1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được về nhiều mặt của kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đang đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết như cạn kiệt và suy thoái các dạng tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học các hệ sinh thái cửa sông ven biển, mất rừng ngập mặn,... Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, suy thoái môi trường diễn ra gay gắt trên địa bàn tỉnh và đã trở thành những vấn đề nóng, là mối quan tâm của xã hội. Các kết quả quan trắc những năm gần đây cho thấy, chất lượng nước biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch và đe dọa đến sự sinh tồn của các loài sinh vật biển. Vì vậy, việc nghiên cứu đánh giá diễn biến chất lượng nước biển ven bờ ở Quảng Ninh là vấn đề cấp thiết giúp cho các nhà quản lý đưa ra giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Trong nghiên cứu này, các tác giả trình bày kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh Quản Ninh năm 2011 và 2013. Tuy nhiên, số liệu quan trắc này chỉ phản ánh hiện trạng chất lượng nước biển ven bờ tại thời điểm nghiên cứu.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là các chỉ tiêu và thông số đặc trưng (Độ đục, chất rắn lơ lửng, coliform, amoni, ôxy hòa tan, nhu cầu ôxy sinh học và hóa học, nhóm kim loại nặng, dầu,...) để đánh giá chất lượng nước biển khu vực bãi tắm, bến cảng và một số khu vực khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
a) Phương pháp kế thừa:
Nghiên cứu kế thừa kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Ninh do Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2011.
b) Phương pháp thu mẫu ngoài thực địa:
Các mẫu nước được lấy và bảo quản theo hướng dẫn quy định tại TCVN 5998: 1995 (ISO 5667-9: 1987). Công tác khảo sát bổ sung, lấy mẫu và phân tích được thực hiện vào tháng 2 năm 2013.
c) Phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm:
Nhiệt độ: Đo nhanh bằng thiết bị Waterfroof Testr 10-OAKION;
pH: Đo nhanh bằng thiết bị Waterfroof pH Testr 10-OAKION (TCVN 6492-1999);
Ôxy hòa tan (DO): Xác định theo phương pháp Winkler (TCVN 5499-1995);
Tổng chất rắn lơ lửng (TSS): Xác định bằng lọc qua sợi thủy tinh (TCVN 6625-2000);
Nhu cầu ôxy hóa học (COD): Xác định theo TCVN 6491-1999;
Nhu cầu ôxy sinh học (BOD5): Sử dụng tủ ủ BOD Shel Lap Model 2020 Incubator (TCVN 6001-2008);
Amoni: Phương pháp chưng cất và chuẩn độ (TCVN 5988-1995);
Các ion Clorua, Nitrit, Nitrat và Sunfat hòa tan: Xác định bằng sắc ký lỏng ion (TCVN 6494-1999);
Đồng, kẽm, cadimi và chì: Phương pháp trắc phổ hấp phụ nguyên tử ngọn lửa (TCVN 6193-1996);
Dầu: Phương pháp huỳnh quang với thiết bị TD 3100 - Turner Designs (TCVN 5070-1995);
Coliform: Phát hiện và đếm bằng phương pháp màng lọc (TCVN 6119-1995);
d) Phương pháp so sánh:
Các mẫu nước được xử lý và phân tích tại Phòng Phân tích Thí nghiệm Tổng hợp Địa lý - Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các kết quả phân tích được so sánh với quy chuẩn hiện hành (QCVN 10:2008/BTNMT).
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Hiện trạng môi trường nước biển tại các khu vực bãi tắm
Kết quả quan trắc chất lượng nước biển ven bờ tại một số bãi tắm do Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường Quảng Ninh thực hiện năm 2011 cho thấy (Bảng 1):
pH: Kết quả đo tại 5 bãi tắm (Tuần Châu, Bãi Cháy, Ti Tốp, Bãi Dài, Trà Cổ) ở Quảng Ninh dao động từ 8,05 - 8,19 và đều nằm trong quy chuẩn cho phép (QCVN 10:2008/BTNMT) quy định đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.
