Ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình - thực trạng và giải pháp phát triển

03/04/2014 03:10
I. Mở đầu

Thái Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển nông nghiệp. Năm 2011, trong tổng diện tích đất tự nhiên là 157 nghìn ha, thì đất cho sử dụng nông nghiệp là 97,2 nghìn ha (chiếm tới 61,9% tổng diện tích đất tự nhiên) và thu hút gần 60% lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế, từ những năm đổi mới cho đến nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi, tương đối toàn diện cả về trồng trọt, chăn nuôi và kinh tế biển, nó còn là đòn bẩy cho ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ… phát triển tương đối mạnh cả về chất và lượng. Bộ mặt nông thôn Thái Bình đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đời sống, văn hóa và xã hội.

II. Các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp
1. Vị trí địa lý
Là một tỉnh đồng bằng ven biển, Thái Bình nằm ở phía nam châu thổ đồng bằng sông Hồng, có tọa độ địa lý : 20017 đến 22044 vĩ độ Bắc và 106006 đến 106039 kinh độ đông. Phía Bắc, Thái Bình giáp tỉnh Hưng Yên và Hải Dương (ngăn cách bởi sông Luộc), phía Đông Bắc giáp Hải Phòng (ngăn cách bởi sông Hóa), phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và Nam Định (ngăn cách bởi sông Hồng), phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ với đường bờ biển dài trên 50km và một vùng biển rộng.

Mặt khác, Thái Bình nằm trong phạm vi ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có đường bờ biển và hệ thống sông ngòi thuận lợi cho giao lưu kinh tế. Thành phố Thái Bình cách thành phố Hải Phòng 70km và cách thủ đô Hà Nội 110km, là những thị trường tiêu thụ rộng lớn trong việc hỗ trợ đầu tư kĩ thuật, kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ và thông tin cho tỉnh. Vị trí địa lý trên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Thái Bình phát triển và mở rộng giao lưu kinh tế trong mọi lĩnh vực với các tỉnh trong cả nước và quốc tế.

2. Các điều kiện tự nhiên
* Địa hình: Thái Bình là một tỉnh đồng bằng có địa hình nhìn chung bằng phẳng, thấp dần từ bắc xuống nam. Song ở từng khu vực lại có nơi trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung, độ cao so với mặt nước biển dao động từ 1-2m. Vùng có độ cao trên 2m chiếm diện tích nhỏ.

Địa hình đồng bằng Thái Bình chủ yếu có 3 kiểu: đồng bằng tích tụ cao ở Kiến Xương, Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư: đất thấp, phần lớn có độ cao dưới 1m, xen kẽ với các dải cồn cao 1-2m; đồng bằng tích tụ thấp ở Quỳnh Phụ là đồng bằng tích tụ phù sa mới, thấp, phát triển ở những nơi ít được bồi đắp phù sa do bản thân sông chảy qua ít phù sa; đồng bằng duyên hải ở Tiền Hải, Thái Thụy là vùng châu thổ rõ rệt. Đất mặn chiếm phần lớn diện tích, sau đến đất cát trên các dải cồn và cuối cùng là đất phèn. Đất được sử dụng làm ruộng hai vụ, ven biển có đồng cói và rừng ngập mặn. Các bãi cát và cồn cát ven biển chủ yếu phân bố ở rìa phía đông, đông nam và đông bắc. Các cồn cát là cồn Đen, cồn Vành, cồn Thủ.

* Khí hậu và thủy văn: Điều kiện khí hậu và thủy văn Thái Bình nhờ có thiên nhiên ưu đãi nên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với cây lúa nước.

- Khí hậu Thái Bình về cơ bản mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 23-230C, số giờ nắng trung bình trong năm 1.300-1.700 giờ. Độ ẩm tương đối cao, khoảng 85-90%. Khí hậu có sự thay đổi theo mùa, lượng mưa phân theo hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng V cho đến tháng X, chiếm khoảng 85% tổng lượng mưa cả năm, tháng VII và tháng VIII là hai tháng có lượng mưa cao nhất. Mùa khô bắt đầu từ tháng XI đến tháng IV năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15-20% tổng lượng mưa trong năm. Trong mùa mưa, hướng gió thịnh hành là gió đông nam, còn mùa khô là gió đông bắc.

Tuy nhiên, do giáp biển nên khí hậu Thái Bình có những sắc thái riêng. Về mùa đông thường ẩm hơn những tỉnh nằm sâu trong đất liền. Những ngày giá lạnh của mùa đông thường không kéo dài liên tục mà xen kẽ có những ngày ấm áp. Mùa hạ tuy nóng nhung cũng có những ngày mát dịu, thường  được hướng không khí mát mẻ của gió biển vào buổi chiều. Điều kiện khí hậu đó có nhiều thuận lợi cho thâm canh, xen canh trong sản xuất. Song nhược điểm khí hậu ở Thái Bình là độ ẩm cao nên việc bảo quản máy móc, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh dễ lây lan và phát triển ở diện rộng. Trong mùa mưa thường có bão, mùa khô thì có những ngày lạnh giá, sương muối làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gia súc và cây trồng.

Sự phân mùa tạo điều kiện cho việc bố trí cây trồng, vật nuôi theo mùa khớp với chu kỳ sản xuất. Hơn nữa, mùa đông lạnh kéo dài trong khoảng 3 tháng (từ tháng XII đến tháng II năm sau), với nhiệt độ trung bình khá thấp, là cơ sở để phát triển vụ đông là vụ quan trọng để trồng các loại rau ưa lạnh.

- Về thủy văn: Thái Bình là tỉnh bốn bề có sông, nước bao quanh, một mặt là biển, ba mặt khác là sông. Phía Bắc và Đông Bắc có sông Hóa chảy qua địa phận ranh giới tỉnh dài 38km, phía Bắc và Tây  Bắc có sông Luộc chảy qua dài 53km, phía Nam và Tây Nam có sông Hồng chảy qua dài 77km. Giữa tỉnh có sông Trà Lý (dài 67km) chảy  qua phân tỉnh thành hai bộ phận: phía bắc gồm 4 huyện, phía nam gồm 3 huyện và thành phố Thái Bình.

Những con sông lớn này được nối liền với một hệ thống sông đào, kênh mương dày đặc, cộng với ảnh hưởng của thủy triều đã tạo cho Thái Bình có nguồn nước vô cùng phong phú, cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Các sông trên đổ ra biển qua 5 cửa: Thái Bình, Diêm Hộ, Trà Lý, Lân và Ba Lạt có vai trò bồi đắp phù sa, tạo nên thế mạnh lấn biển của Thái Bình. Bên cạnh đó, khi các sông đổ ra biển chịu ảnh hưởng của thủy triều. Vào mùa hè,mực nước tăng nhanh, lưu lượng lớn, hàm lượng phù sa cao. Mùa đông lưu lượng giảm xuống nhiều, nước mặn từ các cửa sông lớn có thể chuyển sâu vào đất liền thành những vùng nước lợ, rất thuận tiện cho việc đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Song, điều này cũng gây không ít khó khăn cho địa phương hằng năm phải đầu tư cải tạo hàng trăm ha đất nhiễm măn và xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng, đê, kè, thủy lợi, mương máng tưới tiêu và phòng chống thiên tai để đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân.

* Đất đai và sinh vật.

- Do ảnh hưởng của địa hình và hệ thống sông, biển, ở Thái Bình có nhiều nhóm đất khác nhau như đất mặn, đất cát ven biển, đất chua phèn, đất phù sa, đất bạc màu và đất xói mòn. Nhìn chung, đất đai ở đây khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và sự phân bố đất đai giữa các huyện trong tỉnh, tạo nên những nét khác biệt trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của mỗi địa phương trong tỉnh.

Đất mặn phân bố ở vùng cửa sông, ven biển và những chỗ trũng ở trong và ngoài đê. Loại đất này thích hợp cho các loại thực vật ngập mặn như đước, sú, vẹt, bần, sậy, lác; Đất cát ven biển phân bố trên các cồn cát duyên hải cũ, đây là loại đất tơi xốp, thoáng khí, dễ canh tác, thích hợp với nhiều loại cây trồng; Đất phèn phân bố chủ yếu ở huyện Thái Thụy, đất có độ phì tương đối khá khi trồng lúa sẽ có năng suất cao; Đất phù sa do hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình bồi đắp, là loại đất tốt nhất với nhiều loại cây trồng như lúa, hoa màu và các cây thực phẩm khác. Còn loại đất bạc màu và đất xói mòn được phân bố rải rác ở các huyện thị, đất này không thích hợp trồng lúa nhưng có thể phát triển một số loại hoa màu, cây trồng cạn như đậu, lạc, vừng…

- Hệ thống sinh vật của Thái Bình không nhiều, chủ yếu là rừng ngập mặn ven biển, phân bố ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy với các loại cây chính là sú, vẹt… Các thảm thực vật tự nhiên khác hầu như không có mà thay vào đó là các hệ sinh thái đồng ruộng với các loại cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả… Giới động vật trên cạn vì vậy cũng có rất ít.

3. Các điều kiện kinh tế- xã hội
* Dân cư, lao động.

- Đông dân là một trong những lợi thế cơ bản cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Thái Bình. Tính đến hết năm 2011, số dân Thái Bình là 1.786,3 nghìn người, với mật độ 1.138 người/km2. Dân số đông, tạo nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn cho các sản phẩm nông nghiệp và của các ngành kinh tế khác.

- Nguồn lao động của tỉnh khá đông. Năm 2011, số lao động làm việc trong các ngành kinh tế là 1.010,1 nghìn người, chiếm 56,5% dân số của tỉnh. Trong cơ cấu lao động theo ngành ở Thái Bình, nhóm ngành nông-lâm- thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất 59,4% (600 nghìn người) và tỷ lệ lao động nữ làm việc trong nhóm ngành này cũng rất cao (chiếm 54,6% so với tổng số lao động nữ đang làm việc trong các ngành kinh tế).

Nguồn lao động nông nghiệp có trình độ thâm canh cao so với cả nước vì đây là mảnh đất của nghề trồng lúa nước và các sản phẩm chăn nuôi. Người lao động Thái Bình cần cù, chịu khó, lao động có khả năng tiếp thu, tiếp cận với tiến bộ khoa học- kỹ thuật. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đang tăng dần qua các năm. Nếu tỉnh có chiến lược đầu tư giáo dục- đào tạo một cách đồng bộ để nâng cao trình độ nguồn nhân lực sẽ tạo được một đội ngũ cán bộ đông đảo có trình độ và tay nghề cao. Đồng thời lại có chính sách quản lý và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, sẽ là động lực, là lợi thế cho phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Tuy nhiên, sức ép về dân số ở Thái Bình hiện đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Vì sự gia tăng dân số trên địa bàn tỉnh đã gây ra các hiện tượng như thất nghiệp, sự nghèo đói, giáu dục và bảo vệ sức khỏe kém, thu nhập không công bằng và sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Đặc biệt dân số gia tăng sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lương thực, ruộng đất sẽ sử dụng quá độ, đất đai bị thoái hóa, làm giảm diện tích canh tác….

