Nghề địa lý phong thủy
Khoa địa lý phong thủy quan niệm rằng hình thế đất đai sông núi không phải là sự ngẫu nhiên mà ẩn chứa ở trong những điều huyền diệu. Trong những hình thức nào đó, đất đai có chứa “tú khí” để rồi táng hài cốt ông bà tổ tiên vào đó thì giúp cho con cháu phát phúc phát quan.
Những chỗ đó người ta gọi là đất kết hay huyệt kết. Từ khi khoa địa lý ra đời thì người người mong cầu tìm được đất kết. Do vậy mới có các thày địa lý chuyên việc đi tìm kiếm đất kết cho thiên hạ.
Kho tàng truyền thuyết nước ta còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nhờ đất kết mà được quan tước thậm chí được cả thiên hạ. Ví như truyện họ Trần cứu sống thầy địa lý Tàu nên được ông này táng lại mộ tổ cho nên sau được giang sơn. Hoặc như truyện Nguyễn Nhạc đánh lừa thày địa lý Tàu để tráo tro cốt cha mình vào huyệt kết ở An Khê mà sau ba anh em họ Nguyễn trở nên vua chúa một thời…
|
Mô hình một kiểu đất kết với ô vuông là huyệt trường, hai đường nhô ra như sừng trâu là Long và Hổ. Ảnh chụp từ sách Phong thủy địa lý Tả Ao. |
Việc đầu tiên của thày địa lý trong một cuộc tìm đất là tầm long. Đó là công việc không hề nhẹ nhàng. Phải trèo lên những đỉnh núi cao đối với miền sơn cước để quan sát tìm kiếm long mạch. Dưới đồng bằng thì phải đi khắp gò này đống nọ, lội qua đồng qua sông qua suối. Bởi vì mạch có muôn hình muôn vẻ, không bỏ công sức tìm hiểu cho kỹ càng thì không thể thấy được. Như cụ Tả Ao viết trong Địa đạo diễn ca rằng: “Có mạch qua ao qua sông; Qua đầm qua núi qua đồng qua non”.
Tầm long không đơn giản là tìm riêng một chỗ huyệt chôn mà phải tìm cho ra cả toàn bộ long mạch. Ví như huyệt kết là chỗ bông hoa thì không phải chỉ nhìn hoa mà phải nhìn cả cái cành có bông hoa. Phải làm như thế để biết sự cát hung của huyệt vì là chỉ nhìn bông hoa thì thấy hoa tươi tốt nhưng biết đâu trên cành hoa có sâu có rệp thì sớm muộn bông hoa sẽ bị ảnh hưởng của những bệnh tật ấy.
Theo tác giả Vương Thị Nhị Mười trong cuốn Phong thủy địa lý Tả Ao tập II: Tầm long có thể tìm mạch trước rồi thấy huyệt sau hoặc phát hiện ra huyệt rồi lại từ huyệt mà lần lên đến nơi phát tích của mạch (gọi là tổ sơn) và trong quá trình đó quan sát toàn bộ hình thế của long mạch.
Sau khi tìm thấy long mạch rồi thì tìm đến huyệt trường – là khu vực có đất kết. Long mạch cũng như cành cây, có cành có hoa có cành không. Mạch có huyệt kết phải đảm bảo có đủ long hổ ở hai bên khi mạch đã dừng lại. Long Hổ ở đây là những khu đất hoặc núi nhô ra và ôm chầu vào huyệt trường.
Nếu chỉ có long hoặc chỉ có hổ thì cũng không phải đất tốt vì như cụ Tả Ao viết: “Vô long như đứa không chân, Vô hổ như đứa ở trần không tay” và “Long Hổ bằng như chân tay, Chẳng có Tả, Hữu bằng ngay chẳng lành”.
Trong một khu huyệt trường lại phải tìm chính xác lấy chỗ có huyệt. Đây gọi là phép điểm huyệt. Chính chỗ này là chỗ khó khăn của nghề địa lý vì có khi huyệt trường nhỏ bằng cái sân nhưng có khi huyệt trường rộng hàng sào đất mà huyệt kết thì chỉ rộng như cái chiếu là cùng.