Bảng 1: Kết quả quan trắc môi trường nước biển ven bờ khu vực bãi tắm năm 2011
TT | Vị trí quan trắc | Thông số |
Nhiệt độ (0C) | pH | Độ muối (‰) | DO (mg/l) | Độ dẫn (mS/cm) | BOD5 (mg/l) | TSS (mg/l) | Coliform (MPN/ 100ml) | Dầu (mg/l) |
1 | Bãi tắm Tuần Châu | 13,5 | 8,12 | 25,4 | 6,21 | 40,8 | 1,5 | 24,0 | 14 | 0,021 |
2 | Bãi tắm Bãi Cháy | 13,8 | 8,09 | 28,7 | 6,24 | 44,6 | 8,4 | 33,0 | 210 | 0,170 |
3 | Bãi tắm Ti Tốp | 14,9 | 8,05 | 30,9 | 6,68 | 41,8 | 2,1 | 14,0 | 5 | KPH |
4 | Bãi tắm Bãi Dài | 14,9 | 8,15 | 27,2 | 6,42 | 41,3 | 1,5 | 5,7 | 15 | 0,102 |
5 | Bãi tắm Trà Cổ | 10,2 | 8,18 | 29,9 | 6,32 | 43,9 | 5,6 | 18,0 | 26 | 0,067 |
QCVN 10:2008/BTNMT(*) | 30,0 | 6,5-8,5 | - | > 4,0 | - | - | 50,0 | 1.000 | 0,100 |
Nguồn: Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường tỉnh Quảng Ninh, 2011 [4]
Ghi chú: (*) Giá trị giới hạn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước
DO: Giá trị ôxy hòa tan tại các bãi biển ghi nhận dao động từ 6,21 - 6,68 mg/l và đều nằm trong giới hạn của quy chuẩn cho phép.
TSS: Hàm lượng TSS ghi nhận tại 5 bãi tắm dao động từ 5,7 - 33,0 mg/l và đều nằm trong giới hạn của quy chuẩn cho phép.
Hàm lượng dầu: Nước tại một số bãi tắm đã có dấu hiệu ô nhiễm dầu, hàm lượng dầu ghi nhận đã vượt quy chuẩn cho phép đối với bãi tắm, thể thao dưới nước như ở Bãi Cháy là 0,170 mg/l; tại Bãi Dài là 0,102 mg/l. Tại bãi tắm Ti Tốp chưa phát hiện hàm lượng dầu.
Coliform: Kết quả quan trắc cho thấy, chưa có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh vật tại các khu vực bãi tắm Quảng Ninh, kết quả ghi nhận coliform dao động từ 5 - 210 MPN/100 ml.
3.2. Hiện trạng môi trường nước biển tại các khu vực bến cảng
Kết quả phân tích các thông số đặc trưng chất lượng nước tại một số bến cảng chính ở tỉnh Quảng Ninh cho thấy (Bảng 2):
pH: Giá trị pH dao động từ 7,78 - 8,19 và nằm trong quy chuẩn cho phép đối với nơi khác (ngoài quy định đối với bãi tắm, thể thao, nuôi trồng và bảo tồn thủy sản).
DO: Lượng ôxy hòa tan dao động từ 5,87 - 6,97 mg/l và đều nằm trong giới hạn của quy chuẩn cho phép.
TSS: Kết quả phân tích TSS trong nước biển tại các cảng ở Quang Ninh dao động từ 3 - 87 mg/l, giá trị cao nhất ghi nhận tại cảng Nam Cầu Trắng đạt 87 mg/l.
Bảng 2. Kết quả quan trắc môi trường nước biển các cảng ở Quảng Ninh năm 2011
TT | Vị trí quan trắc | Thông số |
Nhiệt độ (0C) | pH | Độ muối (‰) | DO (mg/l) | Độ dẫn (mS/cm) | BOD5 (mg/l) | TSS (mg/l) | Coliform (MPN/ 100ml) | Dầu (mg/l) |
1 | Cảng tàu du lịch Bãi Cháy | 13,6 | 8,03 | 28,5 | 6,34 | 42,1 | 9,3 | 35,0 | 210 | 0,312 |
2 | Cảng Nam Cầu Trắng | 14,7 | 7,81 | 27,9 | 5,87 | 42,4 | 9,3 | 87,0 | 34 | 0,174 |
2 | Cụm cảng Km 6 | 14,0 | 7,78 | 24,5 | 6,14 | 42,1 | 7,3 | 25,0 | 24 | 0,074 |
3 | Cảng Cửa Ông | 13,9 | 7,94 | 28,9 | 6,93 | 43,6 | 0,3 | 11,0 | 12 | 0,124 |
4 | Cảng Cái Rồng | 14,8 | 8,08 | 29,4 | 6,14 | 43,8 | 32,4 | 11,0 | 4 | 0,095 |
5 | Cầu cảng Cô Tô | 16,7 | 8,19 | 31,9 | 6,97 | 42,5 | 3,2 | 3,0 | 4 | 0,007 |
6 | Cảng Dân Tiến | 10,1 | 7,93 | 29,7 | 6,58 | 42,1 | 2,4 | 5,0 | 13 | 0,015 |
QCVN 10:2008/BTNMT (*) | - | 6,5-8,5 | - | - | - | - | - | 1.000 | 0,200 |
Nguồn: Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường tỉnh Quảng Ninh, 2011 [4]
Ghi chú: (*) Giá trị giới hạn đối với các mục đích khác ngoài bãi tắm, thể thao, nuôi trồng và bảo tồn thủy sản
Hàm lượng dầu: Nước biển cảng tàu du lịch Bãi Cháy đã có dấu hiệu ô nhiễm dầu. Hàm lượng dầu ghi nhận tại đây là 0,312 mg/l (vượt quy chuẩn cho phép 1,56 lần). Các khu vực cảng khác chưa có dấu hiệu ô nhiễm dầu.
