Hội thảo “Xây dựng kế hoạch phát triển Viện Địa lý giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025”

07/05/2015 10:30

Hội thảo có sự tham dự đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nhiều nhà khoa học trong và ngoài Viện cùng sự tham gia của toàn bộ các cán bộ công chức Viện Địa lý.


Toàn cảnh hội thảo
 
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Lại Vĩnh Cẩm – Quyền Viện trưởng Viện Địa lý đã trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo, trong đó khái quát tình hình phát triển trong gần 5 năm vừa qua của Viện Địa lý về các mặt: tổ chức cán bộ, các hoạt động khoa học chính (trong nước và hợp tác quốc tế), công tác đào tạo. Đ/c Cẩm đã đánh giá các mặt thuận lợi và khó khăn trong quá trình hoạt động của Viện thời gian vừa qua. Đ/c cũng đã đưa ra một số kiến nghị để tiếp tục thảo luận về sự phát triển của Viện Địa lý trong thời gian tới.
 
PGS. TS. Lại Vĩnh Cẩm – Quyền Viện trưởng Viện Địa lý phát biểu tại hội thảo
 
Hội thảo đã nhận được ý kiến đóng góp và chỉ đạo từ PGS. TS. Phan Văn Kiệm – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đ/c Kiệm đã biểu dương các thành tích của Viện Địa lý trong những năm vừa qua. Đ/c Kiệm đã nêu ra một số khó khăn trong hoạt động khoa học công nghệ nói chung, trong đó có các vấn đề về chính sách, cơ chế. Đ/c đã trình bày một số định hướng phát triển khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN VN, và đồng thời đề nghị Viện Địa lý: Tập trung trí tuệ tập thể, nâng cao tinh thần đoàn kết để phát triển Viện; xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH), quy hoạch phát triển lãnh thổ hướng đến phát triển bền vững.
 
PGS. TS. Phan Văn Kiệm – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN VN phát biểu tại hội thảo
 
Hội thảo đã nhận được các báo cáo tham luận và ý kiến đóng góp của 08 nhà khoa học trong và ngoài Viện.
 
GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh – Nguyên Trưởng khoa Địa lý và Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Địa lý Ứng dụng – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mở đầu buổi trình bày các bản tham luận bằng việc chỉ ra các mâu thuẫn trong nghiên cứu Địa lý tại Viện. Theo GS Thịnh, có hai mâu thuẫn: (1) Mâu thuẫn trong nghiên cứu khoa học giữa Viện Địa lý với các viện liên quan ở các cơ quan khác; (2) Mâu thuẫn trong quá trình nghiên cứu các đối tượng của Khoa học Địa lý trong dài hạn, quy mô lớn và trong ngắn hạn, quy mô nhỏ.
 
GS Thịnh đã đề xuất một số ý kiến nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian tới: Thống nhất nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) của khoa học Địa lý, nhất là các CSDL nguồn; tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật giữa các đơn vị nghiên cứu; gắn kết Địa lý tự nhiên và Địa lý KT-XH, mở rộng quan niệm về Địa lý KT-XH và các nghiên cứu trong Địa lý KT-XH cần cái nhìn khách quan và đa chiều hơn đồng thời các cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực này cần liên tục nâng cao trình độ; tiếp tục xây dựng nguồn kinh phí thường xuyên cho việc phát triển hướng nghiên cứu cơ bản của Viện.
 
Tham luận tiếp theo do GS. TS Nguyễn Cao Huần – Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam trình bày. GS Huần đã thẳng thắn nêu ra một số ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Viện Địa lý, bản tham luận của GS Huần có 04 nội dung chính: (1). Đánh giá tiềm lực của Viện Địa lý hiện nay, (2) Phát hiện những vấn đề tạo ra hướng nghiên cứu hiệu quả của Viện trong thời gian tới, (3) Những thay đổi của Viện đề phù hợp với các chính sách mới về KH&CN của Nhà nước, (4) Phương thức tạo nguồn kinh phí. Theo GS Huần, có một số vấn đề cần đặt ra thời gian tới: Cần tiếp tục liên kết các phòng chuyên môn để giải quyết các vấn đề nghiên cứu lớn; cần đề xuất giải thưởng và công bố thành tích của các công trình nghiên cứu lớn và đạt kết quả xuất sắc; cần đưa ra hướng phát triển tiếp theo của các vấn đề Địa lý đã được nghiên cứu;…
 