* Các ngành kinh tế khác.

Sự phát triển của mỗi ngành kinh tế là điều kiện, tiền đề cho ngành kia phát triển. Nông nghiệp- công nghiệp- dịch vụ tạo mối liên kết vững chắc và có tác động qua lại với nhau. Sản phẩm của một số ngành công nghiệp tác động trực tiếp đến toàn bộ ngành nông nghiệp đó là máy móc, thiết bị, hóa chất và các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp khác. Dịch vụ thì ngoài việc tạo mối quan hệ sâu sắc giữa công nghiệp và nông nghiệp, nó còn đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiều vẻ các mặt sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng trong quá trình tái sản xuất nông nghiệp. Nhờ có dịch vụ mà các sản phẩm của ngành nông nghiệp được tiêu thụ trong và ngoài khu vực, đặc biệt ở các thị trường ngoài nước.

- Đối với ngành công nghiệp tỉnh Thái Bình, những năm qua giá trị sản xuất của riêng ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm luôn giữ ở mức tương đối ổn định. Năm 2011, giá trị sản xuất của loại ngành công nghiệp này chiếm 7,9% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo ngành công nghiệp. Theo đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp của Thái Bình trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản hầu như chiếm tuyệt đại đa số với các ngành công nghiệp quy mô vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp ở các địa điểm như thị trấn Đông Hưng :chế biến lương thực xuất khẩu, chế biến hoa quả; thị trấn Quỳnh Côi: chế biến lương thực thực phẩm; thị trấn Kiến Xương: chế biến lương thực thực thực phẩm.v.v…Sản phẩm của ngành công nghiệp được chế biến từ các nông, thủy sản khá đa dạng như muối, thịt đông lạnh, thủy sản đông lạnh, nước mắm, sợi đay, thảm len…

- Các sản phẩm của ngành nông nghiệp, công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nói riêng được tiêu thụ không chỉ ở trong khu vực nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài thông qua các hoạt động dịch vụ. Các mặt hàng nông thủy sản như thịt lợn, tôm đông lạnh., gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh Thái Bình. Năm 2011, các mặt hàng này đã mang lại cho Thái Bình 12.855 nghìn USD. Tuy nhiên, do năng lực quản lý, kinh doanh hạn chế nên các sản phẩm thường bị chèn ép về giá, bị các tư thương chiếm dụng vốn nên hiệu quả kinh doanh chưa cao. Thị trường tiêu thụ bấp bênh, người lao động không yên tâm nên chưa mạnh dạn đầu tư lớn cho sản xuất.

III. Thực trạng phát triển ngành kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình

Với đặc điểm một tỉnh thuần nông là nông nghiệp, so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình là tỉnh duy nhất có tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ cao nhất so với tổng tỷ trọng cơ cấu kinh tế chung. Những năm qua, tỷ trọng của khu vực này đang có xu hướng giảm dần, đặc biệt từ năm 2000 cho đến 2011, trong vòng 11 năm, tỷ trọng  giảm đi 16,84% (từ 54,1% năm 2000 xuống còn 37,26% năm 2011), thay vào đó là sự tăng tỷ trọng ở khu vực công nghiệp- xây dựng và dịch vụ. Là một tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời gần Vùng KTTĐ Bắc Bộ, do đó cơ cấu kinh tế của Thái Bình phải có sự chuyển dịch mạnh hơn, nhanh hơn để phù hợp với xu thế của vùng đến năm 2020 : các ngành phi nông nghiệp chiếm khoảng 90% trong tổng GDP,các sản phẩm chủ lực đóng góp 60-65% GDP, độ mở của nền kinh tế đạt trên 90% và cơ cấu kinh tế của vùng là cơ cấu hiện đại với các ngành mũi nhọn có khả năng đột phá, có sức cạnh tranh.
 
Biểu đồ: Chuyển dịch cơ cấu ngành nông,lâm, thủy sản tỉnh Thái Bình
                       Năm 2000                                                            Năm 2011
 
 1. Ngành nông nghiệp
a. Ngành trồng trọt.

Với đặc điểm vị trí địa lý tự nhiên, đến nay Thái Bình vẫn được nhận định là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp thuần nông, mà sản xuất trồng trọt là chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Thái Bình (trên 50%). Tuy nhiên, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm dần theo các năm và thay vào đó là tỷ trọng tăng của lĩnh vực chăn nuôi. Nếu năm 2007, tỷ trọng của ngành trồng trọt chiếm 62,96% thì đến năm 2010 giảm xuống còn 5,72% và đến năm 2011 chỉ còn 55,35%.

Diện tích gieo trồng cây lương thực của Thái Bình những năm qua tương đối ổn định, năm 2011 với tổng số 174,9 nghìn ha và sản lượng đạt 1.140,8 nghìn tấn, Thái Bình là tỉnh dẫn đầu trong các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng. Tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến nông, tập trung cho thâm canh, tăng hệ số sử dụng đất, hoàn chỉnh và xây dựng các công trình thủy lợi, đưa giống mới vào sản xuất.
 
