleysol | GL.sk1.c | Lghl | 15 | Độ phì trung bình | 673,1 | 0,2 |
II | Nhóm đất nứt nẻ | Vertisols | VR | | | | 4.223,5 | 1,2 |
6 | Đất nứt nẻ đen, trung tính ít chua | Eutri-Pellic Vertisol | VR.pe.e | Cdv | 5 | Độ phì rất cao | 4.223,5 | 1,2 |
III | Nhóm đất đen | Luvisols | LV | | | | 25.483,8 | 7,4 |
7 | Đất đen, kết von nhiều | Hapli-Hyperferric Luvisol | LV.frh.h | CGel | 17 | Độ phì trung bình | 8.693,6 | 2,5 |
8 | Đất đen, sỏi sạn nông | Hapli-Episkeletic Luvisol | LV.sk1.h | CGel | 17 | Độ phì trung bình | 14.099,4 | 4,1 |
9 | Đất đen, sỏi sạn sâu | Hapli-Endoskeletic Luvisol | LV.sk2.h | CGel | 17 | Độ phì trung bình | 2.690,8 | 0,8 |
IV | Nhóm đất nâu thẫm | Phaeozems | PH | | | | 6.481,2 | 1,9 |
10 | Đất nâu thẫm điển hình | Haplic Phaeozem | PH.h | Cel | 12 | Độ phì cao | 2.079,4 | 0,6 |
11 | Đất nâu thẫm, sỏi sạn nông | Hapli-Episkeletic Phaeozem | PH.sk1.h | CGel | 17 | Độ phì trung bình | 2.819,0 | 0,8 |
12 | Đất nâu thẫm, sỏi sạn sâu | Hapli-Endoskeletic Phaeozem | PH.sk2.h | CRel | 17 | Độ phì trung bình | 1.582,9 | 0,5 |
V | Nhóm đất đỏ | Ferrasols | FR | | | | 293.816,8 | 85,2 |
13 | Đất đỏ, tích sét, nghèo bazơ | Veti-Acric Ferralsol | FR.ac.vt | Cvke | 14 | Độ phì trung bình | 184.415,5 | 53,5 |
14 | Đất đỏ, tích sét, giàu mùn | Humi-Acric Ferralsol | FR.ac.hu | CO | 3 | Độ phì rất cao | 85.589,8 | 24,8 |
15 | Đất đỏ, kết von ít, nghèo bazơ | Veti-Ferric Ferralsol | FR.fr.vt | Cvkehl | 20 | Độ phì thấp | 4.787,9 | 1,4 |
16 | Đất đỏ, kết von nhiều, nghèo bazơ | Veti-Hyperferric Ferralsol | FR.frh.vt | Cvkehl | 20 | Độ phì thấp | 19.023,6 | 5,5 |
VI | Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá | Leptosols | LP | | | | 1.380,6 | 0,4 |
17 | Đất xói mòn trơ sỏi đá điển hình | Haplic Leptosol | LP.h | LGRehp | 25 | Độ phì rất thấp | 1.380,6 | 0,4 |
| Tổng | | | | | | 344.977,4 | 100,0 |
4. KẾT LUẬN
Trên cơ sở bản đồ đất bazan tỉnh Đắk Lắk tỷ lệ 1:100.000 theo hệ thống phân loại FAO-UNESCO/WRB đã đánh giá định lượng độ phì tự nhiên của bằng hệ thống phân loại độ phì tiềm năng FCC. Kết quả nghiên cứu chỉ rõ đặc tính độ phì với các yếu tố trở ngại và hạn chế của đất trong canh tác nông nghiệp, từ đó giúp cho người nông dân và nhà quản lý đưa ra các biện pháp sử dụng đất hợp lý nhằm cải thiện độ phì đất.
Để ứng dụng hệ thống phân loại độ phì tiềm năng FCC trong điều kiện của Việt Nam, cần thiết phải điều chỉnh và bổ sung các điều kiện liên quan đến tính chất hóa lý của đất phù hợp với điều kiện phát sinh đất, đặc trưng thổ nhưỡng của từng địa phương. Ngoài ra, cần tiến hành khảo sát và nghiên cứu các phẫu diện đất và tham chiếu với kết quả phân tích các mẫu đất đại diện.
Lời cảm ơn: Các tác giả xin trân trọng cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí thực nghiên cứu này trong khuôn khổ đề tài trẻ năm 2014.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đỗ Ánh (2003), Độ phì nhiêu của đất và dinh dưỡng cây trồng, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- Trần Khải (1997), bàn về nghiên cứu thổ nhưỡng nông hóa đất dốc trung du và miền núi, Hà Nội.
- Võ Quang Minh (2005), Xây dựng hệ thống đánh giá độ phì nhiêu đất (FCC) cho vùng thâm canh lúa đồng bằng sông Cửu Long, Luận án tiến sĩ ngành Khoa học đất, Đại học Cần Thơ, Cần Thơ.
- Lê Thị Linh, Võ Quang Minh, Lê Quang Trí (2011), "Nghiên cứu khả năng ứng dụng hệ thống phân loại tiềm năng độ phì FCC trong đánh giá độ phì nhiêu đất trồng lúa tỉnh Trà Vinh tỷ lệ 1:100.000", Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ, 20b, tr. 180-188.
- Nguyễn Văn Toàn (2005), Giải pháp tổng thể sử dụng hợp lý và bảo vệ đất bazan Tây Nguyên, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
- Viện Địa lý (2014), Bộ kết quả phân tích mẫu đất vùng Tây Nguyên, Kết quả của đề tài cấp Nhà nước TN3/T01, Hà Nội.
- Buol S.W., Sanchez P.A., Cate J.R.B. and Granger M.A. (1975), "Soil fertility capability classification system for fertility management", Soil Management in Tropical America. North Carolina State University, Raleigh, pp. 126-141.
- Buol S.W. (1986), "Fertility capability classification system and its utilization", Soil management under humid conditions in Asia and Pacific - ASIALAND, IBSRAM, Bangkok, pp. 318-331.
- Sanchez P.A., Couto W. and Buol S.W. (1982), The fertility capability classification system: Interpretation, applicability and modification, Geoderma, 27, pp. 283-309.
- Sanchez P.A., Palm C.A., Buol S.W. (2003), "Fertitity capability soil classification: a tool to help assess soil quality in the tropics", Geoderma, 114(2003), pp. 157-185.