Trên con đường phát triển, khoa học địa lý có lúc thăng trầm vượt qua những thách thức và cơ hội để đạt được những thành tựu, những di sản quí báu cho toàn nhân loại.
Khoa học địa lý Việt Nam cũng có tiến trình lịch sử phát triển riêng và chung với thế giới. Trong đó, từ thế kỷ 20 khoa học địa lý Việt Nam đã có bước hội nhập lớn với thế giới. Sự du nhập các trường phái địa lý Âu – Mỹ đã tạo động lực phát triển địa lý Việt Nam thoát khỏi địa lý Cổ Trung Hoa, đồng thời đã tạo nên nền tảng của địa lý hiện đại. Sự ra đời của nhiều tổ chức nghiên cứu, đào tạo khoa học địa lý Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20 đã đáp ứng kịp thời công cuộc phát triển đất nước. Song bước vào thiên niên kỷ thứ 3, những biến động mang tính toàn cầu cả về tự nhiên và kinh tế - xã hội, đồng thời với nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, địa lý Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức lớn lao. Qua tham chiếu lịch sử phát triển cũng như thành tựu của khoa học địa lý nước nhà , ta nhận ra những vận hội phát triển trong nửa đầu thế kỷ 21..
Những cơ hội của Địa lý Việt Nam
Trong mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2020, nhà nước chú trọng khoa học công nghệ, coi đó là nền tảng và động lực cho sự phát triển. Trong đó khoa học địa lý có vai trò hết sức tích cực. Quá trình công nghiệp hoá đi đôi với đô thị hoá và gắn liền với khai thác tài nguyên môi trường. Quá trình đó làm chuyển dịch toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội và cả hệ thống tự nhiên hết sức phức tạp. Chỉ có thể trên quan điểm địa lý tổng hợp mới cung cấp đầy đủ luận cứ khoa học phục vụ chiến lược phát triển bền vững đất nước. Sự quan tâm của nhà nước và xã hội đối với những vấn đề địa lý – môi trường đang là một cơ hội lớn.
Nước ta có một vùng biển và hải đảo lớn gấp 2 lần đất liền với một dải bờ biển dài trên 3200km đang được đánh thức để trở thành quốc gia biển. Khoa học địa lý là khoa học không gian và lãnh thổ . Bởi vậy nghiên cứu khai thác hợp lý tài nguyên và quản lý bền vững biển đảo là trách nhiệm và cũng là cơ hội của địa lý Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 21.
Chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong đó có mục tiêu thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ với thế giới. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, khoa học địa lý có cơ hội tiếp thu trao đổi những tri thức địa lý với toàn thế giới. Các hợp tác quốc tế về đào tạo, trao đổi khoa học và nghiên cứu địa lý trong mười năm qua của các nhà địa lý Việt Nam đã thể hiện điều đó. Sự hợp tác ngày càng sâu rộng trong khu vực và ngoài khu vực, cả trong các tổ chức chính phủ và tổ chức phi chính phủ.
Cơ hội đến từ bên ngoài cho thấy làn sóng toàn cầu hoá tiếp tục diễn ra nhanh, lan rộng tới nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) không chỉ làm gia tăng các dòng thương mại, tài chính mà còn đưa các tiến bộ công nghệ tạo điều kiện thuận lợi trao đổi các ý tưởng và phát triển khoa học. Thời gian để thăm dò thám hiểm tài nguyên môi trường địa lý được rút ngắn tối thiểu. Công nghệ vũ trụ, công nghệ thông tin, khoa học tính toán… đã thúc đẩy sử dụng hiệu quả hệ thông tin địa lý GIS, giải những bài toán phức tạp về thiên nhiên môi trường. Cuối cùng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với địa lý Việt Nam là những biến đổi toàn cầu về thiên nhiên môi trường như biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, hoạt hoá núi lửa, động đất, sóng thần, nước biển dâng, bão, lũ… đang đưa toàn thế giới xích lại gần nhau hơn để bảo vệ “ngôi nhà chung – Trái Đất”. Địa lý Việt Nam đã và đang được tham gia phối hợp quốc tế vì mục tiêu cao cả này.
Những thách thức của địa lý Việt Nam
Địa lý Việt Nam đang có những thách thức từ trong nội tại khoa học như từ nền tảng phương pháp luận đến thực hành; từ năng lực con người đến trang thiết bị; từ các thách thức toàn cầu và trong nước. Dưới đây là những thách thức cơ bản:
Địa lý Việt Nam hiện có một lực lượng đông song năng lực còn hạn chế và chưa có những cánh chim đầu đàn thay thế lớp các nhà địa lý già đã ngừng hoạt động tạo sự hẫng hụt thế hệ kế tục do lịch sử để lại.
Trong một thời gian dài, địa lý Việt Nam phát triển chia nhỏ theo khuynh hướng địa lý bộ phận (dễ làm, dễ thuyết minh) bởi vậy địa lý tổng hợp kém phát triển, địa lý kinh tế xã hội còn ít được quan tâm. Đầu thế kỷ 21 những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và toàn cầu là hướng phát triển bền vững. Do vậy cần đứng trên quan điểm địa lý tổng hợp và địa lý kinh tế xã hội nhân văn. Từ các trường phái địa lý trên thế giới, khoa học địa lý Việt Nam cần lựa chọn trường phái hợp lý với đất nước, “hợp lý” trong đa dạng. Có vậy mới tập hợp được lực lượng và hội tụ được năng lực để tiến hành các công trình lớn tầm cỡ vùng miền, quốc gia và khu vực.
Thách thức lớn nhất của địa lý Việt Nam là cơ sở vật chất, tạo ra năng lực sáng tạo trước những biến cố lớn của thế giới và những nhiệm vụ lớn của đất nước. Định lượng hoá trong nghiên cứu địa lý là nhiệm vụ tất yếu. Song mức độ chính xác đòi hỏi ngày càng cao để có thể cảnh báo, dự báo thiên tai và tổ chức lãnh thổ phát triển kinh tế. Địa lý Việt Nam cần được trang bị các công cụ hiện đại, phòng thí nghiệm và trạm trại nghiên cứu để giải quyết các bài toán về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, sức ép gia tăng dân số, suy thoái tài nguyên môi trường, thiên tai sa mạc hoá …Khoa học địa lý Việt Nam không thể tiến ra biển, nghiên cứu phục vụ đất nước nếu không được đầu tư thích đáng. (cũng như ngư dân cần phải có tàu lớn để đánh bắt xa bờ, bảo vệ nguồn lợi ven bờ).
Những cơ hội và thách thức trên đặt ra cho khoa học địa lý Việt Nam nhiệm vụ phải xem xét lại các luận điểm và phương pháp tiếp cận vấn đề để có sự thống nhất trong đa dạng. Đồng thời để tập hợp lực lượng, tìm kiếm giải pháp vượt qua thử thách phục vụ đất nước hiệu quả hơn. Từ tham chiếu lịch sử cho thấy thế kỷ 21 là thế kỷ của địa lý học Việt Nam với các công trình lớn đang hứa hẹn phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.