Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam

26/05/2014 09:32

IMG 2405
Các cán bộ của Viện Địa lý nhận quyết định bổ nhiệm từ Chủ tịch Viện

Tham dự buổi lễ có GS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN; GS. Nguyễn Đình Công và GS. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS. Hà Duy Ngọ, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Viện; đại diện các ban ngành, đoàn thể của Viện Hàn lâm KHCNVN; và đại diện lãnh đạo, tập thể các đơn vị trực thuộc.

IMG 2348

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, PGS.TS Phan Văn Kiệm, Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ công bố các Quyết định bổ nhiệm sau:

  • Quyết định số 585/QĐ-VHL ngày 29/4/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Chu Hoàng Hà, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nghiên cứu viên chính, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học giữ chức Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học.
  • Quyết định số 587/QĐ-VHL ngày 29/4/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Đinh Văn Mạnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính, Phó Viện trưởng Viện Cơ học giữ chức Viện trưởng Viện Cơ học.
  • Quyết định số 567/QĐ-VHL ngày 28/4/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc bổ nhiệm lại có thời hạn ông Thái Hoàng, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp giữ chức Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới.
  • Quyết định số 467/QĐ-VHL ngày 07/4/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc bổ nhiệm lại có thời hạn ông Nguyễn Trọng Tĩnh,Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính giữ chức Viện trưởng Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị khoa học.
  • Quyết định số 405/QĐ-VHL ngày 31/3/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc điều động ông Phạm Tuấn Huy, Thạc sĩ, Chuyên viên chính, Phó Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ về công tác tại Ban Kiểm tra và bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Tuấn Huy giữ chức Phó Trưởng ban Kiểm tra.
  • Quyết định số 403/QĐ-VHL ngày 31/3/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc điều động bà Vũ Thị Thu Lan, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính, Phó Viện trưởng Viện Địa lý về công tác tại Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ và bổ nhiệm có thời hạn bà Vũ Thị Thu Lan giữ chức Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ.
  • Quyết định số 586/QĐ-VHL ngày 29/4/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Phạm Quang Vinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính, Trưởng phòng Viễn thám, bản đồ và GIS, Viện Địa lý giữ chức Phó Viện trưởng Viện Địa lý.
  • Quyết định số 577/QĐ-VHL ngày 29/4/2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN về việc bổ nhiệm có thời hạn ông Uông Đình Khanh, Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính, Trưởng phòng Địa mạo, Địa động lực, Viện Địa lý giữ chức Phó Viện trưởng Viện Địa lý.
IMG 2352 IMG 2364 IMG 2371
IMG 2384 IMG 2390 IMG 2405

Chủ tịch Viện HLKHCNVN trao Quyết định cho các đồng chí được bổ nhiệm cương vị mới

Sau khi nhận Quyết định, các đồng chí vừa được bổ nhiệm gửi lời cảm ơn Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm và toàn thể cán bộ nơi các đồng chí công tác đã tin tưởng, giao nhiệm vụ, đồng thời bày tỏ quyết tâm nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ ở cương vị mới.

Thay mặt Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm, GS. Châu Văn Minh chúc mừng các đồng chí đã nhận được sự tín nhiệm cao của Đảng bộ, Chi bộ, Lãnh đạo và toàn thể cán bộ của đơn vị. Chủ tịch hy vọng các đồng chí sẽ góp phần cùng với Ban Lãnh đạo và tập thể cán bộ xây dựng đơn vị mình thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh, thúc đẩy hoạt động đơn vị và đóng góp thiết thực vào sự ổn định, phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong tương lai.

Anh ho chieu ChuHoangHaPGS. Chu Hoàng Hà sinh năm 1969, đạt học vị Tiến sỹ năm 2001 và được phong hàm Phó giáo sư năm 2010.

Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành sinh hóa tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992, nhận học vị tiến sỹ sinh học phân tử tại Đại học Tổng hợp Halle, CHLB Đức năm 2001 và đã theo học các khoa thực tập sinh khoa học tại Đức, Nhật.

Ông gắn bó với Viện Công nghệ Sinh học từ những ngày đầu tốt nghiệp đại học và đã đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo:

  • 2005 – 2010: Phó trưởngphòng Công nghệ tế bào thực vật
  • 2010 đến nay: Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật
  • 2009 – 2012: Phó giám đốc PTNTĐ Công nghệ gen
  • 2012 - 5/2014: Phó Viện trưởng/Giám đốc PTNTĐ công nghệ gen

Trong quá trình công tác ông đã được cấp 2 bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, là tác giả và đồng tác giả của trên 90 công trình khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế và quốc gia.

 

DVMANHPGS. Đinh Văn Mạnh, sinh năm 1962, quê ở Đồng Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành Toán cơ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1983, bồi dưỡng sau đại học 14 tháng (01/1996-3/1997) tại Ehime University, Matsuyama, Nhật Bản về Mô hình số trị trong thủy động lực học biển. Ông nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Cơ học Chất lỏng - Chất khí và Plasma của Đại học Ehime, Nhật Bản năm 2000 và theo học thực tập sinh sau tiến sỹ về Mô hình hoá số trị vùng SEMANGEUM từ 3/2002 -12/2002 tại Đại học Kunsan, Hàn Quốc. Năm 2010, ông được phong hàm Phó giáo sư.

Ông là đồng tác giả của 63 công trình đã công bố. Ông tham gia 39 chương trình, đề tài cấp Nhà nước và cấp cơ sở (trong đó có 7 đề tài ông là chủ nhiệm).

Về đào tạo, ông đã hướng dẫn thành công 2 học viên cao học và đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh. Ngoài ra,ông là giảng viên kiêm nhiệm của Khoa Cơ kỹ thuật và Tự động hóa, Trường Đại học Công nghệ.

 

Thai HoangGS Thái Hoàng, sinh năm 1958, quê ở Hà Tĩnh, hiện là Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học ngành Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phó Chủ tịch, Thư ký phân hội Polyme thuộc Hội Hóa học Việt Nam. Ông đạt học vị Tiến sỹ năm 1993 và lần lượt được phong hàm Phó Giáo sư vào năm 2005 và Giáo sư  vào năm 2012.

Năm 1980, ông tốt nghiệp Khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong các năm 1988 - 1990, dưới sự hướng dẫn của các Giáo sư, Tiến sỹ người Nga, ông tiến hành các nghiên cứu về sự ổn định chống oxy hóa các polyme như polyvinyl clorua và polyetylen tại Viện Lý Hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Dựa trên các kết quả nghiên cứu tại Liên Xô và Việt Nam, Luận án Tiến sỹ Hóa học của ông đã được hình thành và bảo vệ tại Viện Khoa học Việt Nam vào năm 1993. Trong các năm 1998 – 1999, 2001 – 2002 và 2007, ông đã đi thực tập sau Tiến sỹ tại Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Nhật Bản. Ông đã được bổ nhiệm chức danh Nghiên cứu viên Chính và Nghiên cứu viên Cao cấp vào các năm 1998, 2009.

Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của GS.Thái Hoàng là về ảnh hưởng của điều kiện khí hậu nhiệt đới tới sự suy giảm tính chất, sự thay đổi hình thái cấu trúc, ổn định chống phân hủy oxy hóa; dự báo tuổi thọ của các vật liệu polyme, cao su và vật liệu phi kim loại khác trong các môi trường và điều kiện làm việc  khác nhau; nghiên cứu – triển khai công nghệ chế tạo vật liệu polyme blend và vật liệu compozit có chất lượng cao và bền với điều kiện khí hậu nhiệt đới; vật liệu cấu trúc nano, nanocompozit, polyme phân hủy sinh học, thân thiện môi trường và “vật liệu compozit xanh”.

Từ các kết quả nghiên cứu – triển khai, ông đã có 155 bài báo khoa học, trong đó có 25 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Ông đã tham dự và báo cáo khoa học tại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Vương quốc Anh... Ông là đồng tác giả quyền tác giả “Hệ chất ổn định PVC sử dụng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm Việt Nam” do Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cấp năm 1989.

Ông là tác giả và chủ biên 3 cuốn sách chuyên khảo, sách chuyên môn là Vật liệu polyme blend, Ổn định chống phân hủy và nâng cao độ bền thời tiết của polyme, Vật liệu nanocompozit khoáng sét nhựa nhiệt dẻo; 2 giáo trình đào tạo sau đại học là Phân hủy và ổn định polyme, Thử nghiệm và dự báo thời hạn sử dụng polyme; là đồng tác giả cuốn Thuật ngữ  Kỹ thuật nhiệt đới.

Trong lĩnh vực đào tạo, GS.Thái Hoàng đã và đang hướng dẫn 12 nghiên cứu sinh, 16 học viên cao học. Ngoài việc tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hóa học, ông còn là giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Hóa học và Khoa Công nghệ Hóa học thuộc các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Có thể nói GS. Thái Hoàng đã gắn bó với Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trong suốt sự nghiệp khoa học của mình. Ngoài công tác chuyên môn, ông tham gia công tác quản lý, lần lượt được bổ nhiệm giữ các chức vụ Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Hóa lý Vật liệu phi kim loại, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Kỹ thuật nhiệt đới.

Với các thành tựu nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ, GS.Thái Hoàng đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng như Huy chương vàng cho công trình “Nghiên cứu  chế tạo xúc tác và quy trình sản xuất mút xốp polyuretan” (cùng tập thể phòng chuyên môn tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới) do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng (1985); Bằng khen của Ủy ban  Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cho tập thể thực hiện đề tài “Nghiên cứu  quy luật và cơ chế suy giảm và ổn định PVC trong điều kiện khí  hậu nhiệt đới Việt Nam” (1986); Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn (2003); Bằng Lao động sáng tạo và Huy chương Lao động sáng tạo (2005); Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ năm (2008). Đặc biệt,  năm 2005, ông cùng tập thể khoa học của mình được trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) cho công trình “Nghiên cứu chế tạo vật liệu polyme blend, triển khai công nghệ sản xuất và ứng dụng phục vụ ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam”.

 

NguyenTrongTinhTS. Nguyễn Trọng Tĩnh sinh năm 1962. Hiện ông là thành viên trong nhiều hội đồng chuyên môn trong và ngoài nước, thành viên hội đồng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ISO/TC206 về gốm kỹ thuật. Ông bắt đầu giữ chức Viện trưởng Viện trưởng Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học từ tháng 5/2009 đến nay.

Ông đã tốt nghiệp Kỹ sư Vật lý tại Đại học tổng hợp Kharcov, Liên Xô năm 1985, nhận học vị Tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2002 và theo học các khóa thực tập, đào tạo sau tiến sĩ ở các nước Đức, Mỹ, Nhật Bản.

Các hướng khoa học đã thực hiện trước đây: Vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao, Tính toán mô phỏng chuyển tiếp bán dẫn, Vật liệu nano xúc tác quang TiO2, Hệ thống điều khiển cho thiết bị Hiển vi lực nguyên tử và hiển vi đầu dò quét, Thiết bị phân tích phổ tổng trở cho nghiên cứu vật liệu nano, Nghiên cứu chế tạo dây dẫn quang từ  PMMA,  Nghiên cứu vật liệu gốm dẫn ion cho điện cực pin nhiên liệu, Nghiên cứu pin nhiên liệu Methanol lỏng, Nghiên cứu vật liệu nano chống ma xát và tản nhiệt.

Các hướng khoa học đang thực hiện: Thiết bị bay không người lái cho nghiên cứu khoa học; Hiển vi lực nguyên tử cho nghiên cứu công nghệ Nano và sinh học phân tử; Vật liệu mới chuyển hóa năng lượng: Vật liệu nano xúc tác quang, Vật liệu nhiệt điện, Vật liệu nano có tính chất đặc biệt; Vật lý tính toán (computational Physics): mô phỏng tính chất các hệ vật liệu nano.

