Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Địa chất và Địa vật lý biển và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

16/10/2013 02:46

Lễ kỷ niệm là dịp để các thế hệ cán bộ, viên chức Viện ĐC&ĐVLB cùng nhìn lại những mốc lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện. Mở đầu buổi lễ kỷ niệm, TS. Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện ĐC&ĐVLB đã điểm lại các giai đoạn phát triển và những kết quả nổi bật trong 20 năm qua của Viện ĐC&ĐVLB.

DCDVLB1
Văn nghệ chào mừng tại buổi lễ

Viện Địa chất và Địa vật lý tiền thân là Phân viện Hải dương học tại Hà Nội, được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai trung tâm: Trung Tâm Vật lý Địa cầu ứng dụng và Trung Tâm Địa chất Biển. Khi đó, Phân viện HDH tại Hà Nội trực thuộc Viện Hải dương học, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia theo quyết định số 53 ngày 22/6/1993. 

Năm 2005, được sự cho phép của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phân viện Hải dương học tại Hà Nội tách khỏi Viện Hải dương học và đổi tên thành Viện Địa chất và Địa vật lý biển trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Năm 2008, theo Nghị định Chính phủ số 62/2008/NĐ-CP ngày 12/5/2008 Viện ĐC&ĐVLB trở thành Viện nghiên cứu cấp quốc gia trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ngày 20/6/2008, Chủ tịch Viện đã phê duyệt Quyết định số 1107/QĐ-KHCNVN về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện ĐC&ĐVLB. Theo quyết định này, Viện gồm có 15 phòng hoạt động theo cơ chế của đơn vị sự nghiệp công lập. Viện có chức năng nghiên cứu cơ bản, điều tra cơ bản, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao chủ yếu trong lĩnh vực địa chất, địa vật lý, vật lý hải dương quy định của pháp luật. Theo Nghị định số 108/2012/NĐ-CP ngày 25/12/2012 Viện KHCNVN trở thành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Viện ĐC&ĐVLB trở thành một trong số các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Hàn lâm KHCNVN theo quyết định số 42/QĐ-KHCNVN ngày 12/2/2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Khi mới thành lập, tiềm lực về trang thiết bị, cơ sở vật chất và cán bộ khoa học của Viện còn rất khiêm tốn. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, tổ chức bộ máy của Viện ĐC&ĐVLB đã không ngừng được kiện toàn, đội ngũ cán bộ của Viện đã có sự trưởng thành vượt bậc về năng lực, kiến thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó. Đến nay, Viện có tổng số 71 cán bộ trong đó có 60 biên chế; 18 nghiên cứu viên chính, 42 nghiên cứu viên; 15 tiến sĩ, 20 thạc sĩ và 27 kỹ sư, cử nhân, 02 trung cấp.

Để phù hợp với hoạt động nghiên cứu, tháng 3 năm 2013 Viện đã quyết định cải tổ cơ cấu tổ chức: sáp nhập phòng Quản lý dữ liệu với Trung tâm dữ liệu Khoa học công nghệ biển và sáp nhập Phòng Quan trắc với Phòng Vật lý khí quyển và Địa động lực biển, và đổi tên thành Phòng Hải dương học và Vật lý khí quyển. Cơ cấu tổ chức Viện hiện nay gồm: Phòng QLTH, 12 phòng chuyên môn và 02 trạm nghiên cứu Tam Đảo và Trường Sa.

DCDVLB2
TS. Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện ĐC&ĐVLB điểm lại các giai đoạn xây dựng và phát triển và các thành tựu nổi bật của Viện ĐC&ĐVLB trong 20 năm qua

Trong 20 năm qua, hoạt động chuyên môn của Viện ĐC&ĐVLB đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp nghiên cứu KHCN Biển Đông, góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển đảo và bảo vệ Tổ quốc. Viện thường xuyên tổ chức các chuyến điều tra nghiên cứu khảo sát các khu vực, ngay cả vào những thời gian tình hình chính trị trên Biển Đông diễn biến căng thẳng. Viện đã xây dựng và duy trì trạm quan trắc thuộc quần đảo Trường Sa. Các dữ liệu của Trạm đã góp phần xây dựng báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa (2009), góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hơn nữa, Viện cũng đã hoàn thành và xuất bản tập bản đồ các điều kiện tự nhiên vùng biển Việt Nam và kế cận với 61 bản đồ, làm cơ sở cho việc quản lý - phát triển kinh tế biển và thăm dò tìm kiếm khoáng sản cũng như phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển. Bên cạnh đó, Viện đã sát cánh cùng với Ủy Ban Biên giới Quốc gia trong nhiều nhiệm vụ do Nhà nước giao về nghiên cứu phục vục hoạch định biên giới trên biển, đặc biệt trong việc thực hiện nhiệm vụ CSL07 “Xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam”. Toàn bộ hồ sơ xác định vùng thềm lục địa mở rộng cho ba vùng Bắc, Trung, Nam về cơ bản đã được hoàn thành. Trong đó hai báo cáo Bắc và Nam đã được đệ trình lên UB RGN TLĐ của LHQ vào tháng 5-2009, với chất lượng tốt, được dư luận quốc tế và trong nước đánh giá cao. 

Đến nay, Viện ĐC&ĐVLB đã chủ trì thực hiện gần 20 đề tài cấp nhà nước, nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản cấp bộ, cấp Viện KHCNVN, đề tài triển khai ứng dụng phối hợp với địa phương và nhiệm vụ hợp tác quốc tế. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, Viện ĐC&ĐVLB không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế và triển khai hợp tác với các Bộ, ngành trong cả nước.

Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, Viện ĐC&ĐVLB luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với các thành tích đã đạt được và nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Viện ĐC&ĐVLB vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cũng tại buổi lễ, để ghi nhận những thành tích đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện ĐC&ĐVLB, 05 nhà khoa học nước ngoài đã vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương của Viện HLKHCNVN. 

DCDVLB3

PGS. Phan Văn Kiệm, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ - Viện HLKHCNVN công bố các Quyết định trao tặng tại buổi lễ

DCDVLB4

GS. Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Viện ĐC&ĐVLB

DCDVLB5

Thay mặt lãnh đạo Viện HLKHCNVN, GS. Dương Ngọc Hải trao tặng Kỷ niệm chương của Viện HLKHCNVN cho các chuyên gia nước ngoài

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN, GS. Dương Ngọc Hải ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Viện ĐC&ĐVLB đã đạt được trong suốt 20 năm qua, đồng thời chúc mừng Viện ĐC&ĐVLB được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Đây là niềm vinh dự của Viện ĐC&ĐVLB nói riêng và cũng là niềm tự hào của Viện HLKHCNVN nói chung. Phó Chủ tịch tin tưởng với nền tảng phát triển vững chắc của Viện trong 20 năm qua và sự đoàn kết, cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ, viên chức Viện ĐC&ĐVLB, chắc chắn trong giai đoạn tiếp theo Viện ĐC&ĐVLB sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong lĩnh vực nghiên cứu Biển Đông, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

DCDVLB6

Liên kết website khác