Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng – kế sinh nhai cho người dân địa phương cải thiện đời sống thoát nghèo một cách công bằng và bền vững

03/04/2014 03:54
II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU VÀ TRAO ĐỔI
1. Khái niệm cộng đồng
Trong đời sống xã hội, khái niệm cộng đồng thường được dùng để chỉ nhiều đối tượng có những đặc điểm tương đối khác nhau về qui mô và đặc tính xã hội. Ý nghĩa rộng nhất của cộng đồng là tập hợp người với các liên minh rộng lớn như toàn thế giới (cộng đồng thế giới), một châu lục (cộng đồng châu Âu,...), một khu vực (cộng đồng Đông Nam Á ...). Cộng đồng còn được áp dụng để chỉ một kiểu xã hội, căn cứ vào những đặc tính tương đồng về sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo. Nhỏ hơn nữa, cộng đồng được dùng khi gọi tên các đơn vị làng, bản, xã, huyện, .v.v…. Trong các chương trình phát triển có sự tham gia của cộng đồng, khái niệm này được hiểu trên phạm vi hẹp hơn. Cộng đồng là những nhóm người được tập hợp dưới nhiều hình thức khác nhau như theo lứa tuổi, nghề nghiệp, huyết thống, khu vực địa lý, tổ chức đoàn thể, sở thích, .v.v...

Sự hình thành một cộng đồng thường dựa vào các yếu tố: lãnh thổ, kinh tế và văn hóa. Khái niệm cộng đồng bao gồm các yếu tố: tương quan cá nhân mật thiết với những người khác; có sự liên hệ tình cảm; có sự tự nguyện hy sinh đối với những giá trị được tập thể coi là cao cả; có ý thức đoàn kết mọi thành viên trong tập thể.

Cộng đồng là một tập thể người định cư trên một lãnh thổ nhất định. Họ có hoạt động kinh tế để đảm bảo về mặt vật chất và tạo nên sự cố kết cộng đồng. Đây là nhân tố quan trọng giúp cho một cộng đồng phát triển vững mạnh.

Mỗi cộng đồng có những nét văn hóa đặc trưng riêng, được hình thành trong quá trình phát triển của cộng đồng đó. Đó là các phong tục tập quán, các quy ước, tín ngưỡng tôn giáo,... được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Trong du lịch, cộng đồng thường được xác định theo phân bố địa lý. Theo Sproule (1996) cộng đồng là một nhóm người, thường sống trên cùng một khu vực địa lý, nhận biết bản thân họ thuộc cùng một nhóm. Các thành viên trong một cộng đồng thường có quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân. Tất cả họ có thể thuộc về cùng một nhóm tôn giáo, chính trị, tầng lớp hoặc đẳng cấp. Ngoài những đặc điểm chung, cộng đồng là một thực thể phức tạp và không đồng nhất. Trong cùng một cộng đồng, có người giàu và người nghèo, người mới nhập cư và những cư dân bản địa, người có nhiều đất đai và người không có đất. Sự phân hóa trong cộng đồng dẫn đến mức độ tham gia và hưởng lợi khác nhau của các thành viên trong một cộng đồng trong các chương trình, dự án phát triển cộng đồng, do đó ẩn chứa những xung đột trong cộng đồng. 

