Một số vấn đề Địa lý học đới bờ biển Việt Nam

03/04/2014 03:47
 1. Giới thiệu
1.1. Quan niệm về đới bờ biển

Đới bờ biển (ĐBB) hay còn gọi là đới bờ, về mặt không gian được quan niệm khác nhau, trong bài này chúng tôi hiểu ĐBB gồm hai dải kéo dài ôm lấy đường bờ, là dải đất ven biển (hay dải ven biển) và dải biển nông ven bờ (hay dải ven bờ). Ranh giới bên trong của dải đất ven biển là địa giới hành chính của các huyện, quận, thành phố (thuộc tỉnh) ven biển; còn ranh giới bên ngoài của dải biển nông ven bờ là mép thềm lục địa (theo nghĩa địa mạo) thường đến độ sâu 200m.

1.2. Những đặc điểm chính của ĐBB:

Là nơi chuyển tiếp giữa lục địa và biển, một hệ tự nhiên có quy mô toàn cầu,  chiếm một diện tích đáng kể của bề mặt Trái Đất, tới khoảng 8% (riêng phần thềm lục địa đã chiếm 5,7%).

Nơi đây xảy ra tác động tương hỗ mạnh mẽ của cả bốn quyển là thạch quyển, thủy quyển, khí quyển và sinh quyển; nơi thể hiện kết quả tương tác giữa các quá trình lục địa và biển, giữa các hoạt động nội sinh và ngoại sinh, đặc biệt là các hoạt động của con người. Các quá trình đó đã tạo ra cho ĐBB một hệ thống cảnh quan đa dạng cùng nguồn tài nguyên phong phú vượt trội, hơn hẳn các hệ tự nhiên khác nằm sâu trong lục địa hay ngoài xa đại dương.

Một đới rất nhậy cảm, phụ thuộc chặt chẽ vào các biến động của tự nhiên và xã hội; môi trường ĐBB trở nên dễ bị biến đổi và tổn thương, thoái hóa.

Theo H. Viles, T. Spencer [10] ĐBB đã được con người sử dụng từ rất xa xưa và các hình thức sử dụng rất đa dạng  (Bảng 1).

  Bảng 1. Các hình thức sử dụng đới bờ biển [10]
Các đới Các dạng của đới bờ  Hình thức sử dụng
Đới xa bờ Thềm lục địa
 
Ám tiêu san hô
Đánh bắt hải sản. Khai thác dầu khí. Khai thác cát. Chôn lấp chất thải. Đổ nước thải.
Du lịch. Đánh bắt hải sản. Khai thác san hô.
Đới giáp
 bờ
Cửa sông
Bãi biển
 
Đất ngập nước
 
 
Nền bờ
Đập chắn triều. Công trình bảo vệ bờ.
Nghỉ ngơi. Khai thác cát sỏi. Xây dựng sau bãi. Công trình bảo vệ bờ.
Nuôi trồng hải sản. Đầm nuôi. Bãi nuôi sò. Khai hoang lấn biển. Chăn thả. Khai thác gỗ và củi. Mương máng, ống dẫn. Bảo tồn thiên nhiên.
Thu lượm hải sản. Khai thác vật liệu.
Đới trên
 bờ
Đất đai cho xây
 dựng, lấn biển
Cầu cảng. Nhà cửa. Công nghiệp. Nông nghiệp. Du lịch. Bảo tồn thiên nhiên.
Đới sau
 bờ
Gò đụn cát
 
Các vách đá
Nghỉ ngơi. Sân gôn. Xây dựng. Khai thác nước. Tập trận. Bảo tồn tự nhiên.
Bảo vệ bờ. Xây dựng. Khai thác vật liệu. Bảo tồn bờ.
 
 Việc sử dụng đa dạng vùng bờ biển đòi hỏi có sự quản lý tổng hợp và thống nhất của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, là những người có trách nhiệm bảo vệ các điểm định cư ở đới bờ và cho phép hoặc ngăn cấm các hoạt động sử dụng đới bờ.

Việt Nam có đới bờ biển rộng lớn đang phát triển rất sôi động về kinh tế và các hoạt động xã hội khác, nhưng cũng đứng trước những thách thức to lớn trong nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó bài này nêu lên sơ bộ một số vấn đề của địa lý học trong sử dụng vùng lãnh thổ quan trọng này, bao gồm các vấn đề về tài nguyên, về các hiểm họa tai biến thiên nhiên, và vấn đề quy hoạch sử dụng và bảo tồn. 

2. Đặc điẻm cơ bản đới bờ biển Việt Nam
2.1. Diện tích và dân số

Tổng hợp từ nguồn Niên giám thống kê (TCTK) cho thấy ĐBB Việt Nam thuộc 28 tỉnh và thành phố (trực thuộc Trung ương) ven biển, tại đó có 21 thành phố  (thuộc tỉnh), 6 thị xã, 9 quận, và 100 huyện, tổng cộng 136 đơn vị hành chính, với diện tích 47.701,1 km2 và dân số 18.077.007 người (tháng 4/2009..)[1]/. Như vậy phần đất nổi của ĐBB Việt Nam (bao gồm dải ven biển và các đảo ven bờ, chưa gồm mặt biển) về diện tích chiếm 14,4% toàn quốc, về dân số chiếm  21,0% . Diện tích dải ven biển 46.053,5 km2, với chiều rộng trung bình 14,1 km. Diện tích của dải biển nông ven bờ hiện nay chưa có số liệu chính thức, do còn có một số vùng tiếp giáp với các nước láng giềng chưa có đầy đủ các Hiệp định hoạch định đường ranh giới chính thức.

Trên dải biển nông ven bờ phân bố toàn bộ hệ thống đảo ven bờ, diện tích 1.721 km2[1], trên đó đã thành lập 10 huyện đảo có diện tích 1.647,6 km2 và dân số 236.989 người, cùng 11 xã, phường đảo trực thuộc các huyện, thị xã và thành phố trên bờ, với 30.890 người; như vậy  tổng cộng  trên hệ thống đảo ven bờ có 267.879 người sinh sống (2009), mật độ 155,6 người/km2, trong khi trên dải ven biển mật độ 387,3 người/km2.

2.2. Điều kiện tự nhiên và tài mguyên

Thuộc về ĐBB Việt Nam bao gồm phần bên ngoài của các đồng bằng châu thổ rộng lớn và màu mỡ sông Hồng và Cửu Long, cùng các đồng bằng cửa sông, ven biển nhỏ hẹp hơn phân bố dọc suốt Miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Các đồng bằng đó được phân cách bởi các dải núi thấp, thường được tách ra từ các dãy núi phía Tây. Ở ngay ranh giới giữa lục địa và biển là nhiều hệ thống tự nhiên quan trọng, đó là các vùng cửa sông, các đầm phá, các vùng đầm lầy cùng rừng ngập mặn, các đụn cát kéo dài như vô tận, các bãi biển và các vũng vịnh nhiều nguồn gốc phân bố suốt từ Bắc chí Nam. Còn trên vùng biển nông ven bờ nổi bật nhất là hệ thống đảo ven bờ, theo thống kê sơ bộ của chúng tôi [1] bao gồm 2.773 đảo lớn nhỏ.

Về mặt tài nguyên có thể nói rằng chính trên ĐBB tập trung nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất của đất nước. Thật vậy, ở đới này có hầu như toàn bộ trữ lượng than đá, trữ lượng căn bản về dầu khí, về quặng sắt, quặng ilmênit, về cát thạch anh, vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp-đổ nền. Tiếp theo phải kể đến nguồn tài nguyên sinh vật đặc thù nhiệt đới, với thủy hải sản là nguồn sống của cả chục triệu người, cùng với các Vườn Quốc gia, Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Khu bảo tồn biển; tài nguyên địa chất-địa mạo với các Di sản thiên nhiên cấp quốc gia và quốc tế. Cũng phải kể đến các nguồn tài nguyên đất, nước, gió, sóng và năng lượng Mặt Trời; và có giá trị to lớn là tài nguyên du lịch biển đảo, đã và đang được khai thác mạnh.

Đặc biệt phải kể đến một dạng tài nguyên nổi trội của ĐBB, đó là tài nguyên vị thế, một dạng tài nguyên mới được nhận dạng và đánh giá, nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng về cả địa-môi trường, địa-kinh tế và địa-chính trị. Và cùng với tài nguyên vị thế còn một dạng tài nguyên nữa không kém phần quan trọng, đó là tài nguyên không gian mà Ủy ban Châu Âu đã xác định [4].

Cũng phải nói đến các dạng tài nguyên văn hóa tập trung phong phú ở ĐBB, với các Di sản văn hóa cấp quốc gia và quốc tế, các Lễ hội truyền thống nổi tiếng tại các địa phương ven biển hay trên hải đảo, cùng với các công trình xây dựng đình chùa, miếu, tháp, nhà thờ hàng trăm năm tuổi, cũng như các di chỉ khảo cổ với các nền văn hóa biển từ sáu-bảy ngàn năm trước.

2.3. Kinh tế

Chính trên dải ven biển và vùng biển lân cận là nơi tập trung nhiều thành phố lớn quan trọng, hệ thống giao thông huyết mạch của toàn quốc về đường sắt, đường bộ và đường thủy với các hải cảng là cửa ngõ thông thương với thế giới bên ngoài; nơi tập trung các Khu kinh tế biển quan trọng nhất, các Khu công nghiệp, Khu chế xuất; cũng là nơi phân bố các trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước; nơi mở cửa và hội nhập với thế giới bên ngoài.

Ý nghĩa quan trọng về kinh tế của ĐBB có thể nêu: Năm 2009, 28 tỉnh và thành phố ven biển về diện tích có 136.829,0 km2 chiếm  41,33% toàn quốc, về dân số có 43.511,8 ngàn người, chiếm 50,58%, trong khi đó về mặt tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 1.056.880,3 tỷ đồng (giá thực tế), chiếm đến 63,72%; và như vậy GDP bình quân đầu người ở các tỉnh ven biển bằng 126% mức trung bình của cả nước[2]/.

