Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ các điều khoản của Tiểu ban về Công nghệ vũ trụ và ứng dụng (SCOSA) – một trong chín Tiểu ban thuộc Ban Khoa học và Công nghệ (COST), được thành lập vào năm 1993 với tên gọi ban đầu là Nhóm chuyên gia ASEAN về viễn thám (ASEGRS). Sau đó ASEGRS được nâng cấp thành Tiểu ban vào năm 1997. Nhiệm vụ chính của Tiểu ban là hình thành khuôn khổ nhằm tăng cường phối hợp trong công nghệ vũ trụ và ứng dụng để triển khai các chương trình và dự án, hướng tới hiện thực hóa các công nghệ vì mục đích phát triển bền vững trong khu vực ASEAN.
Hội thảo lần này được tổ chức với mục tiêu chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về vận hành và khai thác hệ thống viễn thám; phát triển hệ thống viễn thám và sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh; đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác giữa các nước thành viên về vệ tinh viễn thám, mạng trạm mặt đất và đào tạo nguồn nhân lực.
GS. Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện HLKHCNVN phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS. Nguyễn Đình Công – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và giám sát thiên tai. Điều này đòi hỏi các nước thành viên ASEAN phải cùng nhau nỗ lực tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững trong nước và khu vực. Công nghệ vũ trụ nói chung và các hệ thống vệ tinh viễn thám nói riêng đang ngày càng thể hiện vai trò và những đóng góp của mình như là một công cụ hỗ trợ công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai, đồng thời cũng là yếu tố gắn kết hợp tác giữa các nước trong việc vận hành các hệ thống viễn thám sẵn có để nâng cao hiệu quả khai thác. Với việc sở hữu hệ thống vệ tinh viễn thám VNREDSat-1, Việt Nam đã trở thành một trong năm quốc gia ASEAN có hệ thống vệ tinh quan sát Trái đất riêng. Hệ thống VNREDSat-1 đã và đang được sử dụng rộng rãi, đáp ứng các nhu cầu trong nước, bước đầu đã được sử dụng vào các mục đích hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế. Viện Hàn lâm KHCNVN luôn mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả vận hành và khai thác hệ thống vệ tinh.
GS. Nguyễn Đình Công tặng quà lưu niệm cho các đại biểu đến từ các nước trong khu vực
Hội thảo các nước ASEAN về vệ tinh quan sát Trái đất và trạm thu lần thứ 3 đã thu hút được sự tham dự của 08 nước trong khu vực gồm Thái Lan, Lào, Philippine, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Singapore và Việt Nam. Đại diện mỗi nước đều có 01 báo cáo tại hội thảo, riêng Việt Nam có 02 báo cáo. Ngoài ra, tại hội thảo còn có 01 báo cáo của đại diện Airbus Defense and Space – Cộng Hòa Pháp.
Đại diện Airbus Defense and Space báo cáo tại Hội thảo
TS. Phạm Minh Tuấn thuộc Ban Quản lý Dự án Vệ tinh nhỏ, Viện HLKHCNVN tham gia báo cáo tại Hội thảo
Một hoạt động khác nằm trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 14/11/2014 các đại biểu tham dự đã đến thăm Trung tâm Điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ tại Viện Hàn lâm KHCNVN; Đài Viễn thám Trung ương tại phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội; và Trạm thu phát tín hiệu băng S tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm