Đảo Trường Sa Lớn: Thủ phủ tiền tiêu của Việt Nam trên Biển Đông

20/09/2013 11:47


Toàn cảnh Trường Sa Lớn nhìn từ trên cao (ảnh TTVH)

Đảo Trường Sa cách quân cảng Cam Ranh theo hướng Đông Nam 254 hải lý. Từ xa nhìn lại, đảo Trường Sa hiện lên như một hòn đảo xinh đẹp, xanh tươi tràn đầy sức sống. Trường Sa còn được mệnh danh là “thủ phủ” của quần đảo đẹp như chuỗi ngọc của đất mẹ Việt Nam với hệ thống hành chính thị trấn đảo.

Bà Phạm Thị Mùi, Chủ tịch công đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông (áo đỏ) trong chuyến công tác tháng 4/2013

 

Đảo Trường Sa nằm ở 80 38’ 41” vĩ độ Bắc, 1110 55’12” kinh độ Đông, là đảo lớn nhất trong cụm đảoTrường Sa có diện tích 0,2 km2. Nhìn từ xa, nơi đây như một tam giác vuông, cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc Tây Nam dài khoảng 650m. Khi thủy triều xuống thấp nhất, đảo cao từ 2,4 đến 3m. Trải qua hơn 3 thập kỷ sau ngày giải phóng, với ý chí và nghị lực quân dân nơi đây đã cải tạo đảo Trường Sa từ hòn đảo toàn cát trắng trở thành một hòn đảo xanh tươi rợp bóng mát của các loại cây như đu đủ, cây dây leo, cây bàng vuông…

Bề mặt đảo khá bằng phẳng, có giếng nước lợ dùng cho sinh hoạt và tăng gia rau xanh, trồng cây bóng mát. Kết quả tăng gia: rau xanh đạt hàng vạn kilogam rau xanh, thịt cá các loại giúp quân và dân trên đảo chủ động tự cung cấp được 100% nhu cầu rau xanh và một phần đáng kể thực phẩm. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, có giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên đến khai thác đánh bắt.

 

Chính điều kiện trên đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ năm 1995 của viện Khảo cổ học Việt Nam là căn cứ lịch sử và pháp lý đanh thép để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước CHXHCN Việt Nam. Từ đó càng củng cố lòng tin, sức mạnh cho những người lính giữ đảo quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng mà ông cha ta đã để lại.

 

Khảo cổ học đã tiến hành điều tra khảo cổ quần đảo Trường Sa vào năm 1993  -1994, khai quật có hệ thống trên đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết vào năm 1995 và đảo Sơn Ca vào năm 1999. Các đảo khác đều được điều tra và thu lượm hiện vật trên mặt. Tổng số hiện vật thu được trong các đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498 hiện vật. Trong đó, gốm thô: 33 hiện vật, chiếm 6,62%; đồ gốm sứ các loại: 236 hiện vật, chiếm 48,00%; đồ sành: 212 hiện vật, chiếm 42,57%;  mũi ngói: 1 hiện vật, chiếm 0,20% và tiền kim loại thời Nguyễn (Minh Mạng, Tự Đức): 16 đồng, chiếm 3,21%. Từ những tư liệu khảo cổ học thu được, chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Nguồn Báo ANTĐ
Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975 lịch sử của quân và dân miền Nam, trong trận đánh mở màn ngày 14/4/1975 giải phóng đảo Song Tử Tây. 9h sáng ngày 29/4/1975 phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Từ đó đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới. Thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam đặt chân lên đảo, diện  mạo của đảo được đổi mới từng ngày, khang trang hơn, kiên cố hơn. Chiếc cầu cảng dài 150m được xây dựng từ năm 1994 như cánh tay vạm vỡ, vững chắc vươn xa đón những con tàu từ đất liền vượt qua muôn vàn sóng gió để đến với hòn đảo thân yêu. Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khi tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm xá… được xây dựng góp phần nâng cao đời sống của quân và dân trên đảo, chung tay thực hiện thắng lợi chương trình “vươn ra biển xa” của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, sang năm 2013 thị trấn Trường Sa tiếp tục được Bộ Y tế đầu tư nâng cấp trạm xá thành bệnh viện trung tâm của huyện đảo Trường Sa.

Các công trình nhà khách, nhà tưởng niệm Bác Hồ, đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa, nhà truyền thống, trường tiểu học cơ sở là nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống cho quân và dân thị trấn đảo Trường Sa. Hiện nay đời sống văn hóa tinh thần của quân và dân trên đảo được đảm bảo khá tốt. 100 % hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội được trang bị ti vi, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại được trang bị đến các phân đội. Ngoài ra đảo còn có một lượng lớn đáng kể các thiết bị nghe nhìn dự phòng sẵn sàng thay thế khi bị hư hỏng.

Chùa ở Trường Sa Lớn (ảnh VOV)

Trên đảo có phòng đọc sách báo với gần 5.000 đầu sách và trên 30 đầu báo các loại, một tủ sách pháp luật.

Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân thị trấn đảo Trường Sa luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các đối tượng khác bị nạn trên vùng biển quản lý, tô thắm hình ảnh bộ đội cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân trong lòng dân. Mặc dù đời sống của ngư dân còn nhiều khó khăn song với tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong năm 2012 quân dân thị trấn Trường Sa đã quyên góp ủng hộ các quỹ, đồng đội, ngày vì người nghèo gần 110 triệu đồng.

Trải qua gần 40 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành quân dân thị trấn Trường Sa luôn phát huy truyền thống thành tích của đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trên dưới đồng thuận, đoàn kết thống nhất vượt qua mọi khó khăn thử thách, say mê sáng tạo hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân góp phần bảo bệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Năm 2013, trước diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường trên các vùng biển đảo nhất là trên các đảo Trường Sa đòi hỏi nhiệm vụ của đảo ngày càng cao. Quân và dân thị trấn Trường Sa tiếp tục phát huy đơn vị lực lượng anh hùng vũ trang nhân dân. Bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá của quân đội quân chủng vùng 4 và  Lữ đoàn. Tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, tiếp tục giúp đỡ ngư dân, cứu hộ cứu nạn, đề ra những nôi dung việc làm thiết thực cụ thể cho từng cá nhân, tập thể, tiếp tục thực hiện phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng đảo Trường Sa thật sự mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân xứng đáng là trung tâm của huyện đảoTrường Sa.

Liên kết website khác