Giới thiệu Tuyển tập báo cáo tại Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc làn thứ VIII

21/10/2014 09:21


LỜI NÓI ĐẦU

Hơn ¼ thế kỷ được chính thức thành lập, Hội Địa lý Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành. Trong những thập kỷ qua, khoa học Địa lý ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và đã có những đóng góp to lớn, thiết thực cho sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước. Bước vào kỷ nguyên 21, Địa lý học hiện đại ở nước ta không chỉ dừng lại ở việc thực hiện những nhiệm vụ điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - xã hội các vùng lãnh thổ bằng những phương pháp truyền thống mà đã có những nghiên cứu chuyên sâu bằng các phương pháp chuyên ngành hiện đại, các phương pháp đa ngành và liên ngành mang tính ứng dụng cao. Hiệu quả của những công trình nghiên cứu đã được xã hội thừa nhận, tạo nên vị thế của Khoa học Địa lý so với những ngành khoa học khác. Các nhà khoa học địa lý đã thực hiện thành công và có hiệu quả hàng trăm đề tài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như: điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên, môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên - môi trường, xây dựng các tập atlas và các bản đồ quy hoạch các vùng lãnh thổ, ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong công tác điều tra, quy hoạch, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đào tạo địa lý ngày càng mở rộng cả về quy mô và các lĩnh vực trong các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, các trường đại học và viện nghiên cứu. Cùng với những chuyên ngành đào tạo truyền thống như địa lý tự nhiên, địa mạo, cảnh quan học, địa lý kinh tế - xã hội, nhiều chuyên ngành mới mang tính định lượng và hiện đại đã được đào tạo ở bậc đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Đặc biệt, đào tạo lý thuyết và ứng dụng các công nghệ hiện đại với chất lượng ngày càng cao đã được thực hiện ở hầu hết các cơ sở đào tạo và các đơn vị nghiên cứu. Hàng năm, hàng nghìn cử nhân, hàng trăm thạc sỹ, hàng chục tiến sỹ địa lý đã được đào tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển và bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Để đánh giá và tổng kết các thành tựu của ngành, Hội Địa lý Việt Nam, Trường Đại học  Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và  Hội Địa lý thành phố HCM tiến hành tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VIII. Sau  một năm chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận được nhiều báo cáo khoa học, đã tuyển chọn và chấp nhận đăng 314. báo cáo. Ban Biên tập đã phân các báo cáo thành 2 tập, trong đó: tập 1 gồm 174 báo cáo, tập 2 gồm 140 báo cáo. Các báo cáo trong kỷ yếu được chia thành 4 lĩnh vực chính như sau:
1. Hướng nghiên cứu về Địa lý biển và hải đảo gồm 31 báo cáo. Đây là lĩnh vực nghiên cứu tập trung vào đặc điểm địa lý các vùng biển và đảo của đất nước. Chất lượng môi trường, tai biến thiên nhiên, các ngành kinh tế, các điểm du lịch, các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên cũng được phân tích sâu sắc trong các báo cáo;

2. Hướng nghiên cứu về Địa lý Tự nhiên, Tài nguyên và Môi trường gồm 119 báo cáo. Đây là lĩnh vực nghiên cứu có nhiều báo cáo. Nội dung nghiên cứu tập trung vào đặc điểm địa lý tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của các vùng lãnh thổ, vào phân tích và đánh giá cảnh quan, sự thay đổi chất lượng môi trường dưới tác động của các quá trình phát triển, các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa tai biến thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Hướng nghiên cứu về địa lý kinh tế - xã hội, địa lý  quân sự có 104 báo cáo. Những báo cáo khoa học theo hướng này đã làm rõ được sự phát triển và phân bố của các ngành kinh tế, sự gia tăng và cơ cấu dân số, số lượng và chất lượng nguồn lao động, tri thức bản địa, các mô hình kinh tế -sinh thái. Đặc biệt, vai trò của địa lý kinh tế, xã hội và nhân văn, của địa lý quân sự  đã được các nhà khoa học phân tích và đánh giá rõ nét. Có thể nói, đây là một trong những đóng góp quan trọng của Hội nghị Địa lý toàn quốc lần này trong bối cảnh những tranh chấp, xung đột đang diễn ra ngày càng phức tạp trên Biển Đông. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học địa lý đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển và hải đảo có nhiều tranh chấp.

4. Lĩnh vực giáo dục địa lý, hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu và giảng dạy địa lý có  60  báo cáo. Những phương pháp tiếp cận và công nghệ giảng dạy hiện đại đã được các nhà khoa học phân tích và đánh giá. Bên cạnh hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám trong giảng dạy và đào tạo địa lý ở các bậc học khác nhau, những hướng nghiên cứu mới đã được đào tạo như đánh giá tác động của biến đổi toàn cầu; đánh giá tác động của các tai biến thiên nhiên tới phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế của cộng đồng địa phương.

Ban tổ chức Hội nghị tin tưởng rằng với sự tham gia nhiệt tình của nhiều cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các cán bộ nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý từ mọi miền đất nước, Hội nghị Địa lý toàn quốc lần thứ VIII sẽ thành công tốt đẹp, sẽ đánh giá được đầy đủ những thành tựu nghiên cứu, đào tạo của ngành địa lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học các cấp... góp phần đưa những kết quả nghiên cứu địa lý vào thực tiễn phát triển của đất nước một cách thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Nhân dịp này, Ban tổ chức Hội nghị xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Hội Địa lý Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, Hội Địa lý Tp HCM, Viện Địa lý (Viện HLKH&CN Việt Nam), Khoa Địa lý Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Địa lý Thái Nguyên, Hội Địa lý và Tài nguyên Thừa Thiên - Huế,  Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, các chủ nhiệm đề tài các cấp, các nhà tài trợ… và toàn thể các nhà địa lý, các hội viên Hội Địa lý Việt Nam đã nhiệt tình tham gia, quan tâm giúp đỡ, tài trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để Hội nghị thành công tốt đẹp./.

TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỊA LÝ VIỆT NAM

GS.TS. NGUYỄN CAO HUẦN
 




BAN BIÊN TẬP

1. Trưởng ban:           GS.TS. Nguyễn Cao Huần
2. Phó trưởng ban:     PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng
                                   GS.TSKH. Phạm Hoàng Hải
3. Các ủy viên:

GS.TS. Trương Quang Hải
GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh
GS.TS. Đỗ Thị Minh Đức
GS.TSKH. Lê Đức An
PGS.TS. Trần Anh Tuấn       
PGS.TS.Phạm Quang Tuấn
PGS.TS. Trần Quốc Bình
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh
PGS.TS. Phạm Xuân Hậu
TS. Đỗ Văn Thanh
PGS.TS. Đặng Văn Phan
PGS.TS. Lê Văn Thăng
PGS.TS. Đặng Duy Lợi
PGS.TS. Nguyễn Khanh Vân
PGS.TS. Đặng Văn Bào
PGS.TS. Nguyễn Hiệu
PGS.TS. Trần Viết Khanh
PGS.TS. Lại Vĩnh Cẩm
TS. Nguyễn Đăng Hội
 
4. Thư ký ban biên tập:
 
ThS. Nguyễn Mạnh Hà
ThS. Lý Trọng Đại
CN. Vương Văn Vũ
CN. Hoàng Bắc
ThS. Vương Hồng Nhật
ThS. Nguyễn Văn Hồng

Danh sách các công trình đăng trên tuyển tập xem ở đây
Liên kết website khác