I. Tình hình ổn định đời sống cho người dân, khắc phục hậu quả sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế
Sau khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Công ty Formosa) công khai nhận trách nhiệm về sự cố môi trường và xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vào ngày 30/6/2016, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp để ổn định cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng và khắc phục hậu quả sự cố, trong đó trước mắt tập trung vào công tác thống kê, bồi thường thiệt hại cho người dân. Đồng thời để bảo đảm công tác này được đồng bộ, thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm trưởng ban. Thành phần gồm các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân 4 tỉnh miền Trung. Nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn này tập trung vào 4 nhóm vấn đề sau:
1.Về chủ trương bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả cho người dân
a, Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng khẩn trương tiến hành điều tra, kiểm nghiệm, khoanh vùng, khi đủ điều kiện công bố ngay vị trí ngư trường an toàn, chất lượng môi trường biển, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại vùng biển của 04 tỉnh miền Trung cho nhân dân biết; hướng dẫn ngư dân tiếp tục khôi phục sản xuất, kinh doanh để dần ổn định đời sống; nêu rõ khu vực nào đã an toàn, khu vực nào đang khảo sat, đánh giá.
Thực hiện chỉ đạo này, ngày 22/8/2016, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 04 tỉnh miền Trung và công bố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung đã an toàn cho du lịch, bơi, tắm biển và nuôi trồng thủy sản. Tiếp đó ngày 29/8/2016 tại Thừa Thiên – Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường, bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy hải sản sau công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường và thống nhất với các địa phương về phương án chỉ đạo sản xuất thủy hải sản tại các địa phương đảm bảo an toàn.
b, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng, lấy ý kiến của nhân dân các địa phương liên quan để tạo thuận lợi khi thực hiện và bảo đảm các nội dung cơ bản:
- Các nguyên tắc, tiêu chí xác định đối tượng bị thiệt hại (ngư dân trực tiếp đánh bắt gần bờ, xa bờ, diêm dân, các hoạt đông dịch vụ trực tiếp bị thiệt hại xác thực);
- Bảo đảm Quy trình xây dựng biểu mẫu, hướng dẫn người dân kê khai thiệt hại chính xác, đúng sự thật, thủ tục tiến hành xác định, thống kê thiệt hại, kiểm tra, thẩm định kết quả thống kê thiệt hại; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong triển khai thực hiện; mức bồi thường, hỗ trợ thiệt hại…
- Trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan Trung ương, địa phương khi tiến hành xác định, thống kê thiệt hại… bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lợi dụng, thất thoát…
c, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án đánh giá, xử lý, khôi phục môi trường biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá, xử lý, phục hồi môi trường biển, đa dạng sinh học biển tại khu vực bị ảnh hưởng, lắp đặt các thiết bị, tổ chức hoạt động quan trắc, giám sát môi trường và đa dạng sinh học tại khu vực bị ảnh hưởng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phục hồi môi trường sinh thái biển (bao gồm tái tạo và trồng lại san hô, cỏ biển, cá biển và các loại thủy sinh khác…) tại khu vực biển của các tỉnh bị ảnh hưởng.
d, Bộ Y tế, Bộ Công thương xây dựng Đề án kiểm nghiệm, đảm bảo ATVSTP, hỗ trợ tiêu thụ thủy sản tại 04 tỉnh miền Trung. Bộ Y tế chỉ trì xây dựng đề án về kiểm nghiệm và xác nhận an toàn thực phẩm đối với thủy sản đã được thu mua, tạm trữ trong thời gian qua và thủy hải sản đánh bắt xa bờ trong thời gian tới tại 04 tỉnh bị ảnh hưởng; nghiên cứu, đề xuất biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho người dân bị ảnh hưởng. Bộ Công thương nghiên cứu đề xuất giải pháp tiêu thụ thủy hải sản khai thác của 04 tỉnh; giải pháp bảo vệ, duy trì thương hiệu, uy tín của thủy sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế sau những tác động tiêu cực của sự cố môi trường nghiêm trọng này.
2.Về công tác thống kê, xác định, bồi thường thiệt hại
Trong công tác bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả cho người dân, việc thống kê, xác định, bồi thường thiệt hại là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cần tập trung triển khai ngay nhằm kịp thời bảo đảm ổn định đời sống và quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng.
