1. Những mâu thuẫn chúng ta đang đối mặt
Địa lí kinh tế - xã hội được đặt trong một viện hàn lâm về khoa học công nghệ, trong khi có một viện địa lí nhân văn chuyên đến các vấn đề về địa lí KTXH và các vấn đề liên quan trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội. Điều này có làm ảnh hưởng đến phương hướng phát triển về địa lí KTXH ở Viện Địa lí hay không?
Thoạt nhìn là có, và thực tế là có. Nếu không có cái nhìn rộng ra cho định hướng này, thì sự hạn chế là có. Bởi vì, nếu chỉ phát triển địa lí KTXH phục vụ cho những nghiên cứu cụ thể của địa phương, mà phần chủ yếu thuộc về lĩnh vực địa lí tự nhiên, khoa học về môi trường,... còn nội dung về địa lí KTXH chỉ như một hợp phần khiêm tốn, thì sẽ hạn chế các hướng nghiên cứu lớn, cả về lí thuyết và ứng dụng của địa lí KTXH. Mặt khác, quan trọng không kém, là hạn chế việc tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực về địa lí KTXH.
Theo tôi, giống như các hướng nghiên cứu khác, các phòng nghiên cứu khác của Viện Địa lí, trước hết, các cán bộ nghiên cứu về Địa lí KTXH không được tự bằng lòng với chức năng nghiên cứu chỉ để phục vụ cho các nghiên cứu thực tiễn địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị
Nền kinh tế thị trường và phương hướng nghiên cứu của một viện hàn lâm
Lâu nay, với những quy định thay đổi về quản lí cơ sở khoa học công nghệ, mà nói theo cách dân dã, là các đơn vị nghiên cứu khoa học cần phải “tự bơi” trong nền kinh tế thị trường, phải tìm được khách hàng của mình, và phải chào hàng (marketing) thì phải nói là nhiều vấn đề đặt ra, và nhiều vấn đề chưa tìm được lối ra. Nếu như trong đánh giá năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong báo cáo về PCI cấp tỉnh, người ta thừa nhận một cách công khai về các chi phí không chính thức của doanh nghiệp, về chi phí bôi trơn, thì điều này hẳn không phải là không có trong KHCN. Không cần phải có số liệu điều tra, chỉ từ một suy luận rằng trong cái vòng tròn lớn là toàn xã hội, thì chúng ta là những vòng tròn nhỏ hơn.
Địa lí học vốn là khoa học cơ bản, tính ứng dụng của nó có ảnh hưởng ở tầm vĩ mô (ảnh hưởng đến quy hoạch vùng, đến chính sách, đến chủ trường đầu tư vào các dự án lớn...), nên Nhà nước trước hết phải là khách hàng của khoa học Địa lí, ở đây là Viện Địa lí. Nhiệm vụ của chúng ta là phải chứng minh cho các khách hàng, trước hết là Nhà nước, tầm quan trọng của khoa học Địa lí.
Địa lí học, nếu mất đi nền tảng là KHCB, thì có thể nói cũng giống như tự gặm nhấm mình để tồn tại, khi quanh năm chỉ làm các hợp đồng KHCN phục vụ địa phương, cho đến khi nhu cầu ấy giảm đáng kể hoặc thay đổi thì sẽ khó khăn trong đề xuất những nhiệm vụ mới, ở tầm cao mới có tính ứng dụng (ở đây tôi muốn phân biệt giữa hai quan điểm phát triển rất dễ nhầm lẫn: ứng dụng và thực dụng).
Sự khác nhau giữa nghiên cứu các quá trình/ hiện tượng địa lí trong dài hạn, quy mô lớn và các quá trình/ hiện tượng địa lí trong ngắn hạn, quy mô nhỏ
Các quá trình diễn biến trong dài hạn thường là đối tượng nghiên cứu của địa lí tự nhiên (ví dụ, quá trình thoái hóa đất, diễn thế rừng, biến đổi khí hậu,...) và đặc biệt là trong diễn biến dài hạn, các tác động của con người sẽ tạo ra sự tích lũy lại, và do vậy sẽ tạo ra các bước chuyển đột ngột, các “chuyển hóa về chất” mà trong nghiên cứu ngắn hạn không quan sát được. Nghiên cứu trên quy mô lớn, các mối quan hệ tác động phức tạp hơn, chiều hướng cũng không giống như khi khảo sát quy mô nhỏ (giống như khi nghiên cứu cái toàn thể và cái bộ phận). Trong khi đó, nghiên cứu về địa lí kinh tế thường không đủ dài về thời gian, do thiếu tư liệu, và cũng do các khách hàng của chúng ta quan tâm nhiều đến các đề xuất ngắn hạn và trung hạn hơn là dài hạn. Đây cũng là vấn đề về sự gắn kết giữa các kết quả nghiên cứu địa lí tự nhiên và địa lí KTXH.