Bảng 1: Diện tích, sản lượng cây lương thực có hạt của tỉnh Thái Bình
 
Chỉ tiêu 2007 2008 2009 2010 2011
* Diện tích          
Tổng số (Nghìn ha) 174,2 177,6 175,6 175,6 174,9
- Lúa 164,8 168,3 167,1 166,4 165,7
- Ngô 9,2 9,3 8,5 9,2 9,2
Cơ cấu (%) 100 100 100 100 100
- Lúa 94,62 94,76 95,16 94,76 94,74
- Ngô 8,28 5,24 4,84 5,24 5,26
* Sản lượng          
Tổng số (Nghìn tấn) 1.062,6 1.154,2 1.150,7 1.153,8 1.140,8
- Lúa 1.014,7 1.105,2 1.105,8 1.104,4 1.091,3
- Ngô 47,9 49,0 44,8 49,3 49,5
Cơ cấu  (%) 100 100 100 100 100
- Lúa 95,49 95,76 96,10 95,72 95,66
- Ngô 4,51 4,24 3,90 4,28 4,34
 
 
Trong ngành trồng trọt, cây lương thực vẫn là cây trồng chủ yếu, chiếm 63,3% giá trị sản xuất của ngành. Lúa giữ địa vị ưu thế trong các loại cây lương thực. Diện tích lúa năm 2011 là 165,7 nghìn ha, sản lượng đạt 1.091,3 nghìn tấn. Lúa được phân bố hầu hết ở các huyện trong tỉnh. Từ những năm 1970 trở lại đây, năng suất lúa thường xuyên giữ vững ở vị trí hàng đầu cả nước và năng suất khá đồng đều ở các huyện trong tỉnh. Năng suất lúa năm 2011 đạt 65,86 tạ/ha, cao nhất cả nước. Ngoài lúa, Thái Bình còn trồng các loại cây màu lương thực. Diện tích trồng màu tăng lên qua các năm. Cây màu chính gồm cây ngô và khoai lang. Cây công nghiệp có đay, cói, dâu tằm, mía, lạc, thuốc lào.
 
Những năm qua, tỉnh đã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo ra các vùng, khu vực chuyên canh tập trung và hiệu quả hơn. Mỗi huyện đều đã hình thành và phát triển một số vùng trồng rau, màu tập trung, hiệu quả cao hơn 2-3 lần trồng lúa.

b. Ngành chăn nuôi.
Sự phát triển của ngành trồng trọt đã có tác động mạnh mẽ đến ngành chăn nuôi. Trong điều kiện dịch bệnh khó kiểm soát nhưng chăn nuôi của tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng khá ổn định, bình quân khoảng 9%/năm. Số lượng gia súc, gia cầm tăng nhanh, có nhiều tiến bộ cả về giống và phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi mang tính tận dụng là chủ yếu sang chăn nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp, đầu tư thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
 
Bảng 2: Số lượng gia súc, gia cầm của tỉnh qua một số năm
Đơn vị tính: Nghìn con
Tên 2007 2008 2009 2010 2011
Trâu 5,8 5,6 5,5 5,5 5,1
67 64 65 64 60
Lợn 1.042 1.027 1.111 1.131 1.118
Gia cầm 7.772 7.962 8.550 9.062 9.261
 
 
 
Năm 2011, tổng đàn trâu bò trên toàn tỉnh có 65,1 nghìn con. Đàn lợn của Thái Bình nhìn chung tăng trước hết nhằm đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, đạt 1.118 nghìn con. Chăn nuôi gia cầm phát triển tương đối mạnh mẽ với 9.261 nghìn con. Tuy vậy, chăn nuôi trang trại, gia trại đang có xu hướng giảm mạnh. Xu thế chăn nuôi hộ trong khu vực dân cư cũng giảm mạnh do hiệu quả không cao và gây ô nhiễm môi trường. Năm 2010, toàn tỉnh có 1.001 trang trại chăn nuôi, tăng gấp 2 lần năm 2006 và đã hình thành được 7 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 91 ha.

Là một tỉnh đồng bằng ven biển có nhiều sông ngòi, đầm hồ, ruộng nước là điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi vịt. Nghề nuôi ong cũng được phát triển mạnh ở một số ven biển có rừng ngập mặn, mỗi năm cả tỉnh thu được từ 40-60 tấn mật ong và hang chục kilo gam sữa ong chúa, phấn ong.

Tóm lại, sản xuất chăn nuôi vẫn đạt yêu cầu thấp: chuyển đổi cơ cấu vật nuôi còn chậm; phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại có quy mô còn nhỏ, chưa hiện đại.

2. Ngành lâm nghiệp
Với đặc thù về địa hình là tỉnh đồng bằng nên các hoạt động lâm nghiệp của Thái Bình không nhiều. Năm 2010, tổng diện tích đất có rừng là 7,3 nghìn ha (chiếm 1,7% so với tổng diện tích đất có rừng của vùng ĐBSH), tập trung chủ yếu là trồng, tu bổ rừng ngập mặn ở các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy và trồng cây phân tán.