Theo Quyết định 1880/QĐ-TTg ngày 22/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển thuộc 4 tỉnh miền Trung gồm: Khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.
Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9/2016.
Việc bồi thường chỉ áp dụng cho các thiệt hại trực tiếp do sự cố môi trường gây ra, các thiệt hại gián tiếp sẽ được nghiên cứu có hình thức hỗ trợ thích hợp.
Ngày 30/9/2016, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường bàn về tình hình triển khai công tác thống kê, xác định và bồi thường thiệt hại, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận:
- Kết luận triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại đảm bảo các nguyên tắc công khai, minh bạch.
- Triển khai, thực hiện nghiêm Quyết định 1880/QĐ-TTg. Khi chi trả tiền bồi thường, phải tính toán chính xác, chi trả đúng thời hạn chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Ngay trong tuần đầu tháng 10/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thành lập Đoàn công tác liên ngành trực tiếp đến 04 tỉnh để hướng dẫn triển khai và giám sát thực hiện Quyết định này.
- Đồng ý về nguyên tắc ứng trước khoản tiền khoảng 3.000 tỷ đồng từ kinh phí bồi thường do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa chi trả để các tỉnh tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân 04 tỉnh chủ trì cùng Bộ Y tế giải quyết dứt điểm trong tháng 10/2016 lượng hải sản được thu mua trong thời gian xảy ra sự cố còn tồn kho trên địa bàn. Phân định rõ lượng hàng tồn kho theo các lô; kiểm nghiệm an toàn thực phẩm các lô hàng; tiêu hủy ngay các lô hàng không đạt chất lượng ATTP và hỗ trợ theo quy định hiện hành. Bộ Công thương chỉ đạo, huy động các doanh nghiệp thương mại chủ động thu mua ngay các lô hàng đạt chất lượng ATTP tại 04 tỉnh miền Trung.
Thực hiện chỉ đạo này, hiện nay, 04 tỉnh miền Trung đã thành lập Hội đồng thẩm tra và các tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn; tổ xác nhận đối tượng, số lượng thiệt hại. Trên cơ sở định mức bồi thường thiệt hại theo Quyết định 1880/QĐ-TTg của Chính phủ, các tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan của địa phương tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để chi trả cho các đối tượng thiệt hại.
Ngoài các chính sách chung từ Chính phủ, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể đã chủ động hỗ trợ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Cụ thể là:
Tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ gạo cho các ngư dân; hỗ trợ cho 5.012 chủ tàu, thuyền với số tiền hơn 23 tỷ đồng; cấp miễn phí 100% cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng môi trường khi mua thẻ bảo hiểm y tế; thành lập 25 cửa hàng thu mua hải sản an toàn cho ngư dân; hỗ trợ 50% chi phí tiền điện cho các kho đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 đến tháng 9/2016…
Tỉnh Quảng Bình, đã trích ngân sách hỗ trợ cho tàu, thuyền phải ngừng đánh bắt trong vùng bị ô nhiễm; hỗ trợ 20% giá cho các doanh nghiệp, đại lý, hộ thu mua hải sản trong cấp tỉnh; cấp 5.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cứu đói cho các gia đình ngư dân. Trong đó, đơt 01 đã cấp 3.000 tấn gạo, dự kiến đợt 02 sẽ cấp tiếp 2.500 tấn gạo vào tháng 11/2016.
Tỉnh Quảng Trị, trích gần 4 tỷ cho 1.700 hộ ngư dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để ngư dân chuyển đổi nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát (điển hình như ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong đến nay đã xây dựng được 90 mô hình gia trại trồng xen canh các loại dưa, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, cho thu nhập ổn định); miễn thu học phí năm 2016 – 2017 đối với học sinh có hộ khẩu thường trú tại 16 xã vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển (13.000 học sinh ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS và THPT) với số tiền là 3,8 tỷ đồng.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế, hỗ trợ 6 tháng lương thực (15kg gạo/tháng/01 người) cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển (gồm 27 xã của 5 huyện, thị) với tổng số gạo là 2.800 tấn; hỗ trợ tiền cho các tàu đánh cá ven bờ, người nuôi trồng thủy sản với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay để thu mua, tạm trữ hải sản an toàn với số tiền 6,4 tỷ đồng…
3.Về quản lý kinh phí bồi thường do Công ty Formosa chi trả:
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan quản lý, sử dụng số tiền này. Khoản tiền bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề do Công ty Formosa chi trả phải được quản lý chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, đến tận tay người dân, không thất thoát hay chi sai đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ, thống nhất trong cả 04 tỉnh miền Trung có thiệt hại.