(Một ví dụ, theo dõi hạn hán khắc nghiệt ở duyên hải miền Trung, thì trong bối cảnh những điều kiện khó khăn trong sử dụng tài nguyên nước sông, biến đổi khí hậu toàn cầu, thì phải nói đến hậu quả trực tiếp của việc phát triển thủy điện thiếu cân nhắc, quá ồ ạt, thiếu kiểm soát và sự suy giảm lớp phủ rừng. Những tầm nhìn kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn đã gây ra những hậu quả dài hạn). Một trong những hướng khắc phục sự “vênh” này có thể thấy trong nghiên cứu đánh giá tác động môi trường chiến lược.
2. Một số đề xuất
1. Viện Địa lí nên có một chiến lược trong xây dựng và quản lí cơ sở dữ liệu thống nhất ở cấp Viện đối với các dữ liệu nguồn và kết quả nghiên cứu của các đề tài đã thực hiện. Với một lịch sử phát triển ngay từ cuối thập kỉ 1970, đầu thập kỉ 1980 đến nay, với nhiều chương trình, dự án đã thực hiện, thì cơ sở dữ liệu này, đặc biệt là các dữ liệu nguồn, là hết sức quý giá, thực sự là tài sản trí tuệ của Viện. Tôi nghĩ rằng hiện nay các tài sản này còn để phân tán ở các tập thể đã thực hiện đề tài. Và khi mà các lớp cán bộ nghỉ hưu, thuyên chuyển, sự thay đổi về tổ chức, thì các tài liệu này có thể sẽ mất mát. Về mặt tổ chức, có một phòng chuyên trách về việc này, và có chế độ lưu giữ, phục hồi, khai thác chung, được Viện Hàn lâm hỗ trợ.
2. Tăng cường trao đổi học thuật giữa các thành viên trong Viện, trong đó coi trọng các trao đổi về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, kĩ thuật nghiên cứu. Ở cơ sở giáo dục, thì người biết luôn thấy có nghĩa vụ và niềm vui khi truyền sự hiểu biết cho người đi sau, với đồng nghiệp, tạo cảm hứng cho đồng nghiệp. Ta cần tạo ra những trao đổi học thuật (ngoài việc sinh hoạt thông qua nghiệm thu đề tài) do lãnh đạo Viện đề xuất, giao cho cá nhân hay nhóm nghiên cứu báo cáo, hoặc tập huấn trong Viện. Những nhà nghiên cứu địa lí tự nhiên rất cần nắm các phương pháp và kĩ thuật nghiên cứu của địa lí KTXH, và những người làm địa lí kTXH cần tăng cường nền tảng kiến thức về địa lí tự nhiên. Những điều này là cần thiết để có thể thực hiện các nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành có hiệu quả.
3. Viện cần được ủng hộ về kinh phí thường xuyên để tiến hành các nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, kinh phí này không phải nhằm mục đích là để “bù thu nhập”, giải quyết khó khăn về kinh tế cho cán bộ nghiên cứu, mà thực sự là để phát triển nền tảng nghiên cứu cơ bản của Viện. Đối với Viện Địa lí, kinh phí này phải là nguồn đáng kể cho hoạt động của Viện. Chúng tôi biết rằng việc này vẫn có, nhưng chúng tôi vẫn muốn lưu ý thêm, vì rằng sự hùng mạnh về KHCB là lí do cho sự tồn tại Viện Địa lí là thành viên của Viện Hàn lâm. Trên nền tảng của KHCB vững, mới có thể có các nghiên cứu ứng dụng có tầm cỡ.
4. Đối với Địa lí kinh tế - xã hội của Viện, tôi nghĩ ràng không nên giới hạn chỉ trong đội ngũ của Phòng Địa lí KTXH (?) (của TS Lê Văn Hương) mà nên quan niệm rộng hơn. Tuy nhiên, phòng Địa lí KTXH phải là nòng cốt. Hiện nay, những cái yếu của cán bộ nghiên cứu Địa lí KTXH của ta là gì, cần nhận rõ. Nhưng theo tôi có một số điểm như sau:
Ta ít biết về các hướng nghiên cứu Địa lí KTXH trên thế giới, những vấn đề lí luận của địa lí Âu - Mỹ (trước đây ta tiếp thu lí luận của Địa lí KTXH Xô-viết, nay thì các quan hệ học thuật với các nhà địa lí KTXH Nga rất hạn chế). Vì thế cần khuyến khích cán bộ nghiên cứu tìm đọc các sách tiếng Anh về lí luận, từ đó có thể chọn lọc, tạo ra sự “tiếp biến văn hóa” trong nghiên cứu địa lí ở ta.
Trong nghiên cứu của các đề tài, ta còn lệ thuộc nhiều vào các nguồn tài liệu, dữ liệu chính thức của các cơ quan quản lí. Như ta biết, tài liệu thứ cấp (đặc biệt ở nước ta hiện nay) là có vấn đề và không phải được tạo ra cho riêng nghiên cứu của chúng ta. Thực tế này đòi hỏi cán bộ nghiên cứu Địa lí KTXH phải có kĩ thuật đánh giá được độ tin cậy của các tài liệu thứ cấp, phải hiểu rõ cách tính các chỉ tiêu ấy (trong từng trường hợp cụ thể, ví dụ như cách tính của các địa phương khác nhau về số giường bệnh ở các cơ sở y tế), hiểu được tính hiệu lực của các chỉ tiêu (ví dụ như chỉ tiêu về GDP). Trong khi viết các báo cáo, phải thoát li khỏi ảnh hưởng của cách nhìn của các địa phương, đối tác (nhiều trường hợp cũng là khách hàng của Viện) để có được cách nhìn độc lập, phản biện. Ở đây thực sự có nhiều vấn đề học thuật mà chỉ có thể từng bước rèn luyện đội ngũ thông qua các tình huống cụ thể. Chúng tôi muốn lưu ý rằng chính tính độc lập trong cách đánh giá, phân tích của chúng ta mới tạo nên sự kính trọng của đối tác đối với chúng ta, và sự cần thiết của chúng ta đối với xã hội.
Trong nhiều nghiên cứu thực tiễn, đội ngũ các nghiên cứu viên về KTXH ít được tham gia thực địa theo đúng nghĩa. Do thiếu kinh phí, thường là đi thu thập số liệu ở các cơ quan chính quyền địa phương, nhiều khi lại không đầy đủ. Cần quan niệm lại trong phân bổ kinh phí cho các hợp phần nghiên cứu về KTXH thì mới mong các hợp phần này có tiếng nói xứng đáng trong các nghiên cứu tổng hợp.
Các cán bộ nghiên cứu địa lí KTXH còn yếu về các phương pháp nghiên cứu trường hợp (case-study) như điều tra đánh giá nhanh có sự tham gia của cộng đồng, focus group, discourse analysis (phân tích diễn ngôn),... và vì thế, trong việc đề xuất các giải pháp thường thiếu tính đa chiều trong cách nhìn của những người trong cuộc. Viện nên có các tập huấn về vấn đề này, và rèn luyện năng lực nghiên cứu cho cán bộ thông qua các đề tài nghiên cứu nhỏ, đề tài cơ sở.
Các cán bộ nghiên cứu KTXH còn yếu trong sử dụng các công cụ hữu hiệu như GIS và viễn thám, phương pháp định lượng, về việc này, thì Phòng Địa lí KTXH phải tự nâng cao năng lực, có sự hỗ trợ của Viện.
Trong các mảng lí luận và phương pháp nghiên cứu KTXH, thì cái yếu hiện nay chính là nghiên cứu các vấn đề về xã hội. Điều này có căn nguyên, liên quan đến tất cả các nền khoa học địa lí chịu ảnh hướng của địa lí Xô-viết trước đây. Vì thế, Viện cần đặc biệt chú trọng bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu khả năng thích ứng khi giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực này.
5. Xã hội đặt hàng cho Viện Địa lí có những đơn đặt hàng có màu sắc địa lí rõ nét, nhưng phần lớn là do nhu cầu của thực tiễn mà Viện có khả năng đáp ứng, và có “duyên may” được giao phó thực hiện. Như vậy, không phải lúc nào ta cũng phải nhấn mạnh màu sắc địa lí trong nghiên cứu của mình, mà phải biến nó như phần chìm của một núi băng. Điều này rất quan trọng để các đối tác của chúng ta có thể hoan hỉ chia sẻ các kết quả nghiên cứu của chúng ta, và nhìn thấy thực sự tính mới, tính hữu ích của các nghiên cứu ấy. Điều này cũng đòi hỏi, đặc biệt là các cán bộ nghiên cứu KTXH học tập và tiếp thu các quan điểm, phương pháp nghiên cứu liên ngành KHXH.
GS. TS, Nguyễn Viết Thịnh
Đại học Sư phạm Hà Nội