Hội thảo khoa học hợp tác giữa Viện Địa lý và Viện Địa lý Viễn Đông, LB Nga

30/11/2015 08:29
Đoàn các nhà khoa học thuộc Viện Địa lý Viễn Đông - Liên Bang Nga (PGI FEBRAS) dẫn đầu là GS.VS. Petr Baklanov – Viện trưởng và các thành viên gồm TS. Victor Ermoshin – Phó Viện trưởng, TS. Vladimir Karakin, TS. Vasily Zharikov.
 

Đoàn đại biểu Viện Địa lý Viễn Đông - Liên Bang Nga, thăm và làm việc với Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quang Vinh - Phó Viện trưởng Viện Địa lý trân trọng giới thiệu và chào mừng các nhà khoa học đến từ Viện Địa lý Viễn Đông - Liên Bang Nga sang thăm, hợp tác và làm việc với Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.



PGS. TS. Phạm Quang Vinh, Phó Viện trưởng Viện Địa lý, giới thiệu đại biểu và khai mạc Hội thảo
 
Thay mặt đoàn đại biểu của Viện Địa lý Viễn Đông Nga, GS.VS. Viện trưởng Petr Baklanov đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của phía Viện Địa lý. Ông đã giới thiệu về PGI FEBRAS. Đây là một cơ quan nghiên cứu lớn của Nga, gồm 14 đơn vị nghiên cứu nhỏ.  Bên cạnh đó, viện sĩ Petr cũng đã giới thiệu một số kết quả nghiên cứu nổi bật của PGI FEBRAS, có thể kế đến như nghiên cứu đánh giá tác động của sóng thần tới hệ thống đới bờ, biến động của thảm thực vật dưới nước, phân vùng địa mạo và chú trọng tới nguồn gốc địa mạo học (xây dựng mô hình động lực chu trình địa mạo của vùng Viễn Đông – Nga). PGI FEBRAS còn nghiên cứu các vấn đề địa lý xuyên biên giới, xây dựng bản đồ lan truyền ô nhiễm (là kết quả hợp tác với nhiều nước láng giềng như Hàn Quốc, Triều Tiên). Ngoài ra, PGI FEBRAS còn tập trung nghiên cứu về tai biến thiên nhiên (khả năng xảy ra, dự báo, khoanh vùng, xác định tiềm năng). Một số hướng nghiên cứu khác (khai thác tài nguyên bền vững theo vùng, chia sẻ lợi ích chung,…) nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Viễn Đông Nga.
 

PGS. TSKH. Nguyễn Văn Cư và GS. TS. Petr Baklanov trình bày các kết quả nghiên cứu chính của Viện Địa lý Viễn Đông - Nga
 
Tại Hội nghị, TS. Vladimir Karakin đã có báo cáo giới thiệu về tài nguyên thiên nhiên của vùng Viễn Đông - Nga (Russian Far East - RFE) và giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về vùng. Đây là vùng rộng 6,2 triệu km2, chiếm tới 36% diện tích của Nga nhưng dân số chỉ chiếm 5% diện tích của Nga với khoảng 6,7 triệu người. Vùng có diện tích rừng rộng lớn (4.504,2 triệu ha, 81,3% tổng diện tích nội địa của Nga), nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và giàu hơn các vùng khác. Tại RFE, kinh tế vùng đã trải qua giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất từ 1990 đến 2000 với hình ảnh biểu tượng là vàng, than đá, dầu mỏ. Hiện nay vùng đang hướng tới sự phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa, phát triển sản phẩm đặc trưng theo từng khu vực nhỏ. Hiện nay, PGI FEBRAS đã xây dựng được bản đồ sử dụng đất của vùng, nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của điều kiện khí hậu tới sự phát triển nông nghiệp hàng hóa,… Ông mong muốn tăng cường khả năng hợp tác trong việc sản xuất và trao đổi các loại thủy sản giữa hai nước.
 