2. Khái niệm “Dựa vào cộng đồng”
Hiện nay, yếu tố cộng đồng đang được chú trọng trong các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Người ta đã nhận ra rằng cộng đồng nên được quyền tham gia quyết định và kiểm soát các hoạt động ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ. Với sự tham gia của cộng đồng, dự án phát triển sẽ mang lại hiệu quả cao hơn vì nó phù hợp với đặc thù riêng của cộng đồng địa phương, khả năng của họ cũng như những mâu thuẫn giữa các thành viên trong cộng đồng. Có hai cấp độ chính đánh giá mức độ tham gia của cộng đồng là bị động và chủ động. Khi mà cộng đồng hoàn toàn giữ vai trò chủ động và tích cực, dự án đó sẽ được coi là dựa vào cộng đồng. Cụ thể, trong một dự án áp dụng phương pháp dựa vào cộng đồng, cộng đồng chủ động tham gia vào tất cả các khâu ngay từ đầu, từ khâu lập kế hoạch đến khâu ra quyết định và thực thi, quản lý dự án.
Tuy nhiên các dự án du lịch dựa vào cộng đồng không dễ triển khai khi năng lực của cộng đồng chưa đủ để họ có thể giữ vai trò chủ động, thậm chí là dẫn đầu. Riêng trong lĩnh vực du lịch, việc áp dụng cách tiếp cận dựa vào cộng đồng thường gặp phải một số hạn chế:
Thứ nhất là cộng đồng địa phương không có vốn đầu tư, sự hiểu biết hay cơ sở hạ tầng cần thiết để dẫn đầu trong phát triển du lịch (Campbell, 1999; Gartner, 1996; Tosun, 2000).
 Thứ hai, một vài yếu tố về văn hóa có thể hạn chế sự tham gia của họ vào quá trình lập kế hoạch và quản lý du lịch (Tosun, 2000).
 Thứ ba, du lịch có thể là một khái niệm khó nắm bắt đối với người dân sống ở những vùng nông thôn hẻo lánh, cô lập (Kang, 1999; Timothy, 1999).
Thứ tư, trong xã hội có cơ cấu chính trị tập trung còn nặng nề, các thành viên của cộng đồng bản địa có thể nghĩ rằng lập kế hoạch phát triển kinh tế là nhiệm vụ của chính phủ và việc họ nắm thế chủ động là không phù hợp.

Cộng đồng có những đặc điểm như vậy không thể tự nâng cao năng lực của mình một cách hiệu quả. Họ cần sự hỗ trợ bên ngoài, một đòn bẩy để giúp họ vượt qua giới hạn về nhận thức. Do đó, trước khi dựa vào cộng đồng, các chương trình tập huấn, giáo dục, đào tạo kỹ năng nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng bao giờ cũng rất quan trọng.

3. Vai trò của cộng đồng địa phương đối với Du lịch sinh thái

CĐĐP là người cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch ban đầu của DSLT. Có thể nói DL về với thiên nhiên chủ yếu diễn ra tại nơi có thiên nhiên hoang sơ. Trong khi đó, những khu vực này thường có địa hình hiểm trở, gây khó khăn và tốn kém cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng và giao thông cũng như các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch. Vì vậy khách du lịch và các nhà kinh doanh thường dựa vào động đồng dân cư tại các làng, bản, thôn....

CĐĐP và đời sống của họ cung cấp nguồn tài nguyên du lịch hữu hình và vô hình phong phú. Các phong tục tập quán, lễ hội, lối sống, kiến trúc nhà ở... độc đáo của các cộng đồng có sức thu hút đối với khách du lịch.

CĐĐP là những người am hiểu các điều kiện cũng như tài nguyên của mình nhất nên nếu được đào tạo, họ sẽ là nguồn nhân lực tích cực và hiệu quả cho hoạt động du lịch.

Đời sống của CĐĐP gắn liền với điểm du lịch được khai thác nên nếu nhận thức được vai trò của DLST đối với cộng đồng, họ sẽ là lực lượng bảo vệ tốt nhất nguồn tài nguyên du lịch địa phương một cách bền vững. Đồng thời, họ cũng sẽ có phản ứng nhanh nhất với những biến đổi tiêu cực của môi trường.

4. Tác động của DLST đối với cộng đồng
+) Tác động tích cực           
DLST, khi tuân thủ đúng các nguyên tắc, ngày càng khẳng định vai trò kinh tế-xã hội- môi trường của nó đối với cộng đồng địa phương [20; 60].
Về mặt kinh tế: DLST góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng và giải quyết được tình trạng nghèo đói cho người dân địa phương.

Về mặt văn hóa-xã hội:
DLST góp phần giải quyết việc làm, đào tạo nguồn lao động tại chỗ.

DLST là một giải pháp mang lại sự công bằng và chia sẻ lợi ích, trách nhiệm với CĐĐP, tạo cơ hội cho sự phát triển bình đẳng.

DLST đóng góp trực tiếp trong việc duy trì, bảo tồn văn hóa bản địa.

DLST góp phần cải thiện an sinh xã hội, phát triển giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở địa phương thông qua những đóng góp trực tiếp cho công đồng.

DLST mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa, tiếp cận với nhiều nền văn hóa mới trên thế giới, qua đó mở mang dân trí.
 
Về mặt môi trường:
DLST góp phần làm giảm áp lực dân số lên tài nguyên, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn, duy trì ĐDSH.

DLST đóng góp trực tiếp về mặt kinh tế trong việc bảo tồn ĐDSH và tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng không được chủ quan mà quên đi những tác động tiêu cực tiềm ẩn có thể xảy ra đối với CĐĐP khi phát triển du lịch một cách ồ ạt như: tình trạng lạm phát, bất ổn xã hội, sự lệ thuộc của kinh tế địa phương vào hoạt động du lịch dễ dẫn đến khủng hoảng, xung đột giữa các nền văn hóa, biến đổi tiêu cực các phong tục tập quán của người dân, ảnh hưởng xấu tới lối sống...

+) Tác động tiêu cực
 
Du lịch tập trung gây nên sự quá tải cho cơ sở hạ tầng hiện có như: khả năng cung cấp nước sạch, điện, nhiên liệu, xử lý chất thải. Nhưng nếu cơ sở hạ tầng được thiết kế và quy hoạch lớn hơn nhu cầu và mức sử dụng thấp sẽ gây thua lỗ hoặc dẫn đến việc tăng giá cả bất hợp lý.

Du lịch ảnh hưởng tiêu cực đến văn hoá - xã hội bản địa đã trở nên khá phổ biến ở nhiều quốc gia. Sự phát triển du lịch quá mức gây ảnh hưởng đến lối sống truyền thống của dân cư địa phương và thường không phải tốt hơn.

Để tránh những tác động tiêu cực của du lịch thông thường, việc thiết kế một kế hoạch phát triển DLST, đảm bảo các yêu cầu cơ bản là rất cần thiết trước khi khuyến khích mở một khu tự nhiên.

5. Một số hình thức tham gia phổ biến của cộng động trong du lịch

Như đã trình bày, DLCĐ thường không tồn tại độc lập mà có tính liên kết chặt chẽ với các loại hình du lịch khác để tạo thành những sản phầm du lịch đảm bảo các nội dung đã nên ở trên. Trong giai đoạn hiện nay, các dạng tham gia phổ biến của cộng đồng trong hoạt động du lịch có thể kể đến như:
Cho khách thuê trọ và ở chung trong nhà dân;

Lập các nhà nghỉ bình dân dưới sự điều hành chung của cộng đồng hoặc có đóng góp cho cộng đồng;

Người dân tìm việc trong ngành du lịch như làm hướng dẫn viên, làm lễ tân, nấu ăn phục vụ du khách....;

Tham gia các hoạt động như hướng dẫn, hỗ trợ các hoạt động của du khách (chẳng hạn hướng dẫn một số phương thức làm đồng, hướng dẫn leo núi...);

Sản xuất hàng hóa và bán hàng lưu niệm để bán trực tiếp cho khách không qua trung gian;
 
 Ngoài ra, cộng động có thể tham gia gián tiếp vào du lịch thông qua sản xuất và cung ứng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch như khách sạn, nhà hàng...

III. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT

DLST và DLSTCĐ là những vấn đề đang được quan tâm ở trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam trong những năm gần đây do vai trò và ý nghĩa quan trọng của nó trong chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, hay phát triển bền vững của quốc gia. Hoạt động này rất phự hợp ở các VQG của Việt Nam, nơi có nguồn tài nguyên quan trọng, có giá trị đang cần được bảo tồn. Tuy nhiên để bảo tồn được chúng cần giải quyết những mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn với phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng địa phương. Vì vậy có thể nói, DLSTCĐ là một cụng cụ hữu hiệu, có ý nghĩa cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1.   Trần Nữ Ngọc Anh (2006), “Mô hình phát triển du lịch cộng đồng và kinh nghiệm thực tế tại Sa Pa”, tuyển tập Hội thảo khoa học quốc tế Nâng cao nhận thức và năng lực phát triển du lịch bền vững trong thời đại toàn cầu hóa, Hạ Long, tr. 98-110.

2.      Cẩm nang quản lý và phát triển du lịch sinh thái ở các khu bảo tồn thiên nhiên phía Bắc Việt Nam: = Manual for the development and management of ecotourism in protected areas of northern Vietnam (2004), Hà Nội.

3.      Nguyễn Thị Hải (2007), Cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai, Đề tài đặc biệt cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.

4.      Nguyễn Hữu Nhân (2004), Phát triển cộng đồng, NXB ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
Liên kết website khác