PGS.TS Nguyễn Văn Cư – Nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có một bản tham luận dài và tâm huyết đối với sự phát triển của Viện Địa lý. PGS.TS Cư đã đề xuất một số giải pháp đưa Viện Địa lý phát triển xứng tầm một Viện nghiên cứu quốc gia. Theo đó, hướng nghiên cứu của Viện Địa lý nên tập trung vào các vấn đề như sau: Nghiên cứu về các quy luật của Địa lý tự nhiên nhiệt đới ẩm, quy luật thành tạo của các đảo và quần đảo, tương tác biển và lục địa,…PGS. TS Cư nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nghiên cứu Địa lý.
 
Tiếp theo, GS.TSKH Đặng Trung Thuận – Khoa Địa chất, trường ĐH KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một số nhận xét về tình hình phát triển của Viện Địa lý, trong đó nhấn mạnh đến nguồn lực và cơ cấu tổ chức của Viện. GS Thuận đã kiến nghị một số đề xuất để nhằm phát triển Viện trong thời gian tới như sau: Phấn đấu lấy nguồn kinh phí từ nhiều nguồn; nâng cấp cơ sở vật chất của Viện; xây dựng thư viện điện tử, liên kết các lĩnh vực nghiên cứu để tạo ra thế mạnh của Địa lý tổng hợp, ưu tiên các hướng nghiên cứu chủ đạo (sử dụng bền vững tài nguyên), mở ra trường phái mới về phân vùng và quy hoạch lãnh thổ, tạm dừng các lĩnh vực nghiên cứu đã giảm vai trò và ý nghĩa thực tiễn.
 
 


Các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho hội thảo
 
Một số nhà khoa học Địa lý kỳ cựu cũng đã có những ý kiến đóng góp hết sức quý báu cho sự phát triển sắp tới của Viện Địa lý.
 
GS. Lê Đức An – Nguyên Viện trưởng Viện Địa lý đã có một vài ý kiến đóng góp để xây dựng Viện Địa lý trong thời gian tới như sau: Lựa chọn lãnh thổ và các vấn đề nghiên cứu hợp lý, điển hình; tập trung vào thế mạnh của Viện là Địa lý tổng hợp, tiếp tục xây dựng Atlat Việt Nam,…
 
GS. Trương Quang Hải –Phó Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam cũng đã đề xuất một số giải pháp hữu ích cho Viện Địa lý: Tăng cường liên kết giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thực tiễn trong khoa học Địa lý; tổng kết và tiên phong trong các vấn đề lý luận của khoa học Địa lý; chú ý tới tính liên ngành liên vùng và tổng hợp trong nghiên cứu Địa lý; đẩy mạnh liên kết khoa học với công nghệ; sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có (các cán bộ khoa học đầu ngành đã về hưu, các nhà khoa học trẻ,…).
 
PGS. TS. Nguyễn Trần Cầu – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa lý đã kiến nghị thêm một số giải pháp phát triển cho Viện Địa lý như sau: Tiếp tục nghiên cứu vấn đề sử dụng hợp lý lãnh thổ, phân vùng địa lý tự nhiên Việt Nam; xây dựng các kiến thức chuẩn về Địa lý; cần quan tâm đúng mức tới lĩnh vực Địa lý KT-XH; chú ý đến các hướng nghiên cứu dài hạn và có giá trị thực tiễn.
 
TS. Phạm Quang Anh – Trường Đại học KHTN – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mong muốn Viện Địa lý sẽ vượt qua các khó khăn để đưa Viện Địa lý phát triển mạnh mẽ. Đ/c cho rằng cần tiếp tục hướng nghiên cứu vào quy hoạch lãnh thổ và bảo vệ môi trường, sắp xếp lại một cách khoa học cơ cấu tổ chức cán bộ của Viện.
 
 
 
 
Các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho hội thảo (tiếp)
 
Cuối cùng, PGS. TS. Lại Vĩnh Cẩm đã tổng kết hội thảo, cảm ơn các ý kiến đóng góp hết sức có giá trị của các nhà khoa học. Đ/c mong muốn buổi hội thảo này sẽ tạo ra nguồn cảm hứng và nhiệt huyết mạnh mẽ cho các cán bộ trẻ tại Viện để có đủ lực nâng tầm phát triển của Viện Địa lý trong thời gian tới./.
 
Liên kết website khác