Để có thể có một khái niệm sơ bộ về quy mô kinh tế của ĐBB chúng tôi tạm tính bằng cách coi nền kinh tế của mỗi tỉnh, thành phố ven biển trải đều theo quy mô dân số của tỉnh, thành phố đó, do đó: GDPĐBB = GDPbq x DSĐBB , trong đó bq: bình quân đầu người của tỉnh, DS: dân số (của ĐBB của tỉnh). Kết quả cho thấy tổng GDP của ĐBB đạt 410.172,3 tỷ đồng, so với toàn quốc đạt 24,73%, trong khi dân số có 21,0% và diện tích chiếm 14,4%. Các tỉnh, thành phố có tổng GDP ở ĐBB vượt trội là Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang (>20 ngàn tỷ đồng), tiếp theo là Đà Nẵng, Thanh Hóa, Hải phòng và Quảng Ninh (17-19 ngàn tỷ). Những tỉnh ở ĐBB có GDP thấp (3-8 ngàn tỷ) chủ yếu là các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng và Cửu Long, và một số tỉnh duyên hải Miền Trung.

Có thể xem xét sự phân hóa dân cư và kinh tế ĐBB theo các vùng lãnh thổ: Đới bờ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, và Nam Bộ (Bảng 2).
Bảng 2. Dân số và Tổng sản phẩm trong nước theo các vùng lãnh thổ (2009)
Vùng       Tỉnh và thành phố
              ven biển
                      Đới bờ biển Chiều
Dài
bờ
 biển
(km)
 Diện tích
(km2)
Dân số
(ngàn người)
GDP (giá
 thực tế)
(tỷ đồng)
Diện tích đất liền
 và đảo
 (km2)
Diện tích biển Dân số
 
( người)
GDP(giá thực tế)
(tỷ đồng)
Bắc Bộ 12.230,1 7.498,7 134.817,9 5.657,9   2.692.155 51.055,7 515
Bắc TrungBộ 51.524,6 10.090,4 124.341,7 11.865,9   5.224.032 65.095,6 642
Nam Trung Bộ 44.360,7 8.780,0 150.607,1 15.878,2   5.991.407 105.303,4 1275
Nam Bộ 28.713,6 17.142,7 647.113,6 14.299,1 chưa rõ 4.169.413 188.717,6 828
Tổng 136.829,0 43.511,8 1.056.880,3 47.701,1   18.077.007 410.172,3 3260
 
Bảng 2 cho thấy sự phát triển vượt trội về kinh tế (thông qua chỉ số GDP) của ĐBB Nam Trung Bộ và Nam Bộ so với phía Bắc: ĐBB phía Nam chiếm đến 71,68% tổng GDP của ĐBB toàn quốc, trong khi dân số chỉ chiếm 56,20%. Nếu như GDP bình quân đầu người của ĐBB nói chung (24.289,5 ngàn đồng) lớn hơn (bằng 126%) bình quân toàn quốc (19.278,0 ngàn đồng), thì GDP bình quân đầu người của toàn ĐBB phía Bắc là thấp hơn khá nhiều bình quân toàn quốc, chỉ đạt 14.672,6 ngàn đồng (bằng 76,1%), trong khi đó GDP bình quân đầu người ở ĐBB phía Nam đạt đến 28.936,7 ngàn đồng, tức gần gấp đôi phía Bắc (1,97 lần), và bằng 150,1% bình quân toàn quốc. Điều đó chứng tỏ ĐBB phía Bắc chưa tận dụng được ưu thế của địa phương giáp biển, chưa phát huy được thế mạnh về kinh tế biển đảo của mình, trừ Quảng Ninh và Hải Phòng. Sự phân hóa và chênh lệch nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có sự phân hóa về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và cũng còn do cả truyền thống địa phương.

