Hội nghị Khoa học Địa lý toàn quốc lần thứ sáu: Khoa học địa lý quan trọng trong bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam

30/07/2013 05:47

Hội nghị với chủ đề “Khoa học địa lý với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam” do Hội Địa lý Việt Nam, Hội Địa lý và Tài nguyên môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) phối hợp tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên tại Huế diễn ra hội nghị khoa học địa lý toàn quốc.

Đông đảo các nhà khoa học Địa lý tại Việt Nam tham gia hội nghị

Có tất cả 187 báo cáo trên 4 lĩnh vực chính là “Địa lý biển và hải đảo Việt Nam”, “Địa lý tự nhiên, Tài nguyên và Môi trường”, “Địa lý kinh tế xã hội, Địa lý chính trị và quân sự”, “Đào tạo địa lý, Phương pháp và công nghệ nghiên cứu địa lý”. Đặc biệt ở lĩnh vực đầu tiên có 22 báo cáo tập trung vào một số lĩnh vực như: vai trò và vị thế của biển, hải đảo Việt Nam trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước; Đặc điểm địa lý tự nhiên và các quá trình động lực; Diễn biến môi trường biển và hải đảo; Phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

“Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là vai trò của địa lý chính trị và quân sự cũng đã được các nhà khoa học phân tích và đánh giá rõ nét. Có thể nói, đây là một trong những đóng góp quan trọng tại hội nghị này trong bối cảnh những tranh chấp, xung đột đang diễn ra phổ biến trên biển Đông với quy mô và tần suất xuất hiện ngày càng gia tăng. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học địa lý đã góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển và hải đảo có nhiều tranh chấp” - GS.TS.Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam khẳng định.

GS.TS.Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội địa lý Việt Nam

Ghi nhận các ứng dụng và tính hiệu quả của khoa học địa lý cũng như hướng đề xuất để phát triển thêm ngành trong thời gian tới gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ biển đảo, PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh: “Trong tình hình biển Đông đang nóng bỏng, Khoa học địa lý đã kịp thời hướng mục đích vào đó là một việc làm rất đáng khen ngợi. Hơn nữa, chúng ta cần hướng nhiều hơn đến việc tư vấn - thẩm định - phản biện xã hội ở các dự án lớn về biển đảo đất nước; phối hợp với Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam xây dựng quy hoạch không gian biển - Chiến lược công nghệ biển nhằm tạo cơ sở khoa học để quy hoạch, phát triển bảo vệ kinh tế biển. Tất cả việc làm này nhằm đưa Việt Nam đến năm 2020 sẽ trở thành một nước mạnh về biển, giàu về biển như Nghị quyết Trung ương Đảng đã đề ra”.

GS.TSKH Nguyễn Văn Cư - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nêu ý kiến các nhà khoa học Địa lý cần hướng mục đích hành động nhiều hơn nữa để giúp sức xây dựng đất nước trở thành nước giàu và mạnh về biển đến năm 2020.

4 báo cáo quan trọng được báo cáo tại phiên toàn thể phần lớn hướng về biển đảo Việt Nam như báo cáo “Vị thế Việt Nam” - GS.TSKH. Lê Đức An, “Để khoa học công nghệ biển thực sự trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển” - GS.TS. Lê Đức Tố, “Thành tựu nghiên cứu biển - đảo Việt Nam ở Viện Địa lý và định hướng nghiên cứu tổng hợp” - TS. Nguyễn Đình Kỳ, “Hoạch định không gian sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cho quản lý tổng hợp đới bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” - PGS.TS. Trần Anh Tuấn.

Cùng với đó là một số đề tài đáng chú ý khác về địa lý biển đảo và địa chính trị - quân sự như: “Địa lý Biển Đông: bốn giá trị cốt lõi, một tầm nhìn hướng tới địa lý biển thông minh” - Vũ Như Vân; “Bước đầu phân loại cảnh quan biển và hải đảo Việt Nam” - Nguyễn Thành Long; “Tài nguyên vị thế các đảo ven bờ Nam Trung Bộ” - TS. Uông Đình Khanh; “Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân ở vùng đồng bằng và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế” - PGS.TS. Lê Văn Thăng, Nguyễn Huy Anh, Đinh Thanh Kiến; “Nguồn gốc và hình thái bờ vịnh Bắc bộ” - TS. Nguyễn Thanh Sơn; “Cơ sở khoa học cho đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến hoạt động quân sự ở Việt Nam” - TS. Nguyễn Đăng Hội; “Tổ chức không gian lãnh thổ vùng biên giới Việt Nam - Campuchia hướng tới phát triển bền vững” - ThS. Nguyễn Minh Hiếu…

Nhiều báo cáo thiết thực của ngành khoa học Địa lý đã đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam

Hiệu quả của những công trình nghiên cứu địa lý đã được xã hội thừa nhận, tạo nên vị thế của Khoa học Địa lý so với những ngành khoa học khác. Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học địa lý đã thực hiện thành công và có hiệu quả kinh tế - xã hội hàng trăm đề tài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực như: điều tra cơ bản, đánh giá tài nguyên môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên - môi trường các vùng lãnh thổ, các lưu vực sông, xây dựng các tập atlas về tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường và các bản đồ quy hoạch các vùng lãnh thổ, ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong công tác điều tra, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Cùng với những chuyên ngành đào tạo truyền thống như địa lý tự nhiên, địa mạo, cảnh quan học, địa lý kinh tế - xã hội; nhiều chuyên ngành mới mang tính định lượng và hiện đại đã được đào tạo ở các bậc đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Đặc biệt, chuyên ngành đào tạo về công nghệ viễn thám và GIS đã được hầu hết các cơ sở đào tạo triển khai với những ứng dụng thực tế ngày càng đa dạng. Hàng năm, hàng nghìn cử nhân, hàng trăm thạc sỹ, hàng chục tiến sỹ địa lý đã được đào tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Khen thưởng và trao bằng khen của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho 25 tập thể, cá nhân

Khen thưởng và trao bằng khen của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho 25 tập thể, cá nhân Khoa học Địa lý xuất sắc trên toàn quốc.

(theo dantri.com)

Liên kết website khác