Kết quả sản xuất lâm nghiệp của Thái Bình những năm qua thường phát triển không ổn định và có xu hướng giảm dần. Năm 1995, giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá thực tế của tỉnh đạt 53.309 triệu đồng, đến năm 2000 giảm xuống còn 21.101 triệu đồng và đến năm 2010, 2011, có giá trị tương ứng là 9.580 triệu đồng và 6.750 triệu đồng. Giá trị sản xuất này đạt lớn nhất ở huyện Thái Thụy (1.693 triệu đồng, chiếm 25%), sau đó đến Tiền Hải (1.084 triệu đồng (chiếm 16%), lần lượt tiếp theo là huyện Quỳnh Phụ (14,4%), huyện Vũ Thư (11,6%), huyện Kiến Xương (11,4%), huyện Đông Hưng, huyện Hưng Hà và thành phố Thái Bình. Trong tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt được qua các năm thì phần giá trị sản xuất trồng và nuôi rừng chỉ chiếm tỷ trọng trên dưới 20%, phần giá trị khai thác và dịch vụ chiếm khoảng 80%.

Ngành lâm nghiệp Thái Bình những năm qua gặp nhiều khó khăn nhất là việc tranh chấp đất ngập mặn ven biển với ngành nuôi trồng thủy sản vốn mang lại lợi nhuận cao. Vì vậy, việc quy hoạch rừng ngập mặn ven biển và bảo vệ khu dự trữ sinh quyển quốc gia là nhiệm vụ quan trọng của ngành.

3. Ngành thủy sản
Với 50km bờ biển kéo dài từ cửa sông Thái Bình cho tới cửa Ba Lạt của sông Hồng thuộc địa giới hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy, Thái Bình có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn trong phát triển ngành thủy sản nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Ngành thủy sản có tốc độ tăng khá nhanh về giá trị sản xuất, khoảng 10%/năm, trong đó hoạt động nuôi trồng tăng nhanh hơn, khoảng 12%/năm.
Bảng 3 : Giá trị sản xuất ngành thủy sản (theo giá hiện hành)
 
Năm
Tổng
số
Nuôi trồng Khai thác Dịch vụ thủy sản
Tổng (triệu. đ) Cơ cấu (%) Tổng (triệu. đ) Cơ cấu (%) Tổng (triệu. đ) Cơ cấu (%)
2000 355.671 182.491 51,3 165.432 46,5 7.748 2,2
2005 848.436 523.406 61,7 306.206 36,1 18.824 2,2
2007 1.192.000 767.000 64,34 396.000 33,22 29.000 2,43
2008 1560.000 1.002.000 64,23 522.000 33,46 36.000 2,31
2009 1.867.000 1.205.000 64,53 618.000 33,08 45.000 2,39
2010 2.176.000 1.427.000 65,56 704.000 32,33 46.000 2,11
2011 3.112.000 2.145.000 68,92 879.000 28,25 88.000 2,83
Nguồn: NGTK tỉnh Thái Bình 2011
Địa chí Thái Bình
 

Giá trị sản xuất của tất cả các hoạt động nuôi trồng, khai thác, dịch vụ thủy sản đều tăng dần, tuy nhiên xét về tỷ trọng thì lĩnh vực khai thác đang có xu hướng giảm (giảm 18,25 trong vòng 11 năm), thay vào đó là xu hướng tăng của lĩnh vực nuôi trồng (tăng 17,62%).

Về sản lượng thủy sản nói chung những năm qua tăng khá nhanh, năm 2007 đạt 78 nghìn tấn, đến năm 2010 là 114,5 nghìn tấn và năm 2011 là 130,5 nghìn tấn. Trong đó hoạt động nuôi trồng là chủ yếu, chiếm khoảng từ 55% đến 65% tùy theo năm. Trong tổng số sản lượng thủy sản của tỉnh thì cũng vẫn tập trung chủ yếu ở hai huyện ven biển Tiền Hải (42,3% năm 2011) và Thái Thụy (36,8% năm 2011).

a. Nuôi trồng thủy sản.
Ngành nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ đang là ngành được phát triển mạnh ở tỉnh Thái Bình, đặc biệt hai vùng ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. Diện tích nuôi trồng thủy sản của Thái Bình qua các năm vẫn giữ được nhịp độ phát triển tăng và ổn định. Nếu so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng về chỉ tiêu số lượng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong vài năm gần đây thì Thái Bình xếp sau Quảng Ninh, Hải Phòng và Nam Định nhưng lại nhiều hơn các tỉnh thành phố còn lại của vùng. Về chỉ tiêu số tương đối, diện tích nuôi trồng thủy sản của Thái Bình năm 2000 và 2010 chiếm 13,0% và 11,0% so với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của vùng đồng bằng sông Hồng ở năm 2000 và 2011. Nếu xét về vị trí thì trong số 12 tỉnh của vùng đồng bằng sông Hồng, Thái Bình vẫn luôn đứng ở vị trí thứ 4 cả về diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Bảng 4: Diện tích mặt nước và sản lượng thủy sản nuôi trồng tỉnh Thái Bình
Đơn vị
Hành chính
2000 2005 2011
DT NT(ha) Sản lượng (tấn) DT NT(ha) Sản lượng (tấn) DT NT(ha) Sản lượng                  (tấn)
ĐBSH 68349,8 112957 107800 379300 126400 619649
Hà Nội 3373 7746 3100 10430 20900 64984
Hà Tây 7216 8724 10500 24012 - -
Vĩnh Phúc   3907 5600 9877 7100 17845
Bắc Ninh   5544 4600 17607 5500 33231
Quảng Ninh   4192 18600 54864 19600 82597
Hải Dương 6747,3 11653 8600 30594 10300 57757
Hải Phòng 13076,9 19424 13500 70256 13000 91893
Hưng Yên 3070 5572 4100 12704 4400 26144
Thái Bình 9460 19016 12200 62529 13700 99924
Hà Nam 3930,4 4331 5400 12266 6200 20588
Nam Định 11592 17627 14000 60118 16000 92879
Ninh Bình 3720,4 5221 7600 14043 9700 31807
Nguồn: NGTK Việt Nam 2005, 2011