TS Vladimir Karakin, Viện Địa lý  Viễn Đông - Nga trình bày các kết quả nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên vùng Viễn Đông Nga
 
Đại diện Phòng Thí nghiệm nghiên cứu về cảnh quan dưới nước, TS. Vasily Zharikov, giám đốc Phòng Thí nghiệm đã trình bày về thế mạnh nghiên cứu của PGI FEBRAS: cảnh quan dưới nước. PGI FEBRAS đã xây dựng được mô hình đáy biển (có thể nhìn thấy sự dịch chuyển của dòng chất ô nhiễm, mảng trầm tích,…) thông qua nhiều thiết bị nghiên cứu hiện đại, kết hợp các công cụ viễn thám (ảnh vệ tinh Landsat,…). Với việc xây dựng mô hình số độ cao (DEM), PGI FEBRAS đã xác định độ sâu đáy biến, xây dựng bản đồ thảm thực vật dưới đáy biển và tiến hành nhiều nghiên cứu khác.
 


TS. Vasily Zharikov - Viện Địa lý Viễn Đông, Nga trình bày các kết quả nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên vùng Viễn Đông Nga

Cũng trong khuôn khổ buổi Hội thảo hợp tác giữa hai viện, đại diện hai cơ sở nghiên cứu địa lý của hai quốc gia, GS.VS. Petr Baklanov – Viện trưởng Viện Địa lý Viễn Đông - Liên Bang Nga đã trân trọng thông báo một tin vui tới Viện Địa lý: PGS.TS Nguyễn Văn Cư được hội đồng Khoa học Viện Địa lý Viễn Đông Nga trao hàm “Giáo sư danh dự”. Viện Địa lý Viễn Đông đánh giá cao các cống hiến của PGS. TSKH. Nguyễn Văn Cư trong ngành địa lý nói riêng và trong sự hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Liên Bang Nga. PGS. TSKH. Nguyễn Văn Cư giới thiệu sơ lược về các nghiên cứu và các công trình khoa học của mình thực hiện tại Liên Bang Nga và tại Việt Nam.

 

Viện Địa lý Viễn Đông Nga đã trao tặng danh hiệu "Giáo sư danh dự" cho PGS. TSKH. Nguyễn Văn Cư - Viện Địa lý -
Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam vì những đóng góp của ông cho khoa học địa lý của Viện Địa lý Viễn Đông Nga

GS.VS. Petr Baklanov đã cảm ơn sự đón tiếp của đoàn Viện Địa lý, trân trọng gửi lại các báo cáo hội thảo cho Viện, đồng thời mong muốn xúc tiến hoạt động giữa các nhóm nghiên cứu đã được thiết lập giữa hai bên vào tháng 5 vừa qua. Ông hy vọng hai bên có thể trao đổi trong việc đăng bài báo trên các tạp chí chuyên ngành tại Việt Nam và Nga.

PGS.TS Lại Vĩnh Cẩm – Quyền Viện trưởng Viện Địa lý cảm ơn Đoàn Viện Địa lý Viễn Đông - Liên Bang Nga, đồng thời mong muốn hai bên xem xét, đánh giá các kết quả làm việc giữa các nhóm nghiên cứu, trao đổi các ý kiến và những dự định hợp tác trong năm tiếp theo.
 
GS.VS. Pẻt Baklanov – Viện trưởng Viện Địa lý Viễn Đông - Liên Bang Nga đã trao tặng ảnh kỉ niệm của Viện Địa lý Viễn Đông - Liên Bang Nga và một số sách tham khảo có giá trị cho PGS.TS Lại Vĩnh Cẩm.



GS.VS. Petr Baklanov - Viện trưởng Viện Địa lý Viễn Đông Nga dành món quà rất ý nghĩa
trao tặng Viện Địa lý - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.

 

 

Các nhà khoa học của hai viện cùng trao đổi chuyên môn và cơ hội hợp tác giữa Viện Địa lý Viễn Đông và Viện Địa lý - Viện KHCN Việt Nam hiện tại và tương lai.
 
Đoàn nghiên cứu của Viện Địa lý Viễn Đông Nga đã đến Việt Nam làm việc từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 11 năm 2015 và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh cùng Hà Nội.

Buổi hội thảo kết thúc đã đem lại nhiều thông tin bổ ích, nhất là cho các cán bộ trẻ và mang lại nhiều cơ hội hợp tác giữa hai Viện trong thời gian tới./.
Liên kết website khác