Coliform: Giá trị coliform trong nước biển tại 6 cảng dao động từ 4 - 210 MPN/100 ml và thấp hơn giới hạn quy chuẩn cho phép. Như vậy, chưa có dấu hiệu ô nhiễm về vi sinh vật (thông qua coliform) tại các bến cảng ở Quảng Ninh.
3.3. Hiện trạng môi trường nước biển tại các khu vực khác
Kết quả phân tích các thông số đặc trưng nước biển ven bờ tại các khu vực khác ở tỉnh Quảng Ninh cho thấy (Bảng 3):
pH: Kết quả phân tích cho thấy, giá trị pH dao động từ 7,31- 8,24 và đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.
TSS: Hàm lượng chất rắn lơ lửng ghi nhận tại khu vực xã Lê Lợi, Hoành Bồ là 141,3 mg/l (vượt quy chuẩn cho phép 2,82 lần); tại phường Đại Yên, TP. Hạ Long là 138 mg/l (vượt quy chuẩn cho phép là 2,76 lần); tại khu vực thôn 4, Đồng Rui, Tiên Yên là 98 mg/l (vượt quy chuẩn cho phép 1,96 lần); tại xã Thống Nhất, Hoành Bồ là 67,2 mg/l (vượt quy chuẩn cho phép 1,34 lần).
Hàm lượng amoni (NH4+): Tại nhiều điểm quan trắc có hàm lượng amoni vượt quy chuẩn cho phép. Giá trị ghi nhận dao động từ 0,07 - 0,29mg/l. Như vậy, nước biển ven bờ ở một số khu vực tỉnh Quảng Ninh đã có dấu hiệu ô nhiễm về dinh dưỡng (thông qua amoni).
Hàm lượng COD: Đa số các mẫu nghiên cứu đều có hàm lượng COD vượt quy chuẩn cho phép, giá trị ghi nhận dao động từ 14 - 33 mgO2/l. Như vậy, đã có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (thông qua COD) tại một số khu vực ven biển ở Quảng Ninh.
Nhóm các kim loại nặng:
Đồng (Cu): Hàm lượng Cu trong nước biển ven bờ ở Quảng Ninh khá cao, dao động từ 0,012 - 0,053 mg/l. Khu vực gần cầu Ba Chẽ (thôn Cái Tăn, xã Cộng Hòa, Tp. Cẩm Phả) đã vượt 1,76 lần quy chuẩn cho phép đối với khu nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh.
Kẽm (Zn): Hàm lượng Zn tại các điểm quan trắc dao động từ 0,001 - 0,08 mg/l. Giá trị Zn cao nhất ghi nhận tại khu vực xã Tiền Phong của huyện Yên Hưng ghi nhận là 0,08 mg/l (vượt quy chuẩn cho phép 1,6 lần).
Mangan (Mn): Hàm lượng Mn dao động từ 0,04 - 0,38 mg/l, giá trị lớn nhất ghi nhận tại thôn 4 xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên là 0,38 mg/l; vượt quy chuẩn 3,8 lần.
Coliform: Giá trị coliform trong các mẫu quan trắc dao động từ 3 - 732 MNP/100ml, đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép (giá trị cho phép: 1.000 MNP/100ml). Như vậy, các khu vực quan trắc chưa có dấu hiệu ô nhiễm về vi sinh vật.
Hàm lượng dầu: Tại một số điểm quan trắc đã ghi nhận hàm lượng dầu vượt quy chuẩn cho phép đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sản. Điển hình tại khu vực bến chợ Hạ Long 1, hàm lượng dầu ghi nhận được là 0,41mg/l; tại cầu Vân Đồn, xã Đông Xá (Vân Đồn); xã Thống Nhất (Hoành Bồ) ghi nhận được là 0,075 mg/l và xã Lê Lợi (Hoành Bồ) là 0,015 mg/l; tại Cửa Lục là 0,012 mg/l; tại cửa sông Diễn Vọng là 0,011 mg/l.