4.Về giám sát thực hiện các cam kết của Công ty Formosa
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, đôn đốc Công ty Formosa thực hiện các cam kết về hoàn thiện các công trình xử lý nước thải, kiểm soát các hoạt động xả thải theo đúng quy trình và việc chuyển đổi công nghệ sản xuất cốc theo đúng công nghệ đã được phê duyệt (chuyển từ dập ướt sang khô) và đúng thời hạn đã cam kết, kịp thời phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xử lý những vấn đề nảy sinh, trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ (theo báo cáo 366/BC-CP, ngày 29/9/2016 của Chính phủ, đối với 58 sai phạm quy định về môi trường, đến nay, Công ty Formosa đã khắc phục được 37 sai phạm). Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cụ thể việc quan trắc tự động và có đề án giám sát cụ thể không được để Formosa tái phạm và có chế tài xử lý (đóng cửa nhà máy) nếu vi phạm lại. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, báo cáo đề xuất về phương án xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của Công ty Formosa và đề xuất giải pháp đối với những trường hợp phát sinh.
5.Về làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan
a, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng này.
b, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ rà soát về mọi mặt pháp lý đối với thủ tục cấp phép đầu tư cũng như đánh giá tác động môi trường của toàn dự án, xem xét quy trình, quy định về thiết kế xây dựng và cấp phép xả thải Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.
c, Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ quá trình phê duyệt dự án, quy hoạch, cấp phép xây dựng các hạng mục công trình của Công ty Formosa theo quy định của pháp luật; nếu phát hiện có vi phạm, đề xuất kiến nghị xử lý.
d, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra xác minh làm rõ quá trình quy hoạch, thẩm định, phê duyệt, cấp phép, hợp thức hóa cho Formosa; nếu phát hiện có vi phạm thì kiến nghị xử lý.
II. Tình hình an ninh trật tự tại các tỉnh Bắc miền Trung thời gian gần đây
Thời gian vừa qua, liên quan đến sự có môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, nhất là liên quan đến công tác giải quyết chính sách đền bù cho các đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, trên địa bàn Bắc miền Trung đã xảy ra một số vụ việc phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể:
- Trong hai ngày 26,27/9/2016, linh mục Đặng Hữu Nam (quản xứ giáo xứ Phú Yên, tỉnh Nghệ An) tổ chức cho khoảng 500 giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An kéo đến trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện Formosa. Việc làm này đã kéo theo khoảng 700 giáo dân giáo hạt Kỳ Anh cũng kéo đến trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh để ủng hộ linh mục Nam và giáo dân xứ Phú Yên.
Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận 506 đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo của công dân có hộ khẩu thường trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An khởi kiện Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp formosa Hà Tĩnh yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xả thải chất gây ô nhiễm môi trường biển, gây thiệt hại về tài sản, thu nhập và sức khỏe của người dân. Qua xem xét các đơn khiếu kiện cho thấy, hầu hết các đơn đều có hình thức giống nhau, nhiều đơn còn thiếu căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, như: tài liệu chứng minh các quyền sở hữu đối với các tài sản bị thiệt hại; chứng minh về nhân thân; bảng kê chi tiết các thiệt hại; biên bản xác định thiệt hại…
- Ngày 02/10/2016, Linh mục Trần Đình Lai và khoảng 5.000 giáo dân (thuộc 6/7 giáo xứ trong hạt Kỳ Anh) đã tổ chức tuần hành tại thị xã Kỳ Anh và tụ tập biểu tình trước nhà máy Formosa. Trong quá trình tụ tập, một số người quá khích đã viết, vẽ nhiều câu khẩu ngữ chống Đảng, Nhà nước; đập phá tài sản của Công ty Formosa; gây cản trở giao thông, tấn công lực lượng thi hành công vụ.