Chính Cụ Tả Ao – Thánh địa lý của Việt Nam khi học bên Trung Quốc cũng đã phải qua một cuộc sát hạch. Ông thầy đắp 100 mô hình đất kết trên cát, dưới mỗi huyệt ông đặt một đồng tiền vào giao cho cụ 100 cây kim yêu cầu phải điểm kim trúng lỗ đồng tiền. Cụ Tả Ao đã điểm được 99 huyệt, đến huyệt thứ 100 thì điểm lệch ra mép đồng tiền.
Chỗ thần bí của nghề địa lý
Tìm được huyệt kết rồi mới chỉ là yếu tố cần. Để cho đất kết phát và kết phát theo ý muốn mới là quan trọng và thể hiện tay nghề ông thầy.
|
La bàn - dụng cụ quan trọng của thầy địa lý để phân kim tọa hướng cho mộ. Ảnh: Internet. |
Trước tiên phải tọa hướng tức là tìm hướng cho mộ, sẽ quay lưng vào đâu và nhìn đi đâu. Theo Vương Thị Nhị Mười trong sách Phong thủy địa lý Tả Ao thì khi đã xác định huyệt kết, thày địa lý sẽ ngồi thử vào vị trí đó và dùng la bàn để phân kim. Qua đó mới biết được phương nào là tốt và tốt về điểm gì, phương nào xấu, xấu như thế nào.
Như lời cụ Tả Ao truyền lại trong Dã Đàm:
Muốn sinh tử tức vượng nhân
Thì tìm Sinh vị bản thần triều lai
Muốn thăng quan tước lộc tài
Thì tìm vượng vị, thủy lai hội đường
Liên quan đến việc này, trong Địa đạo diễn ca cụ Tả Ao cũng nhấn mạnh:
Minh sinh ám tử vô di
Coi đi coi lại quản chi nhọc nhằn
Có nghĩa là khi phân kim lập hướng cho huyệt phải coi thật kỹ, tính đi tính lại. Phải làm sao thu được những cái tốt (minh sinh) và tiêu trừ cái xấu cái hung (ám tử) thì mới táng được. Nếu cứ nhìn thấy đất kết đã vội táng ngay mà không luận đến những đặc điểm tốt xấu thì có khi có phát xong rồi cũng tiềm ẩn hung họa khôn lường và như thế thì chưa phải thầy cao tay.
Một điểm cuối cùng và cũng là điểm để dân gian thêu dệt nên nhiều thần thoại về địa lý. Đó là việc hô thần đuổi quỷ. Theo quan niệm của khoa địa lý, đất kết là báu vật của tạo hóa nên trời để dành cho người có đức. Do vậy, mỗi chỗ đất kết đều có một thần linh trông coi.
Khi thầy địa lý tìm được đến chân long huyệt đích rồi thì phải có sự liên hệ với quỷ thần để tìm hiểu cơ duyên. Sách Phong thủy địa lý tả ao – Vi sư pháp nói cụ thể như sau:
Phép làm thầy địa lý có ba điều: Đối với mình phải tu đức hành nhân, không được tham tiền tài mà làm hại người. Đối với người xin đất phải chọn người có đức nhiều ít mà cho đất lớn nhỏ… Đối với sơn thần, thổ địa nơi có đất kết phải biết phép khu xử, sai khiến…
Phép khu xử sai khiến là khi tới nơi linh địa thì tay trái cầm ấn cung Tý trùm trong tay áo. Ngón chân bên phải vạch chữ quỷ thần, vạch chữ “Tỉnh” rồi lấy chân đè lên mà đọc rằng: “Sao Tử vi giáng sinh, Ta nhận bẩm sinh, Trên vâng mệnh trời, chân đạp muôn núi muôn sông, miệng ngậm sáu đinh sáu giáp, hô thần thần khốc, hô quỷ quỷ kinh, phạm ta là tư, trách ta là sinh, các vị long thần chạy mau đi, lấy chân đạp đi, hung thần tẩu tán”.
Sau đó phải hỏi tên thần và làm phép di thần ra khỏi đất kết đó rồi mới có thể táng được. Nhưng cũng có khi gia chủ mà thày định táng giúp phúc đức chưa có bao nhiêu hoặc ngôi đất ấy thiên cơ đã dành cho người khác thì thầy cũng không thể cưỡng lại ý trời được. Như vậy mới càng thấm thía lời truyền của Thánh Tả Ao ở ngay phần đầu bộ Dã đàm rằng: “Trước là tích đức sau là tầm long”.