2.4. Tình trạng môi trường và các vấn đề cần quan tâm

Có thể nói ĐBB Việt Nam là nơi tập trung nhiều vấn đề môi trường nhất, nơi có phạm vi khai thác tài nguyên rộng và với nhịp độ cao, tác động của con người là sâu rộng và mạnh mẽ. Đã có nhiều số liệu nói lên hiện trạng ở nhiều vùng có nguy cơ ô nhiễm môi trường nước biển, nước ngầm, ô nhiễm môi trường trầm tích và môi trường đất, môi trường không khí bởi các kim loại nặng (Zn, As, Cu, Cd,...), bởi dầu, nước thải, rác thải và bụi, do các hoạt động khai thác khoáng sản, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, v.v..Đặc biệt ĐBB cũng là nơi tập trung nhiều loại tai biến gây nên nhiều tổn thất về người và tài sản; đó là các trận bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, xói lở và bồi tụ, và trước mắt là nguy cơ nước biển dâng[3]/. Cũng ở ĐBB đã và sẽ xảy ra các xung đột môi trường đa dạng, thể hiện các mâu thuẫn về lợi ích giữa sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong đó, các mâu thuẫn về lợi ích ở mức độ cao có thể kể mâu thuẫn giữa các hoạt động nuôi trồng thủy sản với nông lâm nghiệp, diêm nghiệp và du lịch; giữa đánh bắt thủy sản với công tác bảo tồn và du lịch; giữa khai thác khoáng sản với phát triển du lịch, bảo tồn, và nông lâm nghiệp, v.v. Ngoài ra một số vấn đề ở ĐBB hiện nay cũng rất cần được quan tâm: đó là nơi sinh cư và nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ đã bị khai thác cạn kiệt, các hệ sinh thái bị suy thoái mạnh; sức ép dân số gia tăng và sự nghèo khó còn ở tỷ lệ cao; chính sách quản lý đới bờ còn nhiều bất cập. 

3. Những vấn đề địa lý học cơ bản của ĐBB Việt Nam

ĐBB Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập và phát triển mạnh mẽ như hiện nay đã và đang đặt ra quá nhiều vấn đề cho địa lý học nghiên cứu, cả về tự nhiên và cả về kinh tế-xã hội. Tuy nhiên theo chúng tôi có ba vấn đề cơ bản mà địa lý học cần quan tâm nghiên cứu nhằm góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững lãnh thổ, đó là các vấn đề về tài nguyên, tai biến thiên nhiên, và quy hoạch.

3.1.  Vấn đề về tài nguyên đặc thù của ĐBB:

Bên cạnh những tài nguyên truyền thống đã và đang được sử dụng rộng rãi như khoáng sản, sinh vật mà sẽ cạn kiệt, chúng tôi mong muốn hướng sự quan tâm đến những tài nguyên mới được nhận thức thời gian gần đây, nhưng là đặc thù của ĐBB và có ý nghĩa lớn cho sự phát triển bền vững, gồm: di sản thiên nhiên, tài nguyên không gian và tài nguyên vị thế. Các dạng tài nguyên này cần được nghiên cứu và khai thác kịp thời bởi chúng có thể đưa lại những lợi ích kinh tế-xã hội vượt bậc đồng thời có thể giảm thiểu việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên không tái tạo hoặc tiêu hao khác.

a) Di sản thiên nhiên (Natural heritages)

Di sản thiên nhiên là các thành phần tự nhiên và sinh học, hoặc nơi sinh sống của sinh vật, có các giá trị tổng hợp nổi bật về mỹ học và khoa học (UNESCO, 2005 [6]), hoặc cụ thể hơn: là di sản của những vật thể tự nhiên cùng với các thuộc tính của chúng tạo nên cảnh quan và môi trường tự nhiên, bao gồm các hệ động vật và thực vật (đa dạng sinh học), cùng với địa chất và địa hình (đa dạng địa học)[4]/. Di sản thiên nhiên biển đảo Việt Nam đã được nghiên cứu bước đầu trong công trình [6] dưới dạng các kỳ quan địa chất và sinh thái, được tạo ra bởi các quá trình địa chất và quá trình tiến hóa của sinh vật. Các tác giả đã đề xuất 35 khu vực kỳ quan địa chất và sinh thái biển đảo thuộc 3 cấp quản lý khác nhau (quốc tế, quốc gia, địa phương) với 80 danh hiệu. Riêng ở cấp quốc tế các kỳ quan địa chất trong ĐBB bao gồm: 1) Di sản địa chất và thẩm mỹ: Quần đảo Bái Tử Long, Hạ Long; 2) Công viên địa chất: Cát Bà-Long Châu, Lăng Cô-Hải Vân-Sơn Chà, Vùng cát đỏ Phan Thiết; 3) Danh thắng: Vùng Cửa Ba Lạt, Cồn cát Bình-Trị-Thiên, Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Vịnh Nha Trang, Vùng Mũi Cà Mau. Tương tự, các kỳ quan sinh thái cấp quốc tế ở ĐBB gồm: 1) Các Di sản đa dạng sinh học: Quần đảo Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, Cát Bà-Long Châu; 2) Khu dự trữ sinh quyển: Vùng cửa Ba Lạt, Đầm phá Tam Giang-Cầu Hai-Lăng Cô-Hải Vân-Sơn Chà, Cù Lao Chàm, Khu Cần Giờ, Mũi Cà Mau, Phú Quốc, Hà Tiên-Kiên Lương; 3) Khu bảo vệ đất ngập nước: Vùng cửa Ba Lạt, Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Khu Cần Giờ, Mũi Cà Mau; 4) Khu danh thắng: Côn Đảo.

b) Tài nguyên không gian (Space resources)

Ủy ban Châu Âu xác định tài nguyên thiên nhiên có 4 loại: nguyên liệu (khoáng sản, sinh khối), chất liệu môi trường (không khí, đất, nước), tài nguyên dòng (gió, địa nhiệt, thủy triều, năng lượng mặt trời), và tài nguyên không gian [4]. Tài nguyên không gian được hiểu là nơi sinh ra và duy trì các dạng tài nguyên nêu trên, nơi diễn ra các hoạt động của con người, gồm chủ yếu là bề mặt đất, mặt biển và khoảng không bên trên. Ở ĐBB, đó là các mặt bằng thuận lợi cho việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, kỹ thuật, nơi định cư và nơi triển khai các hoạt động phát triển về nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch; đó là các mặt biển thuận lợi cho xây dựng các cầu cảng, khu neo đậu tàu thuyền, cho các hoạt động thể thao trên biển, các hoạt động ngư nghiệp, giao thông, xây dựng các công trình điện gió, điện thủy triều, khai thác khoáng sản, hoạt động quân sự, v.v. Cho đến nay dạng tài nguyên này thường ít được nghiên cứu và kiểm kê, đánh giá, trong khi chúng rất cần thiết cho công tác quy hoạch và quản lý lãnh thổ.

Có thể tạm thời chia ra các nhóm:
+ Nhóm tài nguyên không gian trên dải ven biển: gồm các bề mặt bãi biển, các trảng cát sau bãi, các đồng bằng ven biển, các bậc thềm, cùng các dải đồi nguồn gốc khác nhau và khoảng không bên trên;

+ Nhóm tài nguyên không gian nơi chuyển tiếp đất-biển: gồm các đầm lầy, các bãi triều, các cửa sông, đầm phá và vũng vịnh, cùng khoảng không tương ứng;

+ Nhóm tài nguyên không gian biển ven bờ: gồm chủ yếu các mặt biển, các đảo và quần đảo, cùng khoảng không bên trên chúng.
 
Như vậy tài nguyên không gian không chỉ là diện tích của đất đai, biển đảo và khối lượng khoảng không tương ứng, mà cái chính là các giá trị của chúng có ích cho việc xây dựng công trình và triển khai các hoạt động sản xuất và đời sống của con người[5]/.

c) Tài nguyên vị thế (Position resources)

Có thể hiểu tài nguyên vị thế là những nguồn lợi hay giá trị mà một lãnh thổ có thể khai thác được để phục vụ cho xã hội nhờ lợi thế về vị trí địa lý của mình, bao gồm các lợi ích về môi trường tự nhiên, về kinh tế, và về chính trị, quân sự. Nhiều đối tượng và khu vực biển đảo Việt Nam đã được sơ bộ đánh giá về tài nguyên vị thế [2], cũng đã đề xuất được một số khu vực ở ĐBB có tài nguyên vị thế đặc biệt, mang tầm quốc gia và quốc tế, trong đó các khu vực có giá trị cấp quốc gia gồm: Đảo Trần, Đảo Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long, Đồng bằng ven biển châu thổ Sông Hồng, Đèo Ngang, Đảo Cồn Cỏ, Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Vịnh Chân Mây, Bán đảo Hải Vân-Sơn Chà, Vịnh Đà Nẵng, Vịnh Vân Phong-Bến Gỏi, Đảo Phú Quý, Đảo Thổ Chu. Các khu vực có tài nguyên vị thế đặc biệt quan trọng mang tầm quốc gia-quốc tế bao gồm: Quần đảo Cát Bà, Đảo Bạch Long Vĩ, Vùng cửa sông Bạch Đằng, Vịnh Cam Ranh, Vùng cửa sông Đồng Nai, Quần đảo Côn Sơn, Đảo Phú Quốc [6].

3.2. Vấn đề về hiểm họa tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu ở ĐBB :

ĐBB chính là nơi hơn đâu hết phải gánh chịu nhiều hiểm họa của tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu, là điều mà các nhà quản lý cùng với cộng đồng đới bờ cần nhận thức đầy đủ để có thể xây dựng được một chiến lược ứng phó toàn diện và kịp thời đảm bảo cho đới bờ phát triển bền vững.  

a)  Bão lụt: Theo thống kê[6]/, trong vòng hơn 50 năm (1954-2006) ĐBB Việt Nam phải hứng chịu 380 trận bão và áp thấp nhiệt đới; và thường đi kèm với bão là các trận mưa rất lớn, có khi đạt 500-1000 mm/đợt, gây lũ lụt nghiêm trọng cho các địa phương ven biển. Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 5-6 thập kỷ gần đây tần suất xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam tăng lên với tốc độ 0,2 cơn/thập kỷ; những năm gần đây bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt nhiều cơn bão có đường đi bất thường không theo quy luật. Bão kết hợp với mưa lớn đã gây ra những tổn thất vô cùng nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là đối với các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, nơi bão lụt thường xảy ra đồng thời trên nhiều tỉnh.

b) Xói lở bờ biển: Tài liệu thống kê đã khẳng định chắc chắn rằng xói lở bờ biển Việt Nam phát triển gia tăng mạnh chỉ trong những thập kỷ gần đây [7], mà nguyên nhân chính là sự gia tăng tác động của nhóm nhân tố ngoại sinh (sóng, dòng chảy, nước biển dâng,...) và nhân sinh (thủy điện, phá rừng, khai thác khoáng sản,...), trong khi nhóm nhân tố nội sinh ít biến đổi hơn.