Việc tổ chức đoàn đi tập trung nộp đơn khởi kiện của giáo dân Nghệ An cũng như việc tổ chức các đợt đi tuần hành trong thời gian gần đây, không chỉ xuất phát từ đòi hỏi của các cá nhân mà chủ yếu do nhiều hộ dân bị các thế lực thù địch, tổ chức khủng bố Việt Tân, một số phần tử cơ hội chính trị, số cực đoan trong Công giáo thuộc giáo phận Vinh lợi dụng sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây rối, gây mất ổn định trật tự an ninh, tạo “điểm nóng” về an ninh chính trị trên địa bàn để chống phá Đảng, Nhà nước.
Dự báo trong thời gian tới, các phần tử cơ hội, tổ chức khủng bố Việt Tân và phần tử cực đoan trong công giáo sẽ tiếp tục kích động giáo dân trên địa bàn các tỉnh Bắc miền Trung kéo về Tòa án thị xã Kỳ Anh nộp đơn khởi kiện, đưa ra các yêu sách vô căn cứ. Nếu Tòa án, chính quyền không đáp ứng sẽ tổ chức khởi kiện, khiếu nại cấp cao hơn; đồng thời tổ chức các hoạt động tuần hành, gây mất an ninh trật tự và có khả năng đẩy đến mức cao hơn như: biểu tình, bắt giữ người và đập phá tài sản của Công ty Formosa Hà Tĩnh.
III. Định hướng công tác tuyên truyền 1. Về việc giáo dân xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh. Trong hai ngày 26, 27/9/2016 có khoảng 300 giáo dân dưới sự chỉ đạo của một số linh mục quản xứ thuộc giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tổ chức đi tập trung vào thị xã Kỳ Anh đến Tòa án nhân dân Thị xã Kỳ Anh nộp 506 đơn hởi kiện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa). Người đại diện theo ủy quyền là ông Đặng Hữu Nam (Linh mục), trú quán nhà thờ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Đơn khởi kiện cơ bản giống nhau, trong đó nguyên đơn là cá nhân từng hộ dân (506 cá nhân); bị đơn là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài đơn khởi kiện còn có các tài liệu kèm theo như chứng minh nhân thân người khởi kiện, giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu thủy, ngư cụ, bảng kê chênh lệch thu nhập bị mất, giảm sút sau sự cố môi trường. Nhiều hộ gia đình vợ và chồng đứng đơn khởi kiện riêng từng nội dung thiệt hại.
Nội dung đơn khởi kiện tập trung vào các yêu cầu: buộc bị đơn là Công ty Formosa bồi thường thiệt hại thu nhập thực tế bị mất trong 4 tháng kể từ ngày 15/4/2016 về từng ngành nghề cụ thể; thiệt hại về kinh tế, vật chất trong tương lai; thiệt hại về sức khỏe và tinh thần. Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc bị đơn tạm dừng hoạt động sản xuất cho đến khi đề ra các biện pháp khắc phục vĩnh viễn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi tiếp nhận đơn, Tòa án thị xã Kỳ Anh đã phân loại đơn. Trong 506 đơn khởi kiện tập trung vào các nhóm đối tượng: (1) Yêu cầu bồi thường thiệt hại bị mất, giảm sút trog đánh bắt thủy, hải sản gồm 296 đơn; (2) Yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nghề sản xuất muối (diêm nghiệp) gồm 127 đơn; (3) Yêu cầu bồi thường thiệt hại trong nghề sản xuất chế biến nước mắm gồm 68 đơn; (4) Yêu cầu thiệt hại nghề nuôi trồng thủy sản gồm 03 đơn; (5) Yêu cầu thiệt hại nghề kinh doanh thủy hải sản ven biển gồm 02 đơn. Tổng số tiên các hộ dân yêu cầu bồi thường thiệt hại là hơn 56 tỷ đồng.
Quá trình thu thập xác minh đơn khởi kiện cho thấy, có 01 đơn/người khởi kiện thường trú tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có 01 đơn/người khởi kiện thuộc xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tòa án thị xã Kỳ Anh đã cử cán bộ về tận các địa phương để xác minh, được địa phương khẳng định, những người này tuy có hộ khẩu thường trú, nhưng đang cư trú, sinh sống tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Như vậy, 506 cá nhân nộp đơn khởi kiện đều là giáo dân cư trú tại tỉnh Nghệ An, không thuộc diện bị thiệt hại trực tiếp do Công ty Formosa gây ra.