Trên địa bàn, hiện có 8.645 diện tích nước ngọt trong đó nuôi cá chiếm 98% và 4.845 diện tích nước mặn, lợ trong đó nuôi tôm chiếm 57%. Thái Thụy và Tiền Hải là hai huyện nuôi trồng chủ yếu và cũng là hai huyện có sản lượng khai thác lớn nhất, nhì của tỉnh (Tiền Hải: 52%, Thái Thụy : 21%). Các trang trại nuôi thủy sản đang phát triển nhanh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 450 trang trại thủy sản với diện tích đạt khoảng 1500ha, sử dụng 1.450 lao động.

b. Khai thác thủy sản.
Hoạt động khai thác thủy sản tập trung chủ yếu ở hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải với sản lượng khai thác tương ứng chiếm 68,6% và 21,1% năm 2007; 66% và 25,4% ở năm 2011. Chủ yếu là khai thác biển với gần 90% sản lượng, khai thác nội địa chiếm hơn 10%. Nghề đánh cá biển từng bước được cơ giới hóa để tạo điều kiện cho các tàu thuyền mở rộng phạm vi hoạt động, đi đánh được xa, dài ngày.
Bảng 5: Sản lượng thủy sản khai thác phân theo huyện, thành phố
Đơn vị: Nghìn tấn
Đơn vị hành chính 2007 2008 2009 2010 2011
Tổng số 34,1 36,3 40,8 44,8 46,9
Tphố. Thái Bình 0,1 0,1 0,1 0,1 0,1
H. Quỳnh Phụ 0,4 0,4 0,4 0,4 0,4
H. Hưng Hà 1,0 1,0 1,1 1,2 1,2
H. Đông Hưng 0,4 0,4 0,4 0,4 0,4
H. Thái Thụy 23,4 25,5 27,5 29,7 31,0
H.Tiền Hải 7,2 7,3 9,5 11,1 11,9
H. Kiến Xương 1,1 1,1 1,3 1,4 1,4
H.Vũ Thư 0,5 0,5 0,5 0,5 0,5
 
Nguồn: NGTK Thái Bình 2011
 

- Khai thác thủy sản nước mặn ở Thái Bình có khá nhiều nghề, tùy theo từng đối tượng khai thác mà có phương tiện kỹ thuật khai thác khác nhau. Nghề khai thác thủy sản nước mặn được tiến hành bởi dân cư vùng ven biển Thái Thụy, Tiền Hải mà tập trung ở những xã ven biển vốn có kinh nghiệm lâu đời trong nghề đi biển. Nhìn chung, số lượng tàu thuyền đánh bắt cá của Thái Bình tăng lên khá nhanh, nhất là loại không có động cơ.

- Khai thác thủy sản nước ngọt: Các loại thủy sản nước ngọt cũng có nhiều loại và cũng có nhiều cách khai thác khác nhau. Trên sông lớn thì dùng thuyền chèo bằng tay để kéo lưới vét,lưới quay. Trên các sông nhỏ, kênh mương nhỏ thường dung vó bè, vó tay.

Nhìn chung, sản xuất thủy sản những năm qua, nhất là nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở những vùng dự án chuyển đổi từ diện tích cấy lúa năng suất kém hiệu quả bước đầu đã tạo ra vùng sản xuất hang hóa,làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tiến bộ, góp phần giảm nghèo và giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận nông dân. Quá trình thực hiện đã huy động được các nguồn lực,làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ trong nông nghiệp- nông thôn, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với các phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ những khó khăn như quy mô sản xuất của hộ còn nhỏ, công trình hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ; việc chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quền sử dụng đất, chứng nhận trang trại cho hộ nông dân còn hạn chế.

IV. Kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế.
1. Những mặt đạt được

Mặc dù gặp nhiều khó khăn song sản xuất nông lâm, thủy sản của tỉnh Thái Bình những năm qua vẫn phát triển toàn diện: tốc độ tăng trưởng khá cao trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

- Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng, sản lượng lương thực được giữ vững, cơ cấu lúa chất lượng cao được mở rộng, sản xuất cây màu, cây vụ đông được tiếp tục phát triển, đã hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất hang hóa được thể hiện rõ nét ở sự phát triển kinh tế hộ, nhất là kinh tế trang trại với hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao, đã hoàn thành xong quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, cây màu và cây vụ đông, các dự án chuyển đổi sang thủy sản tập trung với kết quả sản xuất bước đầu đạt khá cao. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đời sống nông dân được cải thiện một bước.

2. Một số tồn tại, hạn chế

- Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp- thủy sản tuy cao song chưa bền vững do chịu tác động nhiều của các yếu tố khách quan, tăng trưởng trong chăn nuôi cao song vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra, lĩnh vực thủy sản chưa khai thác hết lợi thế, tiềm năng; diễn biến bất thuuwongf của thời tiết cũng như dịch bệnh nhất là các bệnh lạ còn tiềm ẩn và tái phát gây thiệt hại cho sản xuất, làm giảm tốc độ tăng trưởng chung.