Bờ biển Bắc Bộ bị xói lở thường có tính cục bộ, tập trung chủ yếu  ở hai khu là Cát Hải và Hải Hậu. Tại Hải Hậu trên chiều dài 19 km diện tích bị xói lở tăng nhanh đến những năm gần đây: từ tốc độ 3,0 ha/năm (1930-1965)  tới 21,5 ha/năm (1995-2003) [7].

Dọc bờ biển Trung Bộ quá trình xói lở diễn biến phức tạp và có xu thế gia tăng rõ rệt, thể hiện bởi tổng số các đoạn bờ bị xói lở tăng lên theo thời gian, ban đầu xuất hiện 14 đoạn (1950-1969), cho đến 2003 đã có tổng cộng 284 đoạn bị xói lở với chiều dài 392 km, chiếm 20,4% chiều dài bờ cả Miền Trung. Những tỉnh có chiều dài bờ bị xói lở nhiều nhất là từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế (219 km), lớn gần gấp 2 lần trung bình của toàn Miền. Đó là những tỉnh có đường bờ nằm vuông góc với gió và sóng Đông bắc, đồng thời lại cấu tạo chủ yếu bởi trầm tích bở rời.

Bờ biển Nam Bộ thuộc bờ châu thổ, thấp và cấu tạo bởi trầm tích bở rời, bị xói lở kém mạnh mẽ so với Trung Bộ, nhưng cũng thấy rõ sự gia tăng theo thời gian, và cũng có những điểm nghiêm trọng. Những đoạn bờ bị xói lở mạnh thuộc huyện Cần Giờ (Tp Hồ Chí Minh), Gò Công Đông (Tiền Giang), Đông Hải (Bạc Liêu), Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau). Tại khu vưc Gành Hào (Đông Hải) hiện tượng xói lở bắt đầu từ những năm 1970 cho đến nay đã làm cho đường bờ lùi sâu vào đất liền khoảng 300-400 m, với tốc độ khoảng 10-15 m/năm [7].

c) Động đất và sóng thần

Các nhà nghiên cứu về ảnh hưởng của động đất và sóng thần ở Biển Đông đến đới bờ Việt Nam đều thống nhất coi đới hút chìm Manila là nguồn gây tai biến chủ yếu. Theo [5] với các mô hình MNL3 (Mw=8,5) và MNL4 (Mw=8,3) cho thấy các vị trí gần Đông Hà, Huế, Hội An và Quảng Ngãi có độ cao sóng thần lớn nhất, nhiều chỗ cao tới 5 m như ở Hội An, Huế,...đặc biệt ở vùng Quảng Ngãi cao tới hơn 6 m. Thời gian lan truyền sóng thần từ nguồn tới khu vực này là 2 giờ.

Trong công trình [8] cũng đã xác định khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của sóng thần là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, đồng thời đã tính được phạm vi và độ sâu ngập lụt cho đới bờ các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận. Với động đất có độ lớn Mw=8,4 xảy ra tại đới hút chìm Manila, độ sâu ngập lụt từ 2 m đến 4-5 m, và phạm vi ngập lụt từ 2-3 km đến 5 km tính từ bờ đối với các vùng thấp, cửa sông.       

Tuy xác xuất xảy ra sóng thần ở ĐBB Việt Nam là không lớn, nhưng thực sự tồn tại, do đó cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền cũng như của cộng đồng ĐBB về tai biến này để có những giải pháp phòng tránh thích hợp.

d) Nước biển dâng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường [3] với kịch bản phát thải cao (A1FI), đến cuối thế kỷ 21 nước biển dâng cao nhất ở khu vực Cà Mau-Kiên Giang (85-105 cm), thấp nhất ở khu vực Móng Cái (66-85 cm), trung bình toàn Việt Nam khoảng 78-95 cm. Cũng theo tài liệu này nếu mực biển dâng cao 1 m thì 39% diện tích đồng bằng Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng và trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển Miền Trung có nguy cơ bị ngập, mà theo các mảnh bản đồ kèm theo thì những diện tích bị ngập đó chủ yếu tập trung trong phạm vi đới bờ. Như vậy ĐBB Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu, là điều mà Nhà nước và nhân dân ĐBB cần có các giải pháp thích ứng ngay từ bây giờ.  
 