Theo đó, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả lại 506 đơn khởi kiện cho nguyên đơn vì không đưa được tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho các thiệt hại thực tế, trực tiếp của mình theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật tố tụng dân sự. Mặt khác, nội dung này đã được Chính phủ Việt Nam xác định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg, ngày 29/9/2016, ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng do sự cố môi trường biển, trong đó xác định đối cụ thể đối tượng, thời gian và định mức được bồi thường.
Ngày 05/10/2016 Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã thực hiện các thủ tục tố tụng để trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho những người khởi kiện, đảm bảo đúng thời hạn, pháp luật, theo quy định tại Khoản 5 Điều 189, điểm c khoản 1 Điều 192, khoản 2 Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thủ tục trả lại 506 đơn khởi kiện được thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông, theo quy định tại Điều 170, 171, 172, 174 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 cho người đại diện theo ủy quyền là ông Đặng Hữu Nam, trú tại Nhà thờ Giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đến nay, số đơn đó đã được ông Nam và các giáo dân nhận lại.
Trước đó, ngày 02/10/2016, có khoảng 4000 giáo dân dưới sự chỉ đạo, tham gia trực tiếp của một số chức sắc đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Quảng Bình đã tổ chức tuần hành tại thị xã Kỳ Anh và tụ tập trước các cổng của Công ty Formosa. Trong quá trình tụ tập, một số người quá khích đã viết, vẽ nhiều câu khẩu ngữ chống đảng, nhà nước, đập phá tài sản của Công ty Formosa, gây cản trở giao thông, tấn công lực lượng chức năng...
Việc tổ chức đoàn đi tập trung nộp đơn khởi kiện của 506 người dân, công giáo Nghệ An cũng như việc tổ chức các đợt đi tuần hành trong thời gian gần đây, theo báo cáo của các ngành chức năng không chỉ xuất phát từ đòi hỏi của các cá nhân mà nhiều hộ dân bị một số phần tử thúc ép, xúi dục. Lẫn vào các nhóm đi khởi kiện, tuần hành có nhiều đối tượng thường xuyên đi kích động, bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng, tuyên truyền trái pháp luật; đã từng vi phạm pháp luật...
Để giải quyết tình hình phức tạp trên, hệ thống chính trị của tỉnh Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh, các địa phương liên quan đã phát hiện, phân loại các đối tượng và triển khai lực lượng để phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất về hậu quả. Đồng thời, chính quyền tỉnh, huyện, xã, các lực lượng liên quan làm việc với các chức sắc, chức việc tôn giáo, linh mục trên địa bàn để từng bước vận động, đấu tranh, tạo sự đồng thuận với chính quyền địa phương trong xử lý các vụ việc, không để các đối tượng xấu, đối tượng cực đoan, lợi dụng sự cố môi trường đê kích động nhân dân có các hoạt động chống phá Nhà nước, vụ lợi cá nhân, coi thường kỷ cương phép nước
2. Về việc tổ chức kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 và Văn bản số 7433/BNN-TCTS ngày 01/9/2016, đối tượng kê khai, xác định thiệt hại có 08 nhóm gồm: (1) Khai thá hải sản; (2) Nuôi trồng thủy sản; (3) Sản xuất muối; (4) Kinh doanh thủy sản ven biển; (5) Cơ sở chế biến thủy sản; (6) Cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản; (7) Dịch vụ hậu cần nghề cá; (8) Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động khảo sát, rà soát đối tượng, nghiên cứu phương pháp xác định thiệt hại của các đối tượng để tham mưu, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ ngành liên quan các giải pháp xử lý cụ thể.
Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức 05 cuộc tập huấn cho hơn 2.000 cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, thôn, xóm từ Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng và Trưởng ban Mặt trận thôn trở lên thuộc 6 huyện, thị xã ven biển và thành phố Hà Tĩnh. Thành lập Hội đồng thẩm tra và 07 Tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát cấp tỉnh; 7/7 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng thẩm định cấp huyện; 63/63 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá thiệt hại cấp xã và 344/344 thôn, xóm thành lập Tổ xác nhận đối tượng, số lượng thiệt hại.
Chỉ đạo Cục Thống kê, Sở Tài chính trên cơ sở số liệu thống kê, kết quả khảo sát, dữ liệu đầu vào và phương pháp tính toán theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng dự thảo bộ định mức, đơn giá phục vụ bồi thường gửi các bộ, ngành liên quan. Chỉ đạo các sở, ngành xây dựng và ban hành hướng dẫn liên ngành về trình tự, nội dung, các bước đánh giá, thẩm định thiệt hại, phục vụ cho hội đồng đánh giá cấp huyện thẩm định, tham mưu phê duyệt đối tượng, số lượng, giá trị thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng.
Theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định được bồi thường do sự cố môi trường biển thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh bao gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.
- Thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9/2016.
- Định mức bồi thường được Chính phủ, tỉnh quy định: chủ tàu/thuyền không lắp máy do nằm bờ, định mức bồi thường 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ, định mức bồi thường 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ, định mức bồi thường 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy từ 800 CV trở lên thiệt hại, định mức bồi thường 37,48 triệu đồng/tàu/tháng...
Đối tượng lao động trên tàu/ thuyền không lắp máy do nằm bờ, định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ định mức bồi thường 5,96 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ, định mức bồi thường 7,65 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ, định mức bồi thường là 8,79 triệu đồng/người/tháng.
Thiệt hại nghề muối, định mức bồi thường 39,37 triệu đồng/ha/tháng, được trả một lần. Người lao động bị mất thu nhập, định mức bồi thường 2,91 triệu đồng/người/tháng.
Quyết định cũng đã quy định cụ thể định mức bồi thường nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Riêng đối với ba đối tượng: khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối...
Tính đến ngày 10/10/2016, kết quả thực hiện việc kê khai bồi thường của tỉnh Hà Tĩnh như sau:
- Phạm vi kê khai, xác định thiệt hại: 344 thôn/xóm thuộc 63 xã, phường của 07 huyện, thành phố, thị xã.
- Khai thác thủy sản: 6.893 tàu cá. Nuôi trồng thủy sản: 2.259 ha; nuôi lồng bè 31.692m3, sản xuất muối 127,055. Lao động bị ảnh hưởng 31.649 người, trong đó: Lao động trực tiếp bị ảnh hưởng 27.969 người, lao động gián tiếp bị ảnh hưởng 3.380 người; Khối lượng hải sản đông lạnh các loại tồn kho khoảng 1.880 kg, tương đương trị giá hơn 106.000.00 đồng.
Trên cơ sở định mức bồi thường thiệt hại theo Quyết định 1880 của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục triển hai các bước tiếp theo để chi trả cho các đối tượng thiệt hại. Giá trị thiệt hại của tỉnh Hà Tĩnh theo định mức ban hành kèm theo quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ tính đến ngày 10/10/2016 với khoảng 2.045.65.092 triệu đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp: 1.980.912,291 triệu đồng, thiệt hại gián tiếp: 64.252,80 triệu đồng.
Để có được những kết quả nêu trên, hệ thống chính trị các cấp đã có sự nỗ lực lớn. Tuy nhiên, vì khối lượng công việc nhiều, phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian gấp, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn còn thiếu đồng bộ nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình rà soát đối tượng và tổ chức kê triển khai còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập trong việc xác định đối tượng, phương pháp thống kê, kiểm điểm, tính toán thiệt hại, phương pháp tổng hợp số liệu.
+ Về nuôi trồng thủy sản: Các hộ đã thả nuôi năm 2016 không bị chết hoặc có tỷ lệ chết dưới 70% không được kê khai bồi thường; việc xác định tỷ lệ hải sản chết trên 70% không có biên bản.
+ Về thẩm định tàu thuyền: Số lượng kê khai có sự chênh lệch lớn so với số lượng đã được hỗ trợ theo Quyết định 722 của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/5/2016 và Quyết định 1121 ngày của 11/5/2016 UBND tỉnh.
+ Việc xác nhận lao động tuyên truyền và trong cơ sở nuôi trồng thủy sản khó kiểm soát.
+ Về độ tuổi lao động: Theo quy định, độ tuổi lao động được tính từ 15 tuổi trở lên và dưới 80 tuổi nhưng thực tế vẫn còn nhiều lao động dưới 15 tuổi và trên 80 tuổi.
+ Việc xác định lao động làm trong các cơ sở kinh doanh thiếu chính xác vì một số lĩnh vực chỉ thuê lao động theo thời vụ.
+ Một số thôn, xã... vùng giáo chưa tiến hành kê khai, mặc dù đã được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành thị xã Kỳ Anh chỉ đạo quyết liệt, vận động tích cực.