Với các hướng nghiên cứu trên đây, ông đã tham gia 04 đề tài cấp nhà nước KC; đề tài quỹ nghiên cứu quốc gia của Mỹ (NSF), Quỹ Karl Damler Đức; Chủ trì 05 nhiệm vụ cấp Viện HLKHCNVN; Tham gia trong chương trình thiết bị công nghệ cao của Nhà nước; Tham gia trường trình tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn ISO/TC của châu Á Thái Bình Dương; Là Trưởng điều phối chương trình khai thác và chuyển giao công nghệ với Belarus; Tham gia nhiều chương trình hợp tác Khoa học công nghệ với các nước : Belarus, Nga, Đức, Nhật bản, Mỹ… Tính đến nay, ông có khoảng 70 công bố khoa học chuyên ngành trong và ngoài  nước, đang đào tạo 02 NCS tiến sỹ và nhiều thạc sỹ.

 

HuyThS. Phạm Tuấn Huy sinh năm 1964, hiện là Phó Trưởng Ban Kiểm tra, Viện Hàn lâm KHCNVN. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Mỏ-Địa chất năm 1986 và đạt học vị Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và  Công nghệ năm 2010.

Quá trình công tác của Thạc sĩ Phạm Tuấn Huy:

  • 1987-1990: Viện Địa chất, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
  • 1990-2001: Cộng tác viên khoa học, Viện Hàn lâm khoa học, Liên bang Nga
  • 2002 đến 3/2013: Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
  • 6/2011 đến 3/2013: Phó Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển
  • 3/2013 đến 4/2014: Phó Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ
Với hướng nghiên cứu chính về quản lý Khoa học và Công nghệ, ThS.Phạm Tuấn Huy đã tham gia nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học.

 

Ảnhthe 3x4TS. Vũ Thị Thu Lan, sinh năm 1968.

Bà tốt nghiệp đại học chuyên ngành Khí tượng thủy văn tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1990 và nhận học vị tiến sỹ địa lý tại Viện Địa lý năm 2006.

Bà gắn bó với Trung tâm Địa lý Tài nguyên, Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Địa lý, Viện HLKHCNVN) ngay từ những ngày đầu mới ra trường. Bà đã đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Địa lý trong nhiệm kỳ 2009-4/2014.

Về đào tạo, bà đã hướng dẫn 5 sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp, 2 học viên cao học và đang hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh.

Một số công trình công bố chủ yếu và các đề tài, dự án, nhiệm vụ đã chủ trì, tham gia

 

2PGS. Phạm Quang Vinh sinh năm 1960, quê xã Hợp Lý, Huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông nhận học vị Tiến sỹ ngành Trắc địa – Bản đồ tại Đại học Mỏ - Địa chất năm 2005, và được công nhận chức danh PGS ngành Khoa học Trái đất – Mỏ năm 2013.

Ông tham gia công tác tại Viện Địa lý từ 1983 đến nay, giữ chức trưởng phòng Viễn thám, Bản đồ và GIS (từ 2007 đến nay).

Ông tham gia các hướng nghiên cứu chủ yếu: Tích hợp công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý trong thành lập bản đồ và đánh giá biến động hiện trạng sử dụng đất; Nghiên cứu ứng dụng phương pháp viễn thám InSAR vi phân trong quan trắc sụt lún đất do khai thác nước ngầm; Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong việc đánh giá thoái hoá đất tiềm năng, trượt lở đất; Nghiên cứu xác định các điểm khô hạn nhạy cảm và dễ bị tổn thương dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu bằng công nghệ Địa tin học.

Ông là chủ nhiệm của 02 đề tài NCKH cấp Nhà nước (một đề tài đã nghiệm thu, một đề tài đang thực hiện), 03 đề tài Khoa học cấp Bộ (đã nghiệm thu), 02 đề tài cấp cơ sở (đã nghiệm thu), 05 đề tài nhánh cấp Nhà nước (đã nghiệm thu). Ngoài ra, ông còn là thư ký của 01 Dự án quốc tế; 04 đề tài cấp bộ và đề tài hợp tác với địa phương (các đề tài đều đã nghiệm thu); là thành viên nghiên cứu của 15 đề tài KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ (đã nghiệm thu).