3.3. Vấn đề quy hoạch  và bảo tồn ở ĐBB

a) Quản lý tổng hợp ĐBB

Các hình thức quản lý theo ngành và theo vấn đề ở ĐBB thường thiếu sự phối hợp và làm gia tăng các mâu thuẫn lợi ích, gây tổn thất cho tài nguyên và môi trường. Và để khắc phục các hạn chế đó năm 1992 Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) đã đưa ra khái niệm “Quản lý tổng hợp và phát triển bền vững đới bờ biển bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế”. Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB) dựa trên cách tiếp cận liên ngành/hệ thống nhằm đạt được sự cân bằng giữa kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời nhằm giảm thiểu các mâu thuẫn lợi ích trong việc sử dụng đa ngành/đa mục tiêu tài nguyên đới bờ. Việc QLTHĐB thường phải triển khai thông qua một số hoạt động cụ thể, gồm: 1) Xây dựng quy hoạch/kế hoạch; 2) Xúc tiến phát triển kinh tế bền vững; 3) Quản lý tài nguyên; 4) Giải quyết mâu thuẫn lợi ích[7]/. 

Ở Việt Nam QLTHĐB được chính thức nghiên cứu từ năm 1996, với việc triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng phương án quản lý tổng hợp vùng bờ Việt Nam, bảo đảm an toàn sinh thái và phát triển bền vững” thuộc Chương trình Biển KHCN-06 (giai đoạn 1996-2000). Và từ đó đến nay (2013) nội dung nghiên cứu này luôn có mặt trong các Chương trình Khoa học Công nghệ biển quốc gia, đặc biệt Chương trình mã số KC.09/06-10 đã có đến 4 đề tài về nội dung QLTHĐB. Đồng thời nhiều nước và tổ chức quốc tế đã hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam nhằm tăng cường năng lực QLTHĐB và trình diễn thử nghiệm ở một số vùng trọng điểm (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Nam Định, Vịnh Bắc Bộ, v.v.). Đặc biệt năm 2007 Chính phủ đã ra Quyết định triển khai “Chương trình QLTH dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức thực hiện.

b) Quy hoạch không gian biển - một công cụ quản lý hữu hiệu

Quy hoạch không gian biển (QHKGB) được hiểu là một quá trình phân tích và phân bổ các hoạt động của con người theo không gian và thời gian ở các vùng biển để đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái mà thường do Nhà nước xác định [9]. Như vậy về hoạt động và mục tiêu, QHKGB có thể được coi là một công cụ để thực hiện QLTHĐB bởi đều nhằm tới một mục tiêu chung là quản lý môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đặc điểm cơ bản của QHKGB là có cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, tiến hành lập bản đồ phân vùng biển (theo không gian và thời gian), luôn điều chỉnh và thích ứng với điều kiện mới, và có sự tham gia của các bên liên quan.

Việt Nam đã và đang tích cực triển khai QHKGB, như đã tiến hành phân vùng chức năng trong QLTHĐB Đà Nẵng và Vịnh Hạ Long (2006) với bản đồ tỷ lệ 1/25.000, và một số dự án khác; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang thực hiện Dự án “Phân vùng sử dụng và lập kế hoạch quản lý không gian vùng bờ Quảng Ninh-Hải Phòng” (2011-2013) với hệ thống bản đồ tỷ lệ 1/250.000 cho toàn vùng và tỷ lệ 1/100.000 cho các trọng điểm; đồng thời tiến hành soạn thảo các tài liệu hướng dẫn về QHKGB cho các địa phương ven biển; cùng nhiều các hoạt động nghiên cứu và triển khai khác (Hội thảo quốc gia “Áp dụng quy hoạch không gian biển và vùng bờ”  tổ chức ngày 30/5/2013 tại Hải Phòng).

c) Phân vùng sử dụng và quản lý không gian vùng bờ dựa trên đặc điểm của ĐBB Việt  Nam

Phân vùng chức năng là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên trong chuỗi nhiệm vụ quản lý tổng hợp vùng bờ biển, và nó cần được tiến hành trên cơ sở nghiên cứu toàn diện các đặc điểm của ĐBB Việt Nam mà một số vấn đề cơ bản đã được trình bày ở trên. Những lưu ý bao gồm:

Phân tích đầy đủ về tài nguyên vị thế, tài nguyên không gian, các di sản thiên nhiên để có thể xác định được những ưu tiên cho các khu vực bảo tồn biển, các không gian dành cho an ninh quốc phòng, các nơi dành cho các hoạt động dịch vụ biển,v.v.

Thấy rõ được sự phân hóa không gian của các điều kiện tự nhiên, tai biến thiên nhiên, hiện trạng phát triển kinh thế- xã hội cũng như dự báo các biến động ở ĐBB để có định hướng chiến lược phù hợp cho các vùng biển Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ, cũng như xác định những chức năng cụ thể cho từng loại không gian biển trong mỗi vùng.

Kết hợp hài hòa giữa ranh giới hành chính (tỉnh, huyện) với ranh giới các hệ sinh thái, các đơn vị địa lý tự nhiên, các di sản thiên nhiên, các thủy vực, các dạng địa hình đáy biển và đảo, quần đảo để xác định các “khu chức năng” hợp lý nhất có thể, với phương châm giảm thiểu việc sử dụng các dạng tài nguyên không tái tạo và tiêu hao, khai thác tối đa các dạng tài nguyên vị thế và tài nguyên không gian, nhằm phát triển nền kinh tế sinh thái biển bền vững.

4. Kết luận  

Nghiên cứu đặc điểm cơ bản của ĐBB Việt Nam về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, và kinh tế-xã hội cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ của các yếu tố đó trong không gian đới bờ. Với tư cách là những vấn đề địa lý học cơ bản cần đặt ra nghiên cứu hiện nay đối với ĐBB Việt Nam đã đề cập đến ba nội dung là các dạng tài nguyên đặc thù, tai biến thiên nhiên, và vấn đề quy hoạch sử dụng và bảo tồn ĐBB. Các dạng tài nguyên đặc thù của ĐBB gồm các di sản thiên nhiên, tài nguyên không gian và tài nguyên vị thế; chúng có ý nghĩa to lớn cho phát triển bền vững kinh tế-xã hội ĐBB, tuy nhiên chưa được quan tâm nghiên cứu và quy hoạch sử dụng hợp lý. Tai biến thiên nhiên (bão lụt, xói lở bờ biển, động đất sóng thần, nước biển dâng) là mối hiểm họa to lớn về tính mạng, tài sản đối với cư dân ĐBB cần được nhận thức đầy đủ và có giải pháp khắc phục hiệu quả. Quy hoạch không gian biển và vùng bờ là công cụ hữu hiệu cho thực hiện quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên và môi trường ĐBB, cần dựa trên nghiên cứu đầy đủ và phân tích toàn diện sự phân hóa không gian của các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, môi trường, các dạng tài nguyên đặc thù, cùng các hiểm họa thiên tai trong đó có nguy cơ nước biển dâng. 

TÀI  LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Đức An (chủ biên), 1995: Đánh giá điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội hệ thống đảo ven bờ Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội biển. B/c ĐTKH cấp NN (KT-03-12) 1991-1995, 219tr., Chương trình Biển KT-03, Hà Nội.

2. Lê Đức An, 2010 : Bàn về tài nguyên vị thế của đới bờ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. TTBCKH, HNKHĐL TQ IV, HN 19/6/2010, Nxb KHTN&CN, 1007-1016, Hà Nội.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2011: Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, 115 tr., Hà Nội.

4. European Commission, 2003: Towards a Thematic Strategy on the Sustainable Use of Natural Resources. Communication to the C.&E.P.,01-10-2003( 52003DC0572). Trong http://eur-lex.europa.eu.

5. Trần Thị Mỹ Thành, Nguyễn Đình Xuyên, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Lê Minh, 2011: Đánh giá nguy cơ sóng thần ở các vùng ven biển Việt Nam. Tc CKHvTĐ, 33, 2 (CĐ), 209-219, Hà Nội.

6. Trần Đức Thạnh (CB), Lê Đức An, và nnk., 2012: Biển đảo Việt Nam – Tài nguyên vị thế và những kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu,  324 tr., NXB KHTN&CN, Hà Nội.

7. Phạm Huy Tiến, 2006: Dự báo hiện tượng xói lở, bồi tụ bờ biển, cửa sông và các giải pháp phòng tránh. Đề tài KC.09-05.- TT kết quả chủ yếu của Chương trình ĐTCB NCƯDCNB,I, 351- 439, Hà Nội.

8. Phan Trọng Trịnh, 2012: Kiến tạo trẻ và địa động lực hiện đại vùng biển Việt Nam và kế cận, 331 tr., Nxb KHTN&CN, Hà Nội.

9. Trung tâm nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, 2012: Cẩm nang quản lý không gian biển & vùng bờ cấp địa phương, 62 tr., Hà Nội.

10. Viles H., Spencer T., 1995: Coastal problems: Geomorphology, Ecology and Society at the Coast, 350 p.,London.
 

[1] Riêng đối với tỉnh Quảng Bình do có 3 huyện ven biển có ranh giới phía tây cũng là biên giới quốc gia thuộc vùng núi (Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy), chúng tôi đã trừ đi diện tích và dân số của 8 xã miền núi giáp biên giới, được coi như không thuộc dải ven biển.
[2]/ Do việc tính GDP riêng cho cấp huyện, thị xã, quận là  khó thực hiện, nên đã tính GDP cho cấp tỉnh và thành phố ven biển.
[3]/Xem: Báo cáo môi trường quốc gia năm 2010 (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
[4]/Theo Wikipedia
[5] / Phân biệt với một khái niệm hẹp hơn là “không gian mở” (Xem: Nguyễn Cao Huần và nnk., 2005: Phân tích hiện trạng sử dụng một số không gian mở điển hình ở thành phô Hà Nội.- Vietnam-Japan joint seminar “Future Vision of Hanoi City” ) và “tài nguyên không gian mở” (open space resources).
[6] /Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.
[7]/ Theo: Tuyển tập các kết quả chủ yếu của Chương trình KC.09/06-10, Q.IV: Quản lý tổng hợp đới bờ, tr.8-45. 


 
Liên kết website khác