Thông thường, việc giám sát hạn hán được thực hiện thông qua theo dõi sự thay đổi của các chỉ số hạn hán, là các hàm của lượng mưa và các biến khí tượng thủy văn khác. Đáng chú ý là chỉ số Keetch-Byram (KBDI) do John Keetch và George Byram xây dựng vào năm 1965, dựa trên độ ẩm đất và các thông số khác liên quan đến hạn hán nhằm phục vụ các mục đích giám sát, cảnh báo và dự báo hạn hán, cháy rừng. KBDI có giá trị phân bố từ 0 (không hạn hán) đến 800 (hạn hán nghiêm trọng).
KBDI được ứng dụng trong thám sát, cảnh báo hạn hán ở Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Hoa Kỳ, thám sát hạn hán và dự báo mùa vụ ở một số nước lân cận như Inđônêxia. Do có thể tính toán từ số liệu vệ tinh (loại số liệu hiện nay khá phong phú và có độ phân giải cao), chỉ số KBDI đang được sử dụng khá phổ biến trong các hệ thống giám sát, cảnh báo và dự báo ở các nước trên thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản. Do đó, cùng với việc phát triển các ứng dụng của ngành công nghệ viễn thám Việt Nam, việc ứng dụng chỉ số KDBI trong giám sát hạn khí tượng ở nước ta nói chung và cho Tây Nguyên nói riêng là khả quan.
Kết quả tính chỉ số KBDI trình bày sau đây trích trong nội dung bài báo đã được đăng trên "Proceedings of the 55th autum conference of the remote sensing society of Japan, November 21-22, 2013" của nhóm tác giả Nguyễn Văn Thắng, Mai Văn Khiêm (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trước đây là Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường); Wataru Takeuch, Văn Ngọc An (Trường Đại học Tokyo Nhật Bản).
Tại Việt Nam, chỉ số KBDI được tính toán từ số liệu viễn thám mô tả khá tốt phân bố theo không gian và thời gian của điều kiện khô hạn trên khu vực Tây Nguyên trong năm 2010. Nếu coi ngưỡng giá trị KBDI từ 400 trở lên là điều kiện khô hạn ở khu vực Tây Nguyên, thì chỉ số này thể hiện khá tốt điều kiện khô hạn trong khu vực. Và đáng chú ý, KBDI cũng thể hiện được mức độ khô hạn trong các tháng khô hạn nặng. Cụ thể là điều kiện khô hạn diễn ra nghiêm trọng nhất vào tháng III-IV/2010, với giá trị của KBDI lên tới 700-800 (Hình 1 và Hình 2).
Hình 1: Kết quả tính chỉ số KBDI khu vực Tây Nguyên lần lượt từ tháng I-V/2010 (từ trái qua phải)
Hình 2: Chỉ số ẩm khu vực Tây Nguyên lần lượt từ tháng I-V/2010 (trái qua phải)
(Nguồn: Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, 2011)
Kết quả thực hiện đối với trường hợp năm 2010 cho thấy rằng, chỉ số KBDI có thể đưa vào áp dụng trong nghiệp vụ giám sát và cảnh báo hạn hán ở nước ta.
Tuy nhiên, chỉ số KBDI được tính toán dựa trên số liệu viễn thám, nên có thể dẫn đến những sai số so với thực tế. Do vậy, để triển khai ứng dụng bộ chỉ số này trong việc giám sát, cảnh báo và dự báo hạn hán ở nước ta, cần tiến hành nhiều nghiên cứu sâu hơn và chỉ số KBDI cần được tính toán từ số liệu quan trắc thực tế. Ngoài ra, cần phải xác định ngưỡng xảy ra điều kiện khô hạn cho chỉ số KBDI phù hợp với từng khu vực, từng tháng, mùa.