Khoa học mở là một chủ đề thời sự quan trọng và có nhiều góc nhìn khác nhau trong thời đại chuyển đổi số khi tri thức không còn chỉ bó hẹp trong giới hàn lâm, hay công nghệ mà có tác động trực tiếp nhanh mạnh đến nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế, khi tri thức ấy cần được mở rộng và chia sẻ một cách hợp lý. Tuy nhiên các khái niệm về Khoa học mở còn khá mơ hồ hay tản mạn với nhiều người.
Với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết chung về khoa học mở, về các giá trị cốt lõi, những thách thức cũng như các con đường khác nhau dẫn tới khoa học mở, các bài giảng tại Hội thảo được trình bày bởi các diễn giả đến từ các lĩnh vực khác nhau: các chuyên gia xây dựng chính sách, các nhà quản lý thuộc các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà khoa học có uy tín tại các Viện nghiên cứu. Ngoài ra, đại biểu tham dự trực tiếp tại hội thảo bao gồm các nhà khoa học, các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực khoa học công nghệ và xã hội nhân văn để có các đối thoại mở, góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng và sự giao thoa giữa các lĩnh vực khác nhau.
GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, với bài giảng bài giảng "Dữ liệu khoa học mở"
Hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn" với nội dung chính là các bài giảng đại chúng về các chủ đề liên quan đến khoa học mở. Trong đó, bài giảng "Dữ liệu khoa học mở" do GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán trình bày, đã nêu bật tầm quan trọng và lợi ích của hệ thống dữ liệu mở trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ phát triển và thay đổi từng ngày như hiện nay. GS. Hồ Tú Bảo cho rằng, một nền khoa học mở đem lại lợi ích hài hòa cho các ngành, bảo đảm sự liêm chính, công bằng, bình đẳng trong chia sẻ dữ liệu, tri thức.
GS.TS. Nguyễn Thế Toàn, Trưởng Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với bài giảng "Hướng nghiên cứu khoa học hội tụ và vai trò của vật lý trong sinh học tiến hóa"
Bài giảng thứ hai có tiêu đề "Hướng nghiên cứu khoa học hội tụ và vai trò của vật lý trong sinh học tiến hóa" do GS.TS. Nguyễn Thế Toàn, Trưởng Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày, đã đề cập đến một trong những động lực để khoa học mở phát triển, đó là các nghiên cứu liên ngành, đa ngành. GS. Nguyễn Thế Toàn ủng hộ một nền khoa học mở trong đó các kiến thức, kỹ thuật mạnh nhất của các ngành khác nhau cùng kết hợp, hội tụ với nhau để tìm ra lời giải cho các bài toán phức tạp nhất của tự nhiên.
"Khoa học mở: Góc nhìn lịch sử, khuyến nghị của UNESCO, liên hệ với Việt Nam" là bài giảng thứ ba do chuyên gia Nguyễn Võ Hưng, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ, thuộc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày, đã chia sẻ về khái niệm, tiến trình của khoa học mở, các trường phái tư tưởng có liên quan đến khoa học mở, phân tích về khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở và đưa ra một số liên hệ với Việt Nam.
Tiếp theo, buổi Tọa đàm đã diễn sôi nổi với các câu hỏi từ nhiều lĩnh vực. Các diễn giả đã thẳng thắn trả lời, trao đổi với các câu hỏi, phản biện từ tất cả đại biểu tham dự trực tiếp cũng như thông qua kênh trực tuyến ngay tại sự kiện.
Nhân dịp này, tại sự kiện có trưng bày Sách và Tạp chí của Viện Hàn lâm KHCNVN, một số mô hình tính toán và sách báo khoa học thường thức.
Các chuyên gia tại Tọa đàm (Từ trái sang phải: PGS.TS Nguyễn Thế Toàn, Chuyên gia Nguyễn Võ Hưng, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, TS. Nguyễn Nhật Quang, Chuyên gia Nguyễn Trọng Khánh)
Đại biểu trao đổi ý kiến tại Hội thảo
Chụp ảnh lưu niệm