- Quá trình thực hiện, chính quyền các địa phương, người dân có đề xuất bổ sung thêm phạm vi, đối tượng bị thiệt hại. Những nội dung này đã được UBND tỉnh tổng hợp chương trình Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Tuyên truyền, giải thích và vạch trần các âm mưu, hoạt động lợi dụng sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung - những hoạt động của tổ chức khủng bố Việt Tân
Tổ chức Việt Tân có tên đầy đủ là “Việt Nam canh tân cách mạng đảng”, trụ sở chính đặt tại Mỹ và Bangkok, Thái Lan. Cơ quan tuyên truyền của Việt Tân gồm báo “Kháng chiến”; đài “Việt Nam kháng chiến”, “Chân trời mới”. Đối tượng cầm đầu, chỉ huy, “Chủ tịch Việt Tân” là Đỗ Hoàng Điềm sinh năm 1963. “Tổng bí thư” Việt Tân là Lý Thái Hùng sinh năm 1953. Cả hai đối tượng này đều có quốc tịch Mỹ.
Quá trình hình thành Việt Tân: Năm 1981, Hoàng Cơ Minh, nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc hải quân chính quyền Sài Gòn cũ đã thành lập Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam để chống Việt Nam bằng các hoạt động vũ trang, khủng bố.
Năm 1982, Hoàng Cơ Minh lập “Việt Nam canh tân cách mạng đảng”. Sau khi thành lâp, Việt Tân đã tuyển mộ, huấn luyện các thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin...; tiến hành các chiến dịch, đưa các toán vũ trang xâm nhập vào Việt Nam để lập mật cứ nhưng đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam và Lào ngăn chặn.
Ở nước ngoài, Việt Tân thành lập “Đội sát thủ K9” chuyên khủng bố, thủ tiêu những nhà báo gốc Việt đưa tin, vạch mặt các hoạt động lừa đảo của Hoàng Cơ Minh và đồng bọn. Hiện nay, Việt Tân đang tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo các thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn... nhân các sự kiện. Với sự cố môi trường biển ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung được Việt Tân xác định là cơ hội tốt để thực hiện những mưu đồ chính trị đen tối của mình. Tổ chức Việt Tân tiếp tục đưa nước ngoài đào ạo, huấn luyện; tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại; tán phát lên mạng Internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, thành lập các nhóm săn tin, viết bài xuyên tạc trên các trang mạng xã hội... Qua báo cáo của lực lượng chức năng, tất cả các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong những năm gần đây đều có bàn tay phá hoại của Việt Tân.
Theo thông báo của Bộ Công an, song song với việc kích động bằng vũ lực, tổ chức Việt Tân thường xuyên kích động, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội công kích chính phủ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng hệ thống chính trị Việt Nam thờ ơ với sự cố môi trường, bỏ mặc nhân dân bị thiệt hại, triển khai dự án Formosa vì lợi ích nhóm; đưa tin sai sự thật về các hoạt động của lực lượng an ninh. Viết nhiều bài báo xuyên tạc sự thật. Đáng băn khoăn, khi các bài viết này xuất hiện trên các trang mạng xã hội, mặc dù thiếu tính thuyết phục, khai thác thông tin mang tính chất quy chụp nhưng đã có nhiều người chia sẻ các bài viết trên địa chỉ cá nhân, dẫn tới nhiều thông tin, gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận nhân dân, làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân ta đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước ta.
Dự báo trong thời gian tới, tổ chức Việt Tân sẽ bằng nhiều hình thức để phá hoại những thành quả của cách mạng Việt Nam và những kết quả đạt được của Hà Tĩnh trong thời gian qua. Tổ chức Việt Tân và các thế lực thù địch không muốn sự tồn tại của công ty Formosa, không muốn Hà Tĩnh có môi trường đầu tư thuận lợi. Theo đó chúng dùng các chiêu trò để tạo những xung đột trong nội bộ Đảng, bất đồng trong nhân dân, kích động nhân dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tổ chức các hoạt động biểu tình, bạo loạn. Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải hết sức tỉnh táo, đề phòng cảnh giác mắc bẫy Việt Tân và các thế lực thù địch. Trong thông báo chính thức của Bộ Công an về hoạt động của các tổ chức Việt Tân đã nêu rõ: Việt Tân là tổ chức khủng bố, dó đó người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do Việt Tân tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân... sẽ là đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố. Pháp luật Việt Nam sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định.