- Sản xuất hàng hóa đã được hình thành nhưng còn ở trình độ thấp, hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản chưa có tính cạnh tranh cao trên thị trường, kết quả dồn đổi ruộng đất chưa tốt, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đúng tầm của sản xuất hàng hóa đã cản trở tới quá trình cơ khí hóa trong nông nghiệp.

- Đời sống của nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn - thành thị còn cao và ngày càng lớn hơn nhất là bộ phận nông dân mất ruộng do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh nhưng tác động trở lại đối với nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều.

- Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương của tỉnh ở một số cơ sở, địa phương còn mang tính hình thức chung chung, chưa kiết quyết.

* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
+ Nguyên nhân khách quan:
Diễn biến thời tiết bất thường cùng với sự xuất hiện các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là các dịch bệnh lạ mới xuất hiện đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp trong những năm qua.

Bình quân ruộng đất thấp,diện tích đất canh tác hàng năm bị thu hẹp lại do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm giảm giá trị sản xuất chung của toàn ngành.

Nguồn lực cho nông nghiệp còn đang gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng lao động trẻ, có sức khỏe đi làm ăn ở ngoài tỉnh, các thành phố gây thiếu lao động lúc thời vụ. Đầu tư cho nông nghiệp thấp và chưa đồng bộ, chưa đủ tầm để tổ chức sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa.
 
+ Nguyên nhân chủ quan.
Công tác quy hoạch tổng thể nông nghiệp- thủy sản đã hoàn thành xong nhưng quy hoạch chi tiết ở từng địa phương, cơ sở chưa hoàn thành nên việc thực hiện quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa chủ động trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản đáp ứng cho yêu cầu sản xuất.

Ở nhiều địa phương,công tác chỉ đạo, điều hành còn thiếu kiên quyết, chưa sát sao cụ thể nhất là cấp cơ sở.
Thái Bình là tỉnh đông dân, tiềm lực vốn, công nghệ và kết cấu hạ tầng sản xuất còn nhiều khó khăn trong khi yêu cầu phát triển nông thôn lại đòi hỏi cao đang là thách thức lớn đối với toàn ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch được giao.
 
V. Các giải pháp cho phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình

Để khắc phục những mặt tồn tại và hướng tới sự phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, đưa hoạt động sản xuất thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời căn cứ vào điều kiện cụ thể của Thái Bình, cần phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Giải pháp về tổ chức sản xuất

Đối với mọi quá trình sản xuất xã hội, muốn đạt được mục tiêu và hiệu quả kinh tế thì việc thực hiện nhiệm vụ công tác tổ chức sản xuất không chỉ mang tính tất yếu khách quan mà còn luôn mới đối với các nhà quản lý về tiềm năng và thực trạng kinh tế- xã hội trên địa bàn lãnh thổ đã được xác định. Vậy phải làm gì và làm như thế nào để có thể khai thác tối ưu các tiềm năng đó cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.

Đối với Thái Bình, việc xác lập một cơ cấu tổng thể kinh tế hợp lý, đặc biệt lưu ý đến cơ cấu trong nội bộ từng ngành kinh tế, nhất là trong cơ cấu của tỉnh thì ngành nông nghiệp hiện chiếm tới 40% so với tổng GDP chung. Do đó, việc bố trí, sắp xếp sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp thật sự hợp lý, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi; giữa cây trồng lương thực với các cây trồng khác; giữa chăn nuôi gia súc với chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản; và trong cây trồng lương thực; giữa cây giống có năng suất cao với cây trồng là sản phẩm hàng hóa cơ cấu sản xuất hợp lý thì mới đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh thời kỳ kế hoạch.
Sản xuất, bố trí cơ cấu sản xuất cây trồng có vai trò quan trọng đặc biệt, quyết định đến toàn bộ sự thay đổi của sản xuất, theo hướng phát triển cao. Trong đó, sắp xếp bố trí sản xuất theo yếu tố tác động kết cấu diện tích và kết cấu giống cây trồng là rất cần thiết đối với việc quản lý và chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp trong tiến trình CNH, HĐH đất nước.

2.Giải pháp về đầu tư vốn

Một trong những giải pháp về đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở nước ta, Hội nghị TW (khóa IX) đã chỉ rõ: Về tài chính, tín dụng, Nhà nước cân đối các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư thích đáng cho phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; Các tổ chức tín dụng hoạt động dưới nhiều hình thức đa dạng ở nông thôn với lãi suất thỏa thuận, tăng mức cho vay và tạo thuận lợi về thủ tục cho vay đối với người sản xuất và các tổ chức kinh tế ở nông thôn; Thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng các hình thức bán trả góp vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp cho nông dân, ứng vốn cho dân vay sản xuất nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.v.v…Như vậy, việc đầu tư vốn cho phát triển kinh tế rõ ràng là một yêu cầu thiết yếu,bắt buộc.

Xem xét một cách tổng quan về vốn đầu tư phát triển hàng năm của tỉnh Thái Bình cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng thì thấy, những năm qua tổng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tăng khá mạnh, năm 2007 là 4.297.618 triệu đồng, sang đến năm 2011 là 14.942.329 triệu đồng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thì mức vốn đầu tư đang giảm mạnh từ 570.441 triệu đồng năm 2007 (chiếm 12,3% so với tổng vốn đầu tư của tỉnh) giảm dần và nhanh hơn ở các năm 2008, 2009, 2010, 2011 với các số liệu tương ứng là 628.108 triệu đồng (chiếm 10,2%); 536.980 triệu đồng (6,5%); 381.336 triệu đồng (3,6%) và 395.750 triệu đồng (chiếm 2,6%) [1].

Như vậy, vấn đề thực hiện giải pháp vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình trong các thời kỳ kế hoạch tới, trước hết phải căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ kế hoạch; trên cơ sở đó xác định mức độ vốn đầu tư cho từng hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế trong tỉnh nhiều hay ít, bảo đảm thỏa mãn điều kiện tối đa và cân đối giữa thu và chi hợp lý. Trong đó, dành phần ưu tiên đầu tư vốn cho các ngành kinh tế chủ yếu, mũi nhọn của tỉnh, những ngành có triển vọng phát triển, hoặc mới được khôi phục, mở rộng như kinh tế trang trại,kinh tế biển, nghề và làng nghề…   
                                                                          
3.Giải pháp về khoa học, công nghệ

Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ cho sản xuất, coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh tế nông thôn. Trong những năm đổi mới, trên mặt trận sản xuất nông nghiệp ở nước ta nói chung, Thái Bình nói riêng, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã có bước tiến đáng kể, gặt hái thành công về năng suất, sản lượng cây trồng và vật nuôi đạt mức tăng trưởng cao. Song, so với yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong tiến tình đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, hiện sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số yếu kém như giống cây trồng và vật nuôi còn thua kém so với các vùng, các tỉnh và với các nước trong khu vực; Hệ thống công cụ canh tác và công nghệ, kỹ thuật chế biến nhìn chung vẫn còn lạc hậu, công suất thấp, làm giảm đáng kể phẩm chất, chất lượng sản phẩm, giá thành đơn vị sản phẩm còn cao, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường; Khoa học quản lý nền sản xuất nông nghiệp và xã hội nông thôn trong bước chuyển sang thị trường còn không ít bỡ ngỡ, yếu kém…

Để giải quyết những tồn tại và yếu kém trên, chúng tôi thực hiện giải pháp khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và kinh tế- xã hội nông thôn trên địa bàn tỉnh trong những năm tới: ngoài việc nâng vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ lên đạt mức trung bình so với cả nước, cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nghiên cứu khoa học như trạm, trại phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn sao cho có đủ khả năng và điều kiện giải quyết những vấn đề thực tiễn do sản xuất nông nghiệp đặt ra, đặc biệt là vấn đề nghiên cứu giống và cây con.

Tăng mức đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất. Ngoài vốn ngân sách, cần động viên khai thác sự đóng góp của các thành phần kinh tế. Khuyến khích cá nhân và tập thể mở rộng, trao đổi hợp tác khoa học và công nghệ với bên ngoài.

Tổ chức đào tạo lại đội ngũ cán bộ nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều hình thức, áp dụng cho từng đối tượng như đào tạo tập trung, tại chức, bồi dưỡng ngắn hạn… Đồng thời có chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ khoa học kỹ thuật người địa phương đang làm việc ở nơi khác.

Đổi mới cơ chế quản lý nhằm phát triển thị trường công nghệ. Coi sản phẩm nghiên cứu về khoa học và công nghệ là loại hàng hóa đặc biệt; coi trọng nhập khẩu và ứng dụng có hiệu quả công nghệ mới tạo động lực về lợi ích để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ gắn bó với sản xuất, kinh doanh hướng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh từng sản phẩm.
 
KẾT LUẬN
 
Thái Bình là tỉnh nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn của Vùng đồng bằng sông Hồng. Điều kiện tự nhiên sinh thái của tỉnh tạo nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng; đặc biệt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản nước mặn và lợ. Từ những năm đổi mới cho đến nay, ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Bình có tốc độ tăng trưởng khá và luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong việc nuôi sống đại bộ phận dân cư nông nghiệp và ổn định xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vai trò của nông nghiệp trong tổng thể nền kinh tế của tỉnh đang có xu hướng giảm dần. Vấn đề cần đặt ra cho tỉnh những năm tới là phát triển nông nghiệp theo hướng nào cũng luôn phải dựa trên quan điểm tạo ra nhiều của cải nhất, nuôi sống được nhiều người nhất trên cơ sở phấn đấu hiện đại hóa nông nghiệp, đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Thực hiện đồng bộ cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, phát huy có hiệu quả các tiểu vùng kinh tế của tỉnh. Đặc biệt phải gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến.

SUMMARY
Thai Binh is one of provinces in big foodstuff production area in Red river Delta. Natural and ecological conditions of Thai Binh is favourite for comprehensive agriculture development, diversified crops structure, especially brackish and saline aquaculture. F-rom innovation process to now, growth speed of agriculture in Thai Binh is quite high and it plays a leading role in livelihood and social stabilization. However, its role is reducing gradually nowaday. Agriculture development orientations in next years are: developing agriculture must cre-ate the most wealth, keep alive the most people based on agriculture modernization and technology application; implementing mechamization and automation in production process; improving intensive cultivation and increasing crops productivity; changing agriculture structure follows the trend of high-qua
Liên kết website khác