Ông đã công bố 13 bài báo đăng ở các Tạp chí khoa học trong nước, 18 bài báo ở Hội nghị khoa học quốc gia và 05 bài báo ở Hội nghị khoa học quốc tế; Xuất bản được 3 cuốn sách, trong đó có 1 sách chuyên khảo (chủ biên), 1 sách chuyên khảo (đồng tác gải) và 1 giáo trình (tác giả).

Về đào tạo, ông đã hướng dẫn 13 sinh viên làm đồ án tốt nghiệp, 12 HVCH bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ và đang cùng hướng dẫn 02 NCS. Ông còn tham gia 20 Hội đồng chấm luận văn thạc sỹ, 8 Hội đồng chấm luận án tiến sỹ và tham gia giảng dạy đại học môn viễn thám và giải đoán ảnh, Cơ sở hệ thông tin địa lý và Cơ sở viễn thám.

Các công trình khoa học

 

UongDinhKhanhTS. Uông Đình Khanh, sinh năm 1961, quê xã Hà Hồi, Huyện Thường Tín, Hà Nội. Hiện tại ông là Trưởng phòng Địa mạo – Cổ địa lý, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Viện Địa lý, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Địa lý (nhiệm kỳ 2013-2016), Ủy viên Hội đồng Ngành Các Khoa học Trái đất– Viện HLKHCNVN (nhiệm kỳ 2014-2016), Phó giám đốc Trung tâm Karst và Hang động, Viện Địa chất.

Ông tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Địa mạo và Địa lý tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1983, nhận học vị tiến sĩ  chuyên ngành Địa mạo – Cổ địa lý tại Viện Địa lý. Ngoài ra, ông còn tham gia khóa đào tạo Viễn thám trong nghiên cứu địa chất – địa lý tại Học viện Viễn thám Ấn Độ và tham gia các khóa bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước.

Với tư cách chủ nhiệm đề tài, chủ trì các nhiệm vụ (đề mục), ông đã hoàn thành xuất sắc nhiều đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh và cấp Nhà nước. Ngoài ra, ông tham gia vào Hội đồng Khoa học của Viện Địa lý, Hội đồng Khoa học Ngành các Khoa học về Trái đất; Tham gia vào Hội đồng tuyển chọn, phản biện các đề tài cấp Viện Hàn Lâm KHCNVN, cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp Nhà nước; Tham gia vào Hội đồng chấm giải thưởng cho sinh viên xuất  sắc do Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu.

Cá nhân ông đã công bố được trên 40 bài báo với tư cách là tác giả và đồng tác giả; tham gia với tư cách đồng tác giả viết 09 cuốn sách chuyên khảo, trong đó có cuốn “Điạ mạo Việt Nam, Cấu trúc – Tài nguyên – Môi trường” đã được nhận giải thưởng Huy chương Đồng sách hay năm 2013 của Hội đồng giải thưởng sách Việt Nam. Hiện nay ông tham gia cùng GS. Lê Đức An hoàn thành cuốn sách “Các đảo và quần đảo Việt Nam, vị thế và tiềm năng” do Tổng Cục Biển và Hải đảo đặt hàng nhằm giới thiệu về biển đảo Việt Nam, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước và giữ gìn chủ quyền biển đảo (cuốn sách sẽ được xuất bản vào quý IV/2014).

Về đào tạo, ông cũng tham gia vào công tác giảng dạy, viết giáo trình và đào tạo học viên cao học, nghiên cứu sinh về lĩnh vực địa lý cho các cơ sở đào tạo: Viện Địa lý, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc, Đại học Khoa học Tự nhiên. Hiện nay ông đang hướng dẫn 04 thạc sỹ, 01 nghiên cứu sinh.

Với những thành tích đã đạt được, ông luôn được công nhận là lao động tiên tiến xuất sắc của Viện Địa lý, nhiều năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở Viện Địa lý; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học Công nghệ” của  Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2008, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Khoa học Công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2006, Giấy khen của BCH Công đoàn Viện HLKHCNVN năm 2013; Giải thưởng Huy chương Đồng sách hay năm 2013 của Hội đồng giải thưởng sách Việt Nam.

Tin và ảnh: Bích Diệp